Trong cuốn Chim lửa tập Tái sinh (Resurrection hay tựa tiếng Nhật là 復活 - fukkatsu Phục hoạt), Tezuka làm hai cuộc giải phẫu giả tưởng: ghép não của bà trùm mafia vào xác cậu thanh niên và sao ghép thông tin từ não cậu thanh niên và từ "não" con robot vào một bộ não nhân tạo để tạo ra Robita. Kết quả là bà trùm mafia sống dậy trong xác cậu thanh niên, còn cậu thanh niên nhập vào làm một với tình yêu là con robot Chihiro của mình.
Ở đây tôi hiểu rằng Tezuka áp dụng cái thuyết "não tôi ở đâu thì cái gọi là tôi ở đó". Trong phần đầu bài luận Where am I? (Tôi ở đâu?) của Daniel Dennett, ông kể một câu chuyện tưởng tượng: ông được chính quyền Mỹ mời làm một dự án khoa học. Trong dự án này, ông phải tiếp xúc với một loại tia, tia này gây tổn thương tới một loại mô não nhất định, ngoài ra không ảnh hưởng gì các bộ phận khác. Do đó, ông được làm một cuộc giải phẫu đưa não ra khỏi hộp sọ của ông, nuôi trong bể kính, và truyền thông tin tới cơ thể ông thông qua sóng điện từ nhận bởi ăng-ten trên hộp sọ. Sau cuộc phẫu thuật, ông đi đến phòng nuôi não của mình, nhìn vào cái não đang nổi lềnh bềnh trong lồng kính, tự hỏi mình đang ở đâu. Liệu ông có thể nghĩ mình đang nằm trong lồng kính đối diện với đôi mắt của chính mình hay không. Rồi ông đưa ra ba giả thuyết:
1. Não tôi ở đâu thì "tôi" ở đó.
2. Thân tôi ở đâu thì "tôi" ở đó.
3. Cái gọi là "tôi" ở bất kỳ nơi nào mà nó đang nghĩ tới.
Giả sử chúng ta có thể hoán đổi não như trong truyện Chim lửa, A và B làm một cuộc đổi não. Não của A ghép vào người B, não B ghép vào người A. Kịch bản mà ai cũng hình dung ra trong đầu là khi tỉnh dậy, A sẽ thấy mình trong xác B, và B thấy mình trong xác A. Ở đây chúng ta đang bỏ qua cái "linh hồn", kiểu tráo đổi hồn phách này nọ như kiểu hồn Trương Ba da hàng thịt. Đó là chúng ta đang mặc định áp dụng thuyết "não tôi ở đâu thì tôi ở đó". Nhưng áp vào trường hợp tách não như của Dennett, ta mới thấy rõ ràng thuyết này hơi kỳ. Theo như Dennett, thì ta thấy mình có vẻ ở trong cái xác không não thì đúng hơn, nghĩa là theo cái thuyết "thân tôi ở đâu thì tôi ở đó". Nhưng thuyết này khi áp dụng vào trường hợp ghép não lại bị kỳ cục, thân người B chứa não người A sẽ tự nhận mình là A (theo não) chứ không phải người B (theo thân).
Như vậy, có thể cả hai giả thuyết 1 và 2 đều có vấn đề. Tôi nghĩ vấn đề nằm ở ý niệm "ở đây". Khi nói "tôi ở đây" nghĩa là tôi tương tác với môi trường xung quanh thông qua các giác quan (thọ tưởng hành thức gì đó). Nói một kiểu rất sáo rỗng (tôi thấy sáo) là ý thức về thực tại có được do não tương tác với giác quan. Đây có lẽ là một kiểu chỉnh sửa cho thuyết "não". Trong trường hợp ghép não, rõ ràng não A có ý thức rằng nó đang ở trong cơ thể B là nhờ nó tương tác với các giác quan của B. Trong trường hợp Dennett, rõ ràng não có ý thức nó ở trong cơ thể không não là nhờ nó các giác quan báo với nó qua sóng điện từ.
__________________
Ê, nhưng những trường hợp trên đều là giả tưởng. Giả tưởng nghĩa là tất cả những cái như là não A thấy mình trong xác B đều là kịch bản tưởng tượng. Dù nghe có đúng hay tất lẽ thế nào thì dù sao cũng chỉ là giả tưởng. Biết đâu được nếu một ngày người ta ghép não được, như là ghép tim hiện nay vậy, ông B sau khi ghép tim ông A vẫn tự nhận mình là B, thì khi ghép não ông A sẽ vận tự nhận mình là B. Não có gì đặc biệt hơn toàn bộ phần còn lại của cơ thể con người để mà cho rằng nó chứa đựng cái gọi là "tôi". Người ta cho rằng não chứa đựng ký ức của con người, mà ký ức (phần nào) quy định cái tự nhận là "tôi".
Sau đây là một thí nghiệm giả tưởng nữa của Stephen Law. Giả sử có một cái máy, tôi bước vào hộp 1, nhấn nút, toàn bộ thông tin về từng nguyên tử cấu tạo nên cơ thể tôi sẽ được chuyển sang hộp 2 để tái tạo lại một bản sao y chang con người tôi, và cơ thể ở hộp 1 sẽ bị phân rã hoàn toàn. Chúng ta không xét về mặt cơ học lượng tử phức tạp này nọ rằng liệu thông tin có chính xác không hay là sẽ có sai số và vì vậy, bản sao có thực sự giống không, ở đây ta giả sử bản sao giống y hệt. Nghĩa là bản sao A' của ông A có ký ức y hệt, tư duy y hệt bản gốc ông A. Vậy có thể nào xem như ông A đã được "dịch chuyển" tức thời từ hộp 1 sang hộp 2 không? Vậy người bước ra từ hộp 2 có thể nào xem là ông A không, hay chỉ là một bản sao A'? Nếu A' suy nghĩ và có ký ức giống hệt A, vậy A' có tự nhận mình là A không? Nếu tôi là A', tôi sẽ nhớ mình đã đứng ở hộp 1 vài giây trước, nhấn nút và biến sang hộp 2, vì não (ký ức) của tôi được tái tạo giống hoàn toàn, nhưng tôi có dám nói mình chính là "tôi" không?
Lại tiếp tục giả sử có một trục trặc gì đó với cái máy, sau khi bấm nút, tôi trong hộp 1 không biến mất, nhưng tôi trong hộp 2 vẫn được tạo ra. Khi đó, bước ra khỏi hộp 1 là tôi, còn bước ra khỏi hộp 2 có phải là "tôi" không? Vậy tôi ở đâu? Có thể nào cả hai đều là tôi không?
_________________
Mấy hôm gần đây tôi bỗng tập nhìn thực tại theo kiểu một chuỗi continuum. Continuum là một chuỗi liên tục. Hãy hình dung một bộ phim, thực chất nó là một chuỗi những hình ảnh ngắt quãng được xếp liên tục nhau, 24 hình một giây.
Bụt dạy ta là tổng thể của năm cái hợp lại: sắc thọ tưởng hành thức. Năm yếu tố, một cái sắc là thân xác vật lý, bốn cái kia là thuộc tâm (lý). Năm cái này hợp lại gây ra cái gọi là "tôi", ngoài năm cái ra, không tìm được tôi ở đâu cả.
Khi bơi trong hồ tôi lại nghĩ đến những lát cắt ngắt quãng, ở tại mỗi điểm của thời gian, tất cả những nguyên tử trong tôi, lẫn những nguyên tử trong hồ bơi, đều có một giá trị tọa độ kỳ vọng nhất định. Các giá trị ấy, ở mỗi thời điểm là mỗi khác. Ứng với mỗi cái "sắc", tôi lại được khuyến mãi thêm bốn cái "thọ tưởng hành thức" đi kèm.
Tôi cũng nghĩ đến dòng nghiệp như một sợi chỉ, hay một vector, để khi năm uẩn tạo nên ta bị hoại rữa, năm uẩn khác lại tạo ra. Như mộng huyễn bào ảnh, như lộ, diệc như điện. Chuỗi continuum tiếp tục khi ta chết đi. Năm uẩn mới lại được tạo ra ở từng lát cắt không-thời gian khác. Không thể nói là "tôi" tái sinh, mà là dòng nghiệp vẫn tuôn chảy.
Bài luận Tôi ở đâu? của Daniel Dennett:
www.lehigh.edu/~mhb0/Dennett-WhereAmI.pdf