Trang
Mây và sóng
Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009
Cá nục và cà chua
Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009
Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009
Nỗi lo sợ
Con mèo nhỏ.
Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009
Thương - Ghi chép vụn của một ngày (2)
Ngươi là một đứa bé gái nhỏ, Electra. Những bé gái khác đều ước mong trở thành người đàn bà giàu có hay đẹp nhất thiên hạ. Còn ngươi, bị đắm chìm trong vận mệnh khủng khiếp của dân tộc mình, ngươi ước mơ trở thành người đau thương nhất và tội lỗi nhất... Ở tuổi ngươi, các bé gái còn chơi búp bê và nhảy lò cò. Ngươi, đứa trẻ tội nghiệp, không đồ chơi, không bạn bè, ngươi chơi trò sát nhân, vì đó là trò ngươi có thể chơi một mình.
Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009
Những con đường
Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009
Về nắng, gió và mưa
Này em yêu,
Có ai nói với em rằng mái tóc của em ánh một màu đen tuyền
và chảy dài mượt mà như những con suối nhỏ.
Những con suốt ấy ở những nơi xa xôi
mà hằng ngày ta vẫn đi qua trên con đường của mình.
Có dòng suối chảy len lỏi qua từng khe đá, trượt trên những thân rêu xanh mềm
Có dòng suối chảy dưới rừng phong rụng lá nhuộm đỏ cả một khoảng trời thu
Có dòng suối chảy ven những bãi bờ, lách qua bông cỏ lau, thấm ướt gót chân một thiếu nữ đi ngang gánh nước
Có dòng suối chảy qua một con đường nhỏ mùa xuân thơm phức mùi xoài chín, ướp đẫm thứ chất hương ngọt ngào
Có dòng suối chảy trên thảo nguyên, hoà vào vũ điệu của cỏ và những giọt sương đọng lại trên cái nền xanh mơn.
...
Có ai nói với em như thế?
Em nhẹ nhàng đáp lời của nắng:
-Ngày hôm qua, Anh nói với em.
.......................
Có một hôm Gió ghé vào trò chuyện cùng em
Này em yêu,
Ta bay trên trời cao
Từ nơi này qua nơi khác
Ta từng thưởng thức bao thứ hương trên đời này
Và ta tưởng đâu ta đã tìm được Cái Đẹp
Nhưng ta đã lầm đến khi tìm được thứ mùi hương của em
Em mang mùi hương ẩn giấu của hoa hồng lúc còn e ấp trong nụ
Mang mùi hương lừng đậm của hoa sen nở trên mặt hồ trong
Mang mùi hương thanh và khiết của tinh dầu cam hoà trộn với chanh
Mang mùi hương ngọt ngào của quả táo đỏ cắn dở còn vương những giọt nước mọng trên lớp vỏ mềm
Mang mùi hương mặn mà từ gió biển
Mang mùi hương góc cạnh của hạt tiêu
Mang mùi hương nồng nàn như hoa oải hương
Mang mùi hương kích thích như quả vani
Mang mùi hương mát rượi như hoa mận
Mang mùi hương trong lành như hoa súng
Và tươi trẻ nhất là mùi cỏ non
Ta hít say sưa cái u chất của em
Tách từng sợi hương để mà nhấm nháp
...
Có ai đã từng phát hiện chất hương này của em chưa?
Đỏ mặt, em ngập ngừng trả lời gió:
-Có lẽ rồi, gió ạ, là Anh.
........................................
Có một hôm Mưa lất phất trên vai em và thì thầm
Này em yêu,
Em có muốn múa cùng ta một vũ điệu
Trên nền của tiếng mưa rơi
Ngoài hiên hàng tre xào xạc từng cơn và tiếng mưa tí tách rơi bên thềm theo từng nhịp
Hãy cùng ta xoay tròn theo nhịp điệu vô tận ấy
Hãy cất cao tiếng hát
Hãy vung tay lên
Hãy cho những bước nhảy thoát khỏi ràng buộc
Nào, hãy cùng ta bước ra ngoài hiên
Cho mưa ướt tóc em, cho suối tóc hoà vào làn nước
Tiếp tục múa đi, cho gió thổi, cho nước bay
Và cho cả thế giới thấy em đẹp như thế nào
Đừng ngại mưa em ạ
Ta cũng ở đây thôi
Cùng múa với em
Những giọt nước của ta đang bám trên từng sợi tóc
Bám trên cổ tay thon
Bám trên ngón tay mềm
Đúng hơn là đầy cơ thể
Ta còn bám trên cả chiếc áo, trên dải dây buộc tóc còn đậm mùi u hương
Ta muốn múa cùng em
Muốn ôm choàng lấy em một chiều mưa lạnh
Cất tiếng hát cao hơn nữa, cho ta nghe với
Hãy để mưa làm giọng bè cho em
Để mưa làm luôn cả tiếng đàn
Và mưa cũng giữ nhịp
Để giọng hát hoà vào vũ điệu
Hoà vào đất trời
Hoà vào cái vĩnh hằng trong một cơn mưa.
...
Trông em có vẻ rất vui
Ta không biết có ai từng làm em vui thế này?
Vẫn cất tiếng hát, em nở nụ cười thật tươi và quay sang trả lời mưa không chút ngập ngừng:
-Có Anh!
......................................
Một hôm anh đến bên và cười với em
-Đã có ai nói lời yêu với em chưa?
Lúc đó, em không trả lời, chỉ mỉm cười nhìn anh...
Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009
Nụ cười (5)
Đây là bài "Nụ cười" thứ 5 của tôi. Như vậy, trước đây tôi đã miêu tả 4 nụ cười, cộng với cả nụ cười của tôi, vậy là 5.
Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009
Viens sur nos plaines
Vẫn là một bài của Vox Angeli.
Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009
Nghi thị địa thượng sương
Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009
Niềm vui
Nắng sẽ lại rọi qua cánh đồng vào những ngày mặt trời trở lại.
Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009
Biển
Thủy triều rút.
Thứ Hai, 21 tháng 9, 2009
Tìm
Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009
Mất
1. Con người luôn có những thứ để mất.
2. Bài hát "Norwegian wood" của The Beattles bắt đầu bằng những câu "Tôi từng có một cô gái, hay là tôi nên nói rằng, cô gái ấy từng có tôi".
3. Tôi rất hay nghĩ quẩn. Khi nghĩ về một người đã lâu không gặp lại. 90% số trường hợp tôi sẽ tự hỏi câu "Anh/cô ấy còn sống không?" đầu tiên. Donald Plant trong truyện "3 giờ giữa chuyến bay" của Fitzgerald cũng tự hỏi như vậy khi nhớ về cô bạn gái thuở nhỏ 20 năm không gặp lại, thế nên, tôi khá ngạc nhiên khi thấy có người giống mình.
Lúc tôi 4 tuổi, chú tôi qua đời trong một giấc ngủ ở cái tuổi hăm mấy ba mươi, cái tuổi quá trẻ để nghĩ đến cái chết. Thế nên, từ đó, tôi cho là con người ta có thể chết bất cứ lúc nào, không nhất thiết cứ phải vì một nguyên nhân như bệnh tật, tai nạn hay gì đó khác.
4. Cô bạn gái Nancy thuở nhỏ chia tay Donald năm anh 12 tuổi. Tới tận năm 32 tuổi anh mới gặp lại cô, khi cô đã có chồng. Khi anh hôn cô, anh "vô cùng phấn khích nhưng cũng lúng túng", anh tự hỏi anh hôn Nancy, hay hôn cái kí ức, hay hôn một người đàn bà không quen biết.
Hermann Hesse viết trong Siddhartha "Thế giới hình tướng là giả tạm" và "Điều giả tam thay đổi nhanh chóng".
