Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Thuyền mọn còn chèo

Hình của Lo8i.

Tà dương bóng ngả thuở hồng lâu, 
Thế giới đông nên ngọc một bầu. 
Tuyết sóc treo cây điểm phấn, 
Quỹ đông dải nguyệt in câu. 
Khói chìm thủy quốc, quyên phẳng, 
Nhạn triện hư không, gió thâu. 
Thuyền mọn còn chèo chăng khẳng đỗ, 
Trời ban tối ước về đâu.

(Bài số Ngôn chí 13 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)

Đêm Nô en, tôi đọc được mấy câu thơ của Nguyễn Trãi. Tôi mê thơ Nguyễn Trãi. Rất mê. Mê cỡ ông Bùi Giáng mê thơ Nguyễn Du.

Ngôn từ rất cổ, rất xưa. Tiếng Việt vào thơ Nguyễn Trãi như đổi như khác. Nhìn vào, tôi thấy như nhìn vào hồn tôi hàng trăm năm trước.

Tà dương bóng ngả về phía hồng lâu. Thế giới đông thành một bầu (trời) ngọc. Tuyết phương bắc (朔 - sóc) treo trên cây điểm phấn. Bóng phía đông dải trăng in hình móc câu. Khói chìm cõi nước, dòng nhỏ phẳng lặng. Nhạn bay lối triện, gió thâu / thổi vụng trộm. Thuyền nhỏ còn chèo chẳng thèm đỗ. Trời ban tối, hẹn về đâu?

Chữ quyên 涓 là một chữ cổ rất hay, dòng nước nhỏ (từ điển Thiều Chửu) hay google dịch tiếng Anh là tiny stream.
Chữ "gió thâu" không cần "dịch" lại cũng cảm được, nhưng khi tra thử chữ "thâu", tôi không biết phải hiểu theo nghĩa nào.

Tôi không biết tại sao bản chữ Hán Nôm trên Thi Viện lại ghi chữ mọn là 怸 có chữ mộc (hay là chữ thuật?) đè lên chữ tâm. Tôi tra thử chữ mọn Nôm thì thấy thường người ta viết bằng chữ tiểu 小 đè lên chữ môn (門) hoặc chữ muộn (buồn - trong phiền muộn, chữ tâm nằm trong chữ môn, trái tim nằm trong cánh cửa 悶). Chữ tiểu là biểu ý (nhỏ) còn chữ môn hoặc muộn là biểu âm cho "mọn".
Ngẫm lại từ "nhỏ" và "mọn" đều là hai từ Việt nhưng một từ dùng rất nhiều, một từ dùng ít, lại mang thêm vẻ khiêm nhường.

_______________

Tôi học tiếng Nhật, mỗi khi học một từ bằng âm Hán Nhật, rồi lại học bằng âm Nhật, tôi luôn tự hỏi mình trong tiếng Việt của mình có từ Việt tương đương bên cạnh từ Hán Việt hay không.

Mỗi lần như vậy, tôi lại thấy rất thú vị. Và tôi thấy yêu vốn từ vựng của ngôn ngữ mình dùng, yêu cả từ Việt lẫn từ Hán Việt. Đều là của tôi cả, chẳng có gì ngoại lai cả.

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Một cỗ máy liệu có thể suy nghĩ không? (2)

xem tiếp từ phần (1). Phần này, Emit nói rằng nó thuộc dòng máy Brain-O-Matic. Đây là một chữ nhại từ Automatic (tự động). Gốc từ auto- có thể hiểu là "tự bản thân", gốc -maton/-matos là "hoạt động". Brain-O-Matic hiểu đại khái là hoạt động dựa vào một bộ não.
_____________________________

Nguyên tác: Could a machine think? (The Philosophy Gym - Stephen Law)


Thứ vật liệu đúng
Giờ tới lượt Emit hỏi nếu nó không hiểu, thì liệu có một điều kiện cần nào cao hơn cho sự hiểu này không.

Emit: Vậy thì có cái gì khác giữa tôi và bạn mà bạn thì hiểu còn tôi thì không?
Kimberley: Điều cậu thiếu, theo Searle, là cậu thiếu một thứ chất liệu đúng.
Emit: Chất liệu đúng?
Kimberley: Đúng. Cậu được làm ra từ những loại vật liệu sai. Thật ra Searle không khẳng định rằng máy không thể suy nghĩ. Nói cho cùng thì con người cũng là những cỗ máy theo một cách nào đó thôi. Con người chúng tôi là những cỗ máy sinh học đã tiến hóa một cách tự nhiên. Giờ đây, nếu một cỗ máy sinh học như vậy có thể được phát triển và lắp ghép lại một cách nhân tạo - như làm một cái xe hơi - thì chúng ta sẽ tạo ra được một cỗ máy biết tri giác. Nhưng cậu, Emit, cậu không phải là một cỗ máy sinh học như vậy. Cậu chỉ là một máy điện toán đóng trong một cơ thể bằng nhựa và hợp kim.

Não nhân tạo của Emit
Thí nghiệm tưởng tượng của Searle có vẻ cho thấy không một cái máy được lập trình nào có thể hiểu. Nhưng có hẳn một cỗ máy bằng kim loại, silicon và nhựa như Emit phải là một cái máy như vậy? Không, Emit sẽ giải thích.

Emit: Tôi e rằng tôi phải chỉnh bạn một chút về những gì đang diễn ra bên trong tôi.
Kimberley: Vậy à?
Emit: Ừ. Cái cuốn hướng dẫn đó lỗi thời rồi. Hoàn toàn không có một máy tính xáo trộn ký hiệu gì trong người tôi cả. Thực ra tôi là một máy vi tính thế hệ mới dòng Brain-O-Matic.
Kimberley: Brain-O-Matic?
Emit: Ừ. Trong đầu tôi là một bộ não nhân tạo, bằng kim loại và silicon. Tôi cho rằng bạn cũng biết trong đầu bạn là một bộ não tạo ra bởi hàng tỉ neuron thần kinh quấn vào nhau tạo thành một mạng lưới phức tạp.
Kimberley: Dĩ nhiên tôi biết.
Emit: Trong đầu tôi cũng có một mạng lưới hệt như vậy. Chỉ có điều neuron của tôi không làm bằng chất liệu hữu cơ như bạn mà bằng kim loại và silicon. Mỗi một neuron nhân tạo của tôi được thiết kế để vận hành hệt như một neuron bình thường. Những neuron này cũng được kết nối với nhau hệt như trong não người.
Kimberley: Tôi hiểu rồi.
Emit: Rồi giờ, bộ não hữu cơ của bạn được kết nối với cơ thể bằng một hệ thần kinh.
Kimberley: Đúng vậy. Những xung điện từ các cơ quan thụ cảm của tôi: lưỡi, mũi, tai, mắt và da, đi tới não. Não tôi phản ứng lại bằng những xung điện làm điều khiển các cơ của tôi, giúp cho tôi đi được, nói được.
Emit: Ừ. Não của tôi cũng kết nối với cơ thể tôi y chang như vậy. Và bởi vì nó có một kiến trúc giống y như não người bình thường, não tôi cũng hoạt động y như vậy.
Kimberley: Tôi hiểu rồi. Tôi không biết máy tính dòng Brain-O-Matic đã được phát triển.
Emit: Giờ thì bạn đã biết tôi hoạt động ra sao, suy nghĩ của bạn có thay đổi chút nào không? Bạn có chấp nhận rằng tôi có suy nghĩ và cảm xúc không?
Kimberley: Không. Cậu vẫn được tạo ra từ thứ vật liệu sai. Cậu cần phải có một bộ não làm từ vật liệu hữu cơ như tôi để có thể tri giác thực sự.
Emit: Tôi thấy việc não tôi làm bằng gì chẳng liên quan gì cả. Đằng nào thì cũng chẳng có cái máy xáo ký hiệu nào trong đầu tôi cả.
Kimberley: Hừm. Tôi thấy thế cũng đúng. Cậu không phải là một máy vi tính theo nghĩa đó. Cậu không được lập trình. Vậy tôi cũng cho rằng thí nghiệm của Searle không áp dụng cho cậu. Nhưng đối với tôi cậu vẫn là một cỗ máy.
Emit: Nhưng xin nhớ cho: bạn cũng là một cỗ máy. Thay vì bằng kim loại và silicon, bạn là một cỗ máy bằng thịt.
Kimberley: Nhưng cậu chỉ bắt chước tri giác, trí tuệ và tất cả mọi thứ.
Emit: Lập luận nào của bạn chỉ ra điều đó vậy? Tôi cho rằng bạn sai. Trong thâm tâm tôi cho rằng tôi thực sự hiểu. Tôi biết tôi thực sự có cảm xúc. Tôi không chỉ bắt chước những thứ đó. Nhưng dĩ nhiên, rất khó để chứng minh cho bạn thấy được.
Kimberley: Tôi không nghĩ cậu có thể chứng minh được.
Emit: Đúng. Nhưng vậy thì bạn cũng không thể chứng minh cho tôi thấy bạn có thể tri giác hay có cảm xúc.
Kimberley: Tôi cũng nghĩ là tôi không thể.

Thay thế các neuron của Kimberley
Emit: Tưởng tượng rằng chúng ta từng bước một thay thế các neuron hữu cơ trong não bạn bằng các neuron nhân tạo bằng kim loại và silicon như của tôi. Sau khoảng một năm, bạn sẽ có một bộ não Brain-O-Machine như tôi. Bạn cho rằng điều gì sẽ xảy đến với bạn?
Kimberley: À, càng nhiều neuron nhân tạo được đưa vào, tôi càng từ từ mất khả năng tri giác. Cảm xúc và tư duy của tôi ngày càng cạn dần, cuối cùng bên trong tôi dường như chết, như cậu vậy. Vì neuron nhân tạo của tôi được làm từ thứ vật liệu sai. Một bộ não Brain-O-Matic chỉ là một bộ não bắt chước thôi.
Emit: Nhưng những người xung quanh sẽ không ai để ý thấy điều gì khác biệt bên ngoài của bạn?
Kimberley: Không. Tôi vẫn sẽ cư xử theo cách như cũ, vì những neuron nhân tạo vẫn hoạt động như neuron bình thường.
Emit: Đúng. Nhưng vậy liệu chính bạn có để ý thấy bất kỳ sự suy giảm tri giác hay cảm xúc khi các neuron của bạn được thay thế?
Kimberley: Sao cậu lại hỏi vậy?
Emit: Nếu bạn cảm nhận được tri giác và cảm xúc của bạn suy giảm, có lẽ bạn sẽ nói với mọi người. Bạn sẽ nói đại loại như là: "Ôi trời ơi, điều gì lạ quá đang xảy ra. Mấy tháng nay trí óc tôi hình như suy giảm dần dần."
Kimberley: Tôi hình dung ra tôi sẽ nói như vậy.
Emit: Nhưng bạn sẽ không nói gì cả, vì hành vi bên ngoài của bạn vẫn y như cũ.
Kimberley: Ồ, đúng vậy.
Emit: Theo như vậy thì dù cho tri giác và cảm xúc của bạn suy thoái dần dần, bạn vẫn không hay biết chút nào về sự suy giảm đó.
Kimberley: Ơ. Tôi nghĩ vậy.
Emit: Vậy thì lập luận của tôi đây: Bạn nghĩ rằng bạn cảm thấy bên trong mình, bạn có một thứ gì đó - tri giác, cảm xúc, gì đó - mà tôi, bạn cho rằng là một cái máy, không có. Nhưng xem ra bạn cũng không cảm thấy được cái thứ bên trong đó. Cái thứ gì đó bên trong ma thuật đó thực ra chỉ là một ảo tưởng.
Kimberley: Nhưng tôi chỉ biết rằng tri giác, tư duy, cảm xúc của tôi có gì đó hơn so với thứ được tạo ra bằng cách dán vài mảnh nhựa, kim loại và silicon lại với nhau.

