泊扬子津
祖咏
才入維揚郡,
鄉關此路遥。
林藏初霽雨,
風退欲歸潮。
江火明沙岸,
雲帆碍浦橋。
客衣今正薄,
寒氣近來饒。
Bạc Dương Tử tân
Tài nhập Duy Dương quận,
Hương quan thử lộ diêu.
Lâm tàng sơ tễ vũ,
Phong thoái dục quy triều.
Giang hoả minh sa ngạn,
Vân phàm ngại phổ kiều.
Khách y kim chính bạc,
Hàn khí cận lai nhiêu.
Nghĩa:
Vừa tới quận Duy Dương,
Đường về quê ấy còn xa.
Rừng che cơn mưa vừa tạnh,
Gió đẩy con nước sắp rút.
Lửa trên sông chiếu sáng bờ cát,
Buồm mây chắn chiếc cầu ở cửa sông.
Áo khách nay đã mỏng,
Khí lạnh bỗng về nhiều.
Đỗ thuyền bến Dương Tử
(Tổ Vịnh)
Thuyền vừa vào Duy Dương quận,
Vẫn còn xa đường tới quê.
Rừng che cơn mưa vừa tạnh,
Gió đẩy con nước sắp về.
Lửa sông rọi sáng bờ cát,
Buồm mây chắn lối ra đê.
Áo khách mặc nay đà mỏng,
Khí lạnh bỗng đến tràn trề.
__________________
Tôi thích hai câu cuối, đọc được 2 câu này trong Nguyễn Trãi quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương, dịch bằng 5 chữ hay hơn và sát hơn như thế này:
Áo khách nay đà mỏng
Khí lạnh bỗng về nhiều.
Bản tôi dịch phải bẻ vần cuối thành vần ê, vì không thể tìm được chữ nào có nghĩa là "xa" để dịch chữ diêu mà giữ vần iêu.
Cặp đối "Rừng che/Gió đẩy" (Lâm tàng/Phong thoái) rất hay.
Khi đi trong trời lạnh, lúc nào cũng có cảm giác tê tái và cô đơn. Đây có thể là bài thơ làm trong một chuyến về quê lúc cuối năm, thời xưa hay thời nay đều có thể cảm được. Thuyền vào bến lúc ban chiều, đường về nhà vẫn còn dằng dặc. Mưa vừa mới tạnh, triều sắp sửa rút, lửa đã thắp sáng dọc bờ cát ở bến tàu, buồm căng chắn cả lối đi dưới chiếc cầu bắc qua cửa sông. Người thời nay không đi thuyền về quê nữa mà đi máy bay transit mấy chặng, vẫn có thể hiểu được cảm giác này. Bến thuyền cũng như cửa ra máy bay lúc nào cũng tấp nập, ồn ào, nhưng người về quê chỉ thấy được cảnh, thấy được "cơn mưa", "ánh lửa", "luồng gió". Người về quê kéo vội manh áo che người vì trời trở lạnh, hoặc ngược lại, nếu đi từ xứ lạnh về xứ nóng thì áo khách nay đà dày quá, bèn vội vã cởi nút ra mà thở.