5. Truyện của Fitgerald, tôi mới đọc có hai: "The Great Gatsby" và "Three Hours between Planes", truyện nào cũng có những kết thúc khá điên loạn. Khi Nancy mang album ảnh ra và chỉ cho Donald xem ảnh của anh, anh đột ngột phát ghen lên vì đó không phải ảnh của anh, Donald Plant, mà là ảnh của một tên Donald khác, Donald Bower. Sau đó anh lại đột ngột cầu khẩn Nancy hôn anh lần nữa, nhưng đến lượt cô lại phát điên lên và bảo anh ra khỏi nhà, đến phi trường đi.
Đọc qua, thấy nó hơi loạn, nhưng thực sự đó là con người. Khi tình thế bắt đầu loạn lên và chệch ra khỏi đường ray định sẵn bằng trí tưởng tượng, tâm lý con người cũng loạn lên như vậy, và bắt đầu hành xử vô cùng vô lý.
6. Fitzgerald viết những từ cuối cùng "vì nửa sau cuộc đời con người là một quá trình mất mát nhiều thứ, cho nên sự mất mát này của Donald xem ra không có gì quan trọng lắm".
Mất là mất, không níu kéo như Lưu Quang Vũ:
Dẫu anh mất nhà ga êm đẹp đó
Vẫn còn con tàu chuyển bánh đi xa
Anh đã mất ngôi sao trên mái nhà
Anh vẫn còn ngôi sao ngoài cửa sổ
Và nếu mất em rồi anh vẫn còn đôi mắt của em.
(Anh đã mất chi anh đã được gì)
Mất là mất trắng như The Beatles, như Toru Watanabe:
And when I awoke, I was alone, this bird had flown.
(Norwegian wood)
7. Con người luôn có những thứ để mất.
___
Tranh "Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai" của Vermeer. Tớ treo tranh theo sở thích thôi.
Tán thêm: Tracy Chevalier, tác giả cuốn "Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc tai" nói rằng dưới mắt bà, cô gái trong bức tranh được mệnh danh "Mona Lisa phương Bắc" này có nét mặt tràn ngập mâu thuẫn: ngây thơ nhưng cũng đầy trải nghiệm, mừng vui nhưng cũng bi thương, tràn đầy khát khao nhưng cũng tràn đầy mất mát.
Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2009
Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009
Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2009
L'oiseau
Vox Angeli là một nhóm gồm mấy nhóc bên Pháp, do Simon Cowell thành lập năm ngoái. Mình rất may được Cao Huân chỉ cho, cảm ơn nó. Nhóm này có nhiều bài cover lại nhưng rất hay.
Tôi hôm đầu tiên ngồi nghe Vox Angeli, tiếng hát vang lên như những thiên thần, mình nghe đi nghe lại mỗi một bài L'oiseau cả buổi tối. Thực trong tâm chỉ muốn khóc nhưng ngoài mặt chả chảy một giọt nước mắt nào, chỉ có thể lên Yahoo! hét toáng lên với mọi người để chia sẻ. Chất giọng cao khiết của những thiên thần ấy khiến mình cảm giác như lạc vào một chốn khác, nó lơ lửng, lung linh và tràn đầy một niềm khoái cảm lâng lâng. Mình cảm thấy ngất ngây vì hạnh phúc.
Thứ ngôn từ đẹp đẽ của L'oiseau kết hợp với âm vị Latin của một thứ tiếng đẹp nhất hành tinh: tiếng Pháp, được ngân lên bởi chất giọng từ thiên đàng, dường như tất cả khiến cho L'oiseau thành một kiệt tác. Có lẽ phân loại theo nội dung, L'oiseau nên được nghe khi vừa chia tay một người bạn, hoặc người yêu, hoặc bất cứ khi nào nỗi hợp tan trong cuộc sống làm bạn phiền lòng.
Bên dưới là parole và bản dịch tiếng Anh của tớ.
L'oiseau
Je connais les brumes claires
la neige rose des matins d'hivers
je pourrais te retrouver
le lièvre blanc qu'on ne voit jamais
mais l'oiseau l'oiseau s'est envolé
et moi jamais je ne le retrouverai
car j'ai vu, j'ai vu l'oiseau
j'ai vu l'oiseau je sais qu'il partait
je l'ai entendu pleurer
le bel oiseau que le vent chassait
je voudrais tout te donner
mais toi pourquoi ne me dis tu rien
quel est il ton grand secret
un secret d'homme
je le comprend bien
mais tu sais je peux te raconter
combien l'oiseau est parti à regret
si un jour tu m'écoutais
tu apprendrais tout ce que je sais
l'oiseau part et puis revient
tu le verras peut etre demain
c'est l'oiseau que tu aimais
l'oiseau jaloux je l'ai deviné
si jamais il revenait
je lui dirais que tu l'attendais
The bird
I know when the mists were clear
The snow of winter mornings became red
I would find you.
The white rabbit would never see
But the bird, the bird flew up and up
And me, I will never find you.
Because I have seen, I have seen the bird
I have seen the bird and I knew that he was leaving
I knew that he was crying.
The beautiful bird that hunts the wind.
I want to give you everything
But you somehow don't say to me anything.
So what is your big secret
The secret man?
I understand you so well
But you know that I can tell you
About how many birds have left and regreted...
If one day, you listen to me
You will learn that how much I knew.
The bird left and then return
Maybe I can see you tomorrow...
This is the bird that you loved.
It jealouses, I guess.
If it never returned
I would say that I would wait for it.
Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2009
1.
Ngày mai, một ngày mai nào đó
Con đường này
Tôi sẽ thiếu vắng một người
Chỉ còn tôi một mình lặng bước giữa phố đông
Ngắm chiếc lá vàng rơi trong gió
Tôi sẽ nghĩ nhiều về những điều chưa bao giờ nói
Về những con đường mới mà người sẽ đi
Chẳng hề vướng bận
Chẳng hề chùn chân
Chẳng hề có một kí ức nặng nề phía sau đeo đuổi
Tôi sẽ vui vì điều ấy.
2.
Ngày mai, một ngày mai nào đó
Thành phố này
Tôi sẽ thiếu vắng một người
Chỉ còn tôi một mình ngồi im trên nóc nhà
Lắng nghe tiếng chuông hát lên từ nhà thờ xa
Tôi sẽ nghĩ người ở một nơi nào đấy
Thật nhiều hoa nở
Thật nhiều chim bay
Người sẽ hát
Trong một bình minh nắng lên thật đầy
Với bữa sáng ngào ngạt
Với quyển sách lật dở
Với một niềm vui như chưa từng được vui
Mà chẳng cần tôi ở bên
Tôi sẽ vui vì điều ấy.
3.
Ngày mai, một ngày mai nào đó
Cuộc đời này
Tôi sẽ mất đi một người
Chỉ còn tôi khẽ ngắm nhìn đóa hoa
Chờ tới ngày nó rụng
Tôi sẽ nghĩ về cuộc đời mình
Những gì đã được
Những gì đã mất
Tôi sẽ nghĩ về cuộc đời người
Những gì còn lại
Những gì quá vãng
Tôi sẽ vui vì điều ấy.
4.
Ngày mai, một ngày mai nào đó
Tôi rời bỏ cuộc đời này
Rũ bỏ hoàn toàn
Chẳng có gì để lại
Kể cả một mẫu DNA
Tôi có vui hay không?
Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009
Vẽ
Trên bàn tay tôi là những mầm mống đầu tiên của sáng tạo. Trước mặt tôi là những nguồn cảm hứng bất diệt. Vạn vật đâu vào đấy trong một trật tự trác tuyệt đến không tưởng. Tôi ngất ngây vì vui sướng, vì thán phục và vì tự hào. Người đã sáng tạo ra tất cả những thứ này cho tôi vẽ.
Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng.
(Sáng thế ký 1:3)
Này đây tôi dâng lên Người những nét vẽ này. Này đây tôi dâng lên Người bàn tay tôi này. Này đây tôi dâng lên Người trí thông minh này. Này đây tôi dâng lên Người linh hồn tôi này.
Tôi say sưa ngắm đất đai này. Tôi say sưa ngắm trời mây này. Tôi say sưa ngắm tôi này. Tôi say sưa ngắm Người này.
Có những cây bút này trong tay, tôi sẽ Sáng tạo.
Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
(Sáng thế ký 1:10)
_____________________________
Có những cây bút này trong tay, em có thể bày tỏ tâm hồn mình ra trang giấy nhỏ.
Em muốn vẽ nên tình yêu của chúng ta. Nó mơ hồ nhưng đầy kiêu hãnh. Em muốn thấy những linh hồn cọ quậy trong từng nét vẽ của em.
Em muốn hòa vào tình yêu mênh mông và cao cả vô bờ ấy. Em muốn đến được tận nguồn để uống thứ nước thanh khiết nhất. Em muốn ra tận chân trời để cuốn vào hư không.
Em vẽ về vị lai, về những điều chưa tới. Em vẽ về những giấc mơ, về những gì không thực. Nhưng trước hết em phải vẽ về cuộc sống của chính em. Em phải vẽ về ngôi nhà của em trước khi vẽ đến những vì sao xa xăm.
Ôi nguồn sống, ôi tình yêu, ôi cái đẹp tươi trẻ tràn trề ngàn năm vĩnh cữu. Em muốn thâu tóm vô lượng vào lòng bàn tay trần này.
Em phải tìm về nơi có ánh sáng.
"Phải có ánh sáng"
Sau 1 tuần tập tọe tập vẽ. Vẽ thì chả đẹp mấy nhưng thơ thì rất phét.
Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2009
We're coming down to the ground
Tâm trí con người bị chi phối bởi những mối liên hệ xúc cảm. Mỗi lần xem WALL-E tôi lại tràn đầy một niềm bi cảm mãnh liệt và kèm theo đó là những liên tưởng về vài nghệ phẩm khác theo cùng một chủ đề nostalgia, tạm dịch là nỗi hoài niệm quê hương. Nostalgia là một dạng u sầu (melancholy), hiểu theo một nghĩa thoáng hơn là tình trạng hoài tưởng và lý tưởng hóa (tóm lại gọi là nhớ) quê hương, những kỷ niệm xưa cũ, về những cái "auld lang syne" theo như thơ của Robert Burns.
Xem WALL-E, tôi thường nghĩ đến Hoàng tử bé của Exupéry trước tiên, sau đó nhớ tới cuốn Nostalgia trong bộ Hi no tori của Tezuka Osamu, rồi nhớ tới bài Nostalgia của Yanni. Thực ra bốn tác phẩm này tạo thành một vòng tròn khép kín liên hệ với nhau trong tâm thức tôi, thưởng thức một cái, lần lượt ba cái còn lại chen vào cảm xúc.
1. Hoàng tử bé - Antoine de Saint-Exupéry
Người ta bảo Hoàng tử bé là truyện cho thiếu nhi. Tôi không hiểu thiếu nhi đọc truyện này khoái ở chỗ nào, vì nó buồn quá, triết lý quá, lại chả có gì vui vẻ, gay cấn, giật gân, blah blah blah. Vả lại, cái buồn của nó, có lẽ thiếu nhi cũng chả nhận ra. Hồi nhỏ xíu, có lần tôi vớ cuốn này, nhưng lật vài trang rồi không đọc. Đến năm lớp 8, tôi định đọc thử lúc nhặt được ở thư viện trường, bản dịch của Bùi Giáng, nhưng đọc được đến chỗ anh phi công gặp chú hoàng tử (khoảng được 6, 7 trang gì đó) là bỏ dở, vì nó nhảm quá.
Tới năm lớp 10, tôi mới đủ thấy được và thấm thía cái u sầu bất tuyệt trong "tác phẩm thơ mộng nhất và u uần nhất trong những tác phẩm của Saint-Exupéry" (lời cụ Bùi) qua bản dịch của cụ Bùi Giáng. Sau đó tôi mua bản dịch của Vĩnh Lạc. Quả thật, tôi thích bản này hơn của cụ Bùi (cụ chế nhiều quá). Còn bản "Chú bé Hoàng tử" của nhà xuất bản Kim Đồng tôi chưa đọc.
Đọc từ đầu tới cuối quyển sách vài lần, tôi thấy từng câu từng chữ chú hoàng tử nói ra đều ướp đẫm thứ u hương thoang thoảng. Chú u sầu quá, chú đa cảm quá. Chú buồn cả khi bên cây hoa của chú, cây hoa mà chú yêu thương. Chú buồn cả khi rời xa tinh cầu B-612 của mình. Chú buồn cả khi chu du qua các tinh cầu. Chú buồn cả khi ở trên Trái Đất, nhớ về ngôi nhà của mình, nhớ về cây hoa, nhớ về những ngọn núi lửa. Đó là tâm điểm của nỗi nostalgia.
2. Nostalgia - Hi no tori - Tezuka Osamu
Bộ manga này có lẽ cũng không dành cho con nít, mặc dù nó được xếp vào loại Shōnen (nam thiếu niên). Hi no tori là bộ manga tâm huyết nhất của ông Tezuka - mangaka thuộc loại thượng thừa, cha đẻ của nền manga hiện đại Nhật. Hi no tori dịch là "chim lửa", bản tiếng Anh dịch là "Phoenix" (phượng hoàng lửa), một con chim thần thoại, đóng vai trò là nối kết xuyên thời đại từ quá khứ tới tương lai, đó là khoảng thời gian mà bộ truyện trải dài. Hi no tori có giá trị như một bộ manga đầy triết lý nhân sinh: luân hồi, lòng tham, tội ác, nỗi bất an, khát vọng, sự sống, tình yêu, trí tuệ nhân tạo (có tình yêu giữa người và robot),... và có cả nostalgia.
Tập Nostalgia đặt trong bối cảnh tương lai, kể về những con người rời bỏ Trái Đất tìm đường lên vũ trụ. Câu chuyện là một thiên anh hùng ca về sự trỗi dậy và sụp đổ của một nền văn minh trên tinh cầu Eden; về chuyến kiếm tìm xuyên vũ trụ của những con người ấy về hành tinh quê hương. Đó là một câu chuyện bi tráng về Con Người vĩ đại nhưng không thoát khỏi tình cảm nostalgia của mình.
Hoàng tử bé xuất hiện trong tác phẩm này với vai trò là quyển sách người phi công vũ trụ đọc lúc nhỏ. Khi nhân vật nữ chính về đến quê hương, chỉ để sống 1 ngày, rồi chết, anh phi công vũ trụ đã vừa đẩy quan tài của cô, vừa kể lại những dòng cuối của Hoàng tử bé, khi mà chú hoàng tử từ biệt anh phi công Saint-Exupéry để "trở về" quê hương của mình, nơi mà chú bảo: "Đường xa lắm! Tôi không mang nổi thân xác này, nặng lắm!". Tezuka đã lồng ghép Saint-Exupéry một cách vô cùng tài tình, đem tới một xúc cảm mãnh liệt.
Tôi đọc Nostalgia trước khi đọc chính thức Hoàng tử bé qua bản dịch của Bùi Giáng. Thú thực mà nói, chính Tezuka là người truyền tải cho tôi nỗi buồn mang tính nostalgia vĩ đại xuyên vũ trụ của Exupéry.
3. Nostalgia - Yanni
Bản nhạc Nostalgia của Yanni là một bản nhạc buồn nhưng chơi ở nhịp rất nhanh. Mỗi lần nghe, tôi đều nhắm mắt lại và bắt đầu tưởng tượng đến Hoàng tử bé. Như chính Yanni đã nói trong concert Yanni Live at the Acropolis: bản nhạc này thể hiện một cảm xúc mà tôi thường rất hay trải qua vì tôi đã xa quê hương tôi khá lâu rồi, Kalamata, Hy Lạp.
Những tiết tấu chậm ban đầu, tôi tưởng tượng đến những bước chân nhẹ nhàng, bước đi trên con đường quê hương xưa cũ, vừa đi vừa nhìn ngắm xung quanh, này là bờ sông, kia là bãi cát, đó là cái cây to ngày nhỏ vẫn thường chơi đùa, còn nọ là bãi cỏ rộng ngày xưa vẫn thường nằm dài hít thở hương hoa hương cỏ. Rồi "nhân vật" trong tưởng tượng của tôi bước tới một mỏm núi, nhạc đổi, mặt trời hiện lên, anh nhìn thấy một ánh sáng chói lòa, rồi bóng tối tràn đến. Trước mắt anh không còn hình ảnh nữa, tất cả chỉ còn là những bóng hình trừu tượng của nỗi nhớ, của xúc cảm. Tiếng French horn nền phía dưới, như những kí ức, là gốc rễ của niềm nostalgia. Chơi cao phía trên là tiếng piano của Yanni và dàn violin, đó là những xúc cảm chờn vờn, những niềm u uất lảng vảng nơi trái tim.
4. WALL-E
Chi tiết làm tôi xúc động nhất trong phim không phải là tình yêu ngộ nghĩnh giữa WALL-E và EVE mà chính là những rung động trong cảm xúc của những sinh vật có lý trí - con người. Con người trên Axiom mặc dù phát triển tột bậc về kỹ thuật, nhưng lại gần như đánh mất cuộc sống của chính mình, đánh mất tâm hồn mình. Phải đến khi nỗi nostalgia đến với ngài captain của Axiom, ông mới gần như lấy lại những gì đã đánh mất. Công việc nhàm chán, tiện nghi đầy đủ, chỉ có ăn và ngủ đã làm thui chột cả một giống nòi, thui chột cả người lãnh đạo. Chính nostalgia đã khiến ngài Captain thốt lên:
- Tôi muốn sống chứ không muốn tồn tại.
Trái Đất trong phim được gọi là "home" - là nhà. Trái đất là nhà của chúng ta, của loài người. Rất nhiều tác phẩm sci-fi trong đó con người phiêu lưu khắp cùng trời cuối đất, khi nói đến Trái đất, môi họ luôn bật lên một chữ "nhà" đầy nuối tiếc. Bạn cứ thử bay ra khỏi tầng khí quyển của chúng ta mà xem, ở đấy, cái nơi mà khả năng trở về của bạn là 50-50, chính là nơi nỗi niềm nostalgia của bạn đột ngột bùng phát, chỉ cần ai nhắc đến chữ "nhà", tôi chắc hẳn nước mắt bạn sẽ chảy ra, cùng lắm, ruột gan, cổ họng bạn cũng quặn thắt lại.
"Nhà" của chúng ta đâu phân biệt chỗ này chỗ nọ, đâu cũng là nhà thôi. Khi con người lên tới vũ trụ, chúng ta như sống trong một thực tại cao cả hơn, lớn lao hơn, ở đó không có chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi nữa, ở đó một nắm đất sa mạc Kalahari cũng là đất nhà tôi, một vốc nước Bắc Băng Dương cũng là nước nhà tôi, một ngọn cỏ ở thảo nguyên Bắc Á cũng là cây cối nhà tôi, một người Burkina Faso ở tận châu Phi cũng là đồng loại của tôi.
Tôi không chắc những người từ Axiom bước xuống Trái Đất đã tan nát trong WALL-E có thể tiếp tục tồn tại hay không. Nhưng ít nhất họ cũng thỏa mãn được cái nostalgia của mình. Ít nhất họ cũng đã sống.
Dù gì thì cũng nên xuống lại mặt đất, vì chẳng còn chỗ nào tốt hơn.We’re coming down to the ground
There’s no better place to go
(Peter Gabriel)