Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Ngày 11: cuốn sách hình mà tôi thích nhất


(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)

Cuốn "Nếu mèo nhà bạn nói được... - Một khóa học ngôn ngữ dành cho loài người" của Dr. Bruce Fogle là một cuốn sách mà tôi tìm được nhờ có duyên với nó. Sau nhiều lần bắt gặp ở nhà sách Xuân Thu cũ, rất thích, nhưng đành phải bỏ lại kệ sách vì hết tiền, bẵng đi một thời gian, tôi nhủ với lòng mình rằng lần sau, nếu vào Xuân Thu mà còn gặp lại cuốn sách này, tôi sẽ mua nó. Nhiều lần đi Xuân Thu tiếp theo, tôi không tìm được quyển sách, nghĩ rằng đã bán hết. Rồi một lần, tìm được một cuốn cũ còn xót lại, nhớ lời hứa của mình, tôi bèn mua luôn.

Tôi thích nó chỉ đơn giản vì nó có nhiều hình mèo đẹp. Đốc tờ Bruce Fogle viết về mèo rất hay. Mèo không phải là những con vật xã hội. Mèo là những con vật vị kỉ bậc nhất và kiêu hãnh bậc nhất.

Tôi chỉ viết thế thôi.


Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Ngày 10: cuốn sách mà khi nhìn nó tôi nghĩ tới 1 người khác

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)

- Anh gặp chuyện gì không may à?
- Không, tôi chỉ vừa chia tay một người.
Tôi đã nói quá đỗi chân thành. Và thản nhiên, ngay cả khi cậu bé thấy những giọt nước mắt. Tôi không suy nghĩ một chút gì, bình yên ngủ trong niềm thanh thản dịu êm và trong sáng nhất.
(Kawabawa, Vũ nữ Izu - Nguyễn Lương Hải Khôi dịch)



Hôm nay tôi đọc lại trên mạng bản dịch Vũ nữ Izu của Kawabata do Nguyễn Lương Hải Khôi dịch từ nguyên tác tiếng Nhật, thấy hay hơn hẳn so với lần đọc bản dịch sứt sẹo từ tiếng Nga trong một cuốn tuyển tập truyện ngắn của mẹ.

Đó là một câu chuyện dễ thương và đẹp quá đỗi của Kawabata. Và dĩ nhiên nó được viết ở đây vì nó, nhất là đoạn nhân vật "tôi" chia tay với cô bé Kaoru, gợi cho tôi nhớ tới BQ.

Tôi phải nói đó là một trong những cuộc gặp gỡ tuyệt vời, kỳ lạ và quan trọng nhất đời mình. Từ những cuộc đi bộ giữa lòng Sài Gòn, khoảng thời gian ngồi trên xe bus, những cuộc trò chuyện, những buổi học ở Idecaf, tôi như được đánh thức khỏi giấc ngủ triền miên. Tôi trở thành tôi như bây giờ là chính từ thời gian đó.

Thành phố Sài Gòn này gắn bó với tôi bởi rất nhiều kỷ niệm, trong số đó có chính những kỉ niệm từ những cuộc gặp gỡ này. Tôi không biết gọi là gì những lần đi bộ trên đường Pasteur, hay từ Lê Thánh Tôn ra Lê Lợi để chờ xe bus số 3, một đứa con trai 15 tuổi đi với một cô gái 16, trò chuyện về những điều mới lạ. Tôi nghĩ đó chỉ là những rung cảm gắn bó đầu đời, chứ chẳng phải tình yêu gì. Cái không khí đó là một không khí trong lành và khai sáng. Bảo Quyên đem tới cho tôi những trải nghiệm đầu tiên về nghệ thuật, về những bức tranh, và về rất nhiều nét đẹp khác của cuộc sống và của thành phố mà trước đó tôi chưa hề rớ tới.

Rồi sau hơn nửa năm, chúng tôi không gặp nhau nữa. Những người bạn chia tay nhau, rồi biến mất khỏi cuộc đời nhau, theo một nghĩa nào đó và một mức độ nào đó. Trong suốt một thời gian, khi nghĩ đến sự biến mất này, tôi chỉ nghĩ đến truyện ngắn "Con voi biến mất" của ông Haruki. Con voi và người quản tượng đột ngột biến mất khỏi sở thú, không vì lý do gì. Nhân vật "tôi" là người duy nhất chứng kiến việc đó, và kể lại cho người bạn gái mới quen của mình rằng: kích thước của con voi và người quản tượng đột ngột trở nên mất tính cân đối, con voi nhỏ lại, hoặc người quản tượng to ra, hoặc cả hai việc xảy ra đồng thời. Rồi họ biến mất.

Giờ thì nghĩ lại, tôi thấy thanh thản và nhẹ nhàng, chợt nghĩ rằng nếu có thể lấy lòng biết ơn của mình ra và biến nó thành một vật hữu hình, tôi sẽ biến nó thành một vuông vải trắng và phơi trong một buổi chiều đầy nắng và gió thu.

