Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Khoảng cách tới trăng

Trong 'Cosmicomics' (tiếng Ý: Le Cosmicomiche) của Italo Calvino
QH dịch (từ bản tiếng Anh của William Weaver)

Chú thích tí: Cosmicomics là một từ không có trong tiếng Anh, cũng như Cosmicomiche không có trong tiếng Ý mà là từ do Calvino tự chế ra, dĩ nhiên là ghép giữa cosmi (sing. cosmo) = vũ trụ, và comiche (sing. comica) = chuyện vui. Cosmicomics trong tiếng Anh do đó là một từ Latin được Anh hóa, và nó có nghĩa là chuyện vui vũ trụ = vũ trụ hí đàm  nếu để Hán Việt cho sang trọng.

Hầu hết các truyện ngắn trong bộ Vũ trụ hí đàm  đều được kể bởi một nhân vật có tên là Qfwfq (thích đọc thế nào là tùy bạn). Mỗi truyện ngắn là một câu chuyện về một thời kỳ của vũ trụ, vũ trụ trong tưởng tượng của Calvino, dựa trên vũ trụ của Newton, của Einstein, của Gamow, của Hawking, nhưng không nhất thiết phải là vũ trụ của những người đó. Qfwfq sống qua tất cả những thời kỳ đó, dưới nhiều hình thái khác nhau, lúc thì là người chèo xuồng đi lấy sữa trăng, khi thì là con trùng amoeba bơi giữa đại dương thái cổ, có bận lại trở thành những sinh vật biển đang tiến hóa dần thành lưỡng cư để bò lên cạn. Qfwfq đã sống, đã chứng kiến hết thảy thăng trầm của vũ trụ, kiểu như ông ngư tiều đầu bạc của Dương Thận sống trên bãi bồi Trường Giang, đã quen nhìn trăng thu gió xuân, nhìn sóng cuốn hết anh hùng theo sóng theo nước. Ý tưởng về Qfwfq cũng tương tự như Saruta trong bộ Chim lửa của Tezuka, một nhân vật vì một lỗi lầm gây ra ở một thời điểm ở thế kỷ 26 mà cứ phải tái sinh lại làm người mãi, để kinh qua bao nhiêu khổ ải, bao nhiêu đắng cay, bao nhiêu đau khổ, lúc thì là nhà khoa học cô đơn, mãi không tìm ra được cách nào để tái sinh loài người, lúc thì là tên cướp cùng đường ở thế kỷ 8, trở thành nhà sư mù cụt tay, vân vân...

Ô kê, mời đọc truyện.

_______________________

credit: © 2010 Caroline Jones McKay


Ngày xưa, theo lời ngài George H. Darwin kể lại, Mặt Trăng nằm rất gần với Trái Đất. Rồi dần dần thủy triều đẩy nàng ra xa: là ta đang nói tới những đợt thủy triều mà chính Trăng tạo nên trên mặt nước ở Trái Đất ấy, những đợt thủy triều làm Trái Đất mất dần mất dần năng lượng của mình.   

Ôi ta nhớ rõ lắm! – ông già Qfwfq kêu lên – mấy người thì không nhớ đâu, nhưng ta thì vẫn nhớ. Nàng ở trên đầu bọn ta suốt, ta đang nói nàng Trăng khổng lồ ấy: cứ tới kỳ nàng tròn thì ban đêm sáng như ban ngày, có điều là có màu như vàng bơ thôi – nhìn cứ như nàng sắp đâm vào bọn ta vậy; còn tới kỳ trăng non, nàng lại cuộn quanh bầu trời trông như một cái ô đen bị gió thổi bạt; rồi khi nàng tròn dần trở lại, nàng chìa hai chiếc sừng xuống thấp trông như muốn đụng vào mỏm đá chìa ra biển và mắc kẹt ở đó luôn. Nhưng ngày xưa các pha mặt trăng khác bây giờ lắm, vì khoảng cách từ Mặt Trời cũng khác, và quỹ đạo nữa, và mấy cái góc ghiếc giữa cái này với cái kia gì đó, thôi ta quên rồi. Vì Trái Đất và Mặt Trăng ở sát kề nhau, bọn ta có nhật thực mỗi phút, tự nhiên thôi, hai con quái khổng lồ đó cứ liên tục chen vào bóng của nhau, lần lượt hết cái này xong tới cái kia.

Quỹ đạo à? Ừ, dĩ nhiên là vẫn hình elip: có lúc Trăng lao đến gần bọn ta, có lúc nàng lại bay đi xa. Còn thủy triều, lúc Trăng tới gần, dâng cao tới nỗi không ai ngăn nó được. Có những đêm Trăng rất tròn và rất gần, gần lắm, khiến thủy triều dâng cao tới nỗi Trăng chỉ còn cách mặt biển độ chừng một sợi tóc: thôi được, ta cường điệu đấy, nhưng chỉ độ vài mét thôi. Thế nào, cònvụ trèo lên Mặt Trăng à? Dĩ nhiên bọn ta làm chuyện đó rồi chứ. Chỉ cần chèo một cái thuyền ra biển, tới dưới chân Trăng, rồi bắc một cái thang, trèo lên, vậy là tới.

Vị trí trên Trái Đất gần Trăng nhất là ngoài khơi mỏm đá Kẽm. Bọn ta từng bơi xuồng chèo ra đó, cái kiểu xuồng nhỏ nhỏ bọn ta có thời đó, tròn và dẹp, làm bằng gỗ bần. Xuồng chứa được vài đứa bọn ta, gồm có: ta, Thuyền trưởng Vhd Vhd, vợ Thuyền trưởng, cậu em họ bị điếc của ta, và đôi khi có cả bé Xlthlx nữa – lúc đó bé độ mười hai tuổi gì đó. Những đêm đó, mặt nước rất lặng, bàng bạc nhìn chẳng khác gì thủy ngân cả, và đàn cá thì bơi lội bên dưới, màu tím, chúng không cưỡng nổi sức hút của mặt trăng nên bị nổi hết lên gần mặt nước, cả bọn bạch tuộc và sứa cũng bị như vậy. Lúc nào cũng có những đàn sinh vật tí hon – cua nhỏ, mực nhỏ, có cả rong biển, mỏng tang nhẹ tênh, và san hô – bay lên khỏi mặt nước và dính vào Mặt Trăng, treo rủ xuống từ cái trần màu trắng như vôi, hoặc không thì lơ lửng giữa không trung, làm thành một đám lúc nhúc tỏa ra ánh lân quang, khiến bọn ta phải lấy lá chuối quạt sang một bên mới đi qua được.

Đây là cách bọn ta trèo lên Trăng đây: trên xuồng bọn ta có một cái thang: một người đứng vịn, người thứ hai trèo lên, và người thứ ba ngồi ở mái chèo, chèo tới khi nào bọn ta ở ngay bên dưới Trăng; đó là lý do vì sao bọn ta cần nhiều người như vậy (ta chỉ mới nói tới những nhân vật chính yếu thôi đấy). Người đứng trên thang, khi xuồng tiến tới gần Trăng, sẽ hốt hoảng la lên: “Dừng lại! Dừng lại! Tôi sắp đâm đầu vào Trăng rồi!” Đó là ấn tượng đầu tiên mình thấy khi nhìn vào Trăng, một khối khổng lồ, gồ ghề đầy gai nhọn và lởm chởm những răng cưa. Giờ có lẽ khác rồi, nhưng hồi xưa, Trăng, nói đúng hơn là phần dưới của Trăng, bụng Trăng, phần sượt ngang qua Trái Đất, là như vậy đấy, phủ bằng một lớp vỏ đầy vảy nhọn. Trông nó giống như bụng cá vậy, mùi cũng vậy nữa, ta mang máng nhớ thế, không phải ta bảo chính xác là mùi cá đâu, mà thoang thoảng giống thôi, tựa như mùi cá hồi hun khói vậy.

Từ đỉnh cái thang, đứng thẳng lên trên nấc cuối cùng, mình có thể chạm được vào trăng nếu mình vươn dài tay ra. Bọn ta đã đo đạc cẩn thận (lúc đó, bọn ta chẳng mảy may ngờ rằng nàng Trăng mỗi ngày một rời xa hơn); điều duy nhất mình phải lưu ý là chỗ đặt tay khi với lên chạm vào Mặt Trăng. Ta luôn chọn mảnh vảy nào trông chắc chắn (bọn ta trèo lên thường theo nhóm năm hay sáu người một lúc), rồi ta bám một tay lấy, rồi bám luôn tay kia, và ngay tức thì ta sẽ cảm thấy cái thang và cái xuồng bỗng chốc rời xa bên dưới ta, và chuyển động của Trăng sẽ kéo ta ra khỏi lực hút của Trái Đất. Ừ, vậy đấy, Trăng mạnh lắm, Trăng kéo được cả mình lên; mình sẽ nhận ra điều này ngay khi mình chuyển từ lực hút của Trái Đất sang lực hút của Trăng: rằng mình phải nhảy lên lộn nhào một cái thật đột ngột, nắm chắc lấy cái vảy, giơ chân lên đằng đầu, cho tới khi chân ta đứng trên bề mặt Trăng. Nhìn từ Trái Đất, mình trông giống như mình bị treo ngược đầu lên vậy, nhưng với mình thì trông vẫn rất bình thường, điều lạ duy nhất với mình sẽ là khi mình ngước đầu nhìn trời, mình trông thấy biển bên trên, sáng lóng lánh, có chiếc xuồng và những người kia lộn ngược, nhìn giống như những chùm nho trên giàn vậy.
Cậu em họ ta là anh chàng điếc ấy, tỏ ra rất có năng khiếu trong việc lộn mèo này. Đôi tay vụng về của chú ấy, cứ tới khi chạm lên bề mặt Trăng (chú này luôn là người đầu tiên nhảy ra khỏi thang) là đột ngột trở nên thật khéo léo và nhạy cảm. Đôi tay này ngay lập tức tìm ra vị trí để anh chàng có thể kéo mình lên; nói cho đúng thì chỉ cần lực ép từ lòng bàn tay là cậu em ta có thể dính lên bề mặt của cái vệ tinh này rồi. Một lần, ta còn trộm nghĩ hình như Trăng bay về phía cậu em, khi chú ta giơ tay lên.

Chú cũng điệu nghệ y như vậy lúc trở xuống Trái Đất, dù thao tác lần này khó hơn. Đối với bọn ta, quá trình đi trở xuống bao gồm nhảy lên, càng cao càng tốt, tay giơ thật cao (nhìn từ Mặt Trăng thì như vậy nha, chứ nhìn từ Đất thì thấy bọn ta giống như đang lặn, hay là giống như đang bơi xuống, hai tay hai bên), nói cách khác là giống như nhảy lên ở trên mặt Đất vậy, có điều giờ không còn thang nữa, vì trên Trăng không có chỗ nào để kê thang cả. Nhưng thay vì nhảy giơ tay, cậu em họ gập người, cúi đầu xuống như thể sắp lộn nhào, rồi nhảy một phát, đẩy hai tay ra. Từ dưới xuồng, bọn ta quan sát cậu đứng thẳng giữa không trung giống như đang đỡ lấy quả cầu Trăng khổng lồ rồi bất thình lình dùng lòng bàn tay đẩy nó đi; rồi khi chân cậu em đến vừa tầm với, bọn ta sẽ cố túm lấy mắt cá và kéo xuống thuyền.

Rồi, giờ các người hỏi ta lên trên Mặt Trăng làm cái thứ gì phải không; để ta trả lời luôn. Bọn ta đi lấy sữa, bằng một cái muỗng lớn với một cái xô. Sữa Trăng rất đặc, giống kiểu phô mai mềm đó. Sữa được tạo ra ở các khe giữa hai vảy Trăng, bằng quá trình lên men của các sinh vật và khoáng chất có nguồn gốc Trái Đất, đã bay lên Mặt Trăng từ những thảo nguyên và rừng rậm mỗi khi Trăng lướt ngang những vùng này. Sữa Trăng phần lớn gồm nước ép cây cỏ, nòng nọc, hắc ín, đậu lăng, mật ong, tinh thể tinh bột, trứng cá tầm, mốc, phấn hoa, chất gelatin, giun, nhựa cây, tiêu, muối khoáng, bã của quá trình đốt. Mình chỉ cần đút muỗng xuống dưới lớp vảy phủ trên bề mặt Trăng, rồi mình múc lên đầy một muỗng cái chất quý giá đó. Dĩ nhiên sữa Trăng này không phải là loại tinh khiết rồi, còn nhiều tạp chất trong đó lắm. Trong quá trình lên men (diễn ra lúc Trăng bay ngang vùng sa mạc tỏa ra hơi nóng), không phải tất cả thành phần đều chảy ra; vẫn còn có thứ nằm kẹt lại trong cái hỗn hợp sữa như là: móng tay, sụn, bu lông, cá ngựa, quả hạch và cuống hoa, mảnh sành, móc câu, có lúc có cả lược nữa. Vì thế cái chất sữa này, sau khi thu về phải đem lọc tinh lại. Nhưng việc này không khó, cái khó nằm ở chỗ làm sao chuyển sữa về mặt Đất. Đây là cách bọn ta đã làm: bọn ta hất từng muỗng sữa lên trời bằng hai tay, dùng muỗng làm đòn bẩy. Cái chất sữa đặc như phô mai bay lên, nếu bọn ta ném đủ mạnh nó sẽ dính lên trên trần, nghĩa là dính lên mặt biển Trái Đất. Một khi rơi xuống biển rồi, chúng sẽ nổi lềnh bềnh, bọn ta chỉ việc kéo lên xuồng thôi. Cậu em điếc cũng rất có năng khiếu trong việc này; chú có lực tay mạnh, mà nhắm cũng tốt nữa; chỉ cần một cú ném mạnh, chú có thể hất miếng phô mai vào thẳng trong cái xô bọn ta đang giơ lên. Ta thì hay ném hụt; muỗng sữa không thắng được lực hút của Trăng và rơi thẳng lại xuống mặt ta.

Ta chưa kể hết cho mấy người rằng cậu em họ của ta còn giỏi những gì nữa đâu. Cái công việc múc sữa từ vảy Trăng ấy chỉ là trò trẻ con với chú ấy: đôi khi thay vì phải dùng muỗng, chú chỉ cần thọc tay xuống dưới lớp vảy, có lúc chỉ cần một ngón tay là đủ. Chú ấy không làm theo trật tự gì cả, mà cứ hay đi ra chỗ vắng, nhảy tới nhảy lui, như thể là đang trêu ghẹo Trăng, làm Trăng giật mình, hoặc có lẽ là cù cho nàng bật cười. Và bất kể nơi nào chú ấy đặt tay xuống là sữa lại vọt ra như là vắt từ vú dê vậy đấy. Thế là đám còn lại bọn ta chỉ việc lò dò đi theo và lấy muỗng múc hết sữa chú em vừa vắt ra, lúc thì chỗ này, lúc thì chỗ kia, nhưng rất hên xui may rủi, vì anh chàng Điếc này đúng là làm việc chẳng có theo trật tự gì cả. Ví dụ như là, có chỗ thì chú ây sờ vào hoàn toàn chỉ để sờ cho vui vậy thôi: là những khoảng hở giữa hai cái vảy Trăng, là những nếp gấp trần trụi và mềm mại của da thịt Trăng. Đôi khi cậu em họ ta không chỉ ấn ngón tay xuống, mà còn nhảy nhót rất nhẹ nhàng đúng mực rồi ấn ngón chân to của mình vào da thịt Trăng (chú ấy đi chân không lên mặt Trăng mà). Có vẻ như đây là trò vui nhất của chú ấy, nếu như bọn ta có thể đánh giá thông qua cái âm thanh líu lo vang ra từ cổ họng của chú khi tiếp tục nhảy nhót qua lại. 

Bề mặt của Trăng không chỉ phủ đều vảy, mà còn phô ra đôi chỗ có đất trơn và nhạt màu. Cậu em Điếc rất thích lộn nhào ở những chỗ đất mềm này, hoặc là thích bay lên như chim, cứ như là chú ấy muốn ấn hết cả cơ thể mình ngập vào phần thịt da mềm mại của Trăng. Khi cậu em lang thang ngày một xa, tới một lúc bọn ta không còn trông thấy chú ấy nữa. Trên mặt Trăng có nhiều khu vực rộng lớn mà bọn ta chưa từng có bất kỳ lý do hay mảy may tò mò nào để mà lần ra đấy, và đó chính là nơi cậu em ta biến mất. Ta ngờ ngợ rằng phải chăng những cú lộn nhào với huých đẩy diễn ra trước mắt bọn ta chỉ là để che mắt, là phần dạo đầu để cho âm mưu bí mật của chú muốn đi xa tới những phần còn ẩn dấu kia.

Bọn ta đã ở trong một tâm trạng rất đặc biệt vào những đêm rời khỏi mỏm đá Kẽm: vui vẻ, phấn khích nhưng đượm một chút hồi hộp, giống như ở trong hộp sọ của mình, thay vì não, bọn ta cảm thấy có một con cá, lơ lửng, bị Trăng nhè nhẹ hút lên. Bọn ta lái xuồng, đùa giỡn và ca hát. Vợ của Thuyền trưởng chơi chiếc đàn harp; nàng có đôi tay rất dài, óng ánh bạc như những con lươn dưới biển những đêm đấy, với khe nách phần cuối cánh tay ẩn trong bóng tối và huyền hoặc như bầy nhím biển; và tiếng đàn harp thì ngọt ngào và xuyên thấu lòng, ngọt và nhọn tới nỗi gần như khôn kham, và bọn ta buộc phải thốt lên lời cảm thán, không phải để hòa cùng âm nhạc mà chính là để bảo vệ lấy đôi tai của mình. 

Những con sứa trong suốt nhô lên khỏi mặt biển, co đập một khoảnh khắc, rồi bay về phía Trăng. Bé Xlthlx thích thú thò tay ra cố tóm lấy chúng giữa không trung. Có lúc bé vươn cánh tay nhỏ lên để bắt một con sứa, bé nhảy nhẹ lên và thế là bị Trăng hút rồi bay lơ lửng. Bé nhẹ quá, còn thiếu mấy chục gram trọng lượng nữa để Trái đất có thể thắng được lực hút của Trăng, thế là bé lơ lửng giữa trời cùng với bầy sứa, bồng bềnh trên mặt biển. Bé hoảng sợ, thét lên, rồi sau đó cười nắc nẻ và bắt đầu đùa giỡn, tóm lấy mấy con sò và cá con cũng đang lơ lửng, cho vào miệng và nhai. Bọn ta chèo cật lực để đuổi theo bé: Trăng vẫn chạy theo quỹ đạo elip của mình, cuốn đi theo bầy sinh vật biển, gồm cả những dải rong biến quấn lấy vào nhau và Xlthlx bập bềnh ở giữa. Hai bím tóc mỏng của bé như đang tự ý bay lượn, vươn về phía mặt Trăng; nhưng sau một hồi, bé vùng vẫy và đá vào không khí như muốn chống lại sức hút đó, giày của bé đã tuột khỏi chân trong khi bay, giờ thì đôi tất cũng trượt ra và đu đưa, vì bị Trái đất hút. Ở trên thang, bọn ta cố đưa tay tóm lấy.

Ý tưởng tóm lấy bầy sinh vật nhỏ mà ăn đúng là hay, càng ăn thì Xlthlx càng nặng và càng chìm xuống Trái đất; đúng ra mà nói thì trong bầy sinh vật lửng lơ đó, những con thân mềm, rong biển và phù du to nhất bắt đầu bị hấp dẫn hút về xung quanh bé, và một lúc sau bé đã phủ đầy vỏ sò silic, giáp tôm kitin, và rong biển sợi. Bé càng bị phủ thì càng thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trăng và bắt đầu sượt qua làn nước biển và chìm xuống.

Bọn ta chèo nhanh tới để kéo bé lên, người bé vẫn còn rất hút, bọn ta phải vất vả lắm mới gỡ hết đám sinh vật ra vây lấy bé. Những nhánh san hô mềm vướng vào tóc bé, và mỗi lần bọn ta chải tóc là hàng đống tôm với cá mòi ủa ra. Mi mắt bé bị mấy con sao sao bu vào kéo xuống, xúc tu mực thì quấn lấy tay và cổ, áo đầm thì trông như dệt bằng rong và bọt biển. Bọn ta gỡ gần hết mọi thứ ra, nhưng trong nhiều tuần sau, lâu lâu bé lại rút ra từ đâu đó khi thi cái vảy cá, khi thì miếng vỏ sò, còn da bé thì lấm chấm những tảo cát, ai mà nhìn không kỹ thì cứ tưởng chỉ là tàn nhang trên mặt bé mà thôi.

Nói như vậy chắc mấy người đủ thấy Trái đất và Trăng hút lẫn nhau như thế nào, hai lực hầu như ngang bằng, đánh nhau ở cái khoảng không ở giữa. Để ta nói thêm với mấy người cái này nữa: một vật từ Trăng hạ xuống Trái đất cũng bị lực Trăng hút một lúc, chống lại cái hấp dẫn của mặt đất. Ngay cả ta, to và nặng thế này, lần nào ta từ trên đó xuống, ta cũng phải mất một lúc để quen với bên trên bên dưới của Trái đất, còn những người kia thì phải nắm lấy tay ta, giữ lấy ta mà kéo trên chiếc xuồng bập bềnh theo sóng trong khi đầu ta vẫn lơ lửng còn chân ta vẫn duỗi thẳng lên trời.

"Nắm lấy này! Nắm lấy chúng tôi!", họ la lên như vậy, và trong lúc dò dẫm, đôi lần tay ta nắm phải bầu ngực của vợ thuyền trưởng Vhd Vhd, bầu ngực tròn và chắc, dễ chụp lấy và có một lực hấp dẫn cũng mạnh như Trăng, có khi còn mạnh hơn, đặc biệt là khi ta cố lao xuống, vòng tay ôm lấy eo của nàng, và như thế ta trượt trở lại Trái đất, ngã rầm xuống lòng xuồng, với Thuyền trưởng Vhd Vhd kéo ta dậy và dội một xô nước vào mặt ta.

Đây chính là bắt đầu câu chuyện tình của ta với vợ thuyền trưởng Vhd Vhd và cũng là bắt đầu cho niềm đau khổ của ta. Vì không lâu sau ta nhận ra người mà nàng luôn nhìn đắm đuối chính là cậu em họ Điếc, mỗi khi bàn tay của cậu em ghì chặt lấy Trăng là ta lại lén nhìn nàng, và trong đôi mắt nàng ta đọc được rằng tình cảm thân thiết giữa chàng Điếc và Trăng khiến nàng bị khuấy động ra sao; và khi chú ấy biến mất sau những chuyến thám hiểm Trăng của mình, ta thấy nàng bồn chồn không yên, như đang ngồi trên lửa nóng, và rồi tất cả chợt hiện rõ lên với ta, nàng Vhd Vhd đang ghen với Trăng còn ta thì ghen với cậu em họ của mình. Mắt nàng làm bằng kim cương, nàng Vhd Vhd ấy; đôi mắt rực sáng lên khi nàng nhìn Trăng, gần như thách thức, như thể nàng muốn nói: "Trăng, người không thể có chàng cho riêng mình được!". Và ta cảm thấy như ta là một người ngoài cuộc.

Người chẳng hề biết chút gì về tất cả chuyện này chính là cậu em họ Điếc. Khi bọn ta kéo chú ấy xuống - như ta đã kể ở trên - bằng cách nắm lấy chân mà kéo, nàng Vhd Vhd mất hết cả tự chủ, nàng làm mọi cách để kéo hết sức chú ấy bằng sức nặng của mình, quấn lấy đôi tay dài của nàng quanh chú em; ta cảm thấy một cơn nhói đau trong ngực (khi ta nắm lấy nàng, cơ thể nàng mềm mại và êm dịu, chứ không căng lên và mạnh mẽ như khi nàng kéo cậu em. Trong khi đó, cậu Điếc vẫn cứ lãnh đạm, ngập chìm niềm hạnh phúc với Trăng của mình.

Ta nhìn sang Thuyền trưởng, tự hỏi không biết ông có thấy gì qua cử chỉ của vợ mình, nhưng không bao giờ có chút xúc cảm nào biểu lộ ra trên mặt ông, khuôn mặt bị muối ăn mòn, hằn những nếp nhăn như hắc ín. Vì cậu Điếc luôn là người cuối cùng xuống khỏi trăng, xuồng luôn bắt đầu nhổ neo khi chú ấy chạm đất. Rồi với một cử chỉ lịch thiệp, thuyền trưởng Vhd Vhd nhặt lấy chiếc đàn harp ở lòng xuồng, đưa cho vợ mình. Nàng buộc phải nhận và chơi một vài nốt. Không gì chia cắt nàng khỏi cậu Điếc bằng âm thanh chiếc đàn. Ta âm ư hát bằng giọng thấp một bài hát buồn như thế này: 

"Này đàn cá óng ánh đang trôi, đang trôi;
Và này đàn cá thẫm chìm ở đáy, chìm ở đáy đại dương..."

Tất cả mọi người, trừ cậu em Điếc, đều hát theo từng chữ của ta.

Bình thường, lúc chưa tới kỳ Trăng cậu Điếc lại về làm con người cô độc tách rời khỏi thế giới; chỉ khi Trăng sắp sửa tròn là chú em ta mới trở nên hăng hái khác lạ. Lần đó ta đã sắp xếp mọi thứ để sao cho không phải tới lượt mình phải trèo lên Trăng, để ta được ở trên xuồng cùng với vợ Thuyền trưởng. Nhưng rồi, tới khi cậu em trèo lên thang, nàng Vhd Vhd nói: "Lần này em cũng muốn trèo lên Trăng!".

