Dân học hóa ở Việt Nam, từ sinh viên đại học tới học sinh chuyên cấp 3, phàm dẫu khôn hay ngu cần cù hay lười biếng, hẳn đều biết tới bộ 3 cuốn sách huyền thoại Hóa vô cơ của ông thầy Hoàng Nhâm. Ngày anh học cấp ba, anh đã từng có lần chạy khắp thành phố truy tầm cuốn này hệt như Tôm đi bắt Gie-ri, dĩ nhiên là chả bao giờ bắt được. Bọn bạn anh có mấy cuốn chả biết lấy đâu ra, thế là chuyền tay nhau khắp nơi phôtô phôtiếc về cắm cúi đọc chỗ hiểu chỗ không.
Sở dĩ cuốn sách Hóa vô cơ của Hoàng Nhâm trở thành một thứ quỳ hoa bảo điển, kì trân dị bảo được đồn thổi trong giang hồ như vậy là bởi cách viết và diễn đạt có phần dễ hiểu. Bạn bè anh mấy đứa nuôi mộng đi thi Cuốc Gia (con cuốc cuốc và cái gia gia), 10 đứa hết 9 ôm cuốn nầy tu luyện. Ngày xưa anh suốt ngày ngồi thắc mắc vì sao nhà xuất bản giáo dục không thèm tái bản cái bộ sách quý này, in một phát sẽ có một đống đứa mua. Vì sao lại để cho bọn anh cực khổ chạy đôn chạy đáo chạy nháo nhào đi tìm mãi không ra bèn đứt ruột đi phôtô vi phạm bản quyền trắng trợn. Vì sao lại thế tại vì sao lại thế. Vì sao ta yêu nhau. Vì sao môi anh nóng. Vì sao tay anh lạnh. Vì sao thân anh run. Vì sao chân không vững. Vì sao và vì sao?
Nói như vậy để thấy rằng quyển sách này ít ra đã đi vào một phần trong miền kí ức (không biết có đẹp không) của anh. Từ trong vô thức, anh luôn hướng tới, anh luôn có một khát khao một ước ao là được cầm trên tay cuốn sách Hoàng Nhâm mới toanh.
Bìa cuốn kì trân dị bảo tập 1 anh đang nói đến
___________________Ngày hôm nay, sau bao tháng bao ngày lưu lạc gió bụi đường xa đất khách quê người, anh trở về chui vào nhà sách Hà Nội trên đường NTMK. Một hồi lục lọi, chợt anh nhìn thấy quyển sách Hóa học vô cơ tập 1 mới cứng in chữ Hoàng Nhâm cộng với nhà xuất bản giáo dục. Trông thấy còn có bìa cứng nữa. Lật ra bên trong thấy cái lời giới thiệu của ông tác giả bảo là mấy bản cũ ra cách đây 50 năm, kiến thức từ thời chiến tranh loạn lạc, mặc dầu được tái bản hàng năm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc và nền giáo dục nước nhà nên tác giả ra bản mới có bổ sung chỉnh sửa, đưa kiến thức mới này nọ của nhân loại vào. Mặc dầu không hài lòng lắm với đoạn "tái bản hàng năm" nhưng anh tạm cho qua vì lòng anh lúc này đang háo hức như Nguyễn Tuân bước ra gặp sông Đà vui như thấy nắng dòn tan sau kì mưa dầm, phơi phới như Nguyễn Công Trứ trước ngọn đông phong. Giấc mơ bao năm trong tiềm thức đã thành sự thật.
Nhưng hỡi ôi...
Hỡi ôi em ạ. Cuộc đời nào có ai ngờ.