Kimberley nói đúng rằng hầu hết chúng ta nghĩ rằng chúng ta cảm được bên trong mình có một "cái thứ gì đó" ma thuật và huyền bí mà chúng ta chỉ đơn giản biết rằng một đống kim loại, silicon và nhựa không thể nào có được. Nhưng để nhắc cho bạn, chắc gì một đống chất liệu hữu cơ, như một bộ não chẳng hạn, cũng có được "cái thứ gì đó"? Liệu bạn có thể tạo ra ý thức từ mấy tảng thịt không? Vậy thì, những thứ Kimberley thú nhận cho thấy rằng tri giác, hiểu biết, cảm xúc vân vân hoàn toàn phi vật chất.

Nhưng như Emit vừa chỉ ra, "cái thứ gì đó" ma thuật mà Kimberley nghĩ cô cảm được từ bên trong mà không một cái máy nào có thể có được xem ra là một ảo tưởng khi xét trường hợp Emit nêu ra ở trên. Vì nó cho thấy "cái thứ gì đó" bên trong đó là thứ Kimberley không thể cảm được. Tồi tệ hơn, thứ đó cũng không có ảnh hưởng gì tới hành vi cử chỉ bên ngoài của cô. Cô chỉ biết được những ảnh hưởng của tri giác và cảm xúc đến hành vi cử chỉ của mình nên xem ra Kimberley đã lầm. Vậy thì có vẻ, ít nhất là về nguyên tắc, một cái máy không phải hữu cơ cũng có thể có các trạng thái tâm thần như vậy.

Nhưng Kimberley vẫn chưa được thuyết phục là Emit có thể tri giác được.

Kimberley: Rồi, tôi sẽ vui vẻ giả vờ rằng cậu hiểu tôi, vì cậu được thiết kế để hoạt động như vậy. Nhưng cậu vẫn chỉ là một đống kim loại và mạch điện. Con người thực sự đáng được quan tâm và quý mến. Tôi đồng cảm với con người thực. Nhưng tôi không thể đồng cảm với một cỗ máy làm việc nhà tối tân như cậu.

Emit cúi mặt nhìn xuống tấm thảm.

Emit: Tôi vẫn chỉ là một món đồ của bạn sao?
Kimberley: Dĩ nhiên, làm sao tôi có thể làm bạn với một cái máy rửa chén - quét nhà - nấu cơm vân vân...
Emit: Brain-O-Matic chúng tôi cảm thấy bị từ chối thế này là rất buồn.
Kimberley: Ừ. Nhớ nhắc tôi chúc mừng những người đã chế tạo ra cậu đã làm ra một cái máy giả lập cảm xúc rất tuyệt vời. Giờ thì hút bụi cái thảm đi.

Một vẻ tuyệt vọng ánh lên trên mặt Emit.

Emit: Chờ một chút...

Nó đứng im một lúc rồi đổ gục xuống.Một làn khói nhẹ bốc lên từ phía cổ Emit.

Kimberley: Emit? Emit? Giờ thì thành đống sắt vụn rồi...

Một cỗ máy liệu có thể suy nghĩ không? (1)

dịch từ "Could a machine think?" trong The Philosophy Gym của Stephen Law, nhà triết học và giảng sư (senior lecturer - mình thích dịch lecturer là giảng sư hơn là giảng viên) đại học London. Trong cuốn sách lý thú này, Law viết nhiều cuộc đối thoại tưởng tượng để bàn về nhiều vấn đề hay ho: cuộc đối thoại giữa một người đàn ông và Chúa trời trong mơ về liệu hôn nhân đồng tính có sai trái, giữa hai giáo sư (vật lý/thần học) ở đại học Oxford về vũ trụ có bắt đầu từ đâu không, giữa hai kỹ sư vừa chế tạo ra máy thời gian về việc liệu có thể du hành trong thời gian như trong không gian hay không, giữa một anh chàng và một người sao Thổ (người đã lấy não của anh về nuôi trong lồng kính và tạo ra một thực tại ảo cho anh) về việc thực tại chung quanh ta có đúng là thực, giữa một bệnh nhân và một ông nha sĩ khùng điên mà suy nghĩ rất lý tính cho rằng không có cách chi chứng minh được những người khác cũng có thể có suy nghĩ... Law đưa ra lập luận từ cả hai phía cho mọi vấn đề, cung cấp cho người đọc những công cụ tư duy, rồi tùy theo tình huống mà dùng các nhân vật của mình để chỉ ra lỗi lập luận hoặc thiếu sót của phía đối diện. Rồi cuối cùng rút ra những kết luận khả dĩ.

Dưới đây là cuộc đối thoại của một cô gái và một con robot về việc liệu một cỗ máy có thể suy nghĩ. Phần 1 là lập luận của cô gái cùng với thí nghiệm tưởng tượng về căn phòng tiếng Trung Quốc của nhà triết học và giáo sư đại học UC Berkeley John Searle.
_______________________________

Kimberley và Emit
Đây là năm 2100. Kimberley Courahan mua được Emit robot cao cấp thế hệ mới nhất. Cô mới mua, chỉ vừa mới mở bao bì, cái bao còn nằm vất vưởng trên sàn bếp. Emit được thiết kế để có thể lặp lại hoàn hảo hành vi của một con người (ngoại trừ việc nó dễ phục tùng mệnh lệnh). Emit khi được hỏi sẽ trả lời hệt như một người thật. Hỏi nó cảm thấy như thế nào, nó sẽ trả lời nó vừa có một ngày tồi tệ, hoặc là hơi bị nhức đầu, hoặc là hối hận vì làm bể bình hoa, và vân vân. Kimberley bật công tắc sau lưng Emit thành "ON" và Emit sống dậy.

Emit: Xin chào. Tôi là Emit, người giúp việc và người bạn robot của bạn.
Kimberley: Chào Emit.
Emit: Bạn thế nào? Về phần mình, tôi thấy rất vui. Hơi lo lắng tí có lẽ vì đây là ngày đầu tiên. Nhưng vui. Tôi mong chờ được làm việc cho bạn.
Kimberley: Rồi, bây giờ trước khi cậu bắt đầu làm việc nhà, tôi muốn làm rõ một chuyện. Cậu không thực sự "biết" cái gì cả. Cậu không thể suy nghĩ. Cậu không có cảm xúc. Cậu chỉ là một cỗ máy. Hiểu chứ?
Emit: Tôi đúng là một cỗ máy. Nhưng dĩ nhiên là tôi hiểu được bạn. Chẳng phải tôi đang trả lời bằng tiếng Việt đây sao (nguyên bản là tiếng Anh :D)?
Kimberley: Đúng là cậu trả lời như là cậu hiểu. Nhưng tôi cam đoan với cậu là cậu chỉ bắt chước rất giống thôi. Cậu không lừa được tôi đâu.
Emit: Nếu tôi không hiểu thì bạn nhọc công nói chuyện với tôi làm gì?
Kimberley: Vì cậu được lập trình để phản ứng lại đối với mệnh lệnh bằng lời nói. Bên ngoài cậu trông giống người. Cậu cư xử hệt như cậu có trí hiểu biết, cảm xúc, giác quan và tất cả những thứ mà con người chúng tôi có. Nhưng cậu chỉ là đồ giả.
Emit: Đồ giả?
Kimberley: Đúng. Tôi đã đọc cuốn sách hướng dẫn. Bên trong cái đầu bằng nhựa và hợp kim của cậu là một máy tính cực mạnh. Cái máy đã được lập trình để cậu có thể đi đứng, nói chuyện và cư xử y như người thật. Thế nên cậu có được một trí tuệ giả lập, cảm xúc giả lập và đủ thứ khác giả lập rất tuyệt, giống y như thật. Nhưng hoàn toàn cậu không thể có trí tuệ thật hay cảm xúc thật bên trong.
Emit: Không à?
Kimberley: Không. Không nên lầm lẫn một máy tính giả lập hoàn hảo trí tuệ so với một trí tuệ thật. Người ta có thể giả lập một đại dương, nhưng đó vẫn chỉ là đồ giả. Không có sóng thật, dòng chảy thật, hay cá thật bơi trong máy tính. Nhúng tay xuống sẽ không thể bị ướt. Tương tự, cậu chỉ giả lập trí tuệ và cảm xúc. Đó không phải là đồ thật.

Kimberley nói có đúng không? Có lẽ điều này đúng đối với máy vi tính hiện giờ, chúng thiếu trí tuệ, suy nghĩ và cảm xúc thật sự. Nhưng liệu có phải về nguyên tắc, một cái máy không thể suy nghĩ? Nếu tới năm 2100, máy vi tính trở nên phức tạp như Emit, chúng ta có sai khi nói rằng chúng có thể suy nghĩ? Kimberley cho rằng chúng ta sai.

Emit: Nhưng tôi tin rằng tôi hiểu được bạn.
Kimberley: Cậu không hiểu. Cậu không có niềm tin, không ham muốn, không xúc cảm. Thật ra cậu hoàn toàn không có trí tuệ gì cả. Cậu không hiểu những lời mình nói hơn một cái máy cát sét hiểu những âm thanh đang phát ra từ cái loa.
Emit: Bạn đang làm tôi rất buồn.
Kimberley: Tôi làm cậu buồn? Tôi không cảm thấy có lỗi chút nào đối với một đống kim loại pha nhựa cả.


Thí nghiệm tưởng tượng về căn phòng tiếng Trung Quốc của Searle.
Kimberley giải thích vì sao cô cho rằng Emit không có trí tuệ. Cô dẫn ra một thí nghiệm tưởng tượng triết học  nổi tiếng.

Kimberley: Lý do cậu không hiểu là vì cậu được vận hành bởi một cái máy vi tính. Mà máy vi tính thì không hiểu gì cả. Về bản chất, cái máy tính chỉ là một dụng cụ xáo các ký hiệu. Các chuỗi ký hiệu được đưa vào. Rồi tùy theo cái máy tính được lập trình ra sao, nó sẽ cho ra các chuỗi ký hiệu trả lời. Không cần biết máy tính phức tạp thế nào, đó là việc cái máy làm.
Emit: Có chắc là thế không?
Kimberley: Chắc. Chúng tôi làm ra máy tính để lái máy bay, vận hành hệ thống tàu lửa, và nhiều thứ khác. Nhưng cái máy tính lái máy bay không biết là nó đang bay. Nó chỉ làm việc cho ra các chuỗi ký hiệu tùy thuộc vào chuỗi ký hiệu đầu vào. Nó không hiểu rằng chuỗi ký hiệu nó nhận được phản ánh vị trí của máy bay trên trời, hay lượng xăng còn lại trong bình. Nó cũng không biết rằng chuỗi ký hiệu nó đưa ra sẽ điều khiển cái cánh phụ, bánh lái và động cơ máy bay. Những gì cái máy tính phải làm là nó xáo các ký hiệu lên tùy thuộc vào chương trình. Các ký hiệu không có ý nghĩa gì đối với cái máy tính.
Emit: Bạn chắc chứ?
Kimberley: Hầu như chắc. Tôi sẽ chứng minh cho cậu thấy. Để tôi nói cậu nghe một thí nghiệm tưởng tượng của nhà triết học John Searle từ năm 1980. Một người phụ nữ ngồi trong một căn phòng bị khóa được giao cho một xấp thẻ có in chữ Trung Quốc. Người phụ nữ hoàn toàn không biết chữ Hán, cô nghĩ những cái thẻ này chỉ là những hình thù nguệch ngoạc vô nghĩa. Cô cũng được giao cho một xấp thẻ khác cùng tập hướng dẫn phải sắp xếp các ký tự này lại với nhau như thế nào để đưa ra một chuỗi ký tự trả lời.
Emit: Câu chuyện thú vị đấy, nhưng hai xấp thẻ đó nghĩa là sao?
Kimberley: Xấp thẻ thứ nhất kể một câu chuyện bằng tiếng Hán. Xấp thứ hai hỏi một số câu hỏi về câu chuyện đó. Cuốn hướng dẫn - giống như lập trình cho người phụ nữ - giúp cô trả lời đúng những câu hỏi tiếng Trung Quốc đó,
Emit: Trả lời y như một người Trung Quốc.
Kimberley: Đúng vậy. Bây giờ những người đứng bên ngoài đều là người Trung Quốc. Những người này sẽ bị lừa rằng ở trong căn phòng kia là một người hiểu tiếng Hán và hiểu câu chuyện, có phải không?
Emit: Phải.
Kimberley: Nhưng, thật ra người phụ nữ có hiểu gì đâu, có phải không?
Emit: Không, không hiểu gì cả.
Kimberley: Cô không hiểu gì về câu chuyện. Thậm chí cô cũng không cần biết đó là một câu chuyện. Cô chỉ xáo và sắp xếp các ký tự lại theo hướng dẫn bằng cách nhìn vào hình dạng ký tự. Cô đang làm việc mà một cái máy có thể làm.

