Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Khi nằm nghiêng em thấy, đau khổ nhiều quá chừng


Thích Nhất Hạnh, bản tiếng Anh "The Heart of the Buddha's teaching" (Trái tim của lời Bụt dạy) (1999), Rider : Chatham.

Bụt không phải thánh thần. Bụt cũng là người như tôi với bạn, và Bụt cũng khổ giống chúng ta. [...]

Suốt bốn mươi năm, Bụt lặp đi lặp lại, "Tôi chỉ dạy về sự khổ và cách chuyển hóa nỗi khổ." [...] Khổ chính là phương tiện Bụt dùng để giải thoát chính mình, và đó cũng chính là phương tiện chúng ta có thể dùng để được tự do.

Bể khổ rộng mênh mông, nhưng nếu quay đầu nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy được bờ. Hạt giống của nỗi khổ trong bạn có thể mạnh, nhưng đừng chờ đến khi bạn không còn nỗi khổ nào nữa rồi mới vui. Khi một cái cây trong vườn bị bệnh, bạn phải chăm sóc nó. Nhưng bạn đừng quên chăm sóc cả những cây lành. Ngay cả khi bạn có một nỗi đau trong lòng, bạn vẫn có thể tận hưởng những điều diệu kì của cuộc sống - hoàng hôn, nụ cười trẻ thơ và hoa cỏ cây cối quanh mình. Khổ đau thôi không đủ. Đừng để mình bị cầm tù trong chính nỗi khổ của bạn.

Nếu bạn từng trải qua cơn đói, bạn sẽ biết được rằng có thức ăn là một việc mầu nhiệm. Nếu bạn từng bị lạnh, bạn sẽ biết được giá trị của cái ấm. Khi bạn khổ đau, bạn biết phải trân quý một phần thiên đường đang ở cạnh bạn như thế nào. Nếu bạn chui vào rúc trong nỗi khổ của bạn, bạn đánh mất thiên đường đó. Đừng phớt lờ nỗi khổ của bạn, nhưng cũng đừng quên tận hưởng những điều diệu kì của cuộc sống này, vì chính bạn và cũng vì bao nhiêu loài khác.

Khi tôi còn trẻ, tôi viết bài thơ này. Tôi thâm nhập vào trái tim của Bụt bằng một trái tim lúc đó đang tổn thương sâu sắc.

My youth
an unripe plum,
Your teeth have left their marks on it.
The tooth marks still vibrate.
I remember always
remember always.

Since I learn how to love you,
the door of my soul has been left wide open
to the winds of the four directions.
Reality calls for change.
The fruit of awareness is already ripe,
and the door can never be closed again.

Fire consumes this century,
and mountains and forest bear its mark.
The wid howls across my ears,
while the whole sky shakes violently in the snowstorm.

Winter's wounds lie still,
Missing the frozen blade,
Restless, tossing and turning
in agony all night.


tuổi trẻ tôi
trái mơ xanh
vết răng của em
gây thành thương tích nhỏ
những chân răng rúng động
và nhớ hoài
nhớ hoài.

nhưng tự thuở yêu em
cánh cửa tôi mở rộng trước gió
thực tại kêu gào cách mạng
trái ý thức chín rồi
cánh cửa
không thể nào còn khép lại

lửa
lửa cháy tràn thế kỷ
loang lổ núi rừng hoang
gió thét ngang tai
bão tuyết bên trời quằn quại

vết thương mùa đông
vết thương mùa đông nằm nhớ lưỡi thép lạnh
bồn chồn, trăn trở
nhức nhối
thâu đêm.

Tôi lớn lên trong thời chiến tranh. Tan hoang, hủy hoại lúc đó ở khắp mọi nơi - trẻ con, người lớn, các giá trị và cả đất nước. Là một người trẻ, tôi đau khổ vô cùng. Khi cánh cửa của ý thức đã được mở ra rồi, bạn không thể đóng lại được. Vết thương chiến tranh trong tôi giờ vẫn chưa khỏi hẳn. Có nhiều đêm tôi nằm thức, ôm lấy dân tộc tôi, đất nước tôi, và cả hành tinh bằng hơi thở chánh niệm của mình.

