Hôm nay ngồi trong lab tự nhiên radio trên Spotify chơi bài gì mình nghe quen quá, một hồi thì nhớ lại là bài Ombra mai fù hồi cuối tuần ở nhà nghe. Bài hát nằm trong một cái opera Serse không ai biết của Händel làm ở London. Bản thân cái bài hát, tuy không nhiều người biết, nhưng còn nổi hơn cái opera.
Bài hát là cảnh mở đầu của tuồng. Vua Xerxes ngồi trong vườn dưới tán cây tiêu huyền, hát lên ngân nga ca ngợi cây tiêu huyền.
Lời đầu là nhà vua nói về những chiếc lá mềm mại xinh đẹp của cây tiêu huyền yêu quý, cầu cho số mệnh cây được vẹn toàn, cầu cho sấm sét, chớp lòa, bão tố, gió mưa không xâm hại tới cây. Lời này hình như trong tuồng mới có, không bao giờ thấy hát hết.
Lời thứ hai là lời hát:
Ombra mai fu
di vegetabile,
cara ed amabile,
soave più.
Mãi không bao giờ bóng mát
của một loài cây nào
thân mến và đáng yêu
hay ngọt ngào bằng
(cây tiêu huyền của ta).
Có một câu thôi mà nhà vua ngồi hát đi hát lại. Thật là yêu cây yêu lá quá đi.
Bài này ngày xưa Händel viết cho giọng nam thiến. Về sau không còn ai hát giọng nam thiến nữa nên chuyển thành giọng phản nam cao. Bình thường mình thích Jarousky hát mà bài này nhìn ổng biểu cảm thấy ghê quá. Coi bản của Andreas Scholl thấy ổng bận complet, chải tóc đeo kính, đứng dạng chân như Ronaldo sút phạt, hát giọng countertenor cao ơi là cao, thấy thật là ngầu. Cái nốt đầu tiên chữ Ooooommmmm, ngân ra y như tiếng chuông. Giống như nhìn nên tán lá mát ơi là mát trên cao, thấy bầu trời lọt qua kẽ lá, ngân vọng xuống.
Trang
Mây và sóng
Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.
Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018
Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018
Tuần trước vì một lí do dở hơi nào đó mà mình không nhớ, mình vô trang wiki của chùa Bút Tháp. Trong đó có cái ảnh một cái am trên nền trời xám xịt mây. Và mình chợt thấy nhớ cái cảnh trời xám xịt mây một cách khủng khiếp. Dù cho đó là cảnh trời xám xịt mây sau tháp chuông nhà thờ Đức Bà, hay cảnh trời xám xịt mây lúc mình nhìn từ cửa sổ ở nhà, thì mình vẫn đều nhớ. Cái cảnh đó, cùng với khí trời man mát, mùi của mưa bão sắp tới, mình đều thấy nhớ. Ở xứ lạnh, hầu như chẳng khi nào có bầu trời như vậy, để sẵn sàng cho một cơn mưa nhiệt đới như vậy.
.
Dạo này mỗi khi lo âu mình uống rất nhiều nước. Thay vì nốc cà phê hay trà thì mình uống nước lọc. Uống đủ hai lít mỗi ngày. Uống nhiều nước và đi tiểu nhiều lần. Cũng có thể mình uống nước vì đạp xe nhiều hơn. Thẻ đi tàu và buýt của mình đã hết hạn, và mình không muốn mua lại, nên mình chăm chỉ đạp xe, mỗi ngày 10 cây số. Rồi còn ăn kẹo chanh nữa.
.
Mỗi khi lo âu mình cứ lẩm nhẩm bài "quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã..." bằng Hán Việt. Mình thích đọc cái bài kinh qua bờ này không chỉ vì nó hay, mà còn bởi vì ngôn từ cứ cuồn cuộn chảy ra sẽ khiến tâm trí mình dịu lại. Mình không còn trong thời kì ghiền Phật giáo nữa, bây giờ mình coi Phật giáo cũng giống như là một cách nhìn nhận thế giới, một cách nhìn nhận rất hay và đẹp.
Bồ tát nương vào Bát nhã thì tâm không còn chướng ngại. Tâm không còn chướng ngại thì không sợ hãi, xa rời được mộng tưởng đảo điên, đạt được niết bàn cuối cùng.