Rồi tôi nghĩ, cứ thả tùy duyên. Duyên hết sẽ tan. Duyên tới sẽ hợp.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Phật Hoàng Trần Nhân Tông



______________

Đọc "Vũ nữ Izu" bấm vào đây http://60s.com.vn/timkiem/v%C5%A9%20n%E1%BB%AF%20izu/0/0.aspx
Có 7 phần nhỏ, đọc rất nhanh.

Ngày 9: cuốn sách phi hư cấu/khoa học có tựa mà tôi thích

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html)

Các bài viết của ông Thượng thảy đều đáng đọc.

Cuốn "Nghệ thuật ngày thường" này lần đầu tiên tôi thấy ở thư viện Tổng hợp Thành phố 3 năm trước nhưng phải đến hè năm ngoái tôi mới mua về đọc trong khi chờ cuốn "Văn minh vật chất của người Việt" phát hành.

Nguyên một năm ở xứ lạ tôi cắm đầu đọc sách ông Thượng. Dường như tôi đến xứ lạ để học lại về xứ quen của mình, về người quen của mình, về những điều bình dị quen thuộc mà phải tách rời nó ra tôi mới thấy được vẻ đẹp của nó.

Tôi không chỉ thích những gì ông Thượng viết mà còn thích luôn phong thái hành văn của ông. Đó là một phong thái rất từ tốn thể hiện một chiều kích uyên bác đáng nể phục. Nhiều đoạn văn của ông đọng lại trong đầu tôi và rất khó quên.

Đúng là các bài viết của ông Thượng thảy đều đáng đọc.

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Ngày 8: cuốn sách hư cấu có tựa mà tôi thích

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html

Bùn nát của mạng sống vứt bỏ trên mặt đất, chẳng mọc được cây cao, chỉ có cỏ dại,
đó là cái tội của tôi.
Lỗ Tấn - Dã thảo, "Đề từ", Phạm Thị Hảo dịch.

Hai cuốn sách văn chương có tựa đề khiến tôi thích tình cờ lại là hai cuốn sách Trung Quốc, một của Lỗ Tấn, một của Kim Dung. Hình như tôi thích 2 cái tựa là vì những từ Hán Việt in trên bìa sách mang lại cho tôi một cảm giác rất trang trọng.

Tôi nhặt được cuốn Dã thảo trong một cái góc ở nhà sách Fahasa Sài Gòn. Cái bìa không hề đẹp, hình có độ phân giải thấp nên bị nhòe tùm lum. Nhưng đó là một cuốn sách nho nhỏ, in ấn giản dị, văn dịch cũng khá.   Tựa đề lại rất thích. Và tôi biết rằng trên tay tôi đang là một cuốn sách hiếm. Thế nên, tôi mua luôn.

Lửa ngầm dưới đất đang vận hành, đang sôi sục. Một khi chất dung nham kia phun lên, nó sẽ thiêu trụi hết cả cỏ dại, cả cây cao. Thế là chẳng còn gì để thối rữa nữa.
Lỗ Tấn - Dã thảo, "Đề từ", Phạm Thị Hảo dịch.

Tôi cũng thích cuốn của Kim Dung vì cái tựa "Ngựa trắng hí gió tây", ngay cả khi nó không được viết bằng tiếng Hán Việt như thế này. Đó là một cái tựa đầy sức gợi. Đây là một cuốn sách gồm 3 tiểu thuyết ngắn nhất của Kim Dung: "Ngựa trắng hí gió tây", "Uyên ương đao" và "Việt nữ kiếm". Thực ra, tôi cũng không còn nhớ gì nhiều nhặn nội dung của ba truyện này, chỉ mang máng thôi. 

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Ngày 7: cuốn sách phi hư cấu/khoa học có bìa mà tôi thích

(Dành cho ai chưa biết tôi đang viết về cái gì, đây là trò chơi 30 ngày viết về sách theo các tiêu chí của riêng tôi: http://quihien.blogspot.com/2012/08/30-cuon-sach.html



Tôi tìm thấy cuốn này ở nhà sách Hà Nội (xin chú thích cho các bạn ở vùng khác nếu lỡ google tới đây: nhà sách Hà Nội là 1 nhà sách nổi tiếng của dân đọc sách ở Sài Gòn) một ngày đầu năm 2011. Thấy cái bìa quá ấn tượng, tôi lật ra xem, thấy cái dấu trang cũng quá thanh nhã.


Tôi đọc cuốn sách dang dở tới nửa cuốn thì phải lo thi đại học đại hiếc, rồi từ đó tới giờ, cũng chưa có duyên mở ra đọc tiếp.


Đây là tinh thần trào phúng của bạn ngồi sau lưng tôi, bất chấp việc bị Thần Mỡ đe dọa sẽ về ám lúc nửa đêm. Vâng, bạn đó là bạn HN.


Nguyên cái bìa là một phần bức tranh của một họa sĩ Nhật tên là Toba Mika. Sau một hồi google, cuối cùng tui đã tìm ra tên bức tranh bằng tiếng Anh, đó là Distinguished - Nishinokyo (2010), kích thước 202cm x 500cm.

Nguyên hình bức tranh là thế này. Rất hoành tráng, anh đào nở tứ tung, có cái tháp ở giữa tôi nghĩ là Đông Tháp ở Nara (tôi coi hình trên mạng rồi).