How to Eat Ice Cream -
Umberto Eco.
dịch từ bản tiếng Anh của
William Weaver trong
"How to Travel with a Salmon & Other Essays"
Minerva, 1994, London.
____________________
Khi tôi còn bé, người lớn hay mua cho trẻ con hai loại kem bán trong mấy cái xe con bán kem màu trắng có cái mái che bằng tôn màu bạc: loại kem ốc quế 2 xu và loại kem bánh 4 xu. Kem ốc quế 2 xu rất bé, chỉ bằng bàn tay con nít, được ông bán kem xúc vào bánh ốc quế bằng 1 cái thìa đặc biệt. Bà lúc nào cũng khuyên tôi chỉ ăn phần ốc quế thôi rồi vứt cái phần chóp nhọn đi, vì phần đó bị tay ông bán kem chạm vào rồi (nhưng phần đó lại là phần tuyệt nhất, ngon và dòn, thế nên thường xuyên bị tôi ăn trong bí mật, sau khi giả bộ lừa bà vứt đi).
Còn cái kem bánh 4 xu thì được làm bằng máy, cũng màu bạc. Cái máy ép hai cái bánh bích quy ngọt vào một phần kem hình trụ. Đầu tiên, bạn phải đưa lưỡi vào cái phần giữa hai cái bánh cho tới khi chạm vào cái nhân kem lạnh bên trong. Rồi từ từ bạn ăn hết cả cái. Cái bánh bích quy mềm dần dần vì đẫm nước ngọt chảy ra từ kem. Đối với cái thể loại kem bánh này, bà chả khuyên răn gì cả: theo lý thuyết thì cái bánh chỉ bị cái máy chạm vào; theo thực tế thì ông bán kem cũng cầm nó trong tay để đưa cho tôi, nhưng chả có cách nào cô lập cái phần bị chạm vào cả.
Tuy được mua cái kem bánh 4 xu, nhưng tôi khoái cái kiểu của tụi bạn tôi lúc tụi nó được ba mẹ mua cho hai cái kem ốc quế 2 xu hơn. Mấy đứa đó, tay phải một cây kem, tay trái một cây kem, đi nghênh ngang tự hào; và hết đưa đầu sang trái rồi sang phải mà liếm từng cây kem một cách thành thạo. Cái kiểu xa hoa đó làm tôi rất ghen tị. Nhiều lần tôi xin người lớn mua cho tôi hai cây kem như thế. Nhưng vô ích. Cha mẹ ông bà tôi không hề nhân nhượng: một cái kem bánh 4 xu, được, nhưng hai cây kem ốc quế 2 xu, dẹp.
Như mọi người đều thấy, không có lý thuyết toán học hay kinh tế hay dinh dưỡng nào giải thích cho tôi chuyện người lớn không mua 2 cây ốc quế cho tôi lúc bé cả. Cả về mặt vệ sinh cũng không, nếu như cho rằng hai cái chóp ốc quế được tôi đàng hoàng vứt đi sau khi ăn. Có một lời giải thích nghe khá lâm ly và khá xuyên tạc vì tôi không cho là đúng lắm, là một đứa con nít mà cứ hết đưa đầu từ bên này sang bên kia liếm kem thì rất dễ vấp đá, bậc thềm hay kẽ nứt trên lề đường này nọ mà ngã. Lúc đó, tôi lờ mờ nhận ra rằng hẳn phải có một lời giải thích bí mật nào đó, mang tính sư phạm rất dữ dội, mà tôi chưa nắm bắt được.
Nhưng giờ đây, là một công dân và nạn nhân của một xã hội tiêu dùng, một nền văn minh của thừa mứa và lãng phí (điều mà xã hội của những năm ba mươi thì hề có), tôi mới hiểu rằng các bậc cha mẹ ông bà kính yêu nay đã rời xa tôi đều đúng. Hai cây kem ốc quế 2 xu thay cho một cái kem bánh 4 xu, không thể hiện sự hoang phí về mặt kinh tế mà về mặt biểu tượng. Chính xác là lý do này đã khiến tôi thèm thuồng, vì hai cây kem thể hiện sự thừa mứa. Và cũng chính xác vì lý do này mà người lớn từ chối không mua cho tôi, vì nó trông rất kệch cỡm, như một sự khoe mẽ giàu có, thể hiện tôi là một đứa trẻ được chiều chuộng và tỏ vẻ xúc phạm tới những người nghèo. Chỉ có trẻ hư mới ăn hai cây kem một lúc, mấy đứa đó mà ở trong truyện cổ tích thế nào cũng bị phạt đích đáng, như Pinocchio lúc nó chê không thèm ăn vỏ và lõi quả lê. Và mấy bậc cha mẹ cổ súy, nuông chiều đứa nhỏ, đang đưa nó vào một thế giới giả tạo kiểu "trưởng giả học làm sang", kiểu "tôi không đủ tiền mua nhưng tôi muốn cái đó". Họ đang chuẩn bị cho nó trở thành kiểu người đi du lịch ngồi toa hạng chót nhưng cố sống cố chết sắm một chiếc túi Gucci hàng giả bán trên phố gần bờ biển Rimini.*
Bây giờ thì có vẻ các nhà luân lý đang gặp nguy cơ thấy mình lạc lõng giữa những giá trị đạo đức hiện tại, của một thế giới mà nền văn minh tiêu dùng đang muốn làm hư cả người lớn, lúc nào cũng hứa hẹn với họ nhiều hơn, từ cái đồng hồ đeo tay tặng kèm trong hộp thuốc tẩy cho tới cái xuyến tay gói kèm cùng tờ tạp chí. Hệt như cha mẹ của bọn con nít háu ăn hai tay hai kem mà tôi từng ghen tị một thời, cái nền văn minh tiêu dùng này ra vẻ giả bộ tặng thêm nhiều thứ, nhưng thật ra chỉ đưa đúng 4 xu cho những gì giá 4 xu. Bạn rồi sẽ vứt cái đài radio bán dẫn cũ đi để mua cái mới, được quảng cáo là có kèm đồng hồ báo thức, nhưng chả cần nói cũng biết cái đồng hồ đó, bị thế nào đó, chạy được một năm là tịt. Cái xe hơi mới sẽ có ghế bọc da, gương đôi hai bên, nhưng chả thể nào chạy bền bằng cái Fiat 500 cũ ngày xưa, mỗi lần hỏng hóc, đá một phát là máy nổ lại ngay.
Những giá trị của ngày xưa cũ tôi luyện chúng ta thành những dân thành Sparta, trong khi đó, những giá trị ngày nay muốn chúng ta trở thành dân Sybaris.
________________
Đoạn từ Pinocchio trở đi này là một đoạn khó dịch, nguyên bản tiếng Anh.
Only spoiled children ate two cones at once, those children who in fairy tales were rightly punished, as Pinocchio was when he rejected the skin and the stalk. And parents who encouraged this weakness, appropriate to little parvenus, were bringing up their children in the foolish theater of “I’d like to but I can’t.” They were preparing them to turn up at a tourist-class check-in with a fake Gucci bag bought from a street peddler on the beach at Rimini.
Mới đầu mình không biết phải hiểu
skin and stalk mà thằng Pinocchio từ chối là cái gì, hỏi ông Bruce, ông ấy bảo cũng không biết, nhưng tìm được cho mình bản nguyên tác của Carlo Collodi. Đọc đến chương 7 thì, may quá, tìm ra, đó là vỏ và lõi quả lê mà bố thằng Pinocchio đưa cho nó ăn.
Đoạn sau có từ
parvenus, là số nhiều của
parvenu, một từ gốc Pháp, nghĩa gần giống với
nouveau riche, hay
newly rich (thật ra nghĩa không giống hoàn toàn nhưng người ta hiểu khá giống nhau), dịch tiếng Việt là giàu xổi. Đoạn này Eco nói về cái thói mặc dù không đủ tiền nhưng vẫn ra vẻ, chủ yếu nhằm mục đích khoe mẽ, mua đồ hiệu hàng giả để dán lên mình cái nước sơn (từ này ông Bruce dùng nhé,
veneer).
Đoạn cuối có nói tới Spartan và Sybarite.
Spartan trở thành một tính từ trong tiếng Anh chỉ những người sống giản dị, lành mạnh, có thêm nghĩa nữa là dũng cảm, kiên quyết khi gặp hiểm nguy, rõ ràng lấy từ tích dân thành bang Sparta ở Hy Lạp ngày xưa sống lành mạnh, rèn luyện kỉ cương này nọ.
Sybarite cũng vậy, trở thành tính từ chỉ lối sống xa hoa, phung phí, bắt nguồn từ chuyện dân thành Sybaris giàu nứt đố đổ vách ăn chơi phủ phê chép trong sử của Herodotus. Có chuyện kể lại rằng có 1 cha người thành Sybaris giàu quá lấy cánh hoa hồng làm đệm nhưng nằm mãi không ngủ được vì có một cánh hoa bị gập lại, không trải phẳng ra.
(QH)