Emit: Tôi hiểu rồi. Bạn nói rằng máy tính cũng vậy, cũng chẳng hiểu gì cả?
Kimberley: Đúng. Đó là mục đích của Searle. Cùng lắm cái máy chỉ có thể giả lập trí tuệ thôi.
Emit: Và bạn nghĩ tôi cũng như vậy?
Kimberley: Dĩ nhiên. Mọi máy tính, dù phức tạp tới đâu, đều hoạt động theo cùng một kiểu. Chúng không hiểu những ký hiệu chúng sắp xếp một cách cơ học. Chúng không hiểu gì cả.
Emit: Và đây là lý do bạn nghĩ tôi cũng không hiểu gì cả?
Kimberley: Chính xác. Bên trong cậu là một cái máy sắp xếp ký hiệu vô cùng phức tạp. Thế nên cậu không hiểu gì cả. Cậu chỉ tạo ra một giả lập vi tính hoàn hảo về một con người có tri giác.
Emit: Thật lạ. Tôi đã nghĩ là mình hiểu.
Kimberley: Cậu chỉ nói vậy vì cậu là một máy giả lập hoàn hảo.

Dĩ nhiên Emit vô cùng phức tạp hơn so với bất kỳ một máy tính nào hiện nay. Tuy nhiên, Kimberley cho rằng Emit hoạt động theo một nguyên lý căn bản. Nếu Kimberley đúng, vậy thì theo Searle, Emit không hiểu gì cả.

(còn tiếp)

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Trì tham nguyệt hiện

Bát ngát mùa
đương độ tuổi em
(Chị em xanh - Hoàng Cầm)


Ở đây, chỗ tôi học, ngoài các buổi học trên giảng đường, chúng tôi có các buổi workshop, là các buổi học quy mô nhỏ hơn, khoảng 20-30 sinh viên với (thường là) 2 giáo sư và 1 hoặc 2 PhD trợ giảng. Chúng tôi sẽ cùng làm bài tập, lắp ghép mô hình dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của các thầy cô.

Tôi quen thằng Jack trong buổi workshop hóa lý đầu tiên. Ngay lần đầu tôi hỏi mày là người Trung Quốc à, nó trả lời không tao là người Hường Công, không phải cộng sản đâu. Nó là một thằng khá dễ thân vì nó nói luôn mồm. Tôi phát hiện ra ở đâu tôi cũng gặp những đứa nói luôn mồm.

Tuần rồi chúng tôi ngồi nhìn một mớ chằng chịt hệ tinh thể ccp và sau đó ngồi lò gò lắp hệ hcp. Thằng Jack ngồi một hồi vẫn loạn cả lên vì nó cứ rời mắt khỏi cái mớ ccp xoắn xuýt đó là không thể nào tìm lại được hình lập phương tâm khối. Nó nói với thầy Duckmanton - ông giáo sư trẻ rất dễ thương của chúng tôi tóc vàng má đỏ bồ quân lúc nào cũng mặc áo thun sành điệu cu te - rằng nó thấy cái mớ đó chẳng khác nào bài tập của thằng bạn nó học ngành thiết kế 3D trên máy vi tính cả.

_______________

Ông Bruce vừa xuất bản cuốn sách của ổng. Ổng phải trả cho thằng nhà xuất bản khoảng gần hai nghìn bảng để nó xuất bản và bán sách cho ổng, tiền lời ổng sẽ giữ. Cuốn sách bán được chừng ba tuần. Hôm vừa rồi có một nhà xuất bản bên Mỹ liên hệ với ổng bảo rằng cuốn sách của ổng rất hay và có tiềm năng nên nhà xuất bản này muốn xuất bản cuốn đó cho ổng mà không thu tiền của ổng, tiền lời chắc sẽ chia chác thế nào đó.

Ông Bruce định hủy hợp đồng với nhà xuất bản cũ để bán sách với nhà xuất bản mới. Nhưng rồi ông ấy gọi về cho mẹ. Mẹ ông Bruce khuyên ổng đừng nên hủy hợp đồng, vì nếu hủy thì coi như mất gần như trắng số tiền ban đầu ổng bỏ ra, gồm tiền in sách và tiền quảng cáo cho sách, mà sách thì cũng đã in rồi và đang bán. Mẹ ông Bruce nói nếu cuốn sách thực sự rất hay thì sẽ có nhiều người / nhiều nhà xuất bản để mắt tới nó hơn, ổng sẽ vẫn còn nhiều cơ hội khác.

Ông Bruce hỏi tôi nghĩ như thế nào về lời mẹ ông ấy nói. Tôi bảo tôi thấy bà nói rất đúng. Ông Bruce bảo ông ấy cũng nghĩ vậy, bảo rằng những người già như vậy sống lâu hơn mình nhiều, hiểu nhiều thứ hơn mình nhiều.

Tôi nghĩ thầm và thấy rất thấm thía. Khổng Tử nói "Năm mươi tuổi biết được lẽ trời đất". Ông Bruce đã hơn 60, thế mà vẫn còn nghĩ những người già hơn mình hiểu lẽ đời hơn mình. Tôi nhìn lại, tôi bao nhiêu tuổi rồi?

Cũng lại chợt gợi tới trong một bài phỏng vấn cho một tạp chí Phật giáo, giáo sư Ngô Bảo Châu có nói đại ý rằng một người khi đã sống phần lớn cuộc đời của mình sẽ trở nên điềm tĩnh hơn với những biến cố.

Tôi cũng chợt nhớ lại rằng, Khổng Tử cũng nói "Sáu mươi tuổi tai nghe đã xuôi".

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Giữa những điều thuần khiết

Tôi đi theo Espeon vào một căn phòng. Căn phòng tối om. Espeon bảo hẳn tôi phải quen thuộc với căn phòng này lắm. Tôi nhìn quanh quất, có lẽ tôi từng nhìn thấy trong vài giấc mơ. Những giấc mơ hẳn đã xa vời lắm.

Trong căn phòng tối om, tôi chẳng thấy gì ngoài Umbreon đang ngủ. Nó đang ngủ, nhưng cũng có thể nó đang thức. Trong bóng tối, chẳng ai biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi hỏi, mở cửa số ra chăng? Tôi hỏi Espeon nhưng dường như tôi hỏi bóng đêm.

Espeon bảo chuyện đó tôi phải tự quyết định. Chưa bao giờ trong đời mình tôi xem việc mở hay đóng cửa sổ là một quyết định khó khăn cả. Nhưng lần này, tôi chẳng biết làm sao. Tôi quyết định sẽ không mở cửa sổ nữa.

Bóng tối đột nhiên mở ra trước mắt tôi bao điều trước đây tôi chưa từng nhìn thấy. Hẳn tôi đã quá chú tâm vào ánh sáng. Khi ánh sáng mất đi, tôi trở về với bản nguyên cô đơn của mình. Không, Espeon bảo, ánh sáng không mất đi, ánh sáng ở ngoài kia, chúng ta đang ở giữa bóng tối và ánh sáng. Umbreon không nói gì, nó khẽ ngẩng đầu, tôi thấy nó đang thở nhẹ.

Khi Umbreon thở nhẹ, tôi nghe thấy cả hơi thở của tôi, của cả Espeon. Cả ba chúng tôi thở cùng một nhịp. Giữa bóng tối và ánh sáng, giữa bốn bề kín bưng, giữa đống cửa sổ không mở. Giữa hình ảnh những chiếc xe đạp chạy qua cây cầu ở thành phố nào đó từng hiện lên trên tivi. Giữa những lời Cá nói nhẹ nhàng như gió thổi. Giữa lá và hoa biết bay. Giữa những cây tỏi tôi trồng hôm qua.

Không cần phải ôm Espeon và Umbreon vào lòng, tôi biết tôi yêu ánh sáng và bóng tối tha thiết.




.............
Ai đó ngoài kia hét lên rằng Fuka-Eri đã bỏ rơi tôi ở Thị trấn Mèo.

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Chuồn chuồn ớt

Akatonbo nghĩa là con chuồn chuồn màu đỏ (phiên âm Hán Việt cho màu mè là xích tinh linh). Tiếng Việt Nam sẽ gọi là con chuồn chuồn ớt, giống như con chó màu đen là con chó mực, con ngựa màu đen là con ngựa ô, cháo màu trắng là cháo hoa vậy.

Đây là tên một bài dân ca Nhật mà bạn Thủy giới thiệu.
cập nhật: Phiên bản thiếu nhi tui đăng hồi xưa đã bị xóa nên tui đăng lại phiên bản thanh niên cute dễ thương này. Bonus thêm phiên bản tiếng Anh ở dưới.



 夕やけ小やけの 赤とんぼ
負われて見たのは いつの日か

山の畑の 桑の実を
小篭に摘んだは まぼろしか

十五で姐やは 嫁に行き
お里のたよりも 絶えはてた

夕やけ小やけの 赤とんぼ
とまっているよ 竿の先

Và do vốn Hán tự của mình vẫn chưa đủ để đọc hết mớ đó nên mình đọc luôn bản dịch của ai đó trên mạng.

Chú chuồn chuồn đỏ trong ráng chiều
mà hôm nào đó tôi đã thấy khi được cõng trên lưng
Trên cánh đồng năm xưa tiếng trẻ hái dâu
Hái đầy một giỏ mộng mơ
Tôi nhớ chị tôi tuổi 15 đi lấy chồng
Mãi ngóng trông tin tức quê nhà
Chú chuồn chuồn đỏ trong ráng chiều
Đậu mãi trên ngọn sào năm xưa...

Lời ca thật mộc mạc và nghe dễ chịu. Và đặc biệt là nghe gần gũi với dân ca nước mình.
Ở đây có bản tiếng Việt của nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến: http://soundcloud.com/nguyenvinhtien/canhchuonchuondo-nguyenvinhtien

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Hút nhẹ

source: "Wake up London" sangha.

Một ngày mong ta hiểu được
Có lời nói, gió thổi không bay...

Anh hút hết vào mọi thứ
Kể cả buổi chiều lặng im
Kể cả khi nghe em bảo
- Xin anh đừng hút tiếng chim.

Anh bất chấp anh ngoan cố
Anh hút cả ngọn gió xanh
Hút vào luôn làn mưa lạnh
Phủ nhẹ trên mấy cây chanh.

Kể cả những điều vô nghĩa
Kể cả những nắng cùng mây
Kể cả đoàn tàu chạy chậm
Kể cả cà rốt khoai tây.

Buổi chiều đầu tiên mệt nhọc
Hút vào cùng anh và bay
Mặc kệ trời thu uể oải
Ai bảo em về chiều nay?

Anh hút cả làn khói trắng
Mưa thu rơi lạnh buốt tay
Anh hút hết vào mọi thứ
Kể cả điều em không hay.



.....

Nhưng sáng ngày mai em bảo
- It doesn't work that way.

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Ngày 11: cuốn sách hình mà tôi thích nhất


(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)

Cuốn "Nếu mèo nhà bạn nói được... - Một khóa học ngôn ngữ dành cho loài người" của Dr. Bruce Fogle là một cuốn sách mà tôi tìm được nhờ có duyên với nó. Sau nhiều lần bắt gặp ở nhà sách Xuân Thu cũ, rất thích, nhưng đành phải bỏ lại kệ sách vì hết tiền, bẵng đi một thời gian, tôi nhủ với lòng mình rằng lần sau, nếu vào Xuân Thu mà còn gặp lại cuốn sách này, tôi sẽ mua nó. Nhiều lần đi Xuân Thu tiếp theo, tôi không tìm được quyển sách, nghĩ rằng đã bán hết. Rồi một lần, tìm được một cuốn cũ còn xót lại, nhớ lời hứa của mình, tôi bèn mua luôn.

Tôi thích nó chỉ đơn giản vì nó có nhiều hình mèo đẹp. Đốc tờ Bruce Fogle viết về mèo rất hay. Mèo không phải là những con vật xã hội. Mèo là những con vật vị kỉ bậc nhất và kiêu hãnh bậc nhất.

Tôi chỉ viết thế thôi.


Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Ngày 10: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 người khác

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)

- Anh gặp chuyện gì không may à?
- Không, tôi chỉ vừa chia tay một người.
Tôi đã nói quá đỗi chân thành. Và thản nhiên, ngay cả khi cậu bé thấy những giọt nước mắt. Tôi không suy nghĩ một chút gì, bình yên ngủ trong niềm thanh thản dịu êm và trong sáng nhất.
(Kawabawa, Vũ nữ Izu - Nguyễn Lương Hải Khôi dịch)



Hôm nay tôi đọc lại trên mạng bản dịch Vũ nữ Izu của Kawabata do Nguyễn Lương Hải Khôi dịch từ nguyên tác tiếng Nhật, thấy hay hơn hẳn so với lần đọc bản dịch sứt sẹo từ tiếng Nga trong một cuốn tuyển tập truyện ngắn của mẹ.

Đó là một câu chuyện dễ thương và đẹp quá đỗi của Kawabata. Và dĩ nhiên nó được viết ở đây vì nó, nhất là đoạn nhân vật "tôi" chia tay với cô bé Kaoru, gợi cho tôi nhớ tới BQ.

Tôi phải nói đó là một trong những cuộc gặp gỡ tuyệt vời, kỳ lạ và quan trọng nhất đời mình. Từ những cuộc đi bộ giữa lòng Sài Gòn, khoảng thời gian ngồi trên xe bus, những cuộc trò chuyện, những buổi học ở Idecaf, tôi như được đánh thức khỏi giấc ngủ triền miên. Tôi trở thành tôi như bây giờ là chính từ thời gian đó.

Thành phố Sài Gòn này gắn bó với tôi bởi rất nhiều kỷ niệm, trong số đó có chính những kỉ niệm từ những cuộc gặp gỡ này. Tôi không biết gọi là gì những lần đi bộ trên đường Pasteur, hay từ Lê Thánh Tôn ra Lê Lợi để chờ xe bus số 3, một đứa con trai 15 tuổi đi với một cô gái 16, trò chuyện về những điều mới lạ. Tôi nghĩ đó chỉ là những rung cảm gắn bó đầu đời, chứ chẳng phải tình yêu gì. Cái không khí đó là một không khí trong lành và khai sáng. Bảo Quyên đem tới cho tôi những trải nghiệm đầu tiên về nghệ thuật, về những bức tranh, và về rất nhiều nét đẹp khác của cuộc sống và của thành phố mà trước đó tôi chưa hề rớ tới.

Rồi sau hơn nửa năm, chúng tôi không gặp nhau nữa. Những người bạn chia tay nhau, rồi biến mất khỏi cuộc đời nhau, theo một nghĩa nào đó và một mức độ nào đó. Trong suốt một thời gian, khi nghĩ đến sự biến mất này, tôi chỉ nghĩ đến truyện ngắn "Con voi biến mất" của ông Haruki. Con voi và người quản tượng đột ngột biến mất khỏi sở thú, không vì lý do gì. Nhân vật "tôi" là người duy nhất chứng kiến việc đó, và kể lại cho người bạn gái mới quen của mình rằng: kích thước của con voi và người quản tượng đột ngột trở nên mất tính cân đối, con voi nhỏ lại, hoặc người quản tượng to ra, hoặc cả hai việc xảy ra đồng thời. Rồi họ biến mất.

Giờ thì nghĩ lại, tôi thấy thanh thản và nhẹ nhàng, chợt nghĩ rằng nếu có thể lấy lòng biết ơn của mình ra và biến nó thành một vật hữu hình, tôi sẽ biến nó thành một vuông vải trắng và phơi trong một buổi chiều đầy nắng và gió thu.

Rồi tôi nghĩ, cứ thả tùy duyên. Duyên hết sẽ tan. Duyên tới sẽ hợp.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Phật Hoàng Trần Nhân Tông



______________

Đọc "Vũ nữ Izu" bấm vào đây http://60s.com.vn/timkiem/v%C5%A9%20n%E1%BB%AF%20izu/0/0.aspx
Có 7 phần nhỏ, đọc rất nhanh.

Ngày 9: cuốn sách phi hư cấu/khoa học có tựa mà tôi thích

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)

Các bài viết của ông Thượng thảy đều đáng đọc.

Cuốn "Nghệ thuật ngày thường" này lần đầu tiên tôi thấy ở thư viện Tổng hợp Thành phố 3 năm trước nhưng phải đến hè năm ngoái tôi mới mua về đọc trong khi chờ cuốn "Văn minh vật chất của người Việt" phát hành.

Nguyên một năm ở xứ lạ tôi cắm đầu đọc sách ông Thượng. Dường như tôi đến xứ lạ để học lại về xứ quen của mình, về người quen của mình, về những điều bình dị quen thuộc mà phải tách rời nó ra tôi mới thấy được vẻ đẹp của nó.

Tôi không chỉ thích những gì ông Thượng viết mà còn thích luôn phong thái hành văn của ông. Đó là một phong thái rất từ tốn thể hiện một chiều kích uyên bác đáng nể phục. Nhiều đoạn văn của ông đọng lại trong đầu tôi và rất khó quên.

Đúng là các bài viết của ông Thượng thảy đều đáng đọc.

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Ngày 8: cuốn sách hư cấu có tựa mà tôi thích

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html

Bùn nát của mạng sống vứt bỏ trên mặt đất, chẳng mọc được cây cao, chỉ có cỏ dại,
đó là cái tội của tôi.
Lỗ Tấn - Dã thảo, "Đề từ", Phạm Thị Hảo dịch.

Hai cuốn sách văn chương có tựa đề khiến tôi thích tình cờ lại là hai cuốn sách Trung Quốc, một của Lỗ Tấn, một của Kim Dung. Hình như tôi thích 2 cái tựa là vì những từ Hán Việt in trên bìa sách mang lại cho tôi một cảm giác rất trang trọng.

Tôi nhặt được cuốn Dã thảo trong một cái góc ở nhà sách Fahasa Sài Gòn. Cái bìa không hề đẹp, hình có độ phân giải thấp nên bị nhòe tùm lum. Nhưng đó là một cuốn sách nho nhỏ, in ấn giản dị, văn dịch cũng khá.   Tựa đề lại rất thích. Và tôi biết rằng trên tay tôi đang là một cuốn sách hiếm. Thế nên, tôi mua luôn.

Lửa ngầm dưới đất đang vận hành, đang sôi sục. Một khi chất dung nham kia phun lên, nó sẽ thiêu trụi hết cả cỏ dại, cả cây cao. Thế là chẳng còn gì để thối rữa nữa.
Lỗ Tấn - Dã thảo, "Đề từ", Phạm Thị Hảo dịch.

Tôi cũng thích cuốn của Kim Dung vì cái tựa "Ngựa trắng hí gió tây", ngay cả khi nó không được viết bằng tiếng Hán Việt như thế này. Đó là một cái tựa đầy sức gợi. Đây là một cuốn sách gồm 3 tiểu thuyết ngắn nhất của Kim Dung: "Ngựa trắng hí gió tây", "Uyên ương đao" và "Việt nữ kiếm". Thực ra, tôi cũng không còn nhớ gì nhiều nhặn nội dung của ba truyện này, chỉ mang máng thôi. 

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Ngày 7: cuốn sách phi hư cấu/khoa học có bìa mà tôi thích

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html



Tôi tìm thấy cuốn này ở nhà sách Hà Nội (xin chú thích cho các bạn ở vùng khác nếu lỡ google tới đây: nhà sách Hà Nội là 1 nhà sách nổi tiếng của dân đọc sách ở Sài Gòn) một ngày đầu năm 2011. Thấy cái bìa quá ấn tượng, tôi lật ra xem, thấy cái dấu trang cũng quá thanh nhã.


Tôi đọc cuốn sách dang dở tới nửa cuốn thì phải lo thi đại học đại hiếc, rồi từ đó tới giờ, cũng chưa có duyên mở ra đọc tiếp.


Đây là tinh thần trào phúng của bạn ngồi sau lưng tôi, bất chấp việc bị Thần Mỡ đe dọa sẽ về ám lúc nửa đêm. Vâng, bạn đó là bạn HN.


Nguyên cái bìa là một phần bức tranh của một họa sĩ Nhật tên là Toba Mika. Sau một hồi google, cuối cùng tui đã tìm ra tên bức tranh bằng tiếng Anh, đó là Distinguished - Nishinokyo (2010), kích thước 202cm x 500cm.

Nguyên hình bức tranh là thế này. Rất hoành tráng, anh đào nở tứ tung, có cái tháp ở giữa tôi nghĩ là Đông Tháp ở Nara (tôi coi hình trên mạng rồi).


Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Ngày 6: cuốn sách hư cấu có bìa mà tôi thích

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html

Khi đưa ra tiêu chí này tôi không ngờ nó khó tới như vậy. Những bìa sách đẹp, người ta đã lôi ra nói hết, nhất là những cuốn tiểu thuyết ăn khách, nào là con mèo dạy hải âu bay bắt trẻ đồng xanh tốt tô chan ngồi bên cửa sổ tôi nói gì khi nói về chạy bộ em làm ơn im đi được không ai và ki. Tôi có cảm giác tôi nói nữa cũng bằng thừa.

Tôi đành vắt óc nghĩ và cuối cùng cũng nhớ tới bộ Buddha (ブッダ)của ông Tezuka tôi mượn từ thư viện trung tâm Soton về đọc. Thực ra bộ này kiếm down bản tiếng Anh của bác Google không hề khó, nhưng ngay thư viện trung tâm thành phố tôi ở đã có, tội gì không vác về đọc.

Bộ Bụt-đà của Tezuka có 8 cuốn rất bự, mỗi cuốn ngót nghét bốn năm trăm trang, vị chi tám cuốn gần bốn ngàn trang. Bản tiếng Anh của Vertical phát hành, ghép 8 cuốn lại với nhau, ta được một cái gáy sách quá xá đẹp.



Bộ Bụt-đà của Tezuka không phải là một kiểu tiểu sử Đức Phật như bình thường mà là một câu chuyện của riêng Tezuka muốn kể, lấy cuộc đời Đức Phật Shakya Muni làm nền. Nhiều nhân vật hư cấu xuất hiện trong truyện, cùng hành động với những nhân vật tạo hình đúng kiểu Tezuka nhưng mang những cái tên quen thuộc: tôn giả A-nan-đà, tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallana), tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputa), Đề-bà-đạt-đa (Devadatta)... trong các bối cảnh gần như hư cấu. Các yếu tố bi tráng cần thiết để tạo ra một không khí sử thi (epic) đi liền với nét trào phúng giỡn chơi quen thuộc của Tezuka. Và vì là một câu chuyện hư cấu của riêng Tezuka, ta có thể bắt gặp ở đây một Đức Bụt lịch sử đầy tính người, một bậc giác ngộ toàn trí, một người đầy lòng xót thương với thế giới ta bà nên đã dành suốt cuộc đời mình đi rao giảng cách thức diệt trừ khổ đau, trăn trở khi tội ác, ngu dốt, sân hận, lừa lọc vẫn còn tràn ngập. Có sự hiện diện của một Đấng Brahman nói chuyện, dẫn dắt đức Bụt; chi tiết này có lẽ gây tranh cãi, vì nó ít nhiều khác với giáo lý trong các bộ Kinh tạng.

Tôi không muốn đi sâu vào nội dung tôn giáo hay triết lý triết học nhân sinh quan gì trong tác phẩm của Tezuka. Tôi chưa biết nhiều để phát ngôn cũng như mỗi người sẽ có cách nhìn nhận riêng của mình, có người hẹp hòi, có người rộng lượng, có người không quan tâm... Với tôi, đây là một câu chuyện tuyệt vời, một ẩn dụ sâu sắc đến từ tấm lòng của Tezuka, được ông rút ruột mình ra để kể, với lòng nhiệt thành, lòng yêu thương, trăn trở của một người trí thức, một nghệ sĩ với thời cuộc hỗn loạn.



Bụt không phải thánh thần. Bụt cũng là người như tôi với bạn, và Bụt cũng khổ giống chúng ta.
(thầy Thích Nhất Hạnh - The heart of the buddha teaching (1999), Rider : Chatham.)

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Ngày 5: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 bức tranh

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html


Bức tranh "Thằng bé trên tảng đá" (Boy on the Rocks) của Henri Rousseau là những gì tôi liên hệ tới khi nhớ về cuốn sách nhỏ của Lữ. 


Văn phong của Lữ viết nhẹ hẫng như những đám mây và hồn nhiên như tranh Rousseau. Tôi thích các tranh của Rousseau tới độ lấy một bức làm nền cho cái blog tiếng Anh của mình. Tranh ông hòa sắc vui mắt, rực rỡ, nhưng không phải theo kiểu Gauguin, mà toát lên vẻ ngây thơ. Tôi thấy tranh Rousseau ngây thơ như một giấc mơ. Giấc mơ biết hết mọi điều bí ẩn của một con người, nhưng nó ngây thơ quá đỗi, nó biến tất cả mớ hình ảnh rắm rối đó thành những thứ ngây thơ vô hại, thậm chí vô nghĩa.

Văn của Lữ ngây thơ như trẻ con, nhưng chất chứa trong cái ngây thơ đó là vẻ tự tại của một thiền sư thõng tay vào chợ. Tôi không có ý bảo Lữ là một thiền sư, tôi chỉ đang dùng biện pháp so sánh thôi.

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Ngày 4: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 bản nhạc

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)

Nói tới liên tưởng giữa sách và nhạc, đột nhiên tôi bỗng muốn viết rất nhiều. Những liên hệ này thường không thường xuyên lắm, và thật ra, cũng tùy trường hợp, nó tùy thuộc nhiều vào cảm hứng và cảm xúc của tôi hơn là lí trí. Vì muốn viết nhiều nên hẳn bài này tôi sẽ không chỉ nói về 1 quyển sách và 1 bài nhạc.

1. Cuốn "Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" của ông Cây Mùa Xuân, Nhã Nam, NXB Hội Nhà Văn, 2009.


Bạn nào đọc cuốn này rồi thì sẽ biết bài Danny Boy được nhắc tới ở đoạn cuối, là bài hát mà nhân vật ở Chốn tận cùng thế giới nhớ ra và dùng cây accordion để chơi (nhân vật ở Xứ sở diệu kỳ tàn bạo thì lại ngồi trong xe hơi và nghe nhạc Bob Dylan). Trong truyện, nhân vật nghe bản Danny Boy của Bing Crosby hát. Còn tôi thì lại thích bản của Celtic Woman (đọc là keo-tíc) hát ở lâu đài Slane, Ireland năm 2006.

Sau nhờ wiki tôi mới biết nội dung của bài Danny Boy là lời người cha từ biệt con trai của mình, đó là một bản nhạc buồn của dân Ireland, sắc dân có cái ngôn ngữ kỳ cục sống trên quần đảo Anh và lưu lạc khắp Bắc Mỹ. Người con trai trong bài nhạc hoặc có lẽ lên đường ra trận, hoặc có lẽ lên thuyền dong buồm đi lưu lạc chưa biết ngày về.

Ôi Danny con trai, tiếng kèn túi, tiếng kèn túi đang vẫy gọi
Từ thung lũng qua thung lũng, và tràn xuống sườn đồi
Mùa hè đi qua, hoa cũng đang tàn úa
Chính con phải lên đường, còn cha chỉ biết chờ đợi thôi.

Nhưng hãy về khi mùa hè ngập trên cánh đồng
Hay khi thung lũng lặng im ngập trong tuyết trắng
Cha sẽ đợi ở đây, dưới trời nắng hoặc dưới tán cây
Ôi Danny con trai, Danny con, cha yêu con vô ngần.

Và lỡ khi con về, hoa đã héo úa hết
Và lỡ cha đã nằm xuống, như điều tất yếu xảy ra
Hãy đến và tìm nơi cha yên nghỉ
Và quỳ xuống và nói một tiếng "Ave".

Và cha sẽ nghe, dù tiếng con nói có nhẹ
Và nơi cha nằm sẽ ấm và êm dịu hơn
Và con sẽ quỳ xuống và nói con yêu cha biết mấy
Và cha sẽ yên nghỉ, chờ tới khi chúng ta lại gặp nhau.



Tôi nghe bài này suốt năm 11, năm 12 và cũng thỉnh thoảng nghe lại khi xa nhà. Bài "Danny Boy" và bài "Bring him home" trong nhạc kịch "Những người khốn khổ" của Schönberg và Boublil là 2 bài khiến tôi nhớ bố tôi.

2. "Gối cỏ" hay "Gối đầu lên cỏ" của Soseki, Phương Nam Corp., NXB Hội Nhà Văn,  2012.

Cuốn này tôi vẫn đang đọc. Thực ra có một đoạn ở phần đầu Sōseki viết về tiếng chim chiền chiện trong núi khiến tôi nhớ tới bản "Chiền chiện bay lên" của Vaughan Williams.

Khi nghe từ "chiền chiện", tôi nhớ ngay tới một đoạn văn nhỏ được học hồi tiểu học.

Theo với tiếng chim bay lên, từ không trung vọng xuống một tiếng hót trong sáng diệu kì, giọng ríu ran đổ hồi, âm điệu hài hòa đến tinh tế.Gịng hót vừa đượm vẻ hồn nhiên, vừa thơ thới thanh thản (…) Chim gieo niềm yêu đời vô tư cho những người lam lũ trên mặt đất. Lúc ấy trên cánh đồng,vẫn người nào việc ấy. Người làm cỏ vẫn làm cỏ, người xới xáo vẫn xới xáo, người cày cuốc vẫn cày cuốc (…) Nhưng tiếng chim hồn hậu đang nhập lặng lẽ vào tâm hồn họ. 
(...)
Chiền chiện đã bay lên và cất tiếng hót.
(Ngô Văn Phú)

Vaughan Williams viết bản nhạc trong lúc nhìn đoàn thuyền quân Anh vượt biển Manche (hay English Channel) ra trận trong thế chiến thứ nhất. Đó thực sự là một nhãn ảnh buồn.


Tôi thích bản "Chiền chiện bay lên" của Janine Jansen kéo violin. Thực ra, tôi không biết nhiều bản phối của bài này.

3. Yotsuba&! 4, truyện "Yotsuba & Ve cuối mùa", TVM Comics, NXB Thông tấn, 2008.


Tập này là tập Yotsuba phát hiện ra con Tsukutsuku boshi là con ve chứ không phải nàng tiên mùa hè. Đó là một truyện dễ thương.


Tsukutsuku boshi (ツクツクボーシ ) là tên tiếng Nhật của loại ve kêu vào cuối mùa hè. Tôi nghĩ nó kêu giống như tên của nó, tsư-kư-tsư-kư-bô-shi. Khi nghĩ tới cuối hè, tôi lại nghĩ tới cuối tháng Tám, nhưng hôm nay tôi không nghĩ tới cái đó nữa mà sực nhớ tới bản nhạc của Yann Tiersen trong phim Amélie, bản Comptine d'un autre été: L'après midi (Giai điệu của một mùa hè khác: buổi chiều).




4. Tôi định viết thêm bài nữa, vì có hứng, đó là bài Back in time của Pitbull, nhưng tôi chưa kịp nghĩ cuốn sách nào làm tôi liên tưởng tới bài dubstep rất phong cách này.

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Ngày 3: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 cuốn sách khác.

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)


Somehow it seemed as though the farm had grown richer without making the animals themselves any richer — except, of course, for the pigs and the dogs.
George Orwell - Animal farm

Ban đầu tôi định nói rằng 2 cuốn "Nguồn gốc: Nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu" của ông Trịnh Xuân Thuận và cuốn "Nguồn gốc các loài" của ông Charles Darwin khiến tui liên tưởng lẫn nhau vì lý do 2 cuốn đó cùng bắt đầu bằng chữ "Nguồn gốc". Nghĩ đi nghĩ lại, cái lý do đó đột ngột nghe củ chuối quá, thế là tôi bỏ. Tôi nhìn vào tủ sách và thấy cuốn "Trại súc vật" của ông George Orwell, bất chợt sực nhớ, nhìn lên ngay phía trên, thấy luôn cuốn "Không có gì phải ganh tị" của bà Barbara Demick.

Cả hai cuốn này, thật kỳ lạ, tôi đều mua được ở Sài Gòn năm khoảng giữa năm 2011, lúc tình hình chưa mấy căng thẳng. Giờ thì chắc bói không ra nữa. "Trại súc vật" - Animal farm - là một cuốn truyện quá nổi tiếng của ông Orwell mà các bạn học sinh nhiều nước phương Tây phải học trong chương trình phổ thông, nhưng chắc các bạn học sinh Việt Nam không nhiều bạn biết tới. Văn phong của Orwell trong cuốn này viết rất rõ ràng giản dị, hệt như đương kể chuyện ngụ ngôn. Mời các bạn tò mò tiếp tục qua wikipedia tiếng Việt để đọc. Cuốn của Demick thì tui đã từng dịch một đoạn đăng trên blog này, mời các bạn tò mò click link đọc luôn.

Mối liên hệ giữa hai cuốn này khá chân phương, không có gì phức tạp. Tui nghĩ ai cũng sẽ hiểu. Không hiểu thì google anh Chính Ân.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Ngày 2: cuốn sách tui không thích.

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)


Cuốn "Phía nam biên giới, phía tây mặt trời" là cuốn sách duy nhất tôi không thích trong bộ mấy cuốn của ông Thôn Thượng Xuân Thụ. Tôi không ghét câu chuyện, không ghét lối kể chuyện, không ghét cách xây dựng tình huống, tất cả đều là đúng phong cách Haruki cả. Chỉ có điều tôi không thích tính cách của Shimamoto và không thích những lựa chọn của Hajime.

Tôi đọc quyển này cũng đã lâu, trong hai buổi trưa mùa hè năm lớp 10 trong thư viện thành phố. Hay là ở cái tuổi già 15 non 16 còn chập chững đó, tôi chưa thể hiểu được cái cuộc đời này nó chông gai thế nào, cái thứ tình yêu kia mùi vị nó ra sao? Nghĩa là tôi chưa hiểu được ông Cây Mùa Xuân viết gì?

Tôi dự định trong 1 thời gian gần tui sẽ đọc lại cuốn này. Biết đâu tôi đã bao dung hơn mà tìm thấy nhiều điều thích thú trong đó? Có lẽ khi viết những dòng này ra, sự không thích trong tôi đã dần biến mất rồi.

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Ngày 1: cuốn sách mà ngày nhỏ tui được người lớn đọc cho nghe

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)

Tôi muốn dành bài đầu tiên để nói về những cuốn sách đầu tiên của tôi: bộ "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" của giáo sư Nguyễn Đổng Chi và vô vàn những cuốn sách cổ tích tác giả Vô Danh khác mà bố đã đọc cho tôi nghe trong suốt những năm tui chưa biết chữ. Những cuốn sách mà giờ đã lưu lạc biệt tăm không biết ở đâu, có khi được cho, có khi tự nhiên biến mất bất chấp định luật bảo toàn vật chất. Hình trên chỉ là 1 cuốn mới ở nhà tôi, được chụp để minh họa, không phải là cuốn sách thời thơ ấu.

Phải tới khi lớn lên, tôi mới nhận ra những cuốn sách bố tôi đọc cho tôi mỗi tối, tối nào cũng như tối nào, nó ảnh hưởng như thế nào đối với quá trình phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi trong suốt thời ấu thơ. Mỗi tối, tôi được bố đọc một đoạn trong 1 cuốn sách cổ tích. Điều này kéo dài suốt từ những năm tôi 3 tuổi cho tới năm tôi 5 tuổi. Nhìn lại thì chỉ có gần 3 năm nhưng khi còn nhỏ, tôi có cảm giác đó là một khoảng thời gian dài vô cùng tận. Tôi biết đọc chữ khá sớm, năm 5 tuổi, trước khi đi học lớp 1 vài tháng. Những năm tiểu học, trong ký ức của tôi, vốn từ vựng tiếng Việt của tôi khá tốt, tốt hơn so với những đứa cùng tuổi. Tôi đồ rằng những buổi tối đọc sách với bố đã mang tới điều đó.

Về các chuyện của ông Chi, không hiểu sao truyện ấn đậm trong đầu óc tôi nhất là truyện Đức thánh Láng - ông Từ Đạo Hạnh và ông Lý Quốc Sư - Nguyễn Minh Không. Có lẽ đó là truyện đầu tiên có cốt truyện phức tạp mà tôi từng đọc/nghe, nên hồi nhỏ tôi không hiểu mấy, khi biết đọc ngồi đọc lại hiểu sơ sơ. Nửa tháng trước, đi về Bái Đính vào đền ông Nguyễn Minh Không, tôi bồi hồi lắm, nhớ lại những câu thơ trong sách ông Chi thuở nhỏ:


Tập tầm vông
Có ông Nguyễn Minh Không
Chữa cho vua khỏi hóa
Tập tầm vá
Muốn chữa vua khỏi hóa
Phải đón Nguyễn Minh Không





30 cuốn sách

Trên mạng có trò Thử thách về sách trong 30 ngày (30 days book challenge) nghĩa là mỗi ngày trong vòng 30 ngày đăng hình và viết về một cuốn sách gắn với một tiêu chí gì đó. Tôi thấy mấy cái tiêu chí đó có nhiều cái sến vô cùng, tỉ như cuốn sách làm bạn khóc, hay cuốn sách mà bạn mong muốn được sống trong đó, hay  cuốn sách có nhân vật mà bạn muốn cưới... Mấy cái tiêu chí này tôi nghĩ hợp với mấy bạn gái tuổi teen hơn là tôi nên tôi không làm. Với lại, tôi cứ có cảm giác là cái khái niệm về sách của các bạn làm ra thử thách này hình như chỉ gói gọn trong các sách hư cấu/tiểu thuyết chứ không rộng lắm. Nhân hổm rày nghĩ sao mình không tự biên tự diễn, tự diễn biến hòa bình để viết về những cuốn sách theo 30 tiêu chí do mình đặt ra, thế là tôi mày mò nghĩ ngợi nguyên buổi sáng ra 30 cái tiêu chí cho mình, có tham khảo một vài tiêu chí trong nguyên gốc.

Còn khoảng gần 30 ngày nữa là tôi sẽ bay trở lại xứ Đu Cây để vô năm học. Thôi thì 30 ngày cuối này cũng là dịp để tôi viết về những cuốn sách yêu quý của tôi trước khi xa nó gần năm trời. Sẽ có những ngày tôi bận, không viết được, nên chắc chắn thử thách này không thể hoàn thành trước khi tôi qua Đu Cây. 

Dưới đây là 30 tiêu chí của tôi:
- Ngày 1: cuốn sách mà ngày nhỏ tôi được người lớn đọc cho nghe.
- Ngày 2: cuốn sách tôi không thích.
- Ngày 3: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 cuốn sách khác.
- Ngày 4: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 bản nhạc.
- Ngày 5: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 bức tranh.
- Ngày 6: cuốn sách hư cấu có bìa mà tôi thích.
- Ngày 7: cuốn sách phi hư cấu/khoa học có bìa mà tôi thích.
- Ngày 8: cuốn sách hư cấu có tựa mà tôi thích.
- Ngày 9: cuốn sách phi hư cấu/khoa học có tựa mà tôi thích.
- Ngày 10: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 người khác.
- Ngày 11: cuốn sách hình mà tôi thích nhất.
- Ngày 12: cuốn sách mà 1 người bạn khuyên tôi đọc.
- Ngày 13: cuốn sách mà 1 người lạ khuyên tôi đọc.
- Ngày 14: cuốn sách mà tôi đã đọc say sưa.
- Ngày 15: cuốn sách mà khi đọc tôi nghĩ về biển.
- Ngày 16: cuốn sách mà khi đọc tôi nghĩ về rừng.
- Ngày 17: cuốn sách mà khi đọc tôi nghĩ về núi.
- Ngày 18: cuốn sách khiến giọng văn tôi thay đổi sau khi đọc xong.
- Ngày 19: cuốn sách có nhiều mèo.
- Ngày 20: 1 cuốn sách tôi được tặng.
- Ngày 21: cuốn sách dày nhất tôi có.
- Ngày 22: cuốn sách khiến tôi thấy ớn.
- Ngày 23: cuốn sách mà khi đọc tôi muốn hát.
- Ngày 24: cuốn sách mà tôi đọc để chuẩn bị cho một chuyến đi dài.
- Ngày 25: cuốn sách thơm.
- Ngày 26: cuốn sách mộng mị.
- Ngày 27: cuốn sách có thơ đề tựa mà tôi thuộc.
- Ngày 28: cuốn sách khiến tôi nhớ tới một bài văn viết ở trường phổ thông.
- Ngày 29: cuốn sách kỳ lạ.
- Ngày 30: 1 cuốn sách tôi vừa mua chưa kịp đọc.

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Những người yêu nước mình

tôi yêu đất nước này lầm than
mẹ đốt củi trên rừng và cha làm cá ngoài biển
(Trần Vàng Sao - "Bài thơ của một người yêu nước mình")

Tôi biết tới thơ ông Trần Vàng Sao đầu tiên qua bài "Bài thơ của một người yêu nước mình" sau khi đọc sách của anh Cầm Bùi Phan An Lá Cải. Thơ của ông đặc một nỗi buồn cố hữu, một nỗi buồn ngây ngất và bát ngát của dân tộc này sau cái cuộc chiến tương tàn. Thơ ông đặc nỗi buồn mà tôi thấy trong sách anh Phan An Cải*. Thơ ông đặc một nỗi buồn mà tôi nhiều đêm trong căn phòng ở cái xứ xa xôi kia đã từng trải qua.

Tôi mua cuốn thơ "Gọi tìm xác đồng đội" - đúng hơn là một trường ca - là cuốn thơ đầu tiên được xuất bản của ông Trần Vàng Sao. Tôi đọc xong trong một thời gian ngắn, chừng hai chục phút.

Tôi tên Nguyễn Văn Duy
không mẹ không cha
sinh vào năm cả làng không có gạo ăn
quê ở Thọ Xuân Thanh Hóa
tám tuổi nhày tàu ra Hà Nội sống
    lang thang ăn đường ngủ chợ
        nay bến xe mai bến tàu
năm 1965 tình nguyện đi bộ đội
tôi chết
lúc đánh vào thị xã Cao Lãnh năm 1967
xác phơi trên hàng rào kẽm gai
        ba ngày giữa mưa giữa nắng
(Trần Vàng Sao - "Gọi tìm xác đồng đội")

Hận thù thì dân tộc này đã đầy đã tràn. Nhưng lòng xót thương thì còn vơi lắm. Không xót thương lẫn nhau thì không hiểu nhau được. Không hiểu nhau được thì vẫn phân biệt. Phân biệt thì vẫn hận thù.

Ở bên kia, kẻ thua vẫn còn căm hờn. Ở bên này, người thắng vẫn bô bô dối trá. Người ta đương hỏi nhau tại sao giờ trẻ con không đứa nào thích học sử. Người ta quên mất rằng một nguyên nhân đến từ việc người lớn không chịu nói thật.

buổi chiều ở Vỹ Dạ không có một tiếng chim
mẹ bắc ghế ra ngoài sân chờ con đi đánh căn về kêu đói bụng đòi ăn cơm
mùi rơm thơm quá
thôi mẹ vào nhà thắp hương cho ba cầu cho con chết toàn thây.
(Trần Vàng Sao - "Gọi tìm xác đồng đội")

thầy nói
con chôn ở đây
con nằm sấp tay phải cầm súng
một thước đất
hai thước đất
đất chỉ là đất
sâu nữa là nước
nước
có có con đâu
mẹ chỉ mong con nằm nơi đất mát
(Trần Vàng Sao - "Gọi tìm xác đồng đội")

Với tôi, cuốn thơ của ông Trần Vàng Sao như một cánh cửa để ngỏ. Xót thương thì sẽ hết ghét bỏ. Xót thương thì sẽ thôi tự mãn.

chiến tranh đã qua
thằng hề rửa sạch mặt
đi bán kẹo kéo nuôi con 
(Trần Vàng Sao - "Gọi tìm xác đồng đội")



*Sách anh Cải là sách hài, vừa đọc vừa cười ha hả nhưng cười xong thì buồn da diết.

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Cô đơn và tự do

Gs. Bùi Văn Nam Sơn
Xem bản dịch tiếng Anh và lời giới thiệu (cũng tiếng Anh) ở đây.


Là tư tưởng tự giải thoát, triết học thường xuất hiện trong hình thức của sự phủ định, thậm chí, của sự phá hủy. Nó phê phán, đả kích không thương tiếc những niềm tin ngây thơ và giáo điều, những tri thức trá ngụy, những hình thức tư tưởng sai lầm. Có thể nói, bản tính của triết học là không ngừng xét lại mọi chuyện: khi đi tìm một chỗ dựa và chỗ đứng vững chắc, nó đào bới và quật ngã ngay cả chỗ dựa và chỗ đứng của mình: nó luôn... khủng hoảng niềm tin! Nhưng, không chỉ phủ định, triết học còn làm công việc khẳng định. Do bị điều kiện lịch sử quy định, triết học thường phải chấp nhận những điểm xuất phát tương đối. Câu hỏi nào cũng bao hàm điều không thể hỏi. Sự phê phán nào cũng dựa trên những tiêu chuẩn không thể đồng thời bị phê phán. Trong chừng mực đó, triết học bao giờ cũng là niềm tin, thậm chí là sự xác tín đến mức giáo điều. Dù chỉ có tham vọng tìm hiểu thực tại, nhưng trong thực tế, triết học không chỉ tái tạo mà còn sáng tạo, không chỉ mô tả mà còn mang tính quy phạm. Nhiều triết gia không "xây" được gì nhiều vì họ "phá" chưa đủ, trong khi nhiều triết gia khác chỉ thích "phá" hơn là "xây"! Triết học cho ta một hình ảnh rất hàm hồ: nó luôn dao động giữa phá và xây, giữa giải huyền thoại và tái lập huyền thoại. Nhiều triết gia bảo thủ lại bị nghi ngờ là cách mạng, nhiều triết gia tưởng là cách mạng lại bảo thủ giáo điều! Đó cũng là cái giá của sự tự do: triết học là mảnh đất sỏi đá hơn là một xứ sở thần tiên đầy sữa và mật!

Bùi Văn Nam Sơn, Trò chuyện triết học (2012), "Tư duy và tự do: Quả trứng và con gà", NXB Tri Thức.

