Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Về phim Brooklyn (thì ít mà về chuyện linh tinh thì nhiều)

Nguyệt trong đáy nước nguyệt trên không
Nguyễn Trãi

Phim Brooklyn là một phim tôi thấy rất thú vị về mặt lịch sử vì chắc chắn nó sẽ lấy được lòng những người từng rời bỏ quê hương để nhập cư vào nước Mỹ, hoặc ít nhất là những người từng chật vật chui qua hải quan để vào cái đất nước này, dù chỉ để đi chơi. Phim của Anh (BBC) làm chung với Ireland và Canada, kể về cô gái trẻ Ellis (tiếng Tỏi nên đọc là Ay-lísh) rời một ngôi làng nhỏ ở Ireland để đến nước Mỹ vào những năm 1950. Thời kì đầu cô bị nhớ nhà nên cảm thấy rất thảm, cho tới khi cô gặp và yêu một anh Tony (không phải Stark, thấy anh này thật ra giống Captain America hơn) gốc Ý. Xong vì chị cô đột ngột qua đời, cô phải trở về Ireland để cho mẹ vui. Trước khi đi, cô và anh Tony lên phường đăng ký kết hôn. Cô về nhà, xong có nhiều chuyện xảy ra, xin mời coi phim để biết.

Hình trong phim, dĩ nhiên.

Vì sao có tên Brooklyn? Vì người Ireland nhập cư vào nước Mỹ từ phía Đông sẽ tới New York và tập trung ở Brooklyn. Tương tự, nếu phim này thay người Ireland bằng người Việt Nam thì sẽ có tên là Quận Cam Orange County gì đó. Dĩ nhiên dân Ireland không phải là một sắc dân thiểu số ở Mỹ, gần 1/10 dân số nước này có máu Ireland trong người, nhiều tổng thống là dân gốc Ireland. Nhà Bush là Irish chính cống, chưa kể Obama cũng có máu Irish bên họ ngoại.

Lúc tôi đi từ London qua Mỹ có quá cảnh ở Dublin. Nhẽ đâu dân Ireland đi qua lại Mỹ như đi chợ mà Mỹ cho đặt nguyên cái preclearance ở Dublin để rà sẵn trước visa và giấy tờ. Tới khi tôi xuống San Fran thì chỉ cần đi lấy giỏ và xách đít đi ra khỏi sân bay còn dễ hơn đi về Tân Sơn Nhất.

Tôi xem phim này chủ yếu là vì xem trailer thấy Saoirse Ronan mặc áo đầm và để tóc 1950s (tôi là con người lạc hậu, cảm ơn, không cần phải phê bình), khác hoàn toàn với hồi bạn còn nhỏ đóng phim Hanna cách đây 5 năm. Ngoài ra, tôi không mong đợi gì hơn. Thế nhưng diễn xuất + cốt truyện khiến cho việc xem phim này trở thành một trải nghiệm hấp dẫn và tôi rất đồng cảm vì tất cả những gì diễn ra trong phim gần y hệt những gì tôi trải qua gần nửa năm nay.



Tôi từng có một hình ảnh về Ireland trong đầu những năm tôi 16 tuổi, với những bài wiki tôi đọc, những bản nhạc tôi nghe. Sau 5 năm sống ở hòn đảo kế bên, và có những người bạn Ireland đi ra đi vào cuộc sống của mình, từng đặt chân lên mảnh đất đó, dù chỉ trong sân bay, thấy tiếng Tỏi ghi ở khắp nơi đè lên trên tiếng Anh của bọn xâm lược, hình dung của tôi về Ireland hầu như vẫn như vậy. Vẫn là cái gì đó mơ hồ nhưng mát mẻ và khó diễn tả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét