Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Củng kim âu, Đăng đàn cung, Quân chi đại


鞏金瓯,
承天幬,
民物欣鳧藻,
喜同袍,
清時幸遭。
真熙皞,
帝國蒼穹保。
天高高,
海滔滔。

Hán Việt:
Củng kim âu,
Thừa thiên trù,
Dân vật hân phù tảo,
Hỉ đồng bào,
Thanh thời hạnh tao.
Chân hi hạo,
Đế quốc thương khung bảo.
Thiên cao cao,
Hải thao thao.

Dịch thô:
Củng (cố) âu vàng,
Gánh màn trời,
Dân no ấm vui như vịt được rong,
Vui đồng bào,
Nhà Thanh gặp thời may.
Thật sáng sủa, thật sướng vui,
Đế quốc trời cao che chở.
Trời cao cao,
Biển cuồn cuộn (Biển ào ào?)




____________________

Tôi tự nhiên tìm được bài quốc ca chính thức của Đế quốc Mãn Thanh là bài "Củng Kim Âu", được Tuyên Thống đế Phổ Nghi phê chuẩn, nhưng vài ngày sau là khởi nghĩa Vũ Xương cùng với Cách mạng Tân Hợi nổ ra, giải tán Đế quốc Mãn Thanh.

Tôi gọi Đế quốc Mãn Thanh ở đây là chỉ cả nước Trung Hoa khi bị người Mãn Châu cai trị. Đế quốc Mãn Thanh phân biệt với Đế quốc Mãn Châu sau này được Đế quốc Nhật Bản bảo hộ, lãnh thổ gồm phần đất phía Đông Bắc giáp Triều Tiên, Liên Xô và Mông Cổ.

____________________

Tôi tìm bài "Đăng đàn cung" quốc ca của triều Nguyễn và cả Đế quốc Việt Nam sau này (cũng do Đế quốc Nhật Bản bảo kê, cho vô khối thịnh vượng chung Đại Đông Á luôn), nhưng tìm nát mạng cũng không thấy bản nào có lời của ông Nguyễn Phúc Ưng Thiều soạn để đón Hoàng đế Bảo Đại.

____________________

Nhân tiện tôi đăng lên luôn bản Kimi ga yo (Quân chi đại - Triều đại của Người) quốc ca nước Nhật. Đây là video quốc ca hay và đẹp nhất tôi từng được xem.



君が代は
千代に八千代に
さざれ(細)石の
いわお(巌)となりて
こけ(苔)の生すまで

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Não ở đây vậy tôi ở đâu?

Trong cuốn Chim lửa tập Tái sinh (Resurrection hay tựa tiếng Nhật là 復活 - fukkatsu Phục hoạt), Tezuka làm hai cuộc giải phẫu giả tưởng: ghép não của bà trùm mafia vào xác cậu thanh niên và sao ghép thông tin từ não cậu thanh niên và từ "não" con robot vào một bộ não nhân tạo để tạo ra Robita. Kết quả là bà trùm mafia sống dậy trong xác cậu thanh niên, còn cậu thanh niên nhập vào làm một với tình yêu là con robot Chihiro của mình.

Ở đây tôi hiểu rằng Tezuka áp dụng cái thuyết "não tôi ở đâu thì cái gọi là tôi ở đó". Trong phần đầu bài luận Where am I? (Tôi ở đâu?) của Daniel Dennett, ông kể một câu chuyện tưởng tượng: ông được chính quyền Mỹ mời làm một dự án khoa học. Trong dự án này, ông phải tiếp xúc với một loại tia, tia này gây tổn thương tới một loại mô não nhất định, ngoài ra không ảnh hưởng gì các bộ phận khác. Do đó, ông được làm một cuộc giải phẫu đưa não ra khỏi hộp sọ của ông, nuôi trong bể kính, và truyền thông tin tới cơ thể ông thông qua sóng điện từ nhận bởi ăng-ten trên hộp sọ. Sau cuộc phẫu thuật, ông đi đến phòng nuôi não của mình, nhìn vào cái não đang nổi lềnh bềnh trong lồng kính, tự hỏi mình đang ở đâu. Liệu ông có thể nghĩ mình đang nằm trong lồng kính đối diện với đôi mắt của chính mình hay không. Rồi ông đưa ra ba giả thuyết:
1. Não tôi ở đâu thì "tôi" ở đó.
2. Thân tôi ở đâu thì "tôi" ở đó.
3. Cái gọi là "tôi" ở bất kỳ nơi nào mà nó đang nghĩ tới.

Giả sử chúng ta có thể hoán đổi não như trong truyện Chim lửa, A và B làm một cuộc đổi não. Não của A ghép vào người B, não B ghép vào người A. Kịch bản mà ai cũng hình dung ra trong đầu là khi tỉnh dậy, A sẽ thấy mình trong xác B, và B thấy mình trong xác A. Ở đây chúng ta đang bỏ qua cái "linh hồn", kiểu tráo đổi hồn phách này nọ như kiểu hồn Trương Ba da hàng thịt. Đó là chúng ta đang mặc định áp dụng thuyết "não tôi ở đâu thì tôi ở đó". Nhưng áp vào trường hợp tách não như của Dennett, ta mới thấy rõ ràng thuyết này hơi kỳ. Theo như Dennett, thì ta thấy mình có vẻ ở trong cái xác không não thì đúng hơn, nghĩa là theo cái thuyết "thân tôi ở đâu thì tôi ở đó". Nhưng thuyết này khi áp dụng vào trường hợp ghép não lại bị kỳ cục, thân người B chứa não người A sẽ tự nhận mình là A (theo não) chứ không phải người B (theo thân).

Như vậy, có thể cả hai giả thuyết 1 và 2 đều có vấn đề. Tôi nghĩ vấn đề nằm ở ý niệm "ở đây". Khi nói "tôi ở đây" nghĩa là tôi tương tác với môi trường xung quanh thông qua các giác quan (thọ tưởng hành thức gì đó). Nói một kiểu rất sáo rỗng (tôi thấy sáo) là ý thức về thực tại có được do não tương tác với giác quan. Đây có lẽ là một kiểu chỉnh sửa cho thuyết "não". Trong trường hợp ghép não, rõ ràng não A có ý thức rằng nó đang ở trong cơ thể B là nhờ nó tương tác với các giác quan của B. Trong trường hợp Dennett, rõ ràng não có ý thức nó ở trong cơ thể không não là nhờ nó các giác quan báo với nó qua sóng điện từ.

__________________

Ê, nhưng những trường hợp trên đều là giả tưởng. Giả tưởng nghĩa là tất cả những cái như là não A thấy mình trong xác B đều là kịch bản tưởng tượng. Dù nghe có đúng hay tất lẽ thế nào thì dù sao cũng chỉ là giả tưởng. Biết đâu được nếu một ngày người ta ghép não được, như là ghép tim hiện nay vậy, ông B sau khi ghép tim ông A vẫn tự nhận mình là B, thì khi ghép não ông A sẽ vận tự nhận mình là B. Não có gì đặc biệt hơn toàn bộ phần còn lại của cơ thể con người để mà cho rằng nó chứa đựng cái gọi là "tôi". Người ta cho rằng não chứa đựng ký ức của con người, mà ký ức (phần nào) quy định cái tự nhận là "tôi".

Sau đây là một thí nghiệm giả tưởng nữa của Stephen Law. Giả sử có một cái máy, tôi bước vào hộp 1, nhấn nút, toàn bộ thông tin về từng nguyên tử cấu tạo nên cơ thể tôi sẽ được chuyển sang hộp 2 để tái tạo lại một bản sao y chang con người tôi, và cơ thể ở hộp 1 sẽ bị phân rã hoàn toàn. Chúng ta không xét về mặt cơ học lượng tử phức tạp này nọ rằng liệu thông tin có chính xác không hay là sẽ có sai số và vì vậy, bản sao có thực sự giống không, ở đây ta giả sử bản sao giống y hệt. Nghĩa là bản sao A' của ông A có ký ức y hệt, tư duy y hệt bản gốc ông A. Vậy có thể nào xem như ông A đã được "dịch chuyển" tức thời từ hộp 1 sang hộp 2 không? Vậy người bước ra từ hộp 2 có thể nào xem là ông A không, hay chỉ là một bản sao A'? Nếu A' suy nghĩ và có ký ức giống hệt A, vậy A' có tự nhận mình là A không? Nếu tôi là A', tôi sẽ nhớ mình đã đứng ở hộp 1 vài giây trước, nhấn nút và biến sang hộp 2, vì não (ký ức) của tôi được tái tạo giống hoàn toàn, nhưng tôi có dám nói mình chính là "tôi" không?

Lại tiếp tục giả sử có một trục trặc gì đó với cái máy, sau khi bấm nút, tôi trong hộp 1 không biến mất, nhưng tôi trong hộp 2 vẫn được tạo ra. Khi đó, bước ra khỏi hộp 1 là tôi, còn bước ra khỏi hộp 2 có phải là "tôi" không? Vậy tôi ở đâu? Có thể nào cả hai đều là tôi không?

_________________

Mấy hôm gần đây tôi bỗng tập nhìn thực tại theo kiểu một chuỗi continuum. Continuum là một chuỗi liên tục. Hãy hình dung một bộ phim, thực chất nó là một chuỗi những hình ảnh ngắt quãng được xếp liên tục nhau, 24 hình một giây.

Bụt dạy ta là tổng thể của năm cái hợp lại: sắc thọ tưởng hành thức. Năm yếu tố, một cái sắc là thân xác vật lý, bốn cái kia là thuộc tâm (lý). Năm cái này hợp lại gây ra cái gọi là "tôi", ngoài năm cái ra, không tìm được tôi ở đâu cả.

Khi bơi trong hồ tôi lại nghĩ đến những lát cắt ngắt quãng, ở tại mỗi điểm của thời gian, tất cả những nguyên tử trong tôi, lẫn những nguyên tử trong hồ bơi, đều có một giá trị tọa độ kỳ vọng nhất định. Các giá trị ấy, ở mỗi thời điểm là mỗi khác. Ứng với mỗi cái "sắc", tôi lại được khuyến mãi thêm bốn cái "thọ tưởng hành thức" đi kèm.

Tôi cũng nghĩ đến dòng nghiệp như một sợi chỉ, hay một vector, để khi năm uẩn tạo nên ta bị hoại rữa, năm uẩn khác lại tạo ra. Như mộng huyễn bào ảnh, như lộ, diệc như điện. Chuỗi continuum tiếp tục khi ta chết đi. Năm uẩn mới lại được tạo ra ở từng lát cắt không-thời gian khác. Không thể nói là "tôi" tái sinh, mà là dòng nghiệp vẫn tuôn chảy.




Bài luận Tôi ở đâu? của Daniel Dennett:
www.lehigh.edu/~mhb0/Dennett-WhereAmI.pdf‎

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Chùa nơi đâu một tiếng chuông rơi



Tôi tìm thấy clip giới thiệu về bài Tây Hồ hoài cổ của Nguyễn Công Trứ do ca nương Nguyễn Kiều Anh hát. Nhân tiện chép về để sau này dễ tìm.


Tôi thích bốn câu:


Mà cỏ hoa man mác dấu thương đài
Để khách rượu làng thơ ngơ ngẩn
Hương tiêu Nam quốc mỹ nhân tận
Oán nhập Đông phong phương thảo đa.

Dấu thương đài là dấu rêu xanh. Thương (滄) là xanh, Đài (苔) là rêu.
Còn hai câu chữ Hán ở dưới, theo Bách độ Bách khoa (Baidu Baike) của TQ (http://baike.baidu.com/view/621509.htm?fromTaglist) thì là trong bài thơ Kinh Dạng đế hành cung, của Lưu Thương đời Đường, nghĩa là:

Hương tàn mỹ nhân Nam quốc hết
Giận vào gió Đông nhiều cỏ thơm.


Nhân tiện chép nguyên bài thơ Đường kia ra (bản chép là chữ giản thể theo trang Baidu của TQ), vì tôi thấy cũng không quá khó hiểu.



Thử địa tằng kinh thúy liễn qua,
Phù vân lưu thủy cánh như hà?
Hương tiêu Nam quốc mỹ nhân tận
Oán nhập Đông phong phương thảo đa.
Tàn liễu cung tiền không lộ diệp
Tịch dương xuyên thượng hạo yên ba
Hành nhân diêu khởi Quảng Lăng tứ
Cổ độ nguyệt minh vấn trạo ca.

Dịch:

Tựa đề: Qua hành cung của Dạng đế

Đất này từng thấy thúy liễn (xe vua, green chariot) qua

Mây trôi nước chảy rốt cuộc như thế nào?
Hương tàn mỹ nhân Nam quốc hết
Giận vào gió Đông cỏ thơm nhiều.

Liễu tàn trước cung không một lá ướt sương
Tịch dương trên sông mênh mông khói sóng.
Người đi thức dậy nhớ Quảng Lăng
Đò cũ trăng sáng nghe bài hát chèo thuyền.



Cuối cùng, xin kết thúc bằng 4 câu của Nguyễn Công Trứ trong bài ca trù:
Bóng kỳ đài giăng mặt nước như in, 
Tàn thảo thụ lum xum toà cổ sát.
Chiếc cô vụ, mảnh lạc hà bát ngát
Hỏi năm nao vũ quán điếu đài. 

Cổ sát là cái chùa cũ. Sát là từ Hán mượn từ tiếng Phạn, theo từ điển Thiều Chửu là cái cột trước cửa cái chùa để đánh dấu "đây là nhà chùa".


Cô vụ (hay cô phụ): con cò lẻ. Lạc hà: ráng chiều. Để ý tiếng Việt của Nguyễn Công Trứ rất hay: "chiếc cò lẻ" và "mảnh ráng chiều".

Vũ quán: quán múa, điếu đài: đài câu.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Cơ mà đằng trước, cơ mà đằng sau

Dạo 7, 8 năm gần đây tôi thấy người ta phát triển cái lối nói dùng chữ cơ mà thay cho chữ nhưng mà. Cái lối này xuất hiện đủ chỗ từ truyện ngắn của thầy Nhật Chiêu cho tới lên trên báo mạng, rồi lan ra cả mấy cái status facebook. Tôi luôn cảm thấy cái cách dùng này có chi không đúng đắn, nên không bao giờ dùng cả. Ở đây tôi sẽ thử phân tích chút xem sao.

Chữ cơ mà vốn được dùng tương tự chữ kia mà. Khi đó nó nằm ở cuối câu. Người ta có thể bảo rằng cụm này mang hàm ý nhấn mạnh điều vừa được nói tới.

Ví dụ: - Con không ăn bánh mì nữa đâu. Con vừa ăn cơm rồi cơ (kia) mà.

Tôi ngồi nghiệm một lúc thì thấy ngoài cách lý giải lớt phớt hời hợt trên, chính xác mà nói, cụm này mang hàm ý trả lời cho câu hỏi tự đặt ra "Vì sao tôi nói cái ý vừa nói?"

Lấy cái ví dụ trên, lời phát biểu trên có thể hiểu là mang hàm ý như sau: Con không ăn bánh mì nữa đâu, vì sao con nói như vậy, đó là vì con vừa ăn cơm rồi.

Lấy thêm ví dụ số hai: - Trời hôm nay đẹp nhỉ! Tối qua còn mới mưa cơ mà.
Câu này mang hàm ý: Trời hôm nay đẹp nhỉ! Vì sao tôi phải thốt lên như vậy, vì tối qua còn mới mưa, thế mà hôm nay đã đẹp thế này rồi.

Lấy ví dụ số ba nữa cho tăng độ tin cậy: - Ê, bỏ cái ví đó xuống! Của tao cơ mà!
Lại như cách phân tích cũ, câu này hàm ý: Ê, bỏ cái ví đó xuống. Vì sao tao phải hét lên như vậy, vì cái ví đó của tao [không phải của mày].

Khái quát lên sẽ như vầy:
[Phát biểu A]. [Phát biểu B] cơ mà.
= Tôi nói A. Vì sao tôi lại nói A, vì B. 
Đấy, cách dùng cơ mà tôi vốn biết là như thế.

Khi chế biến nó lại tương đương nghĩa với nhưng mà, người ta vứt chữ cơ mà lên đầu câu hoặc nhét vào giữa hai vế, và xài y chang nhưng mà. Tôi lấy vài ví dụ:
Vd4: Một đêm luyện hết đống season 8 của How I Met Your Mother hôm rày bỏ giữa chừng. Quá đã. Cơ mà vợ Ted sao xấu thế :(    ----  status facebook của Le Minh Dao.
Vd5: Hôm nay đi chơi thật đã. Mệt cơ mà vui.
Đại để là như thế. Tuy nhiên, xét kĩ một chút thì có thể thấy được cách dùng cơ mà này có sắc thái khác với nhưng mà. Nó thể hiện phần nào sự ngập ngừng của người nói. Chỉ thế thôi, tôi chưa thấy được chỗ nào khác nữa.

Tôi không biết gốc gác của sự phát triển lối nói này. Có thể nó là một phương ngữ của một vùng nào đó, đột ngột phát triển thành một lối nói thông dụng được các bạn trẻ (và vài bạn già) dùng. Có thể bất chợt nó nảy ra từ một cộng đồng, một cá nhân nào đó, rồi nhiều người khác nhắm mắt nói theo. Tôi không và không muốn phản đối tiến trình phát triển của ngôn ngữ. Nhưng tôi thấy chúng ta nên có một cái nhìn phê phán hơn, để ý hơn trong lời nói của mình. Chúng ta có thể tôn vinh những thứ sáng tạo, nhưng đừng a dua và làm theo những cách nói sai của một vài cộng đồng nào đó.

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Đóa hồng có tên




Quả thật, "Tên của đóa hồng" là một bản dịch cực kỳ công phu của ông Lê Chu Cầu. Umberto Eco viết nên một cuốn sách đồ sộ, còn ông Chu Cầu hẳn cũng phải lao động rất mệt mỏi để chuyển cuốn sách tiếng Tây sang thành một bản Việt dịch tuyệt hảo.

Là một học giả semiotics (dịch là ký hiệu học chăng? tôi thấy hơi điêu) hàng đầu thế giới, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Eco mang một tầm vóc (theo tôi là) lớn hơn so với những kiến thức về ký hiệu học giải trí của Robert Langdon trong truyện của Dan Brown (Langdon được miêu tả là giáo sư về symbology: cái quỷ này mới là ký hiệu học nè). Quyển sách thực sự khiến tôi choáng, không biết diễn tả thế nào, nhưng không phải choáng theo cái kiểu hồi nhỏ dại đọc những cuốn sách đồ sộ mà không hiểu gì hết, bất khả tri giác. Cảm giác choáng giống như kiểu vừa phải vật lộn với những ngôn từ, tranh luận thần học liên miên, vừa để ý và tận hưởng những liên tưởng, tưởng tượng được từ những cái semiosis đem lại. Ô kê, ngừng vấn đề này lại ở đây, tốt nhất là tôi không nên múa rìu nữa, tôi chả có học hành, nghiên cứu gì về ba cái vụ này, ngay cả chữ semiosis tôi còn không biết dịch như thế nào. Tóm lại, ý tôi muốn nói là nếu mà so với Eco thì truyện của Dan Brown đọc giải trí giống như đọc Đôrêmon vậy*.

Ông Lê Chu Cầu đã tỉ mỉ dùng cả 3 bản dịch: nguyên gốc tiếng Ý, bản dịch tiếng Đức vừa dịch vừa phóng túng chế thêm, và bản dịch tiếng Anh sát nhất nhưng sứt sẹo cắt bỏ lung tung. Trong quá trình đọc cuốn sách, tôi nghiệm ra quan niệm cho rằng bản dịch tiếng Anh luôn là bản dịch chuẩn, tối thượng, kinh điển, canonical... là một quan niệm ấu trĩ và sai lầm. Ví dụ chính là cuốn này, bản dịch của William Weaver lược bỏ tùm lum tà la, được ông Cầu đánh dấu bằng những dấu ngoặc vuông [] trong bản Việt dịch. Cả bản tiếng Ý cũng có một lỗi về logic, có lẽ là lỗi biên tập viên. Ông Cầu phát hiện, chú lại, so sánh rằng bản Anh dịch theo bản Ý nên dịch sai y chang, còn bản Đức chỉnh sửa lại nên diễn đạt đúng về mặt logic.

Ông Cầu cũng tẩn mẩn chú giải đường hoàng từng tích Thánh Kinh và tích thần thoại, cổ tích Tây đầy đủ. Thiển nghĩ ai cũng hiểu rằng đọc sách Tây mà có chú thích tích tiếc đầy đủ cũng thú vị y hệt đọc Truyện Kiều chú đủ tích Tàu, thế nên tôi chẳng cần nói thêm. Ngoài vụ này, ông Cầu cũng đã biên phụ họa chung với Eco về lịch sử Tây thời Trung Cổ (thứ mà đối với dân không chuyên như tôi phần nhiều mù mờ). Nhiều phần ông biên rất hay và thú vị, ví dụ như nhờ ông mà tôi biết được Tòa thánh có vụ bán giấy xá tội sẵn, kiểu như vé giữ chỗ thiên đường hay vé bảo kê khỏi xuống Hỏa ngục, để lấy tiền xây Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican. Chính vụ này là một trong những giọt nước tràn ly khiến Martin Luther tức quá chống lại Tòa thánh.

Dưới đây tôi sẽ ngừng ca tụng ông Eco, ông Cầu và bản dịch của ông, để mà biên lại vài chỗ tôi rút tỉa trong quá trình đọc sách:

1. Trang 56: ông Cầu dịch đoạn miêu tả hình ảnh 24 vị niên lão ngồi dưới chân Chúa Trời trên cánh cổng tu viện có dùng chữ "đội mão triều thiên". Tôi đoán có lẽ chữ "mão triều thiên" là dịch từ cái tiara. Công giáo ở Việt Nam (hay Wiki Việt) dịch cái mão Giáo hoàng đội là "mão triều thiên ba tầng", dùng nhiều trở thành quen luôn. Việc ông Cầu dịch vậy nghĩ cũng chẳng có gì sai. Chẳng qua tôi sực nhớ tới "Mão triều thiên, Mão triều thiên / Ôi hoài vọng hoa niên" của Văn Cao với cơn sốt "Ngàn năm áo mũ" dạo này nên ngứa miệng nói chơi thôi. Tôi tra wiki tiếp thì biết TQ gọi cái papal tiara là Tam trùng miện và Nhật thì gọi là Giáo hoàng quan. Nói cho ra nhẽ thì cách gọi "mão triều thiên" là cách gọi kiểu lấy cái mình có để gọi cái chưa có trong tiếng Việt, nhưng truy tới gốc thì nó không chính xác. Nếu tôi, tôi sẽ dịch giản dị là "đội miện".

2. Trang 138: thầy William nói với Adso về việc người ta thời này (thời Trung cổ) cứ phải khăng khăng củng số niềm tin nơi người dân chất phác bằng cách suốt ngày đi rao giảng về nỗi đau khổ của Chúa Giêsu, của Đức mẹ, và đặc biệt là rao giảng về những đày ải nơi địa ngục. Tôi bất chợt thấy tình cảnh của châu Âu một thời cũng y hệt bên đạo Bụt ở châu Á trung đại, khi mà những quan niệm về địa ngục cũng xuất hiện và lan tỏa đầy rẫy trong dân gian. Bụt có giảng về phương tiện, rằng với từng loại chúng sinh có từng cách thức khác nhau để mà parasamgate (vượt qua bờ kia hoàn toàn), đạt cứu cánh cần đạt. Tôi nghĩ địa ngục cũng là một loại phương tiện để giáo dục một loại chúng sinh nào đó về đạo đức học Phật giáo. Tuy thế, cần phải xét kỹ lưỡng xem nó có liễu nghĩa hay không, có thỏa đủ ba cái ấn không, trước khi lạm dụng nó, in thành poster cỡ bự treo đầy tường đầy cổng chùa chiền để hù dọa người ta.
Thôi, tôi không nhiều lời về vụ này nữa. Lạc đề rồi.

3. Trang 430: ông Cầu chú về Hector, Achilles, Agamemnon và Priam, đụng trúng chỗ nên tôi ngứa miệng thôi. Ông chú thích sai bảo rằng đây là các nhân vật trong Odyssey của Homer. Thực ra trong Odyssey còn có mỗi Agamemnon thôi. Đúng ra phải nói rằng đây là các nhân vật trong Iliad.

4. Trang 475 chép lại đoạn trong phần hát bài thánh ca Dies irae (Ngày phán xét) và trang 525 chép lại đoạn Nuốt cuốn sách nhỏ.
Cả hai đoạn này đều quen thuộc với tôi. Phần lời Dies irae tiếng Latin tôi nghe và hát đi hát lại tới thuộc từ Lacrimosa trong các bản Requiem. Tôi lại cũng nhớ tới phần Dies irae trong Requiem của Verdi, phần nhạc dữ dội rất kinh điển, do Abbado chỉ huy:
Đoạn Nuốt cuốn sách nhỏ thì lại cũng rất quen thuộc với tôi hồi đọc Khải huyền mấy năm trước.

Tự dưng gặp lại những dữ liệu quen thuộc, hẳn trong lòng phải bồi hồi, thêm phần thú vị và đẻ ra nhiều semiosis khác, chẳng phải ru?

5. Và cuối cùng, trang 537, thầy William nói với cậu chủng sinh Adso những lời cuối cùng của sách: "Chân lý duy nhất hữu ích là những công cụ; hãy quẳng chúng đi sau khi đạt mục đích". Tôi nghe thấy ở đây như một lời đồng vọng với dụ ngôn về cái bè của Bụt: Pháp của tôi dạy cũng giống chiếc bè, qua sông rồi thì bỏ lại ở bến, chứ vác theo sau lưng làm gì.

Quỷ không phải Satan. Quỷ chính là tính kiêu căng của tinh thần, là đức tin không chút mỉm cười, là sự thật chẳng hề bợn hoài nghi. Quỷ tàn nhẫn vì nó biết nó đi đâu, và khi đi nó luôn quay về nơi nó xuất phát. Huynh chính là Quỷ, và huynh sống trong bóng tối giống như Quỷ.

(Umberto Eco - Tên của đóa hồng, Lê Chu Cầu dịch)

_______________________


*Để khỏi bị chụp mũ, tôi cũng xin phép nói luôn là tôi không hề có ý chê truyện Dan Brown. Tôi cũng khoái bác Đen Nâu này lắm. Hồi tôi chê cuốn Kẻ trộm sách đọc nhây nhây, không hay bằng Dan Brown, tôi đã bị ném đá, chụp mũ nhiều rồi.

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Những cây cầu đi qua

1.
Trong phim Cuộc đời tuyệt vời của Amélie Poulain có một cảnh rất nhanh chiếu một đoàn xe đạp chạy qua một chiếc cầu. Đó là cảnh tôi nhớ nhất. Nhớ từ lần tôi bất chợt xem qua cuốn phim ở đâu đó [trên mạng].

Tôi nhớ vì cái hình ảnh một đoàn xe đạp chạy qua một chiếc cầu cứ tua đi tua lại trong tâm trí tôi, có lẽ vào cả giấc mơ. Tôi cũng không hiểu vì sao. Tôi không nghĩ tôi bị ám ảnh bởi xe đạp. Từ nhỏ, cứ dịp hè về, hay chả cần hè, cứ chiều đi học về, là tôi lang thang khắp nơi trên chiếc xe đạp nhỏ chạy trên lề đường. Trong chừng hai tiếng đồng hồ buổi chiều, tôi la cà khắp các ngõ hẻm ở vùng Gò Vấp, địa bàn đình An Nhơn mở rộng qua gần bên Xóm Mới. Những cuộc phiêu lưu như vậy diễn ra trong suốt thời kỳ tôi độ sáu tới tám chín tuổi gì đó, và kết thúc vào cái ngày bố biết tôi lén đi với ông anh chạy ra xa lộ xe tải chạy rầm rầm. Từ đó, tôi bị dẹp vụ xe đạp. Thế nhưng, tuy tuổi thơ gắn liền như vậy với chiếc xe đạp, kể cả thời kỳ học cấp hai tiếp tục đạp xe đi học cộng với những chuyến phiêu lưu bằng xe đạp bắt đầu mở rộng hơn, tôi hoàn toàn không có bất cứ một thôi thúc nào về chuyện phải được đạp xe. Nói vậy nghĩa là tôi hoàn toàn không bị ám ảnh bởi chiếc xe đạp. 

2.
Vậy có lẽ tôi bị ám ảnh bởi những cây cầu. 

3.
Những năm đầu đời, quãng đường thân thuộc nhất với tôi là quãng đường bốn cây số về nhà ngoại. Từ rìa đông bắc Gò Vấp chạy 4 cây số qua quận 12, tôi đi qua bốn cây cầu: cầu An Lộc, cầu Giao Khẩu, cầu Ba Thôn ở ngoài, và cây cầu Ba Thôn ngắn ở đường bên trong. Tôi lớn lên cùng với việc từng cây cầu (trừ cầu An Lộc qua sông Vàm Thuật) được đập ra và xây mới. Cây cầu Ba Thôn nối từ nhà ngoại qua chợ được đập ra, rồi con đường đất nhỏ bắt đầu được nâng lên và tráng nhựa. Tôi vẫn nhớ những buổi sáng bà ngoại dắt tôi len qua cây cầu nhỏ chưa hủy hoàn toàn để ra tới chợ phía bên kia cầu, và cả những buổi trưa leo cầu trốn nhà cùng mấy đứa anh em đi chơi điện tử. Ngày ngoại mất, năm tôi tám tuổi, cây cầu đập luôn, xe tang không qua được, phải đi vòng ra xa lộ. Tôi vẫn nhớ mình ngồi trên xe tang, và cứ mỗi lần đi qua một cây cầu là lại nói lên để cho ngoại nghe: "Mình qua cầu Giao Khẩu rồi nha ngoại!".

4.
Cứ vậy, dần lớn lên, danh sách những cây cầu thân thuộc trong thành phố càng mở rộng ra, những cây cầu Kiệu, cầu Công Lý, cầu Khánh Hội, vân vân. Tôi vẫn nhớ cảm giác của mình những năm cuối cấp hai đầu cấp ba khi chạy xe qua cây cầu Công Lý mới. Đỉnh cầu được nâng lên cao hơn cầu cũ nhiều. Trong thoáng chốc băng qua cái đỉnh parabol, nhìn chớp nhoáng xuống chùa Vĩnh Nghiêm, phóng mắt nhẹ ra phía trước thấy những cao ốc phía trung tâm thành phố, lòng tôi ngợp một niềm lâng lâng, như một kiểu khoái cảm nhẹ nhàng. Tôi đã miêu tả cảm giác này trong một bài blog hồi xa xưa đó.

Rồi khi đã đủ lớn để rong chơi [trời phương ngoại?] ra tới tận cây cầu Phú Mỹ khổng lồ, tôi dường trải qua lại niềm sung sướng cũ đã nhờn theo năm tháng. Mỗi lần bí chỗ đi chơi với mấy đứa bạn, tôi đều gợi ý hãy chạy ra cầu Phú Mỹ ở quận 7. Lúc đầu tôi chỉ cho đó là một ý tưởng bất chợt, nảy ra khi không còn chỗ nào khác để đi, rồi từ từ mới nhận ra tôi đã bị những cây cầu ám. Nói cho cùng, còn chỗ nào để ngắm Sài Gòn thú vị hơn việc chạy xe trên những nhịp to lớn, cao dần cao dần của cầu Phú Mỹ, nhìn xuống dòng sông Sài Gòn cuồn cuộn phía dưới, nhìn những bãi cát phía cảng, nhìn những con tàu bập bềnh, nhìn xưởng đóng tàu chất đầy gỗ... 

5.
Tôi rất thích game pokemon phần thứ 5, nơi lấy bối cảnh là Unova, vùng đất của những cây cầu. Mỗi cây cầu là một nét đẹp, mỗi lần băng qua là một niềm vui. Cây cầu Làng [ビレッジブリッジ - Village Bridge] cổ kính, có những ngôi nhà bằng đá, và nền nhạc enka. Cây cầu Skyarrow lại là một cây cầu dây văng hoành tráng, nhìn xuống dòng sông rộng, trông ra được đô thị Castelia và thấy cả con tàu Royal Unova chạy bên dưới. Cây cầu Driftveil hay còn kêu là cầu Charizard là một cây cầu thanh nhã mang màu đỏ Charizard... Tôi yêu những cây cầu ở Unova cũng giống như yêu những cây cầu thực vậy. 

6.
Vậy thì, có gì nơi những cây cầu làm tôi mê mẩn? Phải chăng là cảm thức được kết nối? Hay là ảnh tượng dòng nước chảy phía dưới? Tôi nghĩ là vì nhiều lý do kiểu đó gộp lại. Có lẽ cũng là cái cảm giác nửa gần nửa xa. Cũng là cái đong đưa mơn man của lời ru ví dầu cầu ván đóng đinh tôi nghe từ thuở bé, từ thời bắt đầu biết nhớ, biết hỏi, biết phân biệt được tên của những cây cầu đầu tiên trên đường về nhà ngoại.



Cầu Cobden bắc qua sông Itchen ở Southampton, nguồn discoversouthampton.co.uk

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Bảy mươi lăm lời mỹ tán thần Ra


Kính dâng lạy ngài, ơi thần Ra, thần Sư Tử, thần Mèo chí tôn, đấng Phục Cừu của các thần và Phán Quan toàn thế, Tổng soái trong các đấng Minh quân và Thống lĩnh của Chu kỳ Thần thánh; thành kính cúi lạy Ngài trong thân xác thần Mèo chí tôn!

trích sách Bảy mươi lăm lời mỹ tán thần Ra, khoảng năm 1700 trước CN.

Hình trong cuốn sách này:


Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Motomezuka (求塚)

Kịch Nô loại bốn, nguyên tác của Kan'ami viết theo cốt truyện trong Yamato Monogatari (Đại Hòa vật ngữ).
Tóm tắt kịch bản bằng tiếng Anh của David Surtasky
nguồn: http://theatrenohgaku.wordpress.com/2013/04/30/motomezuka-%E6%B1%82%E5%A1%9A/
Dịch: QH



___________________

Nói trước mấy lời:

Trước hết, tôi xin nói luôn là giống như nhiều người, tôi không cổ xúy (đánh trống thổi kèn/sáo gì đó) cho việc dịch một văn bản tiếng Á Đông (ở đây là tiếng Nhật) qua ngôn ngữ trung gian phương Tây, cho dù hồi xưa tôi có lỡ tay dịch truyện "Người băng" của ông Haruki.

Nhưng ở đây tình hình lại khác. Đây không phải là một văn bản tiếng Nhật mà là bản tóm tắt trên mạng của trang Theatre Nohgaku Blog bằng tiếng Anh. Vả lại tôi dịch cũng chẳng để đem bán cho ai. Nhưng dù vậy, tôi cũng cố gắng hết sức để đem lại cho văn bản này một chút không khí phương đông bên cạnh việc văn phạm của nó (không tránh khỏi) bị đặc sệt mùi Tây. Sở dĩ tôi dịch cái tóm tắt này là do bài dịch trước tui dịch có nhắc tới vở Motomezuka này và tôi thấy đây là một vở hay, nên tôi đem dịch.

Motomezuka viết bằng hai chữ kanji là chữ Cầu và chữ Trủng. Cầu nghĩa là tìm (mưu cầu, tìm cầu, độc cô cầu bại, vân vân) và Trủng nghĩa là cái mộ. Chữ Motomezuka là kunyomi (âm Nhật), không phải onyomi của hai chữ Cầu Trủng, và bản thân nó nghĩa là gì thì tui không biết. Tui đoán zuka là cái mộ, còn motome là cái quỷ gì thì tui tra jisho.org nó không ra.

Trong văn bản sẽ nhắc tới cái Sought-for-Grave các bạn tiếng Anh dịch chữ Motomezuka ra. Tui sẽ tạm dịch là Ngôi Cầu mộ, nghĩa là ngôi mộ [mọi người] tìm [đến]. Hoàn toàn không phải cái mộ trên cầu, cũng không phải cái cầu trên mộ(?!). Xin đừng nhầm lẫn.

________________

Như nhiều kịch bản Nô khác, mở đầu có một đoàn các nhà sư từ phương Tây đang trên đường về Kinh Đô (Kyōto). Người quấn bộ du y, các sư trèo đèo vượt biển. Băng qua núi non cỏ cây trập trùng, bơi thuyền vượt biển, hướng về đích đến, cuối cùng các ngài cũng tới làng Ikuta, một ngôi làng ở vùng lâm tuyền [near the forest and the river]. Các ngài cũng chỉ biết tên vùng này thôi, chứ chẳng biết gì hơn cả. Khi đến nơi, các ngài trông thấy một toán thiếu nữ từ trong làng. Dù trời vẫn còn mang cái rét đầu xuân, toán thiếu nữ đang trên đường đi hái rau.

Những cây rau đầu tiên của mùa xuân đã nhú mầm trên những cánh đồng vùng Ikuta. Tay áo toán thiếu nữ bay phất phơ giữa gió xuân lồng lộng dưới bầu trời thiên thanh xanh ngắt. Trên rừng, chồi non đã bắt đầu đâm ra, nhưng sâu trong núi, tuyết vẫn còn đọng trên nhành thông. Các cô gái nghĩ, có lẽ lúc này ở Kinh Đô, tiết trời đã ấm hơn Ikuta nhiều. Thế nhưng số phận đã sắp đặt họ phải ở đây, trong tiết trời lạnh giá, ra đồng hái lá rau. Ngay cả nếu mà tuyết phủ đầy đường đi, toán thiếu nữ cũng biết lối mà lần ra tới đồng. Nếu họ đợi hết mùa tuyết, rau sẽ già không dùng được nữa. Thế là, tuy xuân chưa đến vẹn toàn, các thiếu nữ vẫn ra đồng hái rau.

Một nhà sư đến gần và hỏi một cô gái, mạn hỏi nơi này phải là Ikuta chăng? Vâng thưa đúng ạ, cô gái đáp, có lẽ thầy đã biết tên vùng này. Thưa, thầy không thấy cánh rừng phủ dày lối kia sao ạ? Dòng nước các thầy vừa lội qua chính là dòng Ikuta-gawa trong lành chảy từ rặng núi ra biển đấy ạ. Dòng sông đương xanh ngăn ngắt báo hiệu xuân về.

Thế là đến Ikuta rồi, nhà sư nói. Rừng cây này, dòng sông này, biển cả này. Toàn những địa danh nổi tiếng chúng ta đã nghe đến từ tít vùng miền tây xa xôi. Nhìn này - sương đang phủ đầy bãi cỏ kìa - nhưng thưa, chúng bần tăng muốn hỏi đường đến ngôi Cầu mộ.

Ngôi Cầu mộ ạ? Thưa, chúng tôi đã nghe qua nơi này, nhưng thú thực chúng tôi chẳng biết nhiều nhặn gì đâu ạ. Xin các thầy đừng nên phí rỗi thời giờ nơi đây mà nên tiếp tục lên đường. Các vị thầy chùa này khiến cô gái nhớ tới một bài thơ cổ, một bài thơ ca ngợi vẻ kiều diễm của các nàng thôn nữ hái rau, về những lữ khách mải mê ngắm nhìn các cô mà chậm trễ mất chuyến đi. Thật ngờ nghệch làm sao! Các sư lẽ ra nên tiếp tục cất bước. Kinh Đô gần đến lắm rồi, sao lại còn chần chừ làm gì nữa?

Tay áo các cô thôn nữ đã lạnh cóng, tuyết đọng thành băng, còn rau trên đồng vẫn phủ đầy những tuyết. Một làn băng mỏng phủ lên trên lớp bùn, các lá cải non ẩn mình bên dưới. Tuy đã sang xuân rồi, nhưng nhìn tuyết rơi tưởng đông vẫn còn. Xuân lạnh làm sao, gió ảm đạm làm sao, tuyết lẫn cả vào làn gió thổi bạt vào cơn sóng bạc đầu trên dòng sông. Các thôn nữ vội vã tiếp tục công việc, bỏ mặc các sư, nhanh tay hái rau rồi về nhà.

Nhưng cô thiếu nữ lúc nãy chưa về, cô đứng lại. Nhà sư thấy vậy, tò mò hỏi, thưa, tại sao các chị em khác đã ra về hết mà cô vẫn còn chưa về? Các thầy lúc nãy có hỏi về ngôi Cầu mộ, nếu các thầy muốn đến đó, xin đi theo tôi ạ. Họ băng qua đồng một đoạn ngắn, đến một ngôi mộ rêu phủ, thực ra nhìn giống một đụn đất hơn. Đây ạ. Đây là ngôi Cầu mộ, cô gái nói. Vì sao lại có tên này, nhà sư hỏi. Cô gái kể lại câu chuyện:

Nhiều năm trước có một cô gái tên là Unai sống trong làng này. Có hai chàng trai trẻ tên là Sasada và Chinu đều đem lòng yêu cô. Một ngày, cả hai người cùng gửi cho cô một bức thư tình, thổ lộ lòng mình và tình yêu mãnh liệt của mình đối với cô gái. Unai cảm thấy lòng rối bời, nếu cô đáp lại tình cảm một người thì người kia thể nào cũng sẽ mang mối ghen tuông tị nạnh. Động lòng trắc ẩn, cô cảm thấy mình không nên chọn ai cả. Cha mẹ cô lại nghĩ khác, ông bà bảo hai chàng trai hãy đọ tài với nhau, ai thắng sẽ lấy được cô Unai xinh đẹp - nhưng hai chàng ngang sức ngang tài, liên tục hòa nhau bất kể thi thố trò gì. Ngay cả khi họ thi bắn cung nhắm vào con vịt bơi trên sông, cả hai mũi tên đều trúng vào cùng một cánh của con vịt. Nhìn thấy con vịt, Unai đau lòng nghĩ đến đôi vịt sống trên dòng sông, nghĩ rằng chính vì nàng mà chúng đã bị chia ly. Trong cơn khốn bĩ, Unai quyết định quyên sinh. Cô gieo mình xuống dòng Ikuta-gawa, tay áo nổi lềnh bềnh như đôi cánh gãy. Khi Sasada và Chinu biết việc, hai anh đau buồn khôn xiết. Thế gian và cuộc sống này đâu còn gì ý nghĩa. Hối hận, cả hai lao vào chém giết lẫn nhau, kết thúc mối thù địch mãi mãi.

Cái chết của tất cả họ đều là lỗi của tôi, cô gái thốt lên. Xin các thầy hãy ở lại, hãy cầu siêu cho tôi. Nói đoạn, cô biến thành làn khói mỏng và bay vào trong mộ.

Bối rối và lúng túng trước sự việc vừa rồi, các nhà sư đứng như trời trồng trên cánh đồng giá lạnh nhìn ngôi mộ. Một người đi từ làng ngang qua, thấy vậy hỏi họ đang làm gì. Các sư kể lại cho bác này nghe. Bác này nghe vậy liền kể lại câu chuyện về nàng Unai đáng thương, về cái chết bất hạnh của cô, về lỗi lầm cô mang khiến cô vẫn còn kẹt lại và vương vấn thế gian này. Bác cố nài các sư hãy cầu độ cho cô sớm siêu thoát.

Khi mặt trời lặn, các nhà sư bắt đầu cất tiếng tụng kinh cầu cho vong hồn cô Unai. Các thầy cầu cho cô tìm được bình an, dù chỉ trong một khoảnh khắc. Các thầy cầu cho cô được giác ngộ, cầu cho cô thoát được vòng quay tiếp theo của bánh xe nghiệp. Dưới bóng cácnhà sư giờ đang phủ tràn lên ngôi mộ, hồn cô gái Unai bay ra.

Trong chiếc áo quàn sũng nước, Unai nhìn các sư bằng đôi mắt sầu thảm. Trước này chẳng ai lui tới ngôi mộ của cô, vốn nằm giữa đồng không mông quạnh. Chỉ có bầy thú hoang đi tìm xương cùng lũ quỷ ma hú gào trong gió trên ngọn thông là hay lui tới. Cuộc đời trần thế này thực rất ngắn ngủi làm sao.

Người ta nói rằng hồn người chết thường chịu khổ ải dày vò trong một ngày, hay một đêm, trải qua tám ức [hundred millions, nghĩa là vạn vạn] luyến ái, hay những vọng tưởng khó chịu. Thế nhưng Unai đã phải trải qua bao nhiêu trầm luân, suốt bấy nhiêu năm từ khi cô quyên sinh. Cô mong mỏi trở lại thế gian, nhưng lại mắc kẹt lại mãi mãi bên trong tầng rêu trên ngôi mộ nằm dưới bóng cỏ dày um. Cô đang bị kẹt lại trong ngôi nhà cháy* này bởi chính những luyến ái của mình.

Các nhà sư đều động lòng xót thương trước nỗi đau trong tâm hồn cô gái, họ xin cô hãy cởi mối ràng buộc và thoát khỏi những âu lo trần thế và những khổ đau dưới mồ sâu. Thế gian này có lẽ chỉ là nơi trú ngụ của cái ác hiển bày, là địa ngục, là cảnh giới của ngạ quỷ và yêu ma, là nơi đầy tràn khổ não sinh lão bệnh tử.

Unai cảm tạ các sư. Cô từng bị trói buộc vào khổ đau vô tận không biết đường ra, nay những lời của các sư như một tia sáng nhỏ rọi trong làn khói tối đen của địa ngục. Tuy vậy, nỗi khiếp sợ vẫn còn quẩn quanh nơi tâm cô. Xa xa, cô trông thấy Sasada, rồi thấy Chinu, hai chàng trai cầu hôn cô đã chết từ lâu. Họ tiến tới nắm lấy tay cô: "Hãy đi với anh! Hãy đi với anh!", họ nói. Cô chẳng còn sức mà vùng vẫy thoát ra. Khi hai bóng ma bay đi, cô trông thấy trước mặt mình là con vịt bị thương - biến thành hình một con chim sắt - với cái mỏ thép dữ dằn, móng vuốt sắc như dao, bay đến mổ vào sọ mình, cắn vào xương tủy cô!

Lửa ma trơi hiện lên quanh ngôi mộ, mỗi ngọn là một hồn người đang chuyển hình sang dạng quỷ ma. Họ nhiếc mắng quất roi và đuổi theo Unai. Cô cố vùng lên chạy thoát, nhưng rồi nhận ra trước mặt là trùng dương còn sau lưng là biển lửa. Nhìn sang trái, sang phải, cô đang bị kẹt giữa nước và lửa, không lối nào thoát. Cô tựa lưng vào cây cột trong ngôi nhà cháy tìm nơi ngơi nghỉ, nhưng rốt cục chỉ làm nó bắt lửa thêm. Cô choàng tay ôm lấy cây cột ngùn ngụt lửa khói để mà ngã gục xuống, nhưng rồi lại bị dựng lên. Lũ quỷ ma địa ngục tiếp tục quất lên người cô những làn roi tàn bạo. Vì lầm lỡ mà giờ đây cô phải chịu khổ ải liên miên nơi Bát Đại Địa Ngục. Hãy chứng kiến, hỡi người, và ăn năn hối cải đi thôi. Các nhà sư run rẩy nhìn cảnh tượng địa ngục đáng sợ trước mắt:

Đẳng hoạt địa ngục, Hắc thằng địa ngục, Chúng hợp địa ngục, Hào khiếu địa ngục, Đại khiếu địa ngục, Viêm nhiệt địa ngục, Đại nhiệt địa ngục và Vô gián địa ngục, nơi Unai rơi xuống như một chiếc lá cháy trong lò thiêu ngùn ngụt.

Bóng tối bao trùm trở lại. Lửa tắt dần. Bọn quỷ ma biến mất. Unai trở về ngôi nhà cháy. Đâu là nơi cô từng yên nghỉ? Cô nhìn quanh chán chường, ngôi Cầu mộ đâu rồi? Rồi cô biến trở lại vào trong ngôi mộ lấp bên dưới đám cỏ um tùm. Như sương trên cánh đồng, như khói mù nơi đỉnh núi, cô tan biến mất. Unai trở về lại ngôi Cầu mộ của mình.





*Ngôi nhà cháy: chỉ thế gian này, có lẽ dựa vào nhiều ví dụ trong kinh Hoa sen ví thế gian như ngôi nhà đang cháy và dụ ngôn của Bụt cũng kể trong kinh Hoa sen về người cha muốn cứu những đứa con ra khỏi ngôi nhà cháy phải dùng nhiều phương tiện khác nhau tùy thuộc vào từng đứa để dụ chúng ra.




____________

Xin cảm ơn đã đọc. Xin lỗi luôn vì tui không chú thích gì về đám bát đại địa ngục, vì tui không đam mê gì phần này. Các bạn đam mê địa ngục có thể lên wiki tra Bát nhiệt hay bát đại địa ngục để đọc về các địa ngục này cho thỏa chí tang bồng. Bạn nào muốn tìm hiểu tiếng Anh dịch các địa ngục này ra sao có thể vào trang web của các bạn Theatre Nohgaku.

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Ám

Tác giả: David Surtasky
Dịch: QH.


Có những linh hồn thường du lãm vào trong giấc mơ của chúng ta. Tự ý và lén lút.

Câu chuyện này được kể đi kể lại nhiều lần trong các vở kịch Nô. Một lữ khách, một thầy cúng, một nhà sư, một viên quan, hay một sứ giả - đến một chốn nào đó cụ thể, rồi vì một duyên cớ nào đó, chốn này bị một hồn ma không siêu thoát ám lấy: hãy cầu độ cho tôi, đây thường là lời điệp khúc hồn ma này cất lên, xin cứu vớt tôi thoát khỏi nỗi thống khổ dằng dặc mạn trường này.

Đôi khi những hồn ma này cuối cùng được siêu thoát. Đôi khi không.

Phải chăng những kịch bản Nô chỉ là những câu chuyện ma, hay phải chăng chúng đã chạm vào được những ngóc ngách thẳm sâu trong bản thể con người, nơi khao khát được bày ra những hồn ma từ lâu vẫn ngụ bên trong? Hiểu biết của chúng ta hiện nay về giấc mơ, nếu so với thời của Zeami, cũng chẳng hơn nhiều lắm. Có thể trong chúng ta có sẵn một nhu cầu luôn muốn được khơi lên và đối mặt với những vọng tưởng, những nỗi sợ trong mình, bắt chúng phải hiển lộ rõ ràng hòng chúng ta có thể gọi đúng tên chúng ra.

Thường trong phổ cảm xúc của những hồn ma điển hình trong vở kịch Nô có những xúc cảm cám dỗ tiêu cực và nguy hiểm: những luyến ái, vướng mắc, ganh ghét và hận thù. Các câu chuyện dạy rằng nếu không buông bỏ được những xúc cảm này, ta sẽ mãi bị kẹt trong bánh xe nghiệp - bánh xe karma - và sẽ mãi trở đi trở lại trong thế giới hình tướng.

Hồn ma của nữ võ sĩ can trường Tomoe (trong vở Tomoe - 巴) trở về nơi chủ tướng của nàng chết, lòng đầy ân hận đã không thể cùng ở đây với chủ tướng lúc ngài hi sinh để có thể quyết tử cùng ngài. Cuối kịch, nàng cầu khẩn nhà sư thị giả hãy cứu vớt nàng thoát khỏi nỗi ám ảnh khôn nguôi này. Trong vở Motomezuka (求塚) cô gái đáng thương Unai trở về và kể lại tỉ mỉ những khổ ải cô phải trải qua ở thế giới bên kia - đến mà nhà sư cũng không có cách gì tháo gỡ được cảm giác tội lỗi của cô trước cái chết của hai chàng trai cầu hôn mình. Chàng Tomomori (vở Funa Benkei - 船弁慶) trở về từ ngôi mộ nước để trả mối thù với Yoshitsune, mối thù mà đến cuối cùng chỉ bị đẩy lùi đi chứ không thể bị tháo gỡ hoàn toàn. Atsumori (vở Atsumori - 敦盛) được siêu thoát nhờ vị thầy tu nhiệt thành vốn là dưới trướng kẻ thù xưa kia Kumagae. Và vẫn còn nhiều ví dụ khác.

Có lẽ nằm ẩn bên dưới kết luận rằng các vở kịch Nô kinh điển có vai trò như những mẩu chuyện răn dạy đạo đức Phật giáo, là cả một xung lực nhân bản hơn liên quan tới cơn vẫy vùng tập thể của chúng ta trong bể cảm xúc. Nhiều khả năng những gì mà Zeami cho là cảm giác tội lỗi không nhất thiết cũng phải giống cảm giác tội lỗi của chúng ta trong xã hội đương đại, hay rất có thể những lời cảnh tỉnh về ghen tuông, thù hận trong kịch Nô chỉ nằm trong khuôn khổ của một xã hội đa thê trung đại. Quả không có cách gì để ta chắc chắn rằng những cảm xúc ta cảm được từ bản dịch một văn bản xưa cũng chính là những cảm xúc của con người ngày nay.

Cũng có thể, biết đâu, những gì ta cảm được cũng là những gì con người trung đại đã từng trải qua. Có thể khi ta gọi lên những tên người bên ánh đuốc dưới ánh trăng câu liêm, ta sẽ triệu hồi được những hồn ma đã khuất từ lâu, những xúc cảm đã tan biến trở về trong nhận thức. Có thể ta mơ mòng, ta cầu độ, và ta khơi lên những gì thuộc về chính bản chất của ta. Có khi những hồn ma tìm được siêu thoát. Có khi không.

Tiếng chuông chùa Gion*
Vọng lên nỗi vô thường
Và sa-la song thụ
Màu hoa cũng xót thương
Lên cao rồi sẽ ngã
Vẫn như một lệ thường
Những người đầy tham vọng
Như giấc mộng đêm xuân
Anh hùng rồi tuyệt diệt
Như bụi giữa cuồng phong.

(Truyện Heike, Nhật Chiêu dịch)



_________
Chú thích của QH:
* Gion (đọc là Ghi-ôn) hay tiếng Phạn Jetavana nghĩa là vườn của hoàng tử Jeta (Kỳ viên), vốn là tên tu viện được cúng dường cho Bụt, sau cái tên này được dùng để đặt cho nhiều chùa chiền. Chùa Gion ở trên có thể hiểu là chùa tên là Gion (Kỳ viên).

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Iliad (3): Hector dòm thấy thằng em quá hèn nhát nên đã chửi ra sao

Iliad (1): Athena bay ra can Achilles cãi nhau với Agamemnon (quyển 1)
Iliad (2): Hịch của Agamemnon và lời hát của Homer (quyển 2)
Những người khổng lồ: về phim Troy, tôi có dịch 1 đoạn (rất ngắn) Iliad quyển chót

Tất cả mớ thơ, trích dẫn các loại trong này là tôi dịch từ hai cuốn Iliad bản dịch tiếng Anh của George Chapman (1598) và E.V. Rieu (1950, revised 2003).


Sau khi lê thê một hồi ở cuối cuốn Hai kể lể hết tước vị và danh phận tráng sĩ hai phe Hy Lạp và Troy, Homer qua cuốn Ba.

Sau khi đã tề tựu quân sĩ đầy đủ, quân Troy bắt đầu hành quân vang dội, hô vang vọng trời như tiếng "một đàn sếu đông đúc khác thường bay từ đầu mùa đông bắt đầu đáp xuống làm kinh động, mang theo chết chóc và tàn hoại tới cho giống người Pygmy". Trong khi đó, quân Hy Lạp tiến lên im ắng lạ thường.

_________________
Chỗ này có một cái tích về dân Pygmy. Nếu bạn bật wiki lên tra chữ này nó sẽ dẫn bạn tới một cái sắc dân ở châu Phi có dáng người thấp bé. Đó là nghĩa hiện đại của từ này. Thần thoại Hy Lạp ngày xưa kể về một sắc dân tí hon, kêu là πυγμαίος (pugmaios) xuất phát từ chữ pygme, nghĩa là (cao) bằng cẳng tay. Cái giống dân này cứ năm nào cũng phải đánh nhau với một bầy hạc mỗi mùa đông lại bay về đất của họ ở triền sông Oceanus.
_________________

Rồi, Homer kể tiếp:

Gió nam thổi, bụi bọc mù đỉnh núi
Phận mục tử, thực một điềm xấu xa
Nhưng khác nào đêm tối, một món quà
Trời ban xuống cho thằng kẻ cắp
Quân Hy Lạp chân bước đi rầm rập
Lốc khói mù che phủ một vùng trời
Chẳng thể nhìn xa hơn tầm một viên đá rơi.

_________________
Nghĩa là quân Hy Lạp tiến lên im lặng mà mãnh liệt, bụi lốc cuốn ào ào dưới gót giầy. Gió nam thổi màn bụi đó bọc mù hết tất cả các đỉnh núi - trường hợp này thì nếu là thằng chăn cừu thì tiêu bỏ mẹ rồi, làm sao lùa hết cừu về nếu không thấy đường, còn đối với thằng ăn trộm thì đây là cơ hội còn tốt hơn lúc trời tối đêm đen. So sánh của Homer thật hay ho hấp dẫn! Chẳng thể nào trông được xa hơn tầm ném một viên đá!
_________________

Khi hai quân tiến vào tầm của nhau, anh Paris hoàng tử thành Troy, vai đeo một tấm áo da báo, một cây cung, một thanh đoản kiếm và cầm hai ngọn giáo lưỡi đồng, người đã cướp cô vợ Helen của Menelaus vua Sparta, gây nên cuộc chiến, nhảy ra đòi thách đấu với tất cả tráng sỹ mạnh nhất của quân Hy Lạp một trận quyết tử ("mortal combat").

Nên nhớ lúc này Achilles không có trong hàng ngũ quân HL do đã nghỉ đánh nhau vì giành gái với Agamemnon ở cuốn 1.

Menelaus thấy Paris tự nhiên nhảy ra đòi đánh nhau thì mắt sáng rỡ như "con mãnh sư nhìn thấy xác một loài hươu núi hay dê rừng" bèn phăng phăng lao ra. Paris chợt trông thấy Menelaus thì hồn vía thất kinh, vội vàng chui trở lại hàng ngũ quân Troy, "hệt một người đi rừng nhac thấy dáng con độc xà trên hẻm đá, vội vàng rụt tay lùi bước".

Anh Hector thấy thằng em đốn mạt quá, liền thét lớn lên những lời có cánh sau nữa:

Hỡi Paris, hỡi đứa em khốn nạn!
Quân đẹp mã chuyên lừa tình đàn bà
Phải chăng mày chẳng nên được sanh ra
Để giờ đây quỳ ôm đầu chịu báng
Nhìn sang kia, này thằng em đốn mạt
Quân Hy Lạp còn sẽ cười bao lâu
Khi túm tụm ngồi kể cho nhau
Về một phường chuyên đi dụ gái
Mà chẳng có chút gì nam nhi khí khái!

Rồi anh Hector tiếp tục mắng:

Này Paris, giá mày biến trở lại
Trở thành đấng trượng phu kiên cường
Vào cái đêm mày dẫn toán lính vượt trùng dương
Lẳng lặng vượt tường vào thành Hy Lạp
Mang đi theo nàng Helen xinh đẹp
Trở về Troy làm hiểm họa nước nhà
Thế mà giờ mày quỳ xuống xin tha
Nào dám đứng đối mặt với cường địch
Vô dụng cả, thảy hết những gì Aphrodite
Ái thần đã ban tặng xuống cho mày
Vẻ đẹp mã, cây đàn harp, hay mái tóc gợn mây
Đều vô dụng, một khi thân mày lấm bụi!

Paris nghe mắng thì cãi lại, bảo là anh Hector, anh mắng rất đúng, nhưng đừng đi khinh khi những gì Ái thần đã trao cho em. Anh được phú một quả tim bất khuất, dũng mãnh của chiến trường, nhưng trong người em lại chảy dòng máu của hòa bình và lạc thú. Giờ nếu anh muốn, hãy để em một mình đối mặt với bạn Menelaus. Ai chiến thắng sẽ được gái cùng các thứ tài sản gái mang theo. Còn về phần anh, anh có thể tiếp tục bè bạn với quân Hy Lạp và thành Troy tiếp tục cường thịnh, quân Hy Lạp sẽ về nhà cùng với vợ đẹp rượu ngon.


Thế là anh Paris bước ra chiến trường đối diện với Menelaus, vua Sparta. Tiếp theo sẽ là hai bên tuyên thệ, nhưng thôi để kể sau.


Hình trích trong phim Troy (2004), trong phim không có màn Hector cho Paris ăn cháo chửi. Hehe.

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Đi khỏi một thành phố



Bỗng dưng bạn cảm thấy việc rời khỏi một thành phố để phiêu lưu tới một thành phố khác thật dễ dàng. Buổi sáng bạn ngủ dậy, đánh răng, nhìn ra cửa sổ xem thời tiết rồi nghĩ, rồi in ra tờ bản đồ xe bus, rồi chạy ra ngân hàng rút vài tờ tiền lẻ, rồi ra ga xe lửa, rồi mua một vé khứ hồi. Chỉ thế, rồi khi đặt chân lên toa xe lửa, bạn thấy việc rời khỏi một thành phố thật dễ dàng biết bao.

Trên toa xe lửa bạn nhặt được một tờ báo ai đó bỏ quên. Lật tờ báo ra thấy bài viết của một ông nhà văn kiêm nghệ sĩ hài nào đó về phân biệt chủng tộc. Đại loại thì là phân biệt chủng tộc là một thứ ngu xuẩn và dở hơi nhất của con người. Để ghét một người, không phải đơn giản, ông tác giả viết, bạn phải tiếp xúc, suy nghĩ, xem xét, so sánh với người đó thật đàng hoàng, rồi mới đi tới được quyết định vì sao người đó đáng ghét. Quả là một quy trình mang tính triết học. Bạn không thể khơi khơi ghét một người. Ông nghệ sĩ hài/nhà văn tiếp tục, chỉ những người không thèm động tâm suy nghĩ, thay vì ghét một người vì tính cách, tâm hồn, hành động của họ, quá lười biếng xem xét, những người này gộp hết cả một dân tộc, một đám người chia theo nơi sanh chốn đẻ, theo màu da, thậm chí theo quy đầu, vân vân mà ghét chung một lượt.

Bạn nghĩ ừ thì đúng rồi. Rồi bạn lấy chai nước trong túi ra nhấp một ngụm.

Bài báo tiếp tục, rằng đối với chúng ta, những người nhận là không phân biệt chủng tộc, trên thế giới này có hơn 200 quốc gia, mỗi nơi mỗi khác. Nhưng với những người phân biệt chủng tộc biếng nhác kia, thế giới chỉ có vài nhóm người: dân da trắng, dân Tàu hay là dân châu Á, dân Ấn Độ, dân da đen, vân vân và một nhóm gồm tất cả những dân không biết phân loại vô đâu hoặc là quá lười để phân loại tiếp. Dưới con mắt phân biệt chủng tộc, cứ dân châu Á, không cần biết Việt Nam, Thái Lan, Inđô, Nhật, Hàn gì, đều là dân Tàu, ông tác giả tiếp tục. Chỗ khu Nam Á, dân Ấn đánh nhau chí chóe với dân Pakistan, hai bên cho rằng mình khác biệt. Nhưng liệu có tốt hơn nếu cả hai đều nhìn mình bằng con mắt của đám người phân biệt chủng tộc lười biếng, để thấy rằng mình cũng chả có gì khác nhau.

Bài báo viết thêm vài câu gì đó rồi kết thúc nhưng bạn không đọc nữa. Hoặc có khi bạn đọc rồi nhưng tàu lửa rung lắc khiến không có gì đọng lại nữa.

Bạn nghĩ về những con người ít trí tưởng tượng. Nhưng trí tưởng tượng là gì, có khi nào nó mang chính con người ra xa nhau hơn, hay mang chính mình ra xa mình hơn? Bạn nghĩ về những đêm bạn nằm tưởng tượng. Có khi là những điều đẹp đẽ, có khi là những điều tầm thường, có khi lại là những điều thô thiển. Bạn nghĩ và chợt bạn muốn khóc. Hai dòng lệ sẽ chảy ra khi bạn tưởng tượng, "hai dòng dài rất dài", trong như dòng ngọc, nghe cliché quá, hay là trong như cái thứ chất dẻo silicone nung lên trong lò 200 độ C hai tiếng đồng hồ. Và chữ cliché nữa, bản thân nó dường như cũng nghe cliché quá.

Rồi bạn không biết bạn nghĩ cái gì. Hình như trí tưởng tượng đưa bạn đi tới đẩu tới đâu. Bạn muốn trở về thực tại, đối diện với nỗi buồn của bạn. Nhưng tôi có buồn gì đâu, bạn cật vấn. Vậy thì đối diện với nỗi vui của bạn. Đối diện với chính việc bạn đang rời một thành phố một cách vô cùng dễ dàng. À, vấn đề đây rồi, bạn nhủ, đó là việc rời thành phố.

Nhưng bạn biết việc bạn rời thành phố tự bản thân nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Ít nhất là nó không có ý nghĩa gì với những ai không phải là bạn. Bạn bảo tâm phân biệt của bạn vẫn còn mạnh lắm. Thế nên bạn không muốn tiếp tục dông dài về việc bạn nghĩ gì trên chuyến xe lửa rời thành phố sáng hôm nay. Bạn ép cảnh phải chuyển.

Cảnh chuyển sang bạn đang đứng giữa nắng. Bạn nghĩ bạn thích nắng hơn bóng tối. Trong bóng tối, chính bạn không nhìn rõ mặt bạn. Bạn không nhìn rõ tay bạn. Người ta nhìn vào không rõ bạn ở đâu. Bạn bất định xứ. Bạn lửng lơ như một hạt lượng tử trong bóng tối.

Bạn muốn làm gì với nắng. Bạn ngồi trong nắng. Bạn đứng trong nắng. Bạn há miệng cho nắng chảy vào lòng. Bạn vo nắng thành viên. Bạn nhìn nắng và mong nắng nhìn lại bạn. Bạn và nắng như hai người bạn tâm giao. Nhưng rồi bạn phát chán. Bạn bảo đủ rồi, chuyện này sến quá. Bạn không thích kể lể chuyện sến của mình, chuyện mình chơi với nắng cho người khác nghe.

Bạn cũng muốn nói về bóng tối. Tuy trong bóng tối bạn như bất định, bạn như hạt lượng tử không biết mình ở đâu, nhưng ít nhất bạn biết về năng lượng của bạn. Bạn biết với bóng tối, bạn mạnh mẽ thế nào. Bạn biết bạn vui. Bạn biết bạn buồn. Bạn biết về muôn điều, trừ một điều bạn không rõ bạn ở đâu.

Cảnh lại chuyển và bạn đi bộ giữa rừng thông. Mỗi lần thấy một cội thông cong cong bạn lại nhớ tới cái nền của một vở kịch Nô, cái nền có cây thông đứng yên. Mặc dầu trong đời, bạn chưa bao giờ tận mắt xem một vở kịch Nô. Thời gian, không gian, bốn mùa, âm thanh, thảy đều trôi qua ngọn thông, vùn vụt như tên bay, ào ào như nước chảy. Bạn khẽ chạm vào cây thông, bạn nghĩ tới dòng suối mình vừa đi qua. Bạn không biết giao tiếp với dòng suối thế nào. Dòng suối chảy tới tận đâu bạn không hề rõ, tới những vùng đất xa. Bạn thấy giao tiếp với dòng suối thật khó. Dòng suối vẫn vui vẻ cho bạn những dòng nước thật mát. Bạn vẫn vui vẻ vốc nước uống và nói lời cảm tạ.

Cây thông đứng đó, tán lá rào rào. Bạn nhận ra rằng bạn vừa trông thấy thời gian trôi qua ngọn thông.

Rồi bạn nhận ra tàu lửa tới ga cuối rồi. Việc đào tẩu khỏi một thành phố đã xong rồi.

Thật dễ dàng quá đi.




________________

Đoạn trên báo tôi dựa trên bài viết của Richard Herring đăng trên Metro ngày 31/5/2013, có xào nấu lại.

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Buồm nhỏ nhẹ dong

Tôi đã thấy cái khôn lợi hơn cái dại, ánh sáng lợi hơn bóng tối.
Người khôn biết mở mắt nhìn, kẻ dại bước đi trong tăm tối.
Còn tôi, tôi biết : cả hai sẽ cùng chung một số phận.
Ecclesiastes 2:13-14. 


Ngồi giữa đêm sâu
Hắn cầm một quả hồng
Ngẫm những điều đã thấy
Vào một chiều đông

Có người đã tới
Cội đa giữa cánh đồng
Trông nhìn đàn sếu đậu
Nghĩ về mênh mông

Người về vội vã
Trăng chưa khuất bầu không
Hắn còn ngồi yên ả
Chưa viết một dòng

Khói nhẹ sương nặng
Sếu lướt qua cầu vồng
Hắn ngẩng trông thiên khí
Non đoài chuyển giông

Thụy đình mộng đoạn*
Mùa trôi qua ngọn thông
Mưa lòa xòa ướt mặt
Vung tay gió hong

Quay về bến nước
Sóng đu đẩy chập chồng
Nương luồng gió thổi khẽ
Buồm nhỏ nhẹ dong

Tôi nghe kể lại
Tay đưa nhận quả hồng
"Ơ hồng mùa này chát lắm!"
"Vậy ăn lê không?"

___________
*: Thôi ngủ (thì) dứt mộng.
Mấy câu Cựu ước đầu bài trích theo bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các giờ Phụng vụ.

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Buddhist Ethics - Đạo đức học Phật giáo - Một dẫn nhập ngắn



Tôi vừa đọc xong quyển "Đạo đức học Phật giáo - Một dẫn nhập ngắn" (Buddhist Ethics - A very short introduction) của Damien Keown. Oxford vừa gửi sách tới trả công cho tôi thì tôi trông thấy thông tin NXB Tri Thức sắp ra bản tiếng Việt. Thế nên nhân tiện quảng cáo luôn cho Tri thức: http://www.nxbtrithuc.com.vn/sach-tri-thuc/sach-sap-xuat-ban/864-dao-duc-hoc-phat-giao

Tôi đã từng viết về cuốn dẫn nhập kia của ông Keown, mời xem ở đây, hehe.

Lần này chắc tôi không viết một bài dài như vậy cho cuốn này được. Nhưng nói chung cách tiếp cận của ông Keown trong cuốn này vẫn rất thú vị. Vốn dĩ là một cuốn Dẫn nhập, sau khi tóm lại vài ý chính về đạo Phật, ông nói sơ lược về nền luân lý học / đạo đức học (nghĩa là triết học về đạo đức) của phương Tây: việc bộ môn Ethics này được chia làm 3 phân môn: đạo đức học mô tả, đạo đức học chuẩn tắc / quy phạm và metaethics, rồi nói lại về các lý thuyết đạo đức học tiêu biểu ở phương tây của Aristotles, Kant và John Stuart Mill. Nói một thôi một hồi ông bắt đầu vào việc so sánh vài khía cạnh trong nền đạo đức Phật giáo và phân loại sắp đặt nền đạo đức này vào các lý thuyết của Tây.

Rồi trước khi phân tích từng khía cạnh, ông Keown nêu ra những quy tắc hệ thống khi "xét duyệt" những ý tưởng được cho là thể hiện quan điểm của Phật giáo về các vấn đề đạo đức / luân lý. Ví dụ như: (i) quan điểm phải được chép trong kinh điển Phật giáo rõ ràng, (ii) phải được thể hiện trong các văn bản phi-kinh điển hoặc văn bản diễn giải, vân vân...

Sau đó là tới phần phân tích từng khía cạnh luân lý. Nếu hồi nãy bạn có bấm vô link tôi quảng cáo giùm Nxb Tri thức thì chắc cũng đọc được các khía cạnh đó. Ông Keown trình bày, phân tích, so sánh và nhận định quan điểm của Phật giáo lần lượt về:
i. Thú vật và Môi trường
ii. Tính dục (ở một khía cạnh nào đó còn nói về Nữ quyền và Misogynism)
iii. Chiến tranh và Chủ nghĩa Khủng bố (hay còn nói về bất bạo động, bất hại, về chiến tranh chính nghĩa): Chương này có một ý rất hay về sự khác biệt giữa violence và force. Violence bao hàm sân giận, trong khi force trung tính hơn rất nhiều. Nó làm tôi nghĩ tới việc muốn làm quay bánh xe Pháp cũng cần phải có lực. Lực / Sức mạnh không mang nghĩa bạo động.
iv. Vấn đề phá thai
v. Suicide and Euthanasia (bản tiếng Việt của Tri thức sẽ dịch là Tự tử và Cái chết tự nguyện): bàn về cái chết của ngài Thích Quảng Đức trên đường phố Sài Gòn, có một đoạn trích trong cuốn "Hoa sen trong biển lửa" của thầy Nhất Hạnh. Đây là một chương rất hay (ơ, thực ra chương nào tôi thấy cũng hay cả).
vi. Cloning (bản tiếng Việt sắp ra dịch là Sinh sản vô tính, nhưng cá nhân tôi nghĩ cụm "Nhân bản vô tính" sẽ hợp hơn rất nhiều, vì ở đây không chỉ gói gọn trong việc clone nhằm mục đích sinh sản).








Trong phần phá thai có nói về tục Mizuko Kuyoo của người Nhật làm chay cho đứa trẻ bị từ bỏ. Đứa trẻ được gọi là thủy tử (con nước - mizuko). Chữ con nước gần với khái niệm đứa trẻ còn trong trứng nước trong tiếng Việt. Đứa trẻ được cung dưỡng (kuyoo) dưới hình tượng Bồ tát Địa tạng cùng với nhiều đồ chơi với niềm tin rằng những đứa trẻ chưa ra đời sẽ trở lại đâu đó ngồi chơi trên bờ nước tiếp tục chờ đản sinh. Tới khi tối trời, lúc gió lạnh nổi lên, Bồ tát Địa tạng sẽ tới và che chở cho bọn trẻ bằng áo cà sa của Ngài, lắc những cái vòng leng keng trên thiền trượng của ngài và ru bọn trẻ ngủ.

Ông Keown chép lại một bài hát thường hay hát trong lễ chay cho thủy tử. Tôi không tìm ra bản gốc bằng tiếng Nhật hay gì cả. Dưới đây tôi tạm dịch từ tiếng Anh của ông Keown.





A hymn to Jizō often used in the mizuko kuyō liturgy
Bài hát tụng Địa tạng vương Bồ tát thường được cử trong lễ cúng thủy tử

Be not afraid, little dear ones,
You were so little to come here,
All the long journey to Meido!
(Đừng sợ, này hài tử,
Đường tới Minh Thổ còn dài
Mà con còn bé bỏng biết mấy!)

I will be Father and Mother,
Father and Mother and Playmate,
To all the children in Meido!
(Ta sẽ làm Cha làm Mẹ con
Làm Cha, làm Mẹ và làm Bạn chơi cùng
Với tất cả hài tử trong cõi Minh Thổ.)

Then he caresses them kindly,
Folding his shining robes around them,
Lifting the smallest and frailest
Into his bosom, and holding
His staff for the stumblers to clutch.
(Rồi Ngài vuốt ve các con thật dịu dàng
Gấp nếp quang y che chở các con
Ngài bồng đứa nhỏ nhất yếu nhất
Đặt vào lòng Ngài và giơ thiền trượng
Cho những đứa trẻ bất hạnh đưa tay bắt lấy.)

To his long sleeves cling the infants,
Smile in response to his smiling,
Glad to his beauteous compassion.
(Các hài tử bám lấy tay áo Bồ tát
Cười cùng với Ngài
Hân hoan trong niềm từ bi đại hạnh.)

__________________________________

Minh Thổ (Meido) chỉ là cách nói nhẹ nhàng hơn để chỉ Địa ngục.


Nói chung tôi thấy cuốn sách này vẫn có khuyết điểm đó là do nó vốn chỉ là một cuốn Dẫn nhập, tôi đọc xong vẫn thấy chưa đã. Nếu muốn đã chắc phải tìm những cuốn bự hơn. Thêm nữa, như ông Keown nhận xét rằng ổng chủ yếu nghiên cứu về Theravada, tôi thấy cuốn này vẫn chưa đề cập nhiều tới vài quan điểm từ góc nhìn Đại thừa. Thêm nữa, ông Keown (hoặc ai đó) cũng có nói đâu đó rằng vẫn phải xem xét về sự hòa trộn giữa Phật giáo và các nguyên lý văn hóa bản địa. Tuy trong sách có bàn về vài vấn đề (ví dụ chiến tranh chính nghĩa) từ nhiều góc nhìn văn hóa (dẫn chứng về cuộc chiến tranh ở Tích Lan, rồi vụ vua Asoka ở Ấn Độ, rồi các giáo phái Thiền tông Nhật trong Thế chiến II), nhưng tôi vẫn cảm thấy vẫn chưa nhiều. Đó là lý do tôi nói "chưa đã".

Tôi hy vọng Nxb Tri thức sẽ có một bản Việt dịch thật hay của cuốn Dẫn nhập này.

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Đi đâu hỡi bọn bồ câu?

Hôm qua chẳng là viên đạn
Mà bắn vào trong đêm sâu
Ngày mai không phải ánh sáng
Rọi lên phía đầu con tàu

Nơi này nỗi sợ thì lắm
Em ngồi ôm lấy khổ đau
Công viên gió còn trở lạnh
Mộc lan chưa nở nhạt màu

Nỗi buồn em bảo màu đỏ
Niềm vui thì lại màu nâu
Trở mình trong hơi thở ấm:
- Đi đâu hỡi bọn bồ câu?
Ngước nhìn đàn chim em hỏi
Bi thương cuộn được một xâu

Tôi biết em ngồi trong khói
Cá chép mới mọc xong râu
Chẳng hay con sò mới khép
Biển vừa khóc vội trận đầu
"Nước mấy trăm thu còn vậy"*
Em cười trọn cuộc mưa Ngâu

Bồ câu bay rồi không đáp
Em quay sang lũ hải âu
Chúng nhìn em như viên đạn
Em chưa bắn vào đêm sâu
Tôi hay lòng em như đá
Nhìn bao cảnh này đã lâu

Khổ đau em ôm đã trọn
Bụi không thổi tới chân cầu
Tôi nhìn lòng vui như lửa
Viết vội không thèm chấm câu


__________________
* Nguyễn Trãi


Mùa đông năm nay ở đây quá dài. Trong trung tâm thành phố, đối diện với bảo tàng Biển mới xây và bia tưởng niệm Titanic là một công viên toàn cây mộc lan. Những cây mộc lan thân cao, to, năm ngoái giờ này đã nở rộ những bông hoa màu hồng sen và trắng mọc thẳng như những đốm lửa. Năm nay trời lạnh, mới chỉ vừa ra nụ, màu vẫn còn nhạt.

Trường đại học nằm trên một ngọn đồi. Đứng trong lab nhìn ra trông thấy cả một thung lũng màu cây xanh xen lẫn màu mái ngói. Năm ngoái, một lần tôi từ siêu thị về không thèm đi xe bus mà cuốc bộ lên đồi, bất chợt trông thấy một cây mộc lan trồng trong sân nhà ai đang trổ hoa. Lúc đó tôi chưa biết tên cây, chỉ biết đứng nhìn trầm trồ.

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Iliad (2)

Iliad (1): Athena bay ra can Achilles cãi nhau với Agamemnon (quyển 1)
Iliad (3): Hector dòm thấy thằng em quá hèn nhát nên đã chửi ra sao (quyển 3)
Những người khổng lồ: về phim Troy, tôi có dịch 1 đoạn (rất ngắn) Iliad quyển chót


[Các tranh minh họa  trong bài được vẽ bởi Flaxman, trong sách The Iliad of Homer, Houghton, Mifflin & Co., Riverside Press. 1905 (nguồn: http://www.mccunecollection.org/Iliad%20of%20Homer.html)]


Quyển 1 của Iliad tôi đã dịch đoạn Athena tới can Achilles lúc cãi nhau với Agamemnon, xin xem lại bằng cách ấn vô link ở trên. Sau khi Achilles được khuyên là nhịn Agamemnon đi, chàng bèn đi về thuyền. Một lúc sau thì sứ giả của Agamemnon tới hốt Bryseis đi, Achilles tôn trọng sứ giả (vì đó là người đưa tin theo luật của thần linh) và cho đem Bryseis đi. Sau đó Achilles ra biển ngồi khóc với mẹ (thần biển Thetis), đòi mẹ phải lên gặp Zeus bảo là phải trừng phạt quân Hy Lạp cho Agamemnon một trận biết tay. Thetis lên làm nũng với Zeus, nhưng Zeus sợ vợ là Hera vì bà này ủng hộ quân Hy Lạp (Hera vẫn căm Paris thành Troy vụ trái táo vàng*, coi ở dưới nhe), nên Zeus không biết phải làm thế nào.

tui khoái mặt Achilles trong tấm hình này

Qua quyển 2, Zeus nghĩ ra cách, bèn phái một thần giấc mơ tới báo mộng cho Agamemnon rằng quân Hy Lạp sẽ thắng thôi, đừng lo, cứ tiến vào Troy đi. Đây là âm mưu của Zeus, vì quân Hy Lạp nếu thiếu Achilles thế nào cũng bị te tua, đúng ý Thetis. Nhưng nếu Achilles chịu trở lại thì Hy Lạp sẽ thắng, đúng ý Hera. Sáng hôm sau, Agamemnon thức dậy, kể lại giấc mơ cho các vương tướng nghe, rồi đồng ý với nhau rằng đó là một điềm mộng tốt.

Agamemnon sau đó không biết nghĩ sao lại đi ra tuyên bố thử lòng binh sỹ, bảo là thần linh báo mộng nói rằng không có cửa thắng Troy tường cao rào kín đâu. Chúng ta đi xa ròng rã chín năm tới đây mệt nhọc, thuyền gỗ cũng đã mục, vợ con ở nhà cũng đã nhớ, thôi thì về thôi. Ai dè binh sỹ ra thuyền ào ào về thật. May nhờ Athena xuống bảo Odysseus ra thuyết phục mọi người, binh sỹ mới tập hợp đầy đủ lại.

Sau đó Agamemnon ra nói với binh sỹ:

Hỡi binh sỹ ba quân, hãy cùng đánh chén và chuẩn bị ra chiến trường. Mài sắc giáo thương, chỉnh tề khiên giáp, lo cho chiến mã no cỏ, xem lại chiến xa kỹ càng, rồi ra trận đầy quyết tâm. Sẽ không ai có thì giờ ngơi nghỉ, cho tận tới khi đêm về. Dây khiên của các người phải thấm đẫm mồ hôi tuôn từ lồng ngực, bàn tay các người phải rã rời cùng giáo thương, ngựa xe các người phải nóng rẫy đến như nung chảy. Và như có kẻ nào lẩn quẩn nơi những con tàu xa rời chiến cuộc, nếu lọt vào mắt ta, thì không gì có thể cứu vãn kẻ đó được nữa, hắn sẽ phải làm mồi cho loài khuyển điểu.

(Iliad - quyển 2 - dịch từ 2 bản dịch tiếng Anh của George Chapman (1598) và E.V. Rieu (1950, revised 2003).
_______________________

Đoạn này (và cả đoạn dưới nữa) tôi không tài nào dịch ra thơ như đoạn trong quyển 1 mà không làm mất cái hay của từ ngữ được. Cuối cùng tôi quyết định dịch ra văn xuôi, nhưng mà đọc kỹ thì sẽ thấy vẫn còn sót lại vần vèo trong văn xuôi. Dịch đoạn này, tự nhiên tôi nghĩ tới hai thứ, thứ nhất là cái hịch của Trần Hưng Đạo, thứ hai là bản dịch Chúa Nhẫn Nhã Nam mới làm. Không biết chuyện tôi cố gắng nhét vài câu biền ngẫu với từ Hán Việt vô đoạn dịch văn học Hy Lạp cổ như vầy có dễ bị ném đá không. Các bạn trên mạng đã từng gào thét rằng Chúa Nhẫn dịch như truyện chưởng Tàu, lỡ mà đọc được, liệu có lại gào thét tôi biến Homer thành truyện chưởng nữa hay không.

Dĩ nhiên là nghĩ nhảm thôi, chắc gì các bạn vào đây đọc được. Hehe.

_____________________



Sau đó tới phần sau của quyển 2 là phần nhà thơ liệt kê (dĩ nhiên bằng thơ, đọc bản tiếng Anh cổ thế kỷ 17 của Chapman lên nghe vô cùng du dương kèm với những cái tên Hy Lạp đảm bảo trẹo mồm) quân lực Hy Lạp. Dĩ nhiên tôi không rảnh đi dịch phần đó làm gì, chỉ có phần mở đầu sau đây, tôi thấy rất hay nên ngồi dịch ra, lại bằng văn xuôi.

Này hỡi các Muse ngự trên Olympus, xin hãy cất lời. Các nàng là giống thần tiên, tri kiến muôn nơi muôn việc, biết vạn sự trên đời. Còn chúng tôi giống người phàm dại, chẳng biết chi ngoài việc giỏng tai nghe các nàng kể lại. Về phần tôi, giá như tôi có đủ mười lưỡi, mười mồm, một giọng đọc không hề biết mệt và lồng ngực đồng thau, bằng không tôi không tài nào kể vanh vách ra hết danh phận và chức tước tráng sỹ trong hàng ngũ Hy Lạp. Trừ khi chính các nàng, những người con gái bất tử của Zeus cưỡi đám mây dữ, đến đây mà gợi nhắc, mà đồng thanh đọc cùng, khi đó tôi sẽ hát về các chiến thuyền Hy Lạp, từ chiếc đầu tiên tới chiếc cuối cùng.

(Iliad - quyển 2 - dịch từ 2 bản dịch tiếng Anh của George Chapman (1598) và E.V. Rieu (1950, revised 2003).

Các bạn nào rảnh và đam mê có thể lên wiki để xem về cái danh sách nên thơ đó: http://en.wikipedia.org/wiki/Catalogue_of_Ships

Ở phần "lồng ngực đồng thau" trong 2 bản dịch có sự khác biệt. Bản dịch tiếng Anh trung cổ của Chapman chép là a breast of brass, còn bản của Rieu dịch là a heart of bronze. Tôi chọn dịch theo Chapman vì nó cùng trường từ vựng với ba cái lưỡi, mồm, giọng,... đã nói. Nhân tiện, brass là đồng thau, hợp kim Cu-Zn, còn bronze là hợp kim Cu-Sn (đồng-thiếc).



*Trái táo vàng (tích này nhiều người cũng biết) là tích xảy ra từ trước cuộc chiến thành Troy. Paris hoàng tử thành Troy (lúc đó đương bị đày đi chăn cừu) được mời (được dụ?) làm giám khảo chấm coi trong Athena, Hera và Aphrodite ai là người đẹp nhất. Hera dụ là chấm cho thần, thần sẽ cho làm vua của vua. Athena bảo chấm cho thần, thần sẽ cho trí tuệ bậc nhất. Còn Aphrodite bảo chấm cho thần, thần sẽ cho mày chiếm được trái tim của cô gái đẹp nhất trần gian. Giai nào chả khoái gái, ở đây Paris còn khoái gái hơn quyền lực và trí tuệ nên chấm cho Aphrodite (bằng cách đưa trái táo vàng) làm người đẹp nhất.
Sau này, Paris cua được Helen vợ vua thành Sparta, rồi đem về Troy. Menelaus vua thành Troy, là em ruột của Agamemnon, vua thành Argos, hùng mạnh nhất xứ Hy Lạp, tức quá bèn đòi anh tập hợp tất cả thành bang đi đánh Troy.



Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Cái đầu kia nó gắn vô thứ gì?

- Cái máy dấm dớ này gắn vào cái đồ quỷ gì mà bay lên trời được vậy? - bà nội Josephine lầm bầm.
- Dạ thưa bà - ông Wonka nói - cái này không còn là cái thang máy bình thường nữa. Thang máy thường thì chỉ chạy lên chạy xuống ở trong nhà thôi. Nhưng mà giờ thì cái này đang bay lên trời, nó trở thành CÁI THANG MÁY BỰ BẰNG KÍNH.
- Vậy cái gì kéo nó lên? - bà nội Josephine hỏi.
- Cái móc ở trên trời. - ông Woka đáp.
- Thật à? Tôi rất ngạc nhiên đấy! - bà nội Josephine nói.
- Thưa bà - ông Wonka nói - bà mới lên sàn thôi. Nếu bà đi với tụi tôi một lúc nữa, chẳng còn gì sẽ làm bà ngạc nhiên nữa.
- Mấy cái đồ móc trên trời đó - bà nội Josephine nói - Một đầu nó gắn vô cái đồ dấm dớ này, phải vậy hông?
- Đúng rồi - ông Wonka đáp.
- Vậy cái đầu kia nó gắn vô cái thứ gì? - bà nội Josephine nói.
- Càng ngày - ông Wonka liền nói - tôi thấy tai tôi càng điếc. Lát mình về nhớ nhắc tôi gọi điện cho bác sĩ khám tai nha.

(Roald Dahl - Charlie and the Great Glass Elevator - QH dịch)

__________________

Có một đoạn nhỏ này mà tôi với ông Bruce cười nguyên buổi tối. Cái từ skyhooks phát ra đột ngột từ miệng ông Wonka, đọc bằng tiếng Anh, có sức gây cười rất lớn. Rồi đoạn ông Wonka bó tay không biết trả lời câu hỏi kia như thế nào bèn giả điếc nữa. Tôi đọc trong đầu câu "You amaze me" của bà Josephine bằng cái giọng lè nhè của mấy bà già người Anh thân thiện hay gặp lúc đứng chờ xe bus, thấy mới thực tức cười. Mấy bà già người Anh ở trạm xe bus rất hay hỏi han cháu ơi biết chừng nào xe bus tới hông, bữa ni trời đẹp quá ha, hôm qua mưa suốt thiệt là chán, cháu học ở đại học phải hông, ngành gì vậy, con bà hồi đó cũng học ở đó đó, giờ nó làm trên Luân Đôn, cháu ơi dòm giùm bà cái xe nào đang tới vậy, cháu ơi vân va vân vân...

Ông Bruce bảo ổng sẽ học trò giả điếc của ông Wonka. Ổng kể hôm bữa vô nghe hòa nhạc ở trong trường có ông kia ngồi kế bên hỏi ổng là ổng có học nhạc không. Ông Bruce liền bảo có, thế là ông kia bảo là ổng hỏi một câu được hông. Ông Bruce cứ tưởng là ổng hỏi câu gì hoành tráng lắm. Ai dè ông kia hỏi tại sao trên đàn piano, giữa nốt Mi với nốt Fa và giữa nốt Si với nốt Đô lại không có phím màu đen. Ông Bruce bảo tại vì trong âm giai, từ nốt Mi lên nốt Fa và nốt Si lên nốt Đô chỉ có nửa cung thôi. Ông kia lại hỏi nhưng mà tại sao. Ông Bruce: nửa cung thì làm gì có phím đen xen vào được. Ông kia lại vẫn hỏi, nhưng mà tại sao lại vậy. Ông Bruce bảo lúc đó ổng mà có trò giả điếc như Willy Wonka ổng sẽ bảo tai tui càng ngày càng điếc, lát nhớ nhắc tui đi bác sĩ khám tai nha.

Đúng là những cuốn sách như thế này, phải đọc đi đọc lại ở nhiều giai đoạn trong cuộc đời của chính mình. Ông Bruce bảo, mỗi lần đọc lại mấy cuốn như thế này, nó như là một cuốn sách mới vậy, mới nhưng mà vẫn quen thuộc lắm.

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Chuyện bất ngờ như nước chảy


Nằm ngủ trưa, tôi mơ thấy mình đột ngột phải đi. Tự nhiên tôi gói hết đồ đạc tống vào va li và cùng hai con mèo Espeon và Umbreon chạy ra sân bay. Vài giờ sau tôi đã ở trên một thành phố, một vùng đất lạ. Tôi hoàn toàn không biết mình ở đâu. Tôi không có khái niệm tôi đã đáp xuống ở đâu cả. Tôi chỉ biết rằng, mình vừa đi từ Olivine đến đây, đâu đó trong vùng Unova.

Chúng tôi nhìn quanh, tự hỏi mình đang ở đâu vậy. Umbreon thoáng chốc đã vụt vào bóng tối. Espeon thì ngồi yên nhìn. Olivine không phải nhà mình, đột nhiên giờ đây tôi thấy nhớ về Olivine như là nhớ về nhà vậy. Có vài người lạ đứng ở xa. Tôi nghe họ nói ngôn ngữ của mình, bèn đến hỏi han. 

Tôi nói tôi cần đến thành phố X. Họ bảo, hãy bắt một chiếc taxi mà ra phi trường.

Nhưng tôi vừa từ sân bay ra mà. Lẽ nào trở lại?

Tôi đi lang thang. Trong một ngôi nhà bên đường, người ta đang bày biện một bữa tiệc. Có một người đàn ông có khuôn mặt quen đang ngồi nói cười với mọi người. Tôi tới gần và hỏi cách tới thành phố X. Anh bảo hãy đi ra sân ga, hoặc đón một chuyến xe, sẽ nhanh hơn đi máy bay nhiều. Tôi chợt nhớ, ôi thôi, tôi bỏ lại cả đống thứ ở Olivine mất rồi. Tủ sách của tôi, nồi niêu xoong chảo của tôi. Nhưng rồi tôi chợt an ủi, nhưng tôi sẽ trở lại Olivine trước tháng 6 rồi mới về nhà mà.

Tự nhiên xuất hiện một người họ hàng của tôi trong bữa tiệc. Tôi hồ như không ngạc nhiên chút xíu nào về sự có mặt của anh ở đây. Chẳng hỏi chào vồn vã, chẳng tay bắt mặt mừng, kiểu như đây là chuyện ắt phải xảy ra không sớm thì muộn vậy. Anh dẫn tôi vào nhà và mở máy vi tính để tôi tìm tàu và xe.

Duy Espeon thì vẫn lững thững đi theo, không nói một lời. Nó chỉ quan sát. Còn Umbreon biến đâu mất tăm.

Tôi tỉnh dậy và chợt thấy vô cùng thú vị trong lòng. Có chuyện gì đó mới mẻ và bất ngờ đang xảy đến. Tôi lọt vào một chuyến du hành mới trong chuyến hành trình dài dằng dặc của mình. Bất ngờ thay, tôi chưa chuẩn bị gì cả. Espeon hẳn cũng vẫn bối rối lắm, dù nó biết mọi chuyện. Umbreon thì phớt lờ, nhưng tôi biết, chuyện gì xảy đến mà nó chẳng vui.

Tôi ra khỏi cửa nhà, trời đã nhá nhem, phía Bắc Olivine này vẫn lạnh căm. 

Xa nhìn bên cõi trời mây
Chị ơi em thấy một cây liễu buồn.
- Thanh Tịnh -

Thế là tôi cùng Umbreon đi vui vẻ với nhau vào trong đêm tối. 

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Ngụ ngôn của đất


Inrasara

I
Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm
có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ?
nhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó
dù chỉ còn dăm ba người
dù chỉ còn một người
hay ngay cả chẳng còn ai!

II
Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế!

III
Hoa tỏa mùi hương
không ai ngửi – hoa thả hương vào gió
chim cất tiếng hát
không ai nghe – nhạc bay khắp không gian
lòng anh mở trao
em không nhận – tình anh rồi tàn rữa.

IV
Bằng lăng nở tím đồi tuổi thơ
rừng đi mất rồi
đồi hoang trọc
có lẽ cho riêng tôi trong chiều cô độc
bằng lăng trụi nhánh tàn – vẫn gượng nở hoa.

V
Như cái ngoái nhìn của đứa con ra trận
khi cất xong mái ấm cho mẹ già
như cái ngoái nhìn của kẻ chân tu
khi xây xong ngôi chùa cho người thiện tín.
anh nhà nông lãng tử
lên đường và nhìn ngoái lại đám ruộng lúa đang trổ đòng đòng

VI
Biển đã nói gì với bờ, khi bờ mãi ôm mang biển?
cảm ơn bờ rộng vòng tay bao dong
ong đã nói gì với hoa, khi hoa cho ong nguồn nhụy?
cảm ơn hoa mở lòng ban phát
cây đã nói gì với đất, khi cây cho đất bóng râm?
cảm ơn đã cho bài học về nhận
và ta
ta nói gì với nhau, khi ta cho nhau bàn tay, bờ môi, ánh mắt?
anh sẽ nói gì với em?
em sẽ nói gì với anh ?

VII
Đám cây non vội vươn lên khoảng xanh
mà rễ chưa cắm sâu vào đất
chỉ cần một cơn bão rớt
cũng đủ làm chúng run bấn lên.

VIII
Đồi nắng cũ trống huơ
tiếng mõ trâu thôi gõ
rừng còn đâu cho trâu đi hoang?
xưa đeo mõ trâu làm nhăn nhó
nay đường trắng trơn
nhớ tiếng mõ – trâu buồn.

IX
Có nước da hơi sáng – em chối mình là Chăm
mới ít tháng tha phương – anh không nhận Việt Nam
vì tự trọng – Karl Jaspers không cho mình người Đức
Henry Miller chối từ Mỹ – bởi chán ghét chiến tranh
giữa không nhận và chối từ kia cách nhau trời vực

X
Một ánh nhìn của cha
nửa nụ cười của mẹ
và hai bàn tay diệu vợi của em
giữa mênh mông màu nắng quê hương
hỏi tôi còn tìm thiên đường đâu nữa?




Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Iliad (1)

Iliad (2): Hịch của Agamemnon và lời hát của Homer (quyển 2)
Iliad (3): Hector dòm thấy thằng em quá hèn nhát nên đã chửi ra sao (quyển 3)
Những người khổng lồ: về phim Troy, tôi có dịch 1 đoạn (rất ngắn) Iliad quyển chót


Đằng sau Achilles, nữ thần bỗng xuất hiện,
Ngăn chàng lại, tay nắm những lọn tóc nâu
Ngoài chàng ra, Thần không cho ai thấy hình thù.
Nhìn Athena, chàng kinh ngạc thốt ra những lời có cánh:
"Con gái Zeus, cưỡi những đám mây bão táp,
Người hiện ra giữa lúc tên vua này
Thốt những tiếng mạ nhục tới ta đây
Ta sẽ trừng trị thói xấc xược, xin chứng giám!"
Buông lời đáp, Nữ thần với đôi mắt xám:
"Dịu tâm lại, hỡi Achilles. Ta hiển xuống từ trời cao
Hera trung lập sủng ái cả hai người biết bao.
Nên: hãy buông kiếm và bỏ mối hiềm kỵ
Hãy chỉ xúc phạm hắn bằng lời, hỡi tráng sỹ.
Vì hãy nghe những lời ta nói sau đây:
Rồi phần thưởng gấp ba lần ngươi bị tước, sẽ có ngày,
Hắn sẽ phải lót dưới gót giày ngươi chuộc lỗi,
Buông tay ra, Achilles, hãy nghe ta nói!"

(Iliad, Homer)

tranh: Giovanni Battista Tiepolo (1757): Minerva (Athena) ngăn Achilles không giết Agamemnon.

Dịch: QH, từ 2 bản dịch tiếng Anh của Chapman và Rieu.

______________________

"Những lời có cánh" là một cụm từ của Tây du nhập vào tiếng Việt. Cụm từ này bắt nguồn từ Iliad của Homer. Nếu không đọc từ điển Trích dẫn của Suối cạn có bò (Oxford Dictionary of Quotations) thì sẽ không biết đâu. He he.

Agamemnon là "vua của các vua" của Hy Lạp, vua Argos, nhưng đứng đầu tất cả các thành bang chư hầu, đi qua đảo của ông Chryses, người giữ đền thờ Apollo, tiện tay cướp con gái của ông này là cô trinh nữ Chryseis về làm vợ. Ông Chryses tới đòi chuộc lại con gái thì bị dọa giết nên đành về, cầu nguyện thần Apollo. Thần thấy trinh nữ trong đền thờ của mình bị xúc phạm, tức quá bèn làm cho lính Hy Lạp bị bệnh tật, chết hàng loạt. Tiên tri của Agamemnon bảo rằng do ông chôm trinh nữ từ đền Apollo nên bị thần quở. Do sức ép dữ quá nên Agamemnon bảo rằng thôi được rồi, tao sẽ trả, nhưng đây là chiến lợi phẩm của tao, nếu tao trả về thì phải có đứa nhường chiến lợi phẩm lại cho tao, tao sẽ lấy đồ của Achilles, Ajax, hoặc Odysseus.

Achilles nghe vậy tức quá bảo là tui không có ân oán gì với dân thành Troy, tui đi theo chỉ để giúp ông, vậy giờ ông ăn nói bố láo bố toét. Tui dỗi, tui về Phthilia. Agamemnon bảo, mầy chỉ là thằng chiến binh, mày không đánh nhau thì chứ làm cái việc gì, cứ về đi, tao không quỳ xuống xin mày ở lại đâu, tao sẽ lấy con nô lệ Bryseis của mày. Achilles nghe nói tự ái nổi đùng đùng, phân vân không biết nên rút kiếm ra chém hay làm gì thì Athena xuất hiện và có cuộc đối thoại như trên.

Athena khuyên Achilles không nên động thủ, chỉ nên động khẩu. Dân Hy Lạp si nghĩ thật hay ho.

Achilles đọc là A-khi-li-s, hoặc A-ki-li-s, nếu bạn muốn đọc theo tiếng Anh.

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Hái quả (Fruit gathering) - Rabindranath Tagore

nguồn:http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/1/1c/DiwaliOilLampCrop.JPG

Bài số 17
Tôi mang chiếc lồng đèn đất ra khỏi nhà mà gọi lớn, "Các em ơi, đến đây nào, anh sẽ thắp sáng đường cho các em đi!"
Đêm vẫn còn ám tối khi tôi trở về, bỏ lại con đường cho tịch mịch, và tôi cất tiếng van lơn,
 "Thắp sáng cho tôi với, Lửa ơi! Vì chiếc lồng dèn đất của tôi đã vỡ tan thành cát bụi rồi!"
(Nhật Chiêu dịch)



I BROUGHT out my earthen lamp from my house and cried, "Come, children, I will light your path!"
The night was still dark when I returned, leaving the road to its silence, crying, "Light me, O Fire! for my earthen lamp lies broken in the dust!"

______________________

Bài số 19
Anh làm vườn Sudas hái bông hoa sen cuối cùng còn sót lại trong hồ sau mùa đông quái ác và đến trước cổng điện để định bán cho nhà vua.
Anh gặp một người lữ khách, người này nói: "Xin hãy cho tôi biết giá của  bông sen cuối cùng này, tôi muốn mua để cúng dường Đức Bụt."
Sudas bảo: "Nếu anh trả một đồng masha vàng thì tôi sẽ bán."
Thế là lữ khách trả một đồng masha vàng.

Ngay lúc đó nhà vua bước ra, ngài cũng muốn mua bông sen vì ngài đang trên đường đến viếng Bụt, và ngài nghĩ, "Dâng lên Bụt đóa hoa sen nở trong mùa đông thì thật tốt lành biết mấy."
Khi anh làm vườn bảo rằng người kia trả cho anh một đồng masha vàng, nhà vua liền trả cho anh mười đồng, nhưng lữ khách liền đưa ra giá gấp đôi nhà vua.
Anh làm vườn, vốn tham lam, bỗng nghĩ tới cái lợi lộc lớn hơn so với những đồng tiền hai người kia đang đấu giá, liền cúi đầu và bảo, "Tôi không bán bông sen này."

Trong bóng râm của vườn xoài bên ngoài tường thành, Sudas đang diện kiến Bụt. Môi Người luôn thường trực sự im lặng đầy thương yêu còn mắt Người luôn ngập tràn những tia an lạc như sao mai trong một sớm mùa thu đẫm sương.
Sudas nhìn vào mắt Người, đặt bông sen lên chân người, và cúi đầu xuống đất bụi.
Bụt cười và hỏi, "Con có nguyện gì hở con trai?"
Sudas kêu lên, "Ít nhất xin hãy cho con được chạm vào chân Đức Bụt."

(QH dịch)

______________________

Bài số 70

Khi người giơ ngọn đèn cao lên trời, ánh sáng rọi vào mặt tôi, còn bóng tối phủ lấy người.
Khi tôi giơ ngọn đèn tình yêu trong trái tim tôi, ánh sáng rọi vào người, còn tôi đứng ngập trong bóng tối.

(QH dịch)

______________________

Bài số 1

Người hãy gọi tôi, tôi sẽ hái quả mang vào sân nhà người trong những làn đầy, dầu cho có vài quả rơi rụng mất hay vẫn còn xanh.
Vì mùa màng đã về trĩu nặng với tiềng kèn buồn ề ì của người chăn cừu dưới gốc cây.
Xin cho gọi tôi
Rồi tôi sẽ dong buồm đi trên sóng nước
Nghe gió tháng Ba cáu kỉnh thổi lăn tăn gợn mặt hồ thành những tiếng rì rào
Vườn đã hái xong, và trong những giờ phút mệt mỏi của buổi chiều tà
Tiếng gọi cất lên từ mái nhà người trên bờ biển sẽ gọi tôi về dưới bóng hoàng hôn.

(QH dịch năm 2008, sửa lại năm 2013)


BID me and I shall gather my fruits to bring them in full baskets into your courtyard, though some are lost and some not ripe.
For the season grows heavy with its fulness, and there is a plaintive shepherd's pipe in the shade.
Bid me and I shall set sail on the river.
The March wind is fretful, fretting the languid waves into murmurs.
The garden has yielded its all, and in the weary hour of evening the call comes from your house on the shore in the sunset