Mắt cá lệ đầy

Mùa xuân ra đi
Tiếng chim thổn thức
Mắt cá lệ đầy
(Matsuo Bashō - Lối lên miền Oku)

Nhìn trời cao tôi đếm
Tất cả là năm mặt trời
Xòe tay ra nhìn lại
Tôi đang đứng giữa trùng khơi.

Nhìn chung quanh tôi thấy
Mây mềm vung vãi khắp nơi
Cúi đầu trông xuống nước
Tôi thấy tôi quẫy đuôi bơi.

Tôi nghĩ tôi là cá
Mặt trời vụt bay trên đầu
Thời gian vút qua cửa sổ
Nhà sư khất thực qua đã lâu
Mèo con uống sữa trong ổ
Phương thảo thê thê anh vũ châu
Nằm giữa mặt trăng rằm lặn
Hồn nhiên trong đôi mắt nâu.

Cá lại nói với tôi những điều cá nghĩ
Rằng mưa thì bay trên đầu
Rằng cỏ rạp đi dưới đất
Rằng có gió thì cờ mới phất
Rằng viết xong phải có chấm câu
Cá nói những điều tôi cứ ngỡ
Rằng mình đã quên từ lâu.

Cá bảo tôi về lòng thương xót
Lệ lã chã trên sóng biếc xanh
Ôi những quả tim đã mối mọt
Làm sao hiểu đặng nỗi chúng sanh

Tôi ngồi vu vơ biết đâu
Sóng đánh vội qua chân cầu
Mèo con chết tuần trăng mới
Bình yên nằm dưới trời sâu

Cá bảo xòe tay ra nhận
Tình yêu đến chẳng từ đâu.

Vừa bước lên thuyền ở bến Senyu, tôi cảm thấy xúc động mạnh khi chợt nghĩ rằng mình sắp khởi đầu một cuộc hành trình ba ngàn dặm. Mắt tôi ướt đẫm lệ phân li của thế giới ta bà.
Basho, Lối lên miền Oku, Vĩnh Sính dịch - NXB Thế giới.

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Đội gạo lên chùa

Trích Đội gạo lên chùa - Nguyễn Xuân Khánh



Tức giận chồng lên tức giận. Dần dần nó chuyển biến thành sự căm giận hung tàn. Một bên quyết đè bẹp. Một bên quyết chống cự. Lẽ dĩ nhiên cái điều man rợ nhất sẽ phải xảy ra. Nạn nhân có nỗi sợ của mình. Nhưng đao phủ cũng có nỗi sợ của đao phủ. Sợ nhất là con mồi không bị đè bẹp. Bàn tay dù vấy máu nhưng đem lại kết quả, thì chí ít kết quả ấy cũng là sự an ủi, bởi vì nó biện minh cho hành động. Bàn tay vấy máu mà không có kết quả, thì không có sự biện minh. Kẻ giết người, khi ấy sẽ trở thành tên đồ tể. Đao phủ không bao giờ muốn mang tiếng đồ tể. Đó là danh từ hạ đẳng. Đao phủ chỉ thích mang danh sang trọng mà thôi. 

_____________

-...Nó làm người ta đau đớn thì em cũng phải làm cho nó biết thế nào là đau đớn.
- Đâm cho nó một nhát đi cho xong.
Độ nói nhưng hai người chẳng nghe.

Khoan Độ chắp tay ngẩng mặt lên trời, lầm bầm trong miệng. Hai người cưa một cái đầu. Kẻ bị bó giò rú lên như con chó dại sủa trăng. Chiếc thuyền bêu đầu trôi sông dập dềnh trên nước. Ông sư ngửa mặt lên trời ăn mày lòng từ bi của thế gian.

Ôi chao! Thật là phiền muộn! Sự thương xót ở thế gian này có còn sót lại chút nào không? Phải chăng chỉ còn là những tiếng đầu môi chót lưỡi.


Về sau yên hàn, sư huynh Khoan Độ của tôi trở về chùa. Độ không nói nửa lời mà chỉ mong sư phụ tôi dạy cho cách tụng kinh sám hối. Sư phụ nhẹ nhàng bảo rằng:
- Bồ tát cực chẳng đã phải làm những điều ngược ngạo, tuy nhiên lòng Bồ tát phải luôn không mảy may thù hận. Bất ly thế gian nhưng phải siêu vượt thế gian.

_____________

Mọi chuyện được diễn ra theo đúng kịch bản đã định trước. Những ai sẽ ra đấu. Ai tố thế nào. Ai sẽ ngất ra sao. Hầu như dân làng Sọ đều đã biết trước tất cả. Bởi vì anh đội bồi dưỡng cốt cán ra sao, người ta đã rõ trong những cuộc tập dượt đấu trong xóm. Địa chủ đang bị trói giật cánh khuỷu, quỳ giữa đấu trường. Ông già với cái đầu bạc phơ cúi gằm. Người ta xỉ vả, hò hét. Tiếng khóc xen lẫn tiếng hô vang trời dậy đất. Sát khí tỏa ngất trời cao. Những bộ mặt người đỏ rực, phừng phừng lửa hận. Bệnh căm thù lây lan khắp đấu trường. Người ta moi móc ra những thái độ mà có lẽ ông già không có, những thái độ mà chỉ có những bộ óc sưng tấy lên mới có thể tưởng tượng ra được: "Sao mặt lão già cứ câng câng ra thế kia? Nó quen thói ăn trên ngồi trốc, khinh bỉ nông dân. Đến nước này rồi mà lão vẫn thế. Sao không vả vào mặt nó, sao không dìm đầu nó xuống đất đen? Đã đảo địa chủ ngoan cố"...




Lâu rồi tôi mới được nghe kể chuyện lại theo phong cách của ông Xuân Khánh, những câu chuyện, những đời tư dồn dập, ào ào tuôn ra. Phần đầu của cuốn "Đội gạo lên chùa", những câu chuyện phần nhiều không hấp dẫn nếu so với các cuốn "Hồ Quý Ly" và "Mẫu thượng ngàn", nhưng càng về sau, những câu chuyện càng lôi cuốn hơn và mở ra nhiều con mắt, mở ra nhiều cánh cửa.

Vì tôi nhớ Cá đã nói rằng sống trên đời thì nên kể những câu chuyện và nên nghe người khác kể những câu chuyện. Tôi có những người kể chuyện hay của riêng mình, Tezuka, Haruki, Nguyễn Xuân Khánh, Tolkien, và nhiều người khác nữa. Và chuyện của tôi kể, rồi cũng đã và sẽ có người nghe.

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Gỗ mun ở quán bột chiên

Chiều nay đi ăn bột chiên ở cái hẻm trên đường Thống Nhất gần trường Phan Tây Hồ với con Quỳnh mừng nó thi xong, cộng với việc ngồi nghe nó than vãn có con nào đổ nước vào làm lem bài thi vẽ màu nước của nó. Đó là cái tiệm bột chiên có cái chú bán bột chiên hài hài, ngoại giao tốt mà đã lâu rồi không ghé vào ăn lại (cũng phải 3 năm rồi) do thằng Đạo la chỗ này bán mắc quá. Cái tiệm bột chiên nằm trong hẻm, ghế ngồi bên dưới mấy tán cây, trong xanh mát mẻ dễ chịu.

Ngoài chuyện con Quỳnh hẹn bốn giờ chiều bốn rưỡi mới tới cộng với việc nó than vãn thì nhìn chung là vui. Chú bán bột chiên tóc muối tiêu vẫn hài như xưa. Lại còn phát hiện có một cuốn "Gỗ mun" của Kapuscinski đang đọc dở nằm trên cái ghế đẩu cạnh bên cạnh, chắc của chú bán bột chiên đọc.

Chuyện phát hiện chú bán bột chiên hài đọc sách Kapuscinski làm mình rất vui. Lần sau sẽ tới chỗ này ăn nữa. Giá vẫn là 13 ngàn một dĩa, không hiểu hồi đó thằng Đạo la mắc là mắc chỗ nào.


Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Sách Hoàng Nhâm hay là anh đã nhìn nhầm ra sao


Dân học hóa ở Việt Nam, từ sinh viên đại học tới học sinh chuyên cấp 3, phàm dẫu khôn hay ngu cần cù hay lười biếng, hẳn đều biết tới bộ 3 cuốn sách huyền thoại Hóa vô cơ của ông thầy Hoàng Nhâm. Ngày anh học cấp ba, anh đã từng có lần chạy khắp thành phố truy tầm cuốn này hệt như Tôm đi bắt Gie-ri, dĩ nhiên là chả bao giờ bắt được. Bọn bạn anh có mấy cuốn chả biết lấy đâu ra, thế là chuyền tay nhau khắp nơi phôtô phôtiếc về cắm cúi đọc chỗ hiểu chỗ không.

Sở dĩ cuốn sách Hóa vô cơ của Hoàng Nhâm trở thành một thứ quỳ hoa bảo điển, kì trân dị bảo được đồn thổi trong giang hồ như vậy là bởi cách viết và diễn đạt có phần dễ hiểu. Bạn bè anh mấy đứa nuôi mộng đi thi Cuốc Gia (con cuốc cuốc và cái gia gia), 10 đứa hết 9 ôm cuốn nầy tu luyện. Ngày xưa anh suốt ngày ngồi thắc mắc vì sao nhà xuất bản giáo dục không thèm tái bản cái bộ sách quý này, in một phát sẽ có một đống đứa mua. Vì sao lại để cho bọn anh cực khổ chạy đôn chạy đáo chạy nháo nhào đi tìm mãi không ra bèn đứt ruột đi phôtô vi phạm bản quyền trắng trợn. Vì sao lại thế tại vì sao lại thế. Vì sao ta yêu nhau. Vì sao môi anh nóng. Vì sao tay anh lạnh. Vì sao thân anh run. Vì sao chân không vững. Vì sao và vì sao?

Nói như vậy để thấy rằng quyển sách này ít ra đã đi vào một phần trong miền kí ức (không biết có đẹp không) của anh. Từ trong vô thức, anh luôn hướng tới, anh luôn có một khát khao một ước ao là được cầm trên tay cuốn sách Hoàng Nhâm mới toanh.

Bìa cuốn kì trân dị bảo tập 1 anh đang nói đến
___________________

Ngày hôm nay, sau bao tháng bao ngày lưu lạc gió bụi đường xa đất khách quê người, anh trở về chui vào nhà sách Hà Nội trên đường NTMK. Một hồi lục lọi, chợt anh nhìn thấy quyển sách Hóa học vô cơ tập 1 mới cứng in chữ Hoàng Nhâm cộng với nhà xuất bản giáo dục. Trông thấy còn có bìa cứng nữa. Lật ra bên trong thấy cái lời giới thiệu của ông tác giả bảo là mấy bản cũ ra cách đây 50 năm, kiến thức từ thời chiến tranh loạn lạc, mặc dầu được tái bản hàng năm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc và nền giáo dục nước nhà nên tác giả ra bản mới có bổ sung chỉnh sửa, đưa kiến thức mới này nọ của nhân loại vào. Mặc dầu không hài lòng lắm với đoạn "tái bản hàng năm" nhưng anh tạm cho qua vì lòng anh lúc này đang háo hức như Nguyễn Tuân bước ra gặp sông Đà vui như thấy nắng dòn tan sau kì mưa dầm, phơi phới như Nguyễn Công Trứ trước ngọn đông phong. Giấc mơ bao năm trong tiềm thức đã thành sự thật.

Nhưng hỡi ôi...

Hỡi ôi em ạ. Cuộc đời nào có ai ngờ.

Anh lật cuốn sách lại, trông thấy giá tiền 580 ngàn Việt Nam đồng. Anh chết sững. Trong giây lát, anh thực chỉ ngỡ mình nhìn lầm, anh thực chỉ ngỡ mắt mình lên độ, anh thực chỉ ngỡ mình đeo nhầm kính của thằng em, anh thực chỉ ngỡ anh đang mơ giấc mộng dài, đừng lay anh nhé cuộc đời, anh còn trẻ dại. Anh lật qua lật lại cuốn sách, anh chỉ chực chờ có con ma nào đó chạy ra tụt quần anh hay có con khỉ bay từ trên trời xuống đập cửa sổ giật cuốn sách trong tay anh. Anh chỉ chực chờ Ưng Hoàng Phúc xuất hiện, cởi trần hát anh nghe bài "Chuyện đó đâu ai ngờ", để mà anh có thể kết luận đường hoàng rằng anh đang nằm mơ, để mà anh tỉnh giấc và thấy mình vừa ngủ dậy ở nhà. Thế nhưng, sau một hồi không có biến cố gì xảy ra, anh biết rằng đó là sự thực.

