Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Mới hay kìa nước nọ hư không

Trên mạng, đọc được một bài viết về thơ Nguyễn Trãi của thầy Nhật Chiêu. Chép lại để lưu trữ.
Thiên nga Winchester

______________________

Nguyễn Trãi: Mới hay kìa nước nọ hư không


Nhật Chiêu (Tạp chí Văn hóa Phật giáo)

Khi tiễn một nhà sư về núi, Nguyễn Trãi có nói: “Gặp dịp rồi tôi cũng vào cửa thiền” (Lãm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền). Gặp dịp? tâm Ức Trai đã vào thiền từ lâu. Tâm đó đã vào thiền từ lâu với mây trắng, với bóng trăng, với hương quê, với bông bụt…

Cái tâm đó nhẹ như mây trắng. Nhẹ đến nỗi không biết mây và người ai là có tâm (Nhân dữ bạch vân thùy hữu tâm?). Và trong con mắt của Ức Trai, cuộc đời trôi nổi tựa như mây (Nhân trung phù thế tống phù vân).

Thơ Nguyễn Trãi (cả Quốc âm thi tập và Ức Trai thi tập) là thơ thiền. Tâm ấy với mây trắng là một, là nhất sắc - hay nói theo tiếng Việt của Nguyễn Trãi: Hai ấy cùng xem một thức cùng.

Trong Quốc âm thi tập có bài thơ bát cú “Thuỷ thiên nhất sắc”, nó có thể thu nhỏ lại thành một tứ tuyệt rất nhẹ, rất lặng lẽ như sau:
Trời nghi ngút, nước mênh mông,
Hai ấy cùng xem một thức cùng.
Lẻ có chim bay cùng cá nhảy,
Mới hay kìa nước nọ hư không.

Bài thơ hiện lên giữa cõi tục như một cảnh giới nghi ngút và mênh mông. Ở đấy, không có gì có thể ràng buộc. Ở đấy không có gì có thể hèn mọn.

Trời như bay lên, bốc lên, nâng cao không ngừng. Như gọi mọi vật đi lên. Và đi lên một cách nhẹ nhàng, nghi ngút. Đi như khói và đi như hương.

Ta đi trong trời nghi ngút và bầu trời nghi ngút ấy đi trong ta. Bầu trời nghi ngút ấy tỏa lên sau lưng Nguyễn Trãi, cứ tỏa lên không ngừng sau bóng dáng bao la của ông.

Và nước. Nước như dàn trải, như mở rộng không gian mãi mãi, như tuôn dòng thời gian mãi mãi. Như gọi mọi vật tan vào nhau, hòa vào nhau trong thế giới tề vật của Trang Chu.

Như vậy, cái nghi ngút và mênh mông đang gọi ta. Gọi một sự trở về. Hãy sẵn sàng cho một cuộc tiêu dao trong nghi ngút và trong mênh mông.

Nhưng cái nghi ngút của trời và cái mênh mông của nước có khác nhau chăng?

Trời và nước: hai ấy, hai đằng ấy, hai hiện tượng… hai cái dường như đối lập.

Nhưng trong cái nhìn bất nhị, chúng là một thức, một vẻ, một sắc. Chỉ là một. Hay nói như Tô Đông Pha: thuỷ như thiên (Vọng hồ lâu túy thư).

Mà Ức Trai thì yêu Đông Pha cư sĩ. Đến nỗi có lần bảo rằng: “Pha lão tằng vân ngã diệc vân” (Ông Đông Pha từng nói thế, ta cũng nói thế).

Ức Trai và Đông Pha đều bị triều đình ghét bỏ. Cả hai đều quá mênh mông trong cái vườn bé tí gọi là thượng uyển, cái ao tù gọi là quan trường.

Mênh mông của trời và nước pha lẫn trong một màu xanh, đã đành là đi vào trong thơ xưa nay như là “nhất sắc”.
Vương Bột: Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc.
Trương Nhược Hư: Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần.

Nhưng ở Nguyễn Trãi, cái nhất sắc này được đẩy xa hơn, sâu hơn, vào trong tâm thiền. Nơi đó dường như tâm người, tâm chim và tâm cá hoà nhau trong nhất sắc, trong một thức trong một hư không. Có thể gọi đó là “tâm mây trắng” (bạch vân tâm) như lời thơ Vương Duy:
Dữ quân thanh nhãn khách,
Cộng hữu bạch vân tâm.
(Với bạn xanh màu mắt, Cùng chung mây trắng tâm).

Ai là bạn của Ức Trai? Ấy là chim, ấy là cá. Hay nói đúng hơn, ông thấy mình hóa thân vào chim, hóa thân vào cá. Như Trang chu thấy mình hóa thân vào bướm trong một giấc mộng nào.

Lẻ có chim bay cùng cá nhảy
Chỉ có những cánh chim bay giữa trời xanh nghi ngút kia. Chỉ có những con cá nhảy giữa nước biếc mênh mông kia…

Và ta muốn rằng cả ta nữa. Ta cũng bay nhảy trong cái nghi ngút mênh mông ấy. Cái nghi ngút ấy nâng ta lên và cái mênh mông ấy cuộn ta vào bao lớp sóng của tiêu dao.

Đưa ta vào “đạo tự nhiên”. Trong một bài thơ khác, Ức Trai nói: “Diều bay cá nhảy đạo tự nhiên”.

Ta là tự nhiên. Bay nhảy tự nhiên.

Chỉ như thế, như chim và như cá, ta mới tách khỏi trung tâm là ta, mới tách khỏi không gian nhỏ hẹp được tạo ra chung quanh cái trung tâm đó. Khi ấy thì:
Mới hay kìa nước nọ hư không.

Mới hay rằng nước là ta, hư không là ta. Ta sống trong nước và là nước. Ta sống trong hư không và là hư không.

Sống trong tự nhiên, vô tâm vô niệm. Như chim và cá. Như mây trắng. Thế nên Ức Trai mới tự hỏi:
Nhân dữ bạch vân thùy hữu tâm?
Ta và mây trắng ai có tâm đây? Dường như không có tâm, không có trung tâm là tự ngã. Sống trong tự nhiên là vô ngã, để mà tiêu dao với nước, với hư không.

+++

Nhìn lên không. Mây trắng đang bay. Đọc thơ của người, thấy mây như có hình bóng Ức Trai. Và hư không như vang vọng câu hỏi: Mây trắng và ta ai có tâm?

Mỗi lần đọc thơ Ức Trai, như muốn làm mây trắng để mà:
Mới hay kìa nước nọ hư không.

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Mạn thuật 4
Nguyễn Trãi



Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay,
Trong thế giới phút chim bay.
Non cao non thấp mây thuộc,
Cây cứng cây mềm gió hay.
Nước mấy trăm thu còn vậy,
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn* nay.
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết,
Bui* một lòng người cực hiểm thay.



______________
Nhẫn: cho đến
Bui: chỉ


(Hình: trên Flick - rất xin lỗi vì không biết tên tác giả - So sorry for no information about the author's name)

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Thời gian và sự tha thứ


Tim đang trên đường đi tìm Công Chúa. Cô bị một con quái vật hung ác khủng khiếp bắt cóc.

Chuyện này xảy ra vì Tim đã gây nên một điều lầm lỗi.

Không chỉ một lần. Anh đã làm nhiều điều sai lầm trong suốt thời gian từng ấy năm họ bên nhau. Ký ức về mối quan hệ của họ đã trở nên rối tung lên, bị xáo trộn hoàn toàn, nhưng vẫn còn một điều rõ ràng: Công Chúa đã dứt khoát ngoảnh mặt đi, bím tóc cô quất vào người anh với vẻ khinh bỉ.

Anh biết cô đã cố tha thứ cho anh, nhưng ai có thể ngoảnh mặt cho qua một lời dối trá tội lỗi, y như một cái đâm sau lưng? Đó thực là một loại lỗi lầm làm thay đổi mối quan hệ theo một cách vô phương cứu chữa, ngay cả khi chúng ta đã học được từ lỗi lầm và sẽ không bao giờ lặp lại. Đôi mắt Công chúa hẹp dần. Cô trở nên xa xăm hơn.

Thế giới của ta, với cái luật nhân quả của nó, đã dạy ta hà tiện với sự tha thứ. Quá sẵn sàng để tha thứ, ta có thể bị tổn thương nặng nề. Nhưng nếu ta học được từ lầm lỗi và từ đó trở nên tốt hơn, phải chăng ta nên được tưởng thưởng, hơn là bị trừng trị vì lầm lỗi ta gây nên?

Sẽ thế nào nếu thế giới của ta hoạt động theo một cách khác? Sẽ thế nào nếu ta có thể nói với cô: "Những điều anh vừa nói chỉ là lỡ lời, anh không hề có ý đó," và cô sẽ nói: "Được rồi, em hiểu mà," và cô sẽ không ngoảnh mặt đi và cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục như thể ta chưa hề nói cái điều không nên nói ấy? Ta có thể bỏ đi mọi thương tổn mà vẫn trở nên thông tuệ hơn nhờ học được kinh nghiệm từ lỗi lầm.

Tim và Công Chúa lang thang trong khu vườn của lâu đài, cười đùa với nhau, đặt tên cho những con chim đủ màu. Lỗi lầm của họ đều được giấu kín, nhét sâu giữa những nếp gấp của thời gian, an toàn nằm im trong đó.

Jonathan Blow




_______________


Đoạn trích trên dịch từ câu chuyện trong thế giới thứ hai game Braid. Đúng là một game đầy siêu thực và triết học.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Khúc ca nàng Solveig

"Cháu như mặt trời, như một ngọn gió êm và như một buổi sáng tươi mát. Một bông hoa trắng vừa nở rộ trong tim cháu, phủ trọn toàn bộ cơ thể và tâm hồn cháu hương ngát mùa xuân." 

Paustovsky đã để cho Grieg nói những lời như thế với cô bé Dagni 18 tuổi trong trí tưởng tượng của mình, khi ông viết nên bản nhạc dành cho riêng cô trong truyện ngắn "Lẵng quả thông".

_____________________

Nghe nhạc Grieg tôi cảm thấy núi, thấy rừng, thấy cây cỏ, thiên nhiên, thấy mặt trời, và đặc biệt, tôi thấy được cái không khí lạnh ngắt, tươi mát của trời đất nơi ông ở, nhà soạn nhạc người viết nên những tác phẩm nhằm "xây nên những ngôi nhà cho dân tôi ở". Như lần tôi nghe "Morning mood" (Tâm trạng buổi sáng).

Mỗi lần nghe Grieg là một lần bất ngờ. Bất ngờ lần này là "Khúc ca nàng Solveig" trong tổ khúc Peer Gynt.


Có lẽ đông qua, rồi xuân cũng sẽ qua,
Và cả hè cũng trôi, không chừng một năm trọn
Nhưng anh rồi cũng sẽ về, điều đó em biết chắc
Một khi em đã hứa, em vẫn sẽ chờ đợi mà
Cầu thượng đế cho anh sức mạnh, dù anh có đi tận phương nào
Cầu thượng đế cho anh vui sướng, khi anh đến đứng dưới chân người
Em vẫn sẽ chờ đợi anh đến đây lần nữa
Và anh yêu, nếu anh đang đợi em trên cao kia, chúng ta rồi sẽ gặp lại nhau.









____________________

Ngày trước cô Lê Dung cũng đã từng hát bản dịch lời Việt của ca khúc này.



_____________________

"Cháu là hạnh phúc. Cháu là ánh lấp lánh của bình minh".
 Paustovsky






Các câu trích trong "Lẵng quả thông":
Đoạn ở trên là dịch theo bản tiếng Anh trên http://russiapastandpresent.blogspot.com/2011/06/konstantin-paustovsky-basket-of-fir.html.
Đoạn ở dưới là bản dịch của dịch giả Kim Ân.