Mình thích hình tượng Quán thế âm. Ngài tượng trưng cho lòng thương xót. Trong đạo Phật, lòng thương xót mà không có trí tuệ, hay trí tuệ mà không có lòng thương xót thì đều vô nghĩa, không làm được gì cả. Bồ tát Quán thế âm thương xót mọi thứ. Ngài ở lại chốn này, đi ra đi vào mọi cõi, biến hình thành đủ thứ, nam, nữ, đầu ngựa, atula, vân vân để cứu vớt mọi người, mọi vật đau khổ.
Mình thích nghĩ về cái cách mà bồ tát Quán thế âm cảm nhận nỗi đau của tất cả mọi người. Thật là đau, thật là xót. Nhưng ngài không khổ. Ngài có đủ trí tuệ để không cảm thấy khổ nữa.
cái đau là không tránh được, còn cái khổ là do lựa chọn.
Câu này là Haruki Murakami tự bịa ra hay nhặt đâu đó về, chứ không phải trong kinh Phật. Nhưng nó mang trong đó áo lí của Phật giáo. Cái đau là cái đau vật lí, là cái đau khi mở lòng ra với người khác, hay với toàn thể chúng sinh. Còn cái khổ là khi ta tự để mình chìm vào trong cái đau, chìm vào trong sự sân hận, đổ lỗi.
Schopenhauer viết về nghịch lí con nhím, là một ẩn dụ nói về sự tổn thương gây ra bởi sự thân mật ở con người. Nhưng mình nghĩ cũng có thể dùng để nói về sự tổn thương khi bồ tát mở lòng ra. Khi trời lạnh, những con nhím trong hang đứng sát lại với nhau để chia sẻ hơi ấm, nhờ đó mà chúng mới sống sót được. Càng đứng gần nhau thì càng ấm, nhưng gai của chúng sẽ đâm lẫn nhau, làm tổn thương nhau. Tương tự, một vị bồ tát thấu hiểu cái đau của toàn bộ các cõi, sẽ như bị vô số cái gai đâm vào trong lòng. Đau đến cùng cực, đau đến vô lượng, nhưng hoàn toàn không khổ. Như vậy thì mới phát triển được lòng bi vô lượng.
Mình nhớ có lần mình coi trên youtube có đoạn phim Dalai Lama khi thuyết về tâm thương xót, thì chợt bật khóc, đưa khăn lên quệt nước mắt. Dalai Lama cũng được Phật giáo Tây Tạng coi là một biến thân mấy chục đời của bồ tát Quán thế âm.
.
Dạo này mỗi khi lo âu mình uống rất nhiều nước. Thay vì nốc cà phê hay trà thì mình uống nước lọc. Uống đủ hai lít mỗi ngày. Uống nhiều nước và đi tiểu nhiều lần. Cũng có thể mình uống nước vì đạp xe nhiều hơn. Thẻ đi tàu và buýt của mình đã hết hạn, và mình không muốn mua lại, nên mình chăm chỉ đạp xe, mỗi ngày 10 cây số. Rồi còn ăn kẹo chanh nữa.
.
Mỗi khi lo âu mình cứ lẩm nhẩm bài "quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã..." bằng Hán Việt. Mình thích đọc cái bài kinh qua bờ này không chỉ vì nó hay, mà còn bởi vì ngôn từ cứ cuồn cuộn chảy ra sẽ khiến tâm trí mình dịu lại. Mình không còn trong thời kì ghiền Phật giáo nữa, bây giờ mình coi Phật giáo cũng giống như là một cách nhìn nhận thế giới, một cách nhìn nhận rất hay và đẹp.
Bồ tát nương vào Bát nhã thì tâm không còn chướng ngại. Tâm không còn chướng ngại thì không sợ hãi, xa rời được mộng tưởng đảo điên, đạt được niết bàn cuối cùng.
Mình thích hình tượng Quán thế âm. Ngài tượng trưng cho lòng thương xót. Trong đạo Phật, lòng thương xót mà không có trí tuệ, hay trí tuệ mà không có lòng thương xót thì đều vô nghĩa, không làm được gì cả. Bồ tát Quán thế âm thương xót mọi thứ. Ngài ở lại chốn này, đi ra đi vào mọi cõi, biến hình thành đủ thứ, nam, nữ, đầu ngựa, atula, vân vân để cứu vớt mọi người, mọi vật đau khổ.
Mình thích nghĩ về cái cách mà bồ tát Quán thế âm cảm nhận nỗi đau của tất cả mọi người. Thật là đau, thật là xót. Nhưng ngài không khổ. Ngài có đủ trí tuệ để không cảm thấy khổ nữa.
cái đau là không tránh được, còn cái khổ là do lựa chọn.
Câu này là Haruki Murakami tự bịa ra hay nhặt đâu đó về, chứ không phải trong kinh Phật. Nhưng nó mang trong đó áo lí của Phật giáo. Cái đau là cái đau vật lí, là cái đau khi mở lòng ra với người khác, hay với toàn thể chúng sinh. Còn cái khổ là khi ta tự để mình chìm vào trong cái đau, chìm vào trong sự sân hận, đổ lỗi.
Schopenhauer viết về nghịch lí con nhím, là một ẩn dụ nói về sự tổn thương gây ra bởi sự thân mật ở con người. Nhưng mình nghĩ cũng có thể dùng để nói về sự tổn thương khi bồ tát mở lòng ra. Khi trời lạnh, những con nhím trong hang đứng sát lại với nhau để chia sẻ hơi ấm, nhờ đó mà chúng mới sống sót được. Càng đứng gần nhau thì càng ấm, nhưng gai của chúng sẽ đâm lẫn nhau, làm tổn thương nhau. Tương tự, một vị bồ tát thấu hiểu cái đau của toàn bộ các cõi, sẽ như bị vô số cái gai đâm vào trong lòng. Đau đến cùng cực, đau đến vô lượng, nhưng hoàn toàn không khổ. Như vậy thì mới phát triển được lòng bi vô lượng.
Mình nhớ có lần mình coi trên youtube có đoạn phim Dalai Lama khi thuyết về tâm thương xót, thì chợt bật khóc, đưa khăn lên quệt nước mắt. Dalai Lama cũng được Phật giáo Tây Tạng coi là một biến thân mấy chục đời của bồ tát Quán thế âm.
Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018
Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018
Hồn vẫn trong mà mộng vẫn xinh
Nguyễn Bính
Hôm qua khi youtube trong lab chơi nhạc của The Second Moon, Kristers cảm thán là tại sao ngoài kia có những người đang chơi nhạc hay như vầy mà mình phải ngồi trong này làm cái phản ứng quỷ quái này. Xong mình với nó ngồi nói nhảm về việc tại sao chúng ta lại đi chọn cái nghề này. Nó nói đáng lẽ nó có thể làm nhạc công, giờ đang đánh đàn ở đâu đó. Có khi tụi mình giờ đang là kĩ sư, ngồi lắp máy bay, hay là vọc máy tính, có khi tụi mình đang là nông dân, trồng nấm đâu đó sau nhà. Sung Hwan đi ngang qua, nói: vì tụi mình chọn sai ở một khoảnh khắc nào đó trong đời.
Nói giỡn thì nói như vậy, chứ mình không nghĩ tụi mình ghét cái công việc tụi mình đang làm. Mình từng đi làm sách, xong mình lại đâm ra nhớ công việc này. Mình nghĩ hầu hết mọi người làm trong lab tổng hợp hữu cơ không ai xác định mình sẽ làm công việc này suốt đời (hoặc ít ra là sẽ không cày trong lab suốt đời). Nó không lành mạnh gì để làm tới già, và hóa học hiện đại không phải là giả kim thuật, không còn hình ảnh ông thầy trùm râu dài tóc trắng ngồi khuấy vạc trong xưởng.
Kristers nói: dù sao thì làm nhà hóa học dỏm vẫn đỡ hơn làm nhạc công dỏm. Mình chắc chắn không phải nhà hóa học xịn (cái gì có thể xịn nhưng nhà hóa học xịn thì chắc chắn không phải), nhưng mình cũng cố gắng để đừng là nhà hóa học dỏm.
.
Cảnh quay cuối phim Darkest Hour là cảnh ngầu nhất phim. Đó là cảnh Churchill lom khom đi ra khỏi viện Thứ Dân. Lom khom, vì đó là dáng đi của ổng, nhưng ổng đi ra khỏi viện với tư cách người thắng cuộc. Gary Oldman đóng Churchill hay ơi là hay. Lúc ổng nói gần xong bài "Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển", toàn bộ khu đối lập bên Công Đảng hò reo vỗ tay quá trời, còn bên chính cái đảng của ổng, đảng Bảo Thủ, thì vẫn ngồi im như thóc. Một lúc sau, sau khi Chamberlain ra hiệu thì mọi người bên đảng Bảo Thủ mới dám vỗ tay rào rào cho Churchill. Lúc đó, ổng biết mình đã thống nhất được toàn nghị viện cho cuộc chiến với Hitler.
Việc gánh một đất nước không dễ, nhất là khi đó không chỉ là một đất nước, một cái đảo, mà là một đế quốc lớn, rải khắp thế giới như nước Anh lúc đó, lại còn phải đối đầu với một thế lực ở bên kia bờ biển đang ào ào kéo sang, mà gần như toàn bộ quân đội của Anh thì đang bị vây sắp chết ở Dunkirk. Thời gian trong phim kéo dài chưa tới gần 1 tháng, từ lúc Chamberlain từ chức thủ tướng Anh nhường cho Churchill lên. 1 tháng cực kì khủng khiếp của Churchill. Ổng còn bị bipolar, lúc hưng phấn thì ổng làm việc suốt nguyên ngày, lúc trầm thì ổng cũng vẫn phải cố mà gánh cả một đế quốc. Có cảnh Gary Oldman đóng Churchill lúc bi thảm cùng cực là lúc gọi điện cho Roosevelt bên Mĩ để xin xỏ và lúc vua George vào gặp Churchill ở nhà. Lúc ổng thảm quá, ổng thức suốt đêm. Bà vợ của ổng đi vào, nói: Đi ngủ đi Heo.
.
Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018
Thuyền chèo đêm nguyệt sông biếc
Coi lại phim Only Yesterday có cái cảnh con nhỏ nhân vật chính hồi lớp 5 ngồi đổi đồ ăn với thằng bạn kế bên lúc ăn trưa. Coi cảnh này mình thấy vui xong tự nhiên mình nhớ lại tất cả những đứa mà hồi đi học mình từng ngồi kế.
Năm lớp 1 lần đầu tiên vào lớp thì bố dắt vào rồi để mình ngồi cạnh một thằng tên là Tường. Sau khi phụ huynh về hết thì thằng này bắt đầu ngồi khóc. Mình nhìn nó rất ngạc nhiên, kiểu như giờ thì mình sẽ hỏi ủa có cái mẹ gì mà bày đặt khóc. Mình chỉ nhớ thằng này nói ở nhà ba nó không cho nó đọc truyện đôrêmon, còn lại mình không nhớ nhiều lắm. Phần sau của năm lớp 1 hình như cô giáo có chuyển chỗ mình đâu đó xuống gần cuối lớp vì hồi đó mình vẫn chưa phải đeo kính. Ngồi kế đứa nào thì mình quên mất rồi. Năm lớp 2 và lớp 3 học cùng một lớp, không xáo lại, nhưng cũng không thể nhớ được là ngồi kế ai. Những đứa ngồi xung quanh như Huy Tân hay An Chi hay Đan Thanh hay Hoàng Kha gì đó thì còn nhớ mang máng chứ đứa ngồi cạnh thì nhất quyết không nhớ nổi. Năm lớp 4 và lớp 5 cũng cùng một lớp nhưng chỉ nhớ được là năm lớp 5 ngồi kế một con nhỏ tên là Lê Kha, hơi điệu và suốt ngày bắt mình chỉ bài toán cho nó.
Lớp 6 thì đầu tiên là ngồi kế thằng Khánh Hưng, sau đó thì ngồi kế Quỳnh. Lớp 7 ngồi kế thằng Hồng Quân và suốt ngày nói bậy với nói nhảm tuổi dậy thì. Lớp 8 ngồi kế Vân Anh, trước mặt thằng Đạo và thằng Nguyên thì ngồi trong góc. Lớp 9 thì ngồi kế một con nhỏ mà mình quên mất tên rồi, Lớp 9 mình ngồi đầu bàn, đầu bàn bên kia là Hạnh, tính ra thì kêu là ngồi kế Hạnh cũng tạm chấp nhận.
Lên lớp 10 là năm duy nhất mình không ngồi kế ai vì cái lớp xếp chỗ quá tâm linh nên mình ngồi ở cái dãy bàn sát cửa sổ, có 4 cái bàn đơn xếp hàng dọc nên có 4 đứa coi như ngồi một mình. Thằng GC ngồi cuối dãy ôm cái thùng rác còn mình ngồi đầu dãy để ghi điểm danh. Nếu tính là mình ngồi đầu bàn thì đầu bàn bên kia là Hoàng Như. Năm lớp 11 và 12 thì bàn mình 3 đứa là mình, Thanh Long và Châu Trị; mình ngồi kế thằng Thanh Long. Chỉ có thay đổi là lớp 11 thì ngồi giữa lớp đầu dãy của nguyên đám con trai. Còn lớp 12 thì bày đặt lấy lí do "chăm chỉ học hành" để 3 đứa chuyển lên đầu lớp ngồi cho vui. Mình ngồi trước mặt Thư với Hoàng Như, còn hai thằng kia ngồi trước mặt Hạnh với Thu Oanh.
Chả biết ghi ra đây làm gì nhưng ghi ra thấy vui vui.
_____________
Anh Shouguo có mơ ước là làm xong postdoc lấy 4 paper rồi về TQ làm giáo sư. Vậy nên anh đang cày như điên để lấy 2 paper nữa cho kịp. Tuần trước mới nói cho mình biết là người yêu kêu sang năm phải xong để về. Anh Shouguo thích chơi tem, mà chỉ tem TQ thôi, tem khác không chơi, thích viết thư pháp và viết chữ rất đẹp. Mình với Shouguo là hai đứa không có tiền nhưng suốt ngày đi coi tranh với tượng cổ Á Đông bán đấu giá toàn mấy trăm ngàn franc. Mấy lần còn kéo nhau đi vô mấy cửa hàng đồ cổ, để kiếm tranh Nhật và tượng TQ với Đông Dương cổ để nhìn và hỏi giá cho vui. Thật ra cũng có mấy cái trong tầm, nhưng dĩ nhiên là vẫn tiếc tiền nên không bao giờ mua. Anh Shouguo dĩ nhiên là ăn lương postdoc ở Thụy, nhưng tháng nào cũng gửi hết tiền về nhà, "để trả nợ", nhưng ai biết nói thật hay nói giỡn.
Đôi khi mình suy nghĩ vì sao anh Shouguo lại thân với mình, dù hơn mình 6 tuổi. Có khi vì mình biết về tranh Nhật và thơ cổ TQ. Có thể lại là vì anh Shouguo lớn lên ở nông thôn TQ, còn mình ở ngoại thành Sài Gòn nên dù gì cũng có nét chung. Anh Shouguo kể cho mấy đứa châu Âu rằng hồi nhỏ ảnh đi tát mương bắt cá này nọ thì tụi kia không hiểu, nhưng mình thì ít ra cũng có khái niệm.
_____________
Nhiều lúc mình muốn nhớ lại nhiều thứ hồi còn nhỏ, nhưng có những thứ mình không thể nhớ được, vì kí ức lạc đâu mất trong vỏ não rồi. Có khi mình nằm mơ thấy, nhưng đến khi tỉnh dậy, nếu nhớ được thì mình vẫn khá hồ nghi, vì mình không rõ đó là thật do mình nhớ lại, hay là não mình lừa mình. Ví dụ như nếu mình cố nhớ về Quỳnh năm lớp 6 thì mình không thể nhớ nhiều được, chỉ nhớ là Quỳnh tròn tròn và dễ thương chứ không thể nhớ được lúc đó ngồi kế Quỳnh như thế nào, nói cái gì. Mình chỉ nhớ được Quỳnh từ năm lớp 9 tới khi lớn, lúc kí ức đã rõ hơn và chơi với nhau nhiều hơn. Hoặc cũng có thể nói là cái đống hormone cơ thể mình tiết ra ở tuổi dậy thì đã thay đổi não mình. Từ năm 12–13 tuổi trở về trước, giống như trong truyện nhóc Nicolas, thế giới của đám con trai là một thế giới tách biệt. Và trong cái thế giới đó, mình không suy nghĩ và quan sát theo cách mình suy nghĩ và quan sát như khi mình lớn lên. Mình chỉ tập trung vào những cái mình quan tâm và hấp dẫn theo một tiêu chí nào đó. Mình không thể nhớ những cái bao quát, những chi tiết xung quanh, những cái mà sau này nếu nhớ lại sẽ mang tính gợi rất nhiều.
Hồi còn nhỏ, mỗi lần đi sinh nhật bạn hay gì đó, khi bố đón về, lúc nào bố cũng hay hỏi: ở đó có bao nhiêu đứa, hay một số chuyện đòi hỏi quan sát bao quát. Lúc còn nhỏ, thường mình sẽ không bao giờ nhớ được hay để ý có bao nhiêu đứa, mình cũng không ước đoán được, vì đó là những cái mình không quan tâm. Thường thì bố sẽ nói đại loại là những cái đó thì phải để ý chứ.
Khi lớn lên, những cái quan sát bao quát, ước đoán đó đột ngột mình có được một cách dễ dàng. Có thể mình học được từ những lần bố hỏi, hoặc do não mình phát triển và trưởng thành hơn, hoặc có thể cả hai.
____________
Có hai câu thơ Nguyễn Trãi hay:
Thuyền chèo đêm nguyệt sông biếc
Cây đến ngày xuân lá tươi.
Đọc lên nghe thích.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)