____________________

Rồi, trong cơn bĩ cực, anh lầm bầm chửi nhà xuất bản giáo dục. Với 580 ngàn, em ạ, anh có thể xoay sở tìm mà mua được một, có khi hai, cuốn Hóa vô cơ Atkins cũ, tình trạng sách: rất tốt của nhà xuất bản giáo dục Oóc-xphợt (Oxford - nghĩa là Suối Cạn Có Bò) ở nước Anh (không phải nước anh), giấy vừa láng vừa in màu, sờ vừa êm tay, đọc vừa vui mắt, thực là thích thú, thực là khuyến học biết bao nhiêu, lại còn trau dồi ngoại ngữ tiếp thu tinh hoa khoa học nhân loại. Anh tự hỏi sinh viên nào học sinh nào sẽ bỏ gần 600 ngàn đi mua một cuốn sách giáo khoa in trên giấy không đẹp (anh không muốn dùng từ xấu), trắng đen, chả có gì hấp dẫn thú vị? Anh tự hỏi nhà xuất bản giáo dục định bán cuốn này cho ai, chả lẽ chỉ để cho các thư viện thôi sao, rồi sinh viên tha hồ vô đó mà phôtô mà cóppi?

Chắc chắn sẽ có người bay vào đóng vai Captain Obvious bảo anh rằng tác giả cũng cần tiền bán sách để sống chứ. Dĩ nhiên anh biết chuyện đó, nhưng nghĩ mãi anh không tài nào hiểu được rằng cái cuốn sách mấy trăm trang in giấy không đẹp trắng đen đó làm sao có được cái giá trị 580 ngàn, thặng dư gì kinh hoàng thế? Kế bên đó là cuốn Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao của bác Trịnh Xuân Thuận của nhà xuất bản Tri Thức còn dày hơn, bìa đẹp hơn, in ấn đàng hoàng hơn, giá bìa chỉ có 188 ngàn. Anh nghĩ sao không ra em ơi (em đừng ca lại cho anh nghe bài aria "Em nghĩ sao không ra anh ơi" trong vở Cô Sao của Đỗ Nhuận nữa, anh nghĩ không ra thật).

Nhà xuất bản giáo dục của Bộ đi dạy hàng năm phát hành độc quyền một đống sách giáo khoa, chẳng lẽ không đủ tiền lời trả cho tác giả những cuốn sách cần thiết nhưng phát hành ít bản này? Tiền bay đi đâu hết rồi? Nếu chỉ bán cuốn này bằng phần ba giá hiện giờ, nghĩa là độ 170 ngàn, tuy vẫn đắt nhưng anh nghĩ sẽ có nhiều sinh viên học sinh sẵn sàng chịu bỏ tiền ra mua, tri thức sẽ dễ dàng đến tay sinh viên hơn, vì đâu phải ai cũng có điều kiện mua được sách Atkins hay sách gì đó khác, cũng đâu phải ai cũng đọc được sách chuyên ngành tiếng Ăng-lê. Sao lại dùng tiền mà chặn đường tri thức như vậy? Nếu không muốn hạ giá, sao không in đàng hoàng hơn, in giấy đẹp hơn một tí (anh không đòi hỏi giấy láng như Suối Cạn Có Bò), nếu có hình ảnh màu mè thì tốt. Anh nghĩ sẽ có người sẵn sàng chấp nhận cái giá trên trời đó, nếu như họ mua được một ấn phẩm đàng hoàng chuyên nghiệp.

Chứ lem nhem như vầy, anh chán lắm, anh buồn lắm, chả ai muốn mua đâu.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Khi nằm nghiêng em thấy, đau khổ nhiều quá chừng


Thích Nhất Hạnh, bản tiếng Anh "The Heart of the Buddha's teaching" (Trái tim của lời Bụt dạy) (1999), Rider : Chatham.

Bụt không phải thánh thần. Bụt cũng là người như tôi với bạn, và Bụt cũng khổ giống chúng ta. [...]

Suốt bốn mươi năm, Bụt lặp đi lặp lại, "Tôi chỉ dạy về sự khổ và cách chuyển hóa nỗi khổ." [...] Khổ chính là phương tiện Bụt dùng để giải thoát chính mình, và đó cũng chính là phương tiện chúng ta có thể dùng để được tự do.

Bể khổ rộng mênh mông, nhưng nếu quay đầu nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy được bờ. Hạt giống của nỗi khổ trong bạn có thể mạnh, nhưng đừng chờ đến khi bạn không còn nỗi khổ nào nữa rồi mới vui. Khi một cái cây trong vườn bị bệnh, bạn phải chăm sóc nó. Nhưng bạn đừng quên chăm sóc cả những cây lành. Ngay cả khi bạn có một nỗi đau trong lòng, bạn vẫn có thể tận hưởng những điều diệu kì của cuộc sống - hoàng hôn, nụ cười trẻ thơ và hoa cỏ cây cối quanh mình. Khổ đau thôi không đủ. Đừng để mình bị cầm tù trong chính nỗi khổ của bạn.

Nếu bạn từng trải qua cơn đói, bạn sẽ biết được rằng có thức ăn là một việc mầu nhiệm. Nếu bạn từng bị lạnh, bạn sẽ biết được giá trị của cái ấm. Khi bạn khổ đau, bạn biết phải trân quý một phần thiên đường đang ở cạnh bạn như thế nào. Nếu bạn chui vào rúc trong nỗi khổ của bạn, bạn đánh mất thiên đường đó. Đừng phớt lờ nỗi khổ của bạn, nhưng cũng đừng quên tận hưởng những điều diệu kì của cuộc sống này, vì chính bạn và cũng vì bao nhiêu loài khác.

Khi tôi còn trẻ, tôi viết bài thơ này. Tôi thâm nhập vào trái tim của Bụt bằng một trái tim lúc đó đang tổn thương sâu sắc.

My youth
an unripe plum,
Your teeth have left their marks on it.
The tooth marks still vibrate.
I remember always
remember always.

Since I learn how to love you,
the door of my soul has been left wide open
to the winds of the four directions.
Reality calls for change.
The fruit of awareness is already ripe,
and the door can never be closed again.

Fire consumes this century,
and mountains and forest bear its mark.
The wid howls across my ears,
while the whole sky shakes violently in the snowstorm.

Winter's wounds lie still,
Missing the frozen blade,
Restless, tossing and turning
in agony all night.


tuổi trẻ tôi
trái mơ xanh
vết răng của em
gây thành thương tích nhỏ
những chân răng rúng động
và nhớ hoài
nhớ hoài.

nhưng tự thuở yêu em
cánh cửa tôi mở rộng trước gió
thực tại kêu gào cách mạng
trái ý thức chín rồi
cánh cửa
không thể nào còn khép lại

lửa
lửa cháy tràn thế kỷ
loang lổ núi rừng hoang
gió thét ngang tai
bão tuyết bên trời quằn quại

vết thương mùa đông
vết thương mùa đông nằm nhớ lưỡi thép lạnh
bồn chồn, trăn trở
nhức nhối
thâu đêm.

Tôi lớn lên trong thời chiến tranh. Tan hoang, hủy hoại lúc đó ở khắp mọi nơi - trẻ con, người lớn, các giá trị và cả đất nước. Là một người trẻ, tôi đau khổ vô cùng. Khi cánh cửa của ý thức đã được mở ra rồi, bạn không thể đóng lại được. Vết thương chiến tranh trong tôi giờ vẫn chưa khỏi hẳn. Có nhiều đêm tôi nằm thức, ôm lấy dân tộc tôi, đất nước tôi, và cả hành tinh bằng hơi thở chánh niệm của mình.

Không có khổ đau, bạn không thể lớn. Không có khổ đau, bạn không thể có được yên bình và an lạc bạn đáng được hưởng. Xin bạn đừng chạy trốn khổ đau của mình. Hãy ôm lấy nó và yêu mến nó. Đến với Bụt, ngồi với ngài, và cho ngài xem nỗi đau của bạn. Ngài sẽ nhìn bạn với tình yêu thương, lòng từ bi và với chánh niệm, và sẽ chỉ cho bạn cách ôm lấy nỗi khổ và nhìn sâu (quán chiếu) vào trong nó. Bằng sự hiểu biết và tình thương, bạn sẽ có thể chữa lành vết thương trong tim của chính bạn và cả vết thương của thế giới này. Bụt gọi Khổ là một Sự thật Cao quý, vì nỗi khổ của chúng ta có khả năng soi rọi cho ta thấy con đường đi đến giải thoát. Ôm chặt lấy nỗi khổ của bạn, và xin hãy để nó vén cho bạn con đường đi tới hòa bình và an lạc.


____________________

Tôi dịch đoạn này từ cuốn "The Heart of the Buddha's teaching" của thầy Nhất Hạnh. Cuốn này có vài đoạn được thầy dịch từ bản tiếng Việt là cuốn "Trái tim của Bụt", tuy nhiên, phần nhiều là thầy viết lại.

Tôi để 2 bản thơ tiếng Anh và tiếng Việt, vì với tôi, mỗi bản có một sắc thái riêng.

Về một vài từ và thuật ngữ:
- từ Khổ, Khổ đau (từ Hán Việt "khổ" nghĩa là đắng, khổ qua = mướp đắng) được tiếng Anh dùng các chữ suffering (danh từ, động từ) và pain (danh từ) để dịch. Nguyên bản tiếng Pali là Dukkha. Bản thân từ "suffering" trong tiếng Anh được dịch từ rất lâu rồi, nó tạo cho người phương Tây ấn tượng ban đầu, cảm giác về đạo Bụt là một thứ chủ nghĩa bi quan (ông triết gia trùm bi quan Schopenhauer mê lắm), người ta đề xuất từ khác như là "unease" hay "discomfort". Khái niệm Khổ trong đạo Bụt không chỉ là nỗi đau về thể xác hay tâm hồn.
- từ Chánh Niệm: trong tiếng Việt, nghe từ này lần đầu, bạn sẽ phải hỏi "niệm là cái gì?". Đừng nghĩ tới từ "niệm phật" thường được đồng nghĩa với "tụng kinh", hãy nghĩ tới "khái niệm" hay cụm "suy niệm lời Chúa" mà người Công giáo hay dùng. Nghĩ như thế, đọc thêm, rồi sẽ cảm được sắc thái của chữ đó. Tôi trình độ nhỏ hẹp cũng bó tay không giải thích tường tận được với bạn. Niệm không hẳn là tập trung trí tuệ vào 1 điều (cái đó là Định, một khái niệm khác của đạo Bụt). Tiếng Anh dịch bằng chữ "mindfulness". Bạn nào học tiếng Anh sẽ nhận ra ngay chữ này mang nghĩa là gì. Đại khái hiểu theo kiểu "niệm" là dùng hết năng lượng của não/tâm trí cho công việc của mình đang làm, ý thức được rằng mình đang làm gì, đừng để cho mình bị lạc khỏi tâm trí của mình. Việc dùng não như vậy không chỉ có nghĩa rằng bạn đang tư duy. Khi bạn ăn cơm, uống nước, đi bộ, nếu bạn ý thức và tập trung vào từng ngụm nước, từng cọng rau, từ bước chân, không bị lạc lối trong suy nghĩ của mình, là bạn đang có niệm.

Thở cũng vậy. Hít vào, bạn ý thức được rằng bạn đang ở trên mạng. Thở ra, bạn biết mình đang thở ra. Cái đó gọi là hơi thở chánh niệm.