Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Những cây cầu đi qua

1.
Trong phim Cuộc đời tuyệt vời của Amélie Poulain có một cảnh rất nhanh chiếu một đoàn xe đạp chạy qua một chiếc cầu. Đó là cảnh tôi nhớ nhất. Nhớ từ lần tôi bất chợt xem qua cuốn phim ở đâu đó [trên mạng].

Tôi nhớ vì cái hình ảnh một đoàn xe đạp chạy qua một chiếc cầu cứ tua đi tua lại trong tâm trí tôi, có lẽ vào cả giấc mơ. Tôi cũng không hiểu vì sao. Tôi không nghĩ tôi bị ám ảnh bởi xe đạp. Từ nhỏ, cứ dịp hè về, hay chả cần hè, cứ chiều đi học về, là tôi lang thang khắp nơi trên chiếc xe đạp nhỏ chạy trên lề đường. Trong chừng hai tiếng đồng hồ buổi chiều, tôi la cà khắp các ngõ hẻm ở vùng Gò Vấp, địa bàn đình An Nhơn mở rộng qua gần bên Xóm Mới. Những cuộc phiêu lưu như vậy diễn ra trong suốt thời kỳ tôi độ sáu tới tám chín tuổi gì đó, và kết thúc vào cái ngày bố biết tôi lén đi với ông anh chạy ra xa lộ xe tải chạy rầm rầm. Từ đó, tôi bị dẹp vụ xe đạp. Thế nhưng, tuy tuổi thơ gắn liền như vậy với chiếc xe đạp, kể cả thời kỳ học cấp hai tiếp tục đạp xe đi học cộng với những chuyến phiêu lưu bằng xe đạp bắt đầu mở rộng hơn, tôi hoàn toàn không có bất cứ một thôi thúc nào về chuyện phải được đạp xe. Nói vậy nghĩa là tôi hoàn toàn không bị ám ảnh bởi chiếc xe đạp. 

2.
Vậy có lẽ tôi bị ám ảnh bởi những cây cầu. 

3.
Những năm đầu đời, quãng đường thân thuộc nhất với tôi là quãng đường bốn cây số về nhà ngoại. Từ rìa đông bắc Gò Vấp chạy 4 cây số qua quận 12, tôi đi qua bốn cây cầu: cầu An Lộc, cầu Giao Khẩu, cầu Ba Thôn ở ngoài, và cây cầu Ba Thôn ngắn ở đường bên trong. Tôi lớn lên cùng với việc từng cây cầu (trừ cầu An Lộc qua sông Vàm Thuật) được đập ra và xây mới. Cây cầu Ba Thôn nối từ nhà ngoại qua chợ được đập ra, rồi con đường đất nhỏ bắt đầu được nâng lên và tráng nhựa. Tôi vẫn nhớ những buổi sáng bà ngoại dắt tôi len qua cây cầu nhỏ chưa hủy hoàn toàn để ra tới chợ phía bên kia cầu, và cả những buổi trưa leo cầu trốn nhà cùng mấy đứa anh em đi chơi điện tử. Ngày ngoại mất, năm tôi tám tuổi, cây cầu đập luôn, xe tang không qua được, phải đi vòng ra xa lộ. Tôi vẫn nhớ mình ngồi trên xe tang, và cứ mỗi lần đi qua một cây cầu là lại nói lên để cho ngoại nghe: "Mình qua cầu Giao Khẩu rồi nha ngoại!".

4.
Cứ vậy, dần lớn lên, danh sách những cây cầu thân thuộc trong thành phố càng mở rộng ra, những cây cầu Kiệu, cầu Công Lý, cầu Khánh Hội, vân vân. Tôi vẫn nhớ cảm giác của mình những năm cuối cấp hai đầu cấp ba khi chạy xe qua cây cầu Công Lý mới. Đỉnh cầu được nâng lên cao hơn cầu cũ nhiều. Trong thoáng chốc băng qua cái đỉnh parabol, nhìn chớp nhoáng xuống chùa Vĩnh Nghiêm, phóng mắt nhẹ ra phía trước thấy những cao ốc phía trung tâm thành phố, lòng tôi ngợp một niềm lâng lâng, như một kiểu khoái cảm nhẹ nhàng. Tôi đã miêu tả cảm giác này trong một bài blog hồi xa xưa đó.

Rồi khi đã đủ lớn để rong chơi [trời phương ngoại?] ra tới tận cây cầu Phú Mỹ khổng lồ, tôi dường trải qua lại niềm sung sướng cũ đã nhờn theo năm tháng. Mỗi lần bí chỗ đi chơi với mấy đứa bạn, tôi đều gợi ý hãy chạy ra cầu Phú Mỹ ở quận 7. Lúc đầu tôi chỉ cho đó là một ý tưởng bất chợt, nảy ra khi không còn chỗ nào khác để đi, rồi từ từ mới nhận ra tôi đã bị những cây cầu ám. Nói cho cùng, còn chỗ nào để ngắm Sài Gòn thú vị hơn việc chạy xe trên những nhịp to lớn, cao dần cao dần của cầu Phú Mỹ, nhìn xuống dòng sông Sài Gòn cuồn cuộn phía dưới, nhìn những bãi cát phía cảng, nhìn những con tàu bập bềnh, nhìn xưởng đóng tàu chất đầy gỗ... 

5.
Tôi rất thích game pokemon phần thứ 5, nơi lấy bối cảnh là Unova, vùng đất của những cây cầu. Mỗi cây cầu là một nét đẹp, mỗi lần băng qua là một niềm vui. Cây cầu Làng [ビレッジブリッジ - Village Bridge] cổ kính, có những ngôi nhà bằng đá, và nền nhạc enka. Cây cầu Skyarrow lại là một cây cầu dây văng hoành tráng, nhìn xuống dòng sông rộng, trông ra được đô thị Castelia và thấy cả con tàu Royal Unova chạy bên dưới. Cây cầu Driftveil hay còn kêu là cầu Charizard là một cây cầu thanh nhã mang màu đỏ Charizard... Tôi yêu những cây cầu ở Unova cũng giống như yêu những cây cầu thực vậy. 

6.
Vậy thì, có gì nơi những cây cầu làm tôi mê mẩn? Phải chăng là cảm thức được kết nối? Hay là ảnh tượng dòng nước chảy phía dưới? Tôi nghĩ là vì nhiều lý do kiểu đó gộp lại. Có lẽ cũng là cái cảm giác nửa gần nửa xa. Cũng là cái đong đưa mơn man của lời ru ví dầu cầu ván đóng đinh tôi nghe từ thuở bé, từ thời bắt đầu biết nhớ, biết hỏi, biết phân biệt được tên của những cây cầu đầu tiên trên đường về nhà ngoại.



Cầu Cobden bắc qua sông Itchen ở Southampton, nguồn discoversouthampton.co.uk

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Bảy mươi lăm lời mỹ tán thần Ra


Kính dâng lạy ngài, ơi thần Ra, thần Sư Tử, thần Mèo chí tôn, đấng Phục Cừu của các thần và Phán Quan toàn thế, Tổng soái trong các đấng Minh quân và Thống lĩnh của Chu kỳ Thần thánh; thành kính cúi lạy Ngài trong thân xác thần Mèo chí tôn!

trích sách Bảy mươi lăm lời mỹ tán thần Ra, khoảng năm 1700 trước CN.

Hình trong cuốn sách này:


Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Motomezuka (求塚)

Kịch Nô loại bốn, nguyên tác của Kan'ami viết theo cốt truyện trong Yamato Monogatari (Đại Hòa vật ngữ).
Tóm tắt kịch bản bằng tiếng Anh của David Surtasky
nguồn: http://theatrenohgaku.wordpress.com/2013/04/30/motomezuka-%E6%B1%82%E5%A1%9A/
Dịch: QH



___________________

Nói trước mấy lời:

Trước hết, tôi xin nói luôn là giống như nhiều người, tôi không cổ xúy (đánh trống thổi kèn/sáo gì đó) cho việc dịch một văn bản tiếng Á Đông (ở đây là tiếng Nhật) qua ngôn ngữ trung gian phương Tây, cho dù hồi xưa tôi có lỡ tay dịch truyện "Người băng" của ông Haruki.

Nhưng ở đây tình hình lại khác. Đây không phải là một văn bản tiếng Nhật mà là bản tóm tắt trên mạng của trang Theatre Nohgaku Blog bằng tiếng Anh. Vả lại tôi dịch cũng chẳng để đem bán cho ai. Nhưng dù vậy, tôi cũng cố gắng hết sức để đem lại cho văn bản này một chút không khí phương đông bên cạnh việc văn phạm của nó (không tránh khỏi) bị đặc sệt mùi Tây. Sở dĩ tôi dịch cái tóm tắt này là do bài dịch trước tui dịch có nhắc tới vở Motomezuka này và tôi thấy đây là một vở hay, nên tôi đem dịch.

