Tương phùng thanh nhãn nhật
Trương Hỗ
Cái chết của Atsumori. Hồi đó coi phim Kagemusha, mình rất thích cảnh Nobunaga khi nghe tin Shingen qua đời đã đứng lên múa và hát lại điệu Nhân gian ngũ thập niên (Ningen gojuu nen, Đời người năm mươi năm), xuất phát từ trong trong tuồng Nô kể về cái chết của Atsumori. Cảnh đó vừa ngầu, vừa bi.
Atsumori là một nhân vật phụ random từ đâu chui ra trong Truyện Heike, là một trường ca quân sự, vừa kể chuyện đánh kiếm chém thương vừa thuyết giảng áo lý Phật giáo vi diệu vừa lồng ghép thơ văn thảo thụ giai thiên cổ. Atsumori con nhà tướng lớn bên phe Taira, ra trận năm 17 tuổi xong chết luôn. Atsumori ra trận người đã trẻ lại mặc áo lụa thêu hạc, da thì đẹp mà mặt lại đánh lớp phấn mỏng, túi giắt theo tiêu.
Khi phe Taira thất trận, Atsumori bị kẹt dưới nước rồi bị tướng phe Minamoto là Naozane tới tóm được. Naozane trông thấy thần thái Atsumori thì động lòng xót thương, tuy Atsumori vẫn tỏ vẻ rất ngầu nhưng có ông già nào thấy một thằng 17 tuổi đẹp trai phong lưu tiêu sái cố gắng làm mặt ngầu trong lúc sắp chết mà không cảm thấy bi ai. Naozane chỉ nghĩ tới con trai mình, thật tình không nỡ giết, vì giết cũng không giúp phe mình thắng thêm được bao nhiêu, mà tha cũng không giúp phe địch bớt thua được phần nào. Lúc đó thì từ đằng xa quân tiếp viện của Naozane đã tới. Giờ nếu thả Atsumori đi thì cũng sẽ bị đám đằng sau xông lên giết thôi.
Naozane lâm vào tình cảnh vô cùng bi đát như vậy, cầm nước mắt không được, vừa khóc vừa cắt đầu Atsumori. Trước khi giết, ông nói thôi thì để ta giết ngài, ít nhất ta cũng mang đầu ngài về mà cầu siêu, còn hơn để xác ngài vùi trên nội cỏ.
Giết xong Atsumori, Naozane ngồi trên chiến trường mà bưng mặt khóc ròng ròng một hồi.
________________
Chuyện có vậy thôi. Đời người năm mươi năm, so với đất trời thì như chiêm bao, như mộng như huyễn. Naozane xông pha trận mạc giết bao nhiêu lính tráng, tướng tá, nhưng tại sao lại chỉ khóc trước Atsumori. Có khi người ta không kể việc Naozane khóc cho những người khác. Có khi Naozane khóc cho Atsumori chỉ tại vì Atsumori đẹp. Có khi quan trọng nhất là Naozane khóc vì tự cảm thấy như mình vừa giết chết con trai của mình. Có vậy thôi mà vừa ngầu, vừa bi, vừa sầu, vừa tráng.
________________
Dehhak giết cha. Đọc Tên tôi là Đỏ cũng có một đoạn Orhan Pamuk nói bâng quơ về một tích giết cha cũng rất ngầu trong văn cổ Ba Tư. Pamuk kể về tích này một cách đẹp tuyệt vời. Trong sách Shahnameh (Sách các vua, Liệt vương kỉ), kể về lúc thế giới mới thành hình, mọi vật vô cùng đơn giản, các vị chẳng cần phải nhọc công giải thích, cứ vậy mà làm thôi. Cứ cần sữa thì kiếm dê mà vắt. Cứ nói ngựa thì ngựa sẽ đến cho các vị nhảy lên mà phóng đi. Cứ nghĩ đến "cái ác" thì Satan sẽ hiện ra và thuyết phục các vị về cái đẹp trong việc giết cha của các vị (ngầu chưa).
Như vậy, Pamuk để cho Satan đánh đồng cái đẹp với cái ác, dĩ nhiên theo tiêu chuẩn của Satan. Rồi ông viết tiếp về việc vì sao Dehhak (đó là tên Thổ, tên đọc kiểu Ba Tư là Zehhak) giết cha của mình lại là đẹp:
1. là vì nó xảy ra vô cớ. Chẳng có cớ gì cả, cứ Satan thuyết phục thì giết thôi.
2. là vì nó xảy ra vào ban đêm, trong vườn ngự uyển lộng lẫy, với sao vàng chiếu trên hàng tùng bách, và hoa xuân đang nở rộ sắc hương. Lý do này dài hơn, được viết rất uyển chuyển.
Vậy là nó đẹp.
Mưa rơi không cần phiên dịch.
_______________
Ngày hôm sau, khi mình lôi cái bình tròn từ tủ lạnh ra, tinh thể lóng lánh đã lắng hết xuống đáy bình. Mình lại đưa Alissa coi. Chị nói: giờ nó cũng đẹp nhưng hết đẹp giống hôm qua rồi (tinh thể nào chả đẹp). Mình nói: tới lúc nào đó trong cuộc đời thì cũng phải lắng xuống settle down thôi chứ đâu lúc nào cũng đẹp được. Alissa: Buồn ghê.
Nói linh tinh trong lab mà cũng thành được chuyện deep.
______________
Nước. Quỳnh nói lúc mình nắm tay Quỳnh, Quỳnh thấy giống như sờ vào cái lá. Mình thấy giống như chạm vào dòng nước. Vừa mát, vừa hiền. Bao nhiêu năm dòng nước chảy mãi, mỗi phút mỗi giây đều khác, nhưng cái tinh túy vẫn là dòng nước ngày nào thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét