Trang
Mây và sóng
Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.
Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013
Buddhist Ethics - Đạo đức học Phật giáo - Một dẫn nhập ngắn
Tôi vừa đọc xong quyển "Đạo đức học Phật giáo - Một dẫn nhập ngắn" (Buddhist Ethics - A very short introduction) của Damien Keown. Oxford vừa gửi sách tới trả công cho tôi thì tôi trông thấy thông tin NXB Tri Thức sắp ra bản tiếng Việt. Thế nên nhân tiện quảng cáo luôn cho Tri thức: http://www.nxbtrithuc.com.vn/sach-tri-thuc/sach-sap-xuat-ban/864-dao-duc-hoc-phat-giao
Tôi đã từng viết về cuốn dẫn nhập kia của ông Keown, mời xem ở đây, hehe.
Lần này chắc tôi không viết một bài dài như vậy cho cuốn này được. Nhưng nói chung cách tiếp cận của ông Keown trong cuốn này vẫn rất thú vị. Vốn dĩ là một cuốn Dẫn nhập, sau khi tóm lại vài ý chính về đạo Phật, ông nói sơ lược về nền luân lý học / đạo đức học (nghĩa là triết học về đạo đức) của phương Tây: việc bộ môn Ethics này được chia làm 3 phân môn: đạo đức học mô tả, đạo đức học chuẩn tắc / quy phạm và metaethics, rồi nói lại về các lý thuyết đạo đức học tiêu biểu ở phương tây của Aristotles, Kant và John Stuart Mill. Nói một thôi một hồi ông bắt đầu vào việc so sánh vài khía cạnh trong nền đạo đức Phật giáo và phân loại sắp đặt nền đạo đức này vào các lý thuyết của Tây.
Rồi trước khi phân tích từng khía cạnh, ông Keown nêu ra những quy tắc hệ thống khi "xét duyệt" những ý tưởng được cho là thể hiện quan điểm của Phật giáo về các vấn đề đạo đức / luân lý. Ví dụ như: (i) quan điểm phải được chép trong kinh điển Phật giáo rõ ràng, (ii) phải được thể hiện trong các văn bản phi-kinh điển hoặc văn bản diễn giải, vân vân...
Sau đó là tới phần phân tích từng khía cạnh luân lý. Nếu hồi nãy bạn có bấm vô link tôi quảng cáo giùm Nxb Tri thức thì chắc cũng đọc được các khía cạnh đó. Ông Keown trình bày, phân tích, so sánh và nhận định quan điểm của Phật giáo lần lượt về:
i. Thú vật và Môi trường
ii. Tính dục (ở một khía cạnh nào đó còn nói về Nữ quyền và Misogynism)
iii. Chiến tranh và Chủ nghĩa Khủng bố (hay còn nói về bất bạo động, bất hại, về chiến tranh chính nghĩa): Chương này có một ý rất hay về sự khác biệt giữa violence và force. Violence bao hàm sân giận, trong khi force trung tính hơn rất nhiều. Nó làm tôi nghĩ tới việc muốn làm quay bánh xe Pháp cũng cần phải có lực. Lực / Sức mạnh không mang nghĩa bạo động.
iv. Vấn đề phá thai
v. Suicide and Euthanasia (bản tiếng Việt của Tri thức sẽ dịch là Tự tử và Cái chết tự nguyện): bàn về cái chết của ngài Thích Quảng Đức trên đường phố Sài Gòn, có một đoạn trích trong cuốn "Hoa sen trong biển lửa" của thầy Nhất Hạnh. Đây là một chương rất hay (ơ, thực ra chương nào tôi thấy cũng hay cả).
vi. Cloning (bản tiếng Việt sắp ra dịch là Sinh sản vô tính, nhưng cá nhân tôi nghĩ cụm "Nhân bản vô tính" sẽ hợp hơn rất nhiều, vì ở đây không chỉ gói gọn trong việc clone nhằm mục đích sinh sản).
Trong phần phá thai có nói về tục Mizuko Kuyoo của người Nhật làm chay cho đứa trẻ bị từ bỏ. Đứa trẻ được gọi là thủy tử (con nước - mizuko). Chữ con nước gần với khái niệm đứa trẻ còn trong trứng nước trong tiếng Việt. Đứa trẻ được cung dưỡng (kuyoo) dưới hình tượng Bồ tát Địa tạng cùng với nhiều đồ chơi với niềm tin rằng những đứa trẻ chưa ra đời sẽ trở lại đâu đó ngồi chơi trên bờ nước tiếp tục chờ đản sinh. Tới khi tối trời, lúc gió lạnh nổi lên, Bồ tát Địa tạng sẽ tới và che chở cho bọn trẻ bằng áo cà sa của Ngài, lắc những cái vòng leng keng trên thiền trượng của ngài và ru bọn trẻ ngủ.
Ông Keown chép lại một bài hát thường hay hát trong lễ chay cho thủy tử. Tôi không tìm ra bản gốc bằng tiếng Nhật hay gì cả. Dưới đây tôi tạm dịch từ tiếng Anh của ông Keown.
A hymn to Jizō often used in the mizuko kuyō liturgy
Bài hát tụng Địa tạng vương Bồ tát thường được cử trong lễ cúng thủy tử
Be not afraid, little dear ones,
You were so little to come here,
All the long journey to Meido!
(Đừng sợ, này hài tử,
Đường tới Minh Thổ còn dài
Mà con còn bé bỏng biết mấy!)
I will be Father and Mother,
Father and Mother and Playmate,
To all the children in Meido!
(Ta sẽ làm Cha làm Mẹ con
Làm Cha, làm Mẹ và làm Bạn chơi cùng
Với tất cả hài tử trong cõi Minh Thổ.)
Then he caresses them kindly,
Folding his shining robes around them,
Lifting the smallest and frailest
Into his bosom, and holding
His staff for the stumblers to clutch.
(Rồi Ngài vuốt ve các con thật dịu dàng
Gấp nếp quang y che chở các con
Ngài bồng đứa nhỏ nhất yếu nhất
Đặt vào lòng Ngài và giơ thiền trượng
Cho những đứa trẻ bất hạnh đưa tay bắt lấy.)
To his long sleeves cling the infants,
Smile in response to his smiling,
Glad to his beauteous compassion.
(Các hài tử bám lấy tay áo Bồ tát
Cười cùng với Ngài
Hân hoan trong niềm từ bi đại hạnh.)
__________________________________
Minh Thổ (Meido) chỉ là cách nói nhẹ nhàng hơn để chỉ Địa ngục.
Nói chung tôi thấy cuốn sách này vẫn có khuyết điểm đó là do nó vốn chỉ là một cuốn Dẫn nhập, tôi đọc xong vẫn thấy chưa đã. Nếu muốn đã chắc phải tìm những cuốn bự hơn. Thêm nữa, như ông Keown nhận xét rằng ổng chủ yếu nghiên cứu về Theravada, tôi thấy cuốn này vẫn chưa đề cập nhiều tới vài quan điểm từ góc nhìn Đại thừa. Thêm nữa, ông Keown (hoặc ai đó) cũng có nói đâu đó rằng vẫn phải xem xét về sự hòa trộn giữa Phật giáo và các nguyên lý văn hóa bản địa. Tuy trong sách có bàn về vài vấn đề (ví dụ chiến tranh chính nghĩa) từ nhiều góc nhìn văn hóa (dẫn chứng về cuộc chiến tranh ở Tích Lan, rồi vụ vua Asoka ở Ấn Độ, rồi các giáo phái Thiền tông Nhật trong Thế chiến II), nhưng tôi vẫn cảm thấy vẫn chưa nhiều. Đó là lý do tôi nói "chưa đã".
Tôi hy vọng Nxb Tri thức sẽ có một bản Việt dịch thật hay của cuốn Dẫn nhập này.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
cần có fiel đọc cho mọi người cần nghiên cứu. bị hạn chế quá
Trả lờiXóacần có fiel đọc cho mọi người cần nghiên cứu. bị hạn chế quá
Trả lờiXóaKhông hiểu bạn nói gì nhưng nếu bạn cần có thể ra nhà sách mua mà.
Trả lờiXóa