Motomezuka viết bằng hai chữ kanji là chữ Cầu và chữ Trủng. Cầu nghĩa là tìm (mưu cầu, tìm cầu, độc cô cầu bại, vân vân) và Trủng nghĩa là cái mộ. Chữ Motomezuka là kunyomi (âm Nhật), không phải onyomi của hai chữ Cầu Trủng, và bản thân nó nghĩa là gì thì tui không biết. Tui đoán zuka là cái mộ, còn motome là cái quỷ gì thì tui tra jisho.org nó không ra.

Trong văn bản sẽ nhắc tới cái Sought-for-Grave các bạn tiếng Anh dịch chữ Motomezuka ra. Tui sẽ tạm dịch là Ngôi Cầu mộ, nghĩa là ngôi mộ [mọi người] tìm [đến]. Hoàn toàn không phải cái mộ trên cầu, cũng không phải cái cầu trên mộ(?!). Xin đừng nhầm lẫn.

________________

Như nhiều kịch bản Nô khác, mở đầu có một đoàn các nhà sư từ phương Tây đang trên đường về Kinh Đô (Kyōto). Người quấn bộ du y, các sư trèo đèo vượt biển. Băng qua núi non cỏ cây trập trùng, bơi thuyền vượt biển, hướng về đích đến, cuối cùng các ngài cũng tới làng Ikuta, một ngôi làng ở vùng lâm tuyền [near the forest and the river]. Các ngài cũng chỉ biết tên vùng này thôi, chứ chẳng biết gì hơn cả. Khi đến nơi, các ngài trông thấy một toán thiếu nữ từ trong làng. Dù trời vẫn còn mang cái rét đầu xuân, toán thiếu nữ đang trên đường đi hái rau.

Những cây rau đầu tiên của mùa xuân đã nhú mầm trên những cánh đồng vùng Ikuta. Tay áo toán thiếu nữ bay phất phơ giữa gió xuân lồng lộng dưới bầu trời thiên thanh xanh ngắt. Trên rừng, chồi non đã bắt đầu đâm ra, nhưng sâu trong núi, tuyết vẫn còn đọng trên nhành thông. Các cô gái nghĩ, có lẽ lúc này ở Kinh Đô, tiết trời đã ấm hơn Ikuta nhiều. Thế nhưng số phận đã sắp đặt họ phải ở đây, trong tiết trời lạnh giá, ra đồng hái lá rau. Ngay cả nếu mà tuyết phủ đầy đường đi, toán thiếu nữ cũng biết lối mà lần ra tới đồng. Nếu họ đợi hết mùa tuyết, rau sẽ già không dùng được nữa. Thế là, tuy xuân chưa đến vẹn toàn, các thiếu nữ vẫn ra đồng hái rau.

Một nhà sư đến gần và hỏi một cô gái, mạn hỏi nơi này phải là Ikuta chăng? Vâng thưa đúng ạ, cô gái đáp, có lẽ thầy đã biết tên vùng này. Thưa, thầy không thấy cánh rừng phủ dày lối kia sao ạ? Dòng nước các thầy vừa lội qua chính là dòng Ikuta-gawa trong lành chảy từ rặng núi ra biển đấy ạ. Dòng sông đương xanh ngăn ngắt báo hiệu xuân về.

Thế là đến Ikuta rồi, nhà sư nói. Rừng cây này, dòng sông này, biển cả này. Toàn những địa danh nổi tiếng chúng ta đã nghe đến từ tít vùng miền tây xa xôi. Nhìn này - sương đang phủ đầy bãi cỏ kìa - nhưng thưa, chúng bần tăng muốn hỏi đường đến ngôi Cầu mộ.

Ngôi Cầu mộ ạ? Thưa, chúng tôi đã nghe qua nơi này, nhưng thú thực chúng tôi chẳng biết nhiều nhặn gì đâu ạ. Xin các thầy đừng nên phí rỗi thời giờ nơi đây mà nên tiếp tục lên đường. Các vị thầy chùa này khiến cô gái nhớ tới một bài thơ cổ, một bài thơ ca ngợi vẻ kiều diễm của các nàng thôn nữ hái rau, về những lữ khách mải mê ngắm nhìn các cô mà chậm trễ mất chuyến đi. Thật ngờ nghệch làm sao! Các sư lẽ ra nên tiếp tục cất bước. Kinh Đô gần đến lắm rồi, sao lại còn chần chừ làm gì nữa?