Anh lật cuốn sách lại, trông thấy giá tiền 580 ngàn Việt Nam đồng. Anh chết sững. Trong giây lát, anh thực chỉ ngỡ mình nhìn lầm, anh thực chỉ ngỡ mắt mình lên độ, anh thực chỉ ngỡ mình đeo nhầm kính của thằng em, anh thực chỉ ngỡ anh đang mơ giấc mộng dài, đừng lay anh nhé cuộc đời, anh còn trẻ dại. Anh lật qua lật lại cuốn sách, anh chỉ chực chờ có con ma nào đó chạy ra tụt quần anh hay có con khỉ bay từ trên trời xuống đập cửa sổ giật cuốn sách trong tay anh. Anh chỉ chực chờ Ưng Hoàng Phúc xuất hiện, cởi trần hát anh nghe bài "Chuyện đó đâu ai ngờ", để mà anh có thể kết luận đường hoàng rằng anh đang nằm mơ, để mà anh tỉnh giấc và thấy mình vừa ngủ dậy ở nhà. Thế nhưng, sau một hồi không có biến cố gì xảy ra, anh biết rằng đó là sự thực.
____________________
Rồi, trong cơn bĩ cực, anh lầm bầm chửi nhà xuất bản giáo dục. Với 580 ngàn, em ạ, anh có thể xoay sở tìm mà mua được một, có khi hai, cuốn Hóa vô cơ Atkins cũ, tình trạng sách: rất tốt của nhà xuất bản giáo dục Oóc-xphợt (Oxford - nghĩa là Suối Cạn Có Bò) ở nước Anh (không phải nước anh), giấy vừa láng vừa in màu, sờ vừa êm tay, đọc vừa vui mắt, thực là thích thú, thực là khuyến học biết bao nhiêu, lại còn trau dồi ngoại ngữ tiếp thu tinh hoa khoa học nhân loại. Anh tự hỏi sinh viên nào học sinh nào sẽ bỏ gần 600 ngàn đi mua một cuốn sách giáo khoa in trên giấy không đẹp (anh không muốn dùng từ xấu), trắng đen, chả có gì hấp dẫn thú vị? Anh tự hỏi nhà xuất bản giáo dục định bán cuốn này cho ai, chả lẽ chỉ để cho các thư viện thôi sao, rồi sinh viên tha hồ vô đó mà phôtô mà cóppi?
Chắc chắn sẽ có người bay vào đóng vai Captain Obvious bảo anh rằng tác giả cũng cần tiền bán sách để sống chứ. Dĩ nhiên anh biết chuyện đó, nhưng nghĩ mãi anh không tài nào hiểu được rằng cái cuốn sách mấy trăm trang in giấy không đẹp trắng đen đó làm sao có được cái giá trị 580 ngàn, thặng dư gì kinh hoàng thế? Kế bên đó là cuốn Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao của bác Trịnh Xuân Thuận của nhà xuất bản Tri Thức còn dày hơn, bìa đẹp hơn, in ấn đàng hoàng hơn, giá bìa chỉ có 188 ngàn. Anh nghĩ sao không ra em ơi (em đừng ca lại cho anh nghe bài aria "Em nghĩ sao không ra anh ơi" trong vở Cô Sao của Đỗ Nhuận nữa, anh nghĩ không ra thật).
Nhà xuất bản giáo dục của Bộ đi dạy hàng năm phát hành độc quyền một đống sách giáo khoa, chẳng lẽ không đủ tiền lời trả cho tác giả những cuốn sách cần thiết nhưng phát hành ít bản này? Tiền bay đi đâu hết rồi? Nếu chỉ bán cuốn này bằng phần ba giá hiện giờ, nghĩa là độ 170 ngàn, tuy vẫn đắt nhưng anh nghĩ sẽ có nhiều sinh viên học sinh sẵn sàng chịu bỏ tiền ra mua, tri thức sẽ dễ dàng đến tay sinh viên hơn, vì đâu phải ai cũng có điều kiện mua được sách Atkins hay sách gì đó khác, cũng đâu phải ai cũng đọc được sách chuyên ngành tiếng Ăng-lê. Sao lại dùng tiền mà chặn đường tri thức như vậy? Nếu không muốn hạ giá, sao không in đàng hoàng hơn, in giấy đẹp hơn một tí (anh không đòi hỏi giấy láng như Suối Cạn Có Bò), nếu có hình ảnh màu mè thì tốt. Anh nghĩ sẽ có người sẵn sàng chấp nhận cái giá trên trời đó, nếu như họ mua được một ấn phẩm đàng hoàng chuyên nghiệp.
Chứ lem nhem như vầy, anh chán lắm, anh buồn lắm, chả ai muốn mua đâu.