Không có khổ đau, bạn không thể lớn. Không có khổ đau, bạn không thể có được yên bình và an lạc bạn đáng được hưởng. Xin bạn đừng chạy trốn khổ đau của mình. Hãy ôm lấy nó và yêu mến nó. Đến với Bụt, ngồi với ngài, và cho ngài xem nỗi đau của bạn. Ngài sẽ nhìn bạn với tình yêu thương, lòng từ bi và với chánh niệm, và sẽ chỉ cho bạn cách ôm lấy nỗi khổ và nhìn sâu (quán chiếu) vào trong nó. Bằng sự hiểu biết và tình thương, bạn sẽ có thể chữa lành vết thương trong tim của chính bạn và cả vết thương của thế giới này. Bụt gọi Khổ là một Sự thật Cao quý, vì nỗi khổ của chúng ta có khả năng soi rọi cho ta thấy con đường đi đến giải thoát. Ôm chặt lấy nỗi khổ của bạn, và xin hãy để nó vén cho bạn con đường đi tới hòa bình và an lạc.


____________________

Tôi dịch đoạn này từ cuốn "The Heart of the Buddha's teaching" của thầy Nhất Hạnh. Cuốn này có vài đoạn được thầy dịch từ bản tiếng Việt là cuốn "Trái tim của Bụt", tuy nhiên, phần nhiều là thầy viết lại.

Tôi để 2 bản thơ tiếng Anh và tiếng Việt, vì với tôi, mỗi bản có một sắc thái riêng.

Về một vài từ và thuật ngữ:
- từ Khổ, Khổ đau (từ Hán Việt "khổ" nghĩa là đắng, khổ qua = mướp đắng) được tiếng Anh dùng các chữ suffering (danh từ, động từ) và pain (danh từ) để dịch. Nguyên bản tiếng Pali là Dukkha. Bản thân từ "suffering" trong tiếng Anh được dịch từ rất lâu rồi, nó tạo cho người phương Tây ấn tượng ban đầu, cảm giác về đạo Bụt là một thứ chủ nghĩa bi quan (ông triết gia trùm bi quan Schopenhauer mê lắm), người ta đề xuất từ khác như là "unease" hay "discomfort". Khái niệm Khổ trong đạo Bụt không chỉ là nỗi đau về thể xác hay tâm hồn.
- từ Chánh Niệm: trong tiếng Việt, nghe từ này lần đầu, bạn sẽ phải hỏi "niệm là cái gì?". Đừng nghĩ tới từ "niệm phật" thường được đồng nghĩa với "tụng kinh", hãy nghĩ tới "khái niệm" hay cụm "suy niệm lời Chúa" mà người Công giáo hay dùng. Nghĩ như thế, đọc thêm, rồi sẽ cảm được sắc thái của chữ đó. Tôi trình độ nhỏ hẹp cũng bó tay không giải thích tường tận được với bạn. Niệm không hẳn là tập trung trí tuệ vào 1 điều (cái đó là Định, một khái niệm khác của đạo Bụt). Tiếng Anh dịch bằng chữ "mindfulness". Bạn nào học tiếng Anh sẽ nhận ra ngay chữ này mang nghĩa là gì. Đại khái hiểu theo kiểu "niệm" là dùng hết năng lượng của não/tâm trí cho công việc của mình đang làm, ý thức được rằng mình đang làm gì, đừng để cho mình bị lạc khỏi tâm trí của mình. Việc dùng não như vậy không chỉ có nghĩa rằng bạn đang tư duy. Khi bạn ăn cơm, uống nước, đi bộ, nếu bạn ý thức và tập trung vào từng ngụm nước, từng cọng rau, từ bước chân, không bị lạc lối trong suy nghĩ của mình, là bạn đang có niệm.

Thở cũng vậy. Hít vào, bạn ý thức được rằng bạn đang ở trên mạng. Thở ra, bạn biết mình đang thở ra. Cái đó gọi là hơi thở chánh niệm.

2 nhận xét:

  1. ko dễ gì để có được chánh niệm :|

    Trả lờiXóa
  2. cả bài đậm chất suy tư,
    Đọc đến câu cuối giật mình thấy bựa.

    Trả lờiXóa