Tay áo các cô thôn nữ đã lạnh cóng, tuyết đọng thành băng, còn rau trên đồng vẫn phủ đầy những tuyết. Một làn băng mỏng phủ lên trên lớp bùn, các lá cải non ẩn mình bên dưới. Tuy đã sang xuân rồi, nhưng nhìn tuyết rơi tưởng đông vẫn còn. Xuân lạnh làm sao, gió ảm đạm làm sao, tuyết lẫn cả vào làn gió thổi bạt vào cơn sóng bạc đầu trên dòng sông. Các thôn nữ vội vã tiếp tục công việc, bỏ mặc các sư, nhanh tay hái rau rồi về nhà.

Nhưng cô thiếu nữ lúc nãy chưa về, cô đứng lại. Nhà sư thấy vậy, tò mò hỏi, thưa, tại sao các chị em khác đã ra về hết mà cô vẫn còn chưa về? Các thầy lúc nãy có hỏi về ngôi Cầu mộ, nếu các thầy muốn đến đó, xin đi theo tôi ạ. Họ băng qua đồng một đoạn ngắn, đến một ngôi mộ rêu phủ, thực ra nhìn giống một đụn đất hơn. Đây ạ. Đây là ngôi Cầu mộ, cô gái nói. Vì sao lại có tên này, nhà sư hỏi. Cô gái kể lại câu chuyện:

Nhiều năm trước có một cô gái tên là Unai sống trong làng này. Có hai chàng trai trẻ tên là Sasada và Chinu đều đem lòng yêu cô. Một ngày, cả hai người cùng gửi cho cô một bức thư tình, thổ lộ lòng mình và tình yêu mãnh liệt của mình đối với cô gái. Unai cảm thấy lòng rối bời, nếu cô đáp lại tình cảm một người thì người kia thể nào cũng sẽ mang mối ghen tuông tị nạnh. Động lòng trắc ẩn, cô cảm thấy mình không nên chọn ai cả. Cha mẹ cô lại nghĩ khác, ông bà bảo hai chàng trai hãy đọ tài với nhau, ai thắng sẽ lấy được cô Unai xinh đẹp - nhưng hai chàng ngang sức ngang tài, liên tục hòa nhau bất kể thi thố trò gì. Ngay cả khi họ thi bắn cung nhắm vào con vịt bơi trên sông, cả hai mũi tên đều trúng vào cùng một cánh của con vịt. Nhìn thấy con vịt, Unai đau lòng nghĩ đến đôi vịt sống trên dòng sông, nghĩ rằng chính vì nàng mà chúng đã bị chia ly. Trong cơn khốn bĩ, Unai quyết định quyên sinh. Cô gieo mình xuống dòng Ikuta-gawa, tay áo nổi lềnh bềnh như đôi cánh gãy. Khi Sasada và Chinu biết việc, hai anh đau buồn khôn xiết. Thế gian và cuộc sống này đâu còn gì ý nghĩa. Hối hận, cả hai lao vào chém giết lẫn nhau, kết thúc mối thù địch mãi mãi.

Cái chết của tất cả họ đều là lỗi của tôi, cô gái thốt lên. Xin các thầy hãy ở lại, hãy cầu siêu cho tôi. Nói đoạn, cô biến thành làn khói mỏng và bay vào trong mộ.

Bối rối và lúng túng trước sự việc vừa rồi, các nhà sư đứng như trời trồng trên cánh đồng giá lạnh nhìn ngôi mộ. Một người đi từ làng ngang qua, thấy vậy hỏi họ đang làm gì. Các sư kể lại cho bác này nghe. Bác này nghe vậy liền kể lại câu chuyện về nàng Unai đáng thương, về cái chết bất hạnh của cô, về lỗi lầm cô mang khiến cô vẫn còn kẹt lại và vương vấn thế gian này. Bác cố nài các sư hãy cầu độ cho cô sớm siêu thoát.

Khi mặt trời lặn, các nhà sư bắt đầu cất tiếng tụng kinh cầu cho vong hồn cô Unai. Các thầy cầu cho cô tìm được bình an, dù chỉ trong một khoảnh khắc. Các thầy cầu cho cô được giác ngộ, cầu cho cô thoát được vòng quay tiếp theo của bánh xe nghiệp. Dưới bóng cácnhà sư giờ đang phủ tràn lên ngôi mộ, hồn cô gái Unai bay ra.