Điều này chưa bao giờ xảy ra; vợ Thuyền trưởng chưa từng đặt chân lên mặt Trăng. Nhưng Thuyền trưởng Vhd Vhd không phản đối, ông còn đẩy nàng lên thang và kêu lên: "Vậy thì đi đi!", rồi bọn ta cùng giúp đưa nàng lên. Ta đỡ nàng từ phía sau, cảm thấy sự tròn trịa và mềm mại của nàng trên cánh tay ta, và để đưa nàng lên, ta bắt đầu áp mặt mình và lòng bàn tay mình lên nàng, rồi khi ta cảm thấy nàng bắt đầu bay lên mặt Trăng, ta chợt u sầu vô cùng ngay giây phút ta không còn chạm vào nàng nữa, thế là ta đuổi theo nàng, và la lên: "Tôi cũng sẽ đi lên đó phụ mọi người một lúc!"

Nhưng ta bỗng bị Thuyền trưởng giữ lại, hệt như ông cố dùng một cái kẹp để níu lấy ta. "Cậu ở lại đây; cậu còn việc phải làm", Thuyền trưởng ra lệnh, giọng ông bình thản.

Ngay lúc đó, ý định của từng người đã hiển hiện rõ ràng. Thế mà ta lại không hiểu ra; ngay cả bây giờ ta cũng không chắc liệu ta có hiểu rõ ràng hay không nữa. Chắc chắn vợ Thuyền trưởng đã từ lâu nung nấu ý định muốn cùng đi với cậu em ta tới một chốn riêng tư chỉ có hai người (hay ít nhất ngăn không cho cậu chạy trốn một mình với Trăng), nhưng có lẽ nàng còn một kế hoạch táo tợn hơn, đó là thuyết phục cậu em đồng ý, để mà hai người họ cùng trốn đi, không về xuồng và trú lại ở trên Trăng trong vòng một tháng, cho tới kỳ trăng tiếp theo. Nhưng có lẽ cậu em ta, vì điếc nên không hiểu những gì nàng cố gắng nói với chú, hoặc có lẽ chú ấy còn chưa nhận ra rằng mình chính là đối tượng thèm khát của nàng. Còn Thuyền trưởng? Ông chẳng muốn gì hơn việc tống khứ được vợ mình đi; đúng ra, ngay khi nàng đã yên vị ở trên Trăng, ông mới hiện ra mặt ý định độc ác của mình, và rồi bọn ta hiểu ra tại sao ông chẳng hề làm gì để giữ nàng ở lại. Nhưng ông có biết rằng quỹ đạo của Trăng đang ngày một nới rộng ra hay không?
Chẳng ai có thể ngờ chuyện ấy lại xảy ra. Cậu Điếc thì có lẽ, nhưng chỉ mình cậu ấy thôi: chắc bằng cái nhận thức mù mờ của mình, chú em ta đã có một dự cảm mơ hồ rằng chú sẽ phải nói lời vĩnh biệt với Trăng chính vào đêm ấy. Vì thế mà chú trốn biệt vào cái góc bí mật của mình, ở lì trong đó với Trăng cho tới tận lúc sắp sửa về thuyền với xuất hiện trở lại. Vợ Thuyền trưởng chẳng có cách nào tìm ra chú: bọn ta thấy nàng chạy đôn chạy đáo khắp nơi trên cái bề mặt đầy vảy của Trăng, bất thần dừng lại, nhìn về phía bọn ta như hỏi có thấy chàng Điếc về thuyền chưa.

Nghĩ lại mà nói, đêm ấy quả là có phần kỳ lạ. Mặt biển thay vì căng ra như chão mỗi đêm Trăng tròn, có khi thành một vòng cung hướng về phía bầu trời, nay lại ủ rũ, chùng xuống, cứ như lực hút của Trăng không còn chút sức nào nữa. Còn ánh Trăng nữa, không còn giống như ánh Trăng tròn mọi khi; bóng đêm hôm ấy như đậm đặc hơn. Những người lên mặt Trăng hôm ấy chắc cũng nhận ra là có chuyện gì đó không bình thường đang diễn ra. Họ ngước nhìn lên phía bọn ta đang ở dưới mặt đất với ánh mắt kinh hãi. Rồi từ miệng của họ lẫn của chúng ta, vang lên cùng một lúc tiếng la thất thanh: "Trăng đang trôi ra xa!"

Tiếng kêu vẫn còn vang vọng khi cậu Điếc đột ngột xuất hiện và chạy. Cậu trông không có vẻ gì hoảng sợ, hay ngạc nhiên: cậu chống hai tay xuống đất, lộn nhào một cái như thường làm, nhưng lần này khi cậu bắn lên không trung, cậu đột ngột bị giữ khựng lại như bé Xlthlx lần trước. Cậu lơ lửng giữa trời trong một khoảnh khắc, rồi huơ tay cật lực, như một người đang cố bơi ngược nước, cậu dần tiến về phía trái đất bằng một tốc độ chậm chạp chưa từng thấy trước đây.