Trong chiếc áo quàn sũng nước, Unai nhìn các sư bằng đôi mắt sầu thảm. Trước này chẳng ai lui tới ngôi mộ của cô, vốn nằm giữa đồng không mông quạnh. Chỉ có bầy thú hoang đi tìm xương cùng lũ quỷ ma hú gào trong gió trên ngọn thông là hay lui tới. Cuộc đời trần thế này thực rất ngắn ngủi làm sao.

Người ta nói rằng hồn người chết thường chịu khổ ải dày vò trong một ngày, hay một đêm, trải qua tám ức [hundred millions, nghĩa là vạn vạn] luyến ái, hay những vọng tưởng khó chịu. Thế nhưng Unai đã phải trải qua bao nhiêu trầm luân, suốt bấy nhiêu năm từ khi cô quyên sinh. Cô mong mỏi trở lại thế gian, nhưng lại mắc kẹt lại mãi mãi bên trong tầng rêu trên ngôi mộ nằm dưới bóng cỏ dày um. Cô đang bị kẹt lại trong ngôi nhà cháy* này bởi chính những luyến ái của mình.

Các nhà sư đều động lòng xót thương trước nỗi đau trong tâm hồn cô gái, họ xin cô hãy cởi mối ràng buộc và thoát khỏi những âu lo trần thế và những khổ đau dưới mồ sâu. Thế gian này có lẽ chỉ là nơi trú ngụ của cái ác hiển bày, là địa ngục, là cảnh giới của ngạ quỷ và yêu ma, là nơi đầy tràn khổ não sinh lão bệnh tử.

Unai cảm tạ các sư. Cô từng bị trói buộc vào khổ đau vô tận không biết đường ra, nay những lời của các sư như một tia sáng nhỏ rọi trong làn khói tối đen của địa ngục. Tuy vậy, nỗi khiếp sợ vẫn còn quẩn quanh nơi tâm cô. Xa xa, cô trông thấy Sasada, rồi thấy Chinu, hai chàng trai cầu hôn cô đã chết từ lâu. Họ tiến tới nắm lấy tay cô: "Hãy đi với anh! Hãy đi với anh!", họ nói. Cô chẳng còn sức mà vùng vẫy thoát ra. Khi hai bóng ma bay đi, cô trông thấy trước mặt mình là con vịt bị thương - biến thành hình một con chim sắt - với cái mỏ thép dữ dằn, móng vuốt sắc như dao, bay đến mổ vào sọ mình, cắn vào xương tủy cô!

Lửa ma trơi hiện lên quanh ngôi mộ, mỗi ngọn là một hồn người đang chuyển hình sang dạng quỷ ma. Họ nhiếc mắng quất roi và đuổi theo Unai. Cô cố vùng lên chạy thoát, nhưng rồi nhận ra trước mặt là trùng dương còn sau lưng là biển lửa. Nhìn sang trái, sang phải, cô đang bị kẹt giữa nước và lửa, không lối nào thoát. Cô tựa lưng vào cây cột trong ngôi nhà cháy tìm nơi ngơi nghỉ, nhưng rốt cục chỉ làm nó bắt lửa thêm. Cô choàng tay ôm lấy cây cột ngùn ngụt lửa khói để mà ngã gục xuống, nhưng rồi lại bị dựng lên. Lũ quỷ ma địa ngục tiếp tục quất lên người cô những làn roi tàn bạo. Vì lầm lỡ mà giờ đây cô phải chịu khổ ải liên miên nơi Bát Đại Địa Ngục. Hãy chứng kiến, hỡi người, và ăn năn hối cải đi thôi. Các nhà sư run rẩy nhìn cảnh tượng địa ngục đáng sợ trước mắt:

Đẳng hoạt địa ngục, Hắc thằng địa ngục, Chúng hợp địa ngục, Hào khiếu địa ngục, Đại khiếu địa ngục, Viêm nhiệt địa ngục, Đại nhiệt địa ngục và Vô gián địa ngục, nơi Unai rơi xuống như một chiếc lá cháy trong lò thiêu ngùn ngụt.

Bóng tối bao trùm trở lại. Lửa tắt dần. Bọn quỷ ma biến mất. Unai trở về ngôi nhà cháy. Đâu là nơi cô từng yên nghỉ? Cô nhìn quanh chán chường, ngôi Cầu mộ đâu rồi? Rồi cô biến trở lại vào trong ngôi mộ lấp bên dưới đám cỏ um tùm. Như sương trên cánh đồng, như khói mù nơi đỉnh núi, cô tan biến mất. Unai trở về lại ngôi Cầu mộ của mình.





*Ngôi nhà cháy: chỉ thế gian này, có lẽ dựa vào nhiều ví dụ trong kinh Hoa sen ví thế gian như ngôi nhà đang cháy và dụ ngôn của Bụt cũng kể trong kinh Hoa sen về người cha muốn cứu những đứa con ra khỏi ngôi nhà cháy phải dùng nhiều phương tiện khác nhau tùy thuộc vào từng đứa để dụ chúng ra.




____________

Xin cảm ơn đã đọc. Xin lỗi luôn vì tui không chú thích gì về đám bát đại địa ngục, vì tui không đam mê gì phần này. Các bạn đam mê địa ngục có thể lên wiki tra Bát nhiệt hay bát đại địa ngục để đọc về các địa ngục này cho thỏa chí tang bồng. Bạn nào muốn tìm hiểu tiếng Anh dịch các địa ngục này ra sao có thể vào trang web của các bạn Theatre Nohgaku.

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Ám

Tác giả: David Surtasky
Dịch: QH.


Có những linh hồn thường du lãm vào trong giấc mơ của chúng ta. Tự ý và lén lút.

Câu chuyện này được kể đi kể lại nhiều lần trong các vở kịch Nô. Một lữ khách, một thầy cúng, một nhà sư, một viên quan, hay một sứ giả - đến một chốn nào đó cụ thể, rồi vì một duyên cớ nào đó, chốn này bị một hồn ma không siêu thoát ám lấy: hãy cầu độ cho tôi, đây thường là lời điệp khúc hồn ma này cất lên, xin cứu vớt tôi thoát khỏi nỗi thống khổ dằng dặc mạn trường này.

Đôi khi những hồn ma này cuối cùng được siêu thoát. Đôi khi không.

Phải chăng những kịch bản Nô chỉ là những câu chuyện ma, hay phải chăng chúng đã chạm vào được những ngóc ngách thẳm sâu trong bản thể con người, nơi khao khát được bày ra những hồn ma từ lâu vẫn ngụ bên trong? Hiểu biết của chúng ta hiện nay về giấc mơ, nếu so với thời của Zeami, cũng chẳng hơn nhiều lắm. Có thể trong chúng ta có sẵn một nhu cầu luôn muốn được khơi lên và đối mặt với những vọng tưởng, những nỗi sợ trong mình, bắt chúng phải hiển lộ rõ ràng hòng chúng ta có thể gọi đúng tên chúng ra.

Thường trong phổ cảm xúc của những hồn ma điển hình trong vở kịch Nô có những xúc cảm cám dỗ tiêu cực và nguy hiểm: những luyến ái, vướng mắc, ganh ghét và hận thù. Các câu chuyện dạy rằng nếu không buông bỏ được những xúc cảm này, ta sẽ mãi bị kẹt trong bánh xe nghiệp - bánh xe karma - và sẽ mãi trở đi trở lại trong thế giới hình tướng.

Hồn ma của nữ võ sĩ can trường Tomoe (trong vở Tomoe - 巴) trở về nơi chủ tướng của nàng chết, lòng đầy ân hận đã không thể cùng ở đây với chủ tướng lúc ngài hi sinh để có thể quyết tử cùng ngài. Cuối kịch, nàng cầu khẩn nhà sư thị giả hãy cứu vớt nàng thoát khỏi nỗi ám ảnh khôn nguôi này. Trong vở Motomezuka (求塚) cô gái đáng thương Unai trở về và kể lại tỉ mỉ những khổ ải cô phải trải qua ở thế giới bên kia - đến mà nhà sư cũng không có cách gì tháo gỡ được cảm giác tội lỗi của cô trước cái chết của hai chàng trai cầu hôn mình. Chàng Tomomori (vở Funa Benkei - 船弁慶) trở về từ ngôi mộ nước để trả mối thù với Yoshitsune, mối thù mà đến cuối cùng chỉ bị đẩy lùi đi chứ không thể bị tháo gỡ hoàn toàn. Atsumori (vở Atsumori - 敦盛) được siêu thoát nhờ vị thầy tu nhiệt thành vốn là dưới trướng kẻ thù xưa kia Kumagae. Và vẫn còn nhiều ví dụ khác.

Có lẽ nằm ẩn bên dưới kết luận rằng các vở kịch Nô kinh điển có vai trò như những mẩu chuyện răn dạy đạo đức Phật giáo, là cả một xung lực nhân bản hơn liên quan tới cơn vẫy vùng tập thể của chúng ta trong bể cảm xúc. Nhiều khả năng những gì mà Zeami cho là cảm giác tội lỗi không nhất thiết cũng phải giống cảm giác tội lỗi của chúng ta trong xã hội đương đại, hay rất có thể những lời cảnh tỉnh về ghen tuông, thù hận trong kịch Nô chỉ nằm trong khuôn khổ của một xã hội đa thê trung đại. Quả không có cách gì để ta chắc chắn rằng những cảm xúc ta cảm được từ bản dịch một văn bản xưa cũng chính là những cảm xúc của con người ngày nay.

Cũng có thể, biết đâu, những gì ta cảm được cũng là những gì con người trung đại đã từng trải qua. Có thể khi ta gọi lên những tên người bên ánh đuốc dưới ánh trăng câu liêm, ta sẽ triệu hồi được những hồn ma đã khuất từ lâu, những xúc cảm đã tan biến trở về trong nhận thức. Có thể ta mơ mòng, ta cầu độ, và ta khơi lên những gì thuộc về chính bản chất của ta. Có khi những hồn ma tìm được siêu thoát. Có khi không.

Tiếng chuông chùa Gion*
Vọng lên nỗi vô thường
Và sa-la song thụ
Màu hoa cũng xót thương
Lên cao rồi sẽ ngã
Vẫn như một lệ thường
Những người đầy tham vọng
Như giấc mộng đêm xuân
Anh hùng rồi tuyệt diệt
Như bụi giữa cuồng phong.

(Truyện Heike, Nhật Chiêu dịch)



_________
Chú thích của QH:
* Gion (đọc là Ghi-ôn) hay tiếng Phạn Jetavana nghĩa là vườn của hoàng tử Jeta (Kỳ viên), vốn là tên tu viện được cúng dường cho Bụt, sau cái tên này được dùng để đặt cho nhiều chùa chiền. Chùa Gion ở trên có thể hiểu là chùa tên là Gion (Kỳ viên).

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Iliad (3): Hector dòm thấy thằng em quá hèn nhát nên đã chửi ra sao

Iliad (1): Athena bay ra can Achilles cãi nhau với Agamemnon (quyển 1)
Iliad (2): Hịch của Agamemnon và lời hát của Homer (quyển 2)
Những người khổng lồ: về phim Troy, tôi có dịch 1 đoạn (rất ngắn) Iliad quyển chót

Tất cả mớ thơ, trích dẫn các loại trong này là tôi dịch từ hai cuốn Iliad bản dịch tiếng Anh của George Chapman (1598) và E.V. Rieu (1950, revised 2003).


Sau khi lê thê một hồi ở cuối cuốn Hai kể lể hết tước vị và danh phận tráng sĩ hai phe Hy Lạp và Troy, Homer qua cuốn Ba.

Sau khi đã tề tựu quân sĩ đầy đủ, quân Troy bắt đầu hành quân vang dội, hô vang vọng trời như tiếng "một đàn sếu đông đúc khác thường bay từ đầu mùa đông bắt đầu đáp xuống làm kinh động, mang theo chết chóc và tàn hoại tới cho giống người Pygmy". Trong khi đó, quân Hy Lạp tiến lên im ắng lạ thường.

_________________
Chỗ này có một cái tích về dân Pygmy. Nếu bạn bật wiki lên tra chữ này nó sẽ dẫn bạn tới một cái sắc dân ở châu Phi có dáng người thấp bé. Đó là nghĩa hiện đại của từ này. Thần thoại Hy Lạp ngày xưa kể về một sắc dân tí hon, kêu là πυγμαίος (pugmaios) xuất phát từ chữ pygme, nghĩa là (cao) bằng cẳng tay. Cái giống dân này cứ năm nào cũng phải đánh nhau với một bầy hạc mỗi mùa đông lại bay về đất của họ ở triền sông Oceanus.
_________________

Rồi, Homer kể tiếp:

Gió nam thổi, bụi bọc mù đỉnh núi
Phận mục tử, thực một điềm xấu xa
Nhưng khác nào đêm tối, một món quà
Trời ban xuống cho thằng kẻ cắp
Quân Hy Lạp chân bước đi rầm rập
Lốc khói mù che phủ một vùng trời
Chẳng thể nhìn xa hơn tầm một viên đá rơi.

_________________
Nghĩa là quân Hy Lạp tiến lên im lặng mà mãnh liệt, bụi lốc cuốn ào ào dưới gót giầy. Gió nam thổi màn bụi đó bọc mù hết tất cả các đỉnh núi - trường hợp này thì nếu là thằng chăn cừu thì tiêu bỏ mẹ rồi, làm sao lùa hết cừu về nếu không thấy đường, còn đối với thằng ăn trộm thì đây là cơ hội còn tốt hơn lúc trời tối đêm đen. So sánh của Homer thật hay ho hấp dẫn! Chẳng thể nào trông được xa hơn tầm ném một viên đá!
_________________

Khi hai quân tiến vào tầm của nhau, anh Paris hoàng tử thành Troy, vai đeo một tấm áo da báo, một cây cung, một thanh đoản kiếm và cầm hai ngọn giáo lưỡi đồng, người đã cướp cô vợ Helen của Menelaus vua Sparta, gây nên cuộc chiến, nhảy ra đòi thách đấu với tất cả tráng sỹ mạnh nhất của quân Hy Lạp một trận quyết tử ("mortal combat").

Nên nhớ lúc này Achilles không có trong hàng ngũ quân HL do đã nghỉ đánh nhau vì giành gái với Agamemnon ở cuốn 1.

Menelaus thấy Paris tự nhiên nhảy ra đòi đánh nhau thì mắt sáng rỡ như "con mãnh sư nhìn thấy xác một loài hươu núi hay dê rừng" bèn phăng phăng lao ra. Paris chợt trông thấy Menelaus thì hồn vía thất kinh, vội vàng chui trở lại hàng ngũ quân Troy, "hệt một người đi rừng nhac thấy dáng con độc xà trên hẻm đá, vội vàng rụt tay lùi bước".

Anh Hector thấy thằng em đốn mạt quá, liền thét lớn lên những lời có cánh sau nữa:

Hỡi Paris, hỡi đứa em khốn nạn!
Quân đẹp mã chuyên lừa tình đàn bà
Phải chăng mày chẳng nên được sanh ra
Để giờ đây quỳ ôm đầu chịu báng
Nhìn sang kia, này thằng em đốn mạt
Quân Hy Lạp còn sẽ cười bao lâu
Khi túm tụm ngồi kể cho nhau
Về một phường chuyên đi dụ gái
Mà chẳng có chút gì nam nhi khí khái!

Rồi anh Hector tiếp tục mắng:

Này Paris, giá mày biến trở lại
Trở thành đấng trượng phu kiên cường
Vào cái đêm mày dẫn toán lính vượt trùng dương
Lẳng lặng vượt tường vào thành Hy Lạp
Mang đi theo nàng Helen xinh đẹp
Trở về Troy làm hiểm họa nước nhà
Thế mà giờ mày quỳ xuống xin tha
Nào dám đứng đối mặt với cường địch
Vô dụng cả, thảy hết những gì Aphrodite
Ái thần đã ban tặng xuống cho mày
Vẻ đẹp mã, cây đàn harp, hay mái tóc gợn mây
Đều vô dụng, một khi thân mày lấm bụi!

Paris nghe mắng thì cãi lại, bảo là anh Hector, anh mắng rất đúng, nhưng đừng đi khinh khi những gì Ái thần đã trao cho em. Anh được phú một quả tim bất khuất, dũng mãnh của chiến trường, nhưng trong người em lại chảy dòng máu của hòa bình và lạc thú. Giờ nếu anh muốn, hãy để em một mình đối mặt với bạn Menelaus. Ai chiến thắng sẽ được gái cùng các thứ tài sản gái mang theo. Còn về phần anh, anh có thể tiếp tục bè bạn với quân Hy Lạp và thành Troy tiếp tục cường thịnh, quân Hy Lạp sẽ về nhà cùng với vợ đẹp rượu ngon.


Thế là anh Paris bước ra chiến trường đối diện với Menelaus, vua Sparta. Tiếp theo sẽ là hai bên tuyên thệ, nhưng thôi để kể sau.


Hình trích trong phim Troy (2004), trong phim không có màn Hector cho Paris ăn cháo chửi. Hehe.