Từ phía Trăng, các thủy thủ khác vội vã làm theo cậu Điếc. Không ai nán lại vớt vát chút sữa Trăng nào để mang về xuồng, mà Thuyền trưởng cũng không la rầy ai vì điều này cả. Họ đã chần chừ hơi lâu, khoảng cách giờ đây trở nên khó mà vượt qua hơn; họ bắt chước cách nhảy và cách bơi của cậu Điếc, nhưng đều bị giữ lại, dò dẫm trên không trung. "Nắm lấy nhau! Khờ quá! Bám lấy nhau mà nắm!", Thuyền trưởng la lên. Nghe thấy lệnh, các thủy thủ cố tạo thành một khối, để đẩy lẫn nhau cho tới khi họ rơi vào vùng hấp dẫn của trái đất: bất thình lình, cả khối cơ thể rơi xuống mặt biển vang lên một tiếng ùm to.

Bọn ta phải chèo xuồng ra để vớt họ lên. "Chờ đã! Còn thiếu vợ Thuyền trưởng!", ta kêu lên. Vợ Thuyền trưởng cũng đã cố nhảy lên, nhưng nàng vẫn còn đang trôi lơ lửng cách mặt Trăng vài mét, chầm chậm huơ đôi tay dài lấp lánh bạc của nàng trong không trung. Ta trèo lên thang, cố gắng trong vô vọng đưa cho nàng đàn harp để nắm. "Tôi không với tới cô ấy! Chúng ta phải chèo về phía cô ấy!" và ta bắt đầu nhảy lên, khua khua cái đàn. Trên đầu ta, cái đĩa mặt Trăng không còn như cũ nữa: nó đã nhỏ hơn nhiều và vẫn tiếp tục nhỏ lại, như thể ánh nhìn của ta khiến cho nó trôi ngày một xa, còn bầu trời ngày càng mở rộng ra như khe vực thẳm, để lộ ra dưới đáy vô vàn vì sao, và đêm tối khiến ta ngập tràn trong hư vô, nhấn chìm ta trong cơn choáng váng và hoảng loạn.

"Mình sợ," ta nghĩ, "mình sợ quá không thể nhảy được. Mình là đứa hèn!" và ngay lúc đó, ta nhảy lên. Ta bơi dữ dội trên nền trời, đưa chiếc đàn về phía nàng, và thay vì tiến về phía ta, nàng cứ lộn nhào, lộn nhào, làm ta đầu tiên trông thấy khuôn mặt điềm tĩnh của, rồi sau đó là tấm lưng nàng. 

"Nắm chặt lấy tôi!", ta la lớn, và ta đã bám lấy được nàng, quấn tay chân ta vào tay chân nàng. "Nếu chúng ta giữ chặt lấy nhau thế này, chúng ta sẽ xuống được!" và ta tập trung hết sức lực để khiến ta với nàng thành một khối, ta cũng tập trung hết cảm giác của mình để tận hưởng cái ôm thật chặt này. Quá đắm chìm trong cảm giác của mình, ta không nhận ra rằng thật ra ta đã kéo nàng ra khỏi trạng trái không trọng lượng, để rồi khiến nàng rơi ngược trở lại Trăng. Ta chẳng nhận ra ư? Hay đó chẳng qua chính là ý định của ta ngay từ ban đầu? Trước khi ta kịp suy nghĩ cho thấu đáo, một tiếng kêu đã dâng lên tới cổ họng ta. "Tôi sẽ là người ở với em trong một tháng!", à mà không đúng, "Bên em!", ta la lên, trong niềm háo hức: "Tôi sẽ ở bên em trong một tháng!" và đúng ngay lúc đó, ta và nàng bị dứt ra khỏi nhau khi cả hai cùng rơi ầm xuống Trăng, chúng ta lăn về hai ngả trên những chiếc vảy Trăng lạnh lẽo.

Ta ngẩng đầu lên như một thói quen mỗi khi ta chạm bề mặt Trăng, để nhìn cho chắc là trên đầu ta vẫn là mặt biển quen thuộc trải rộng ra như một cái trần nhà mênh mông vô hạn, và ta lại nhìn thấy biển, thật vậy, vẫn là biển, nhưng cao hơn nhiều và hẹp hơn nhiều, bị những bờ những bãi, những doi những vịnh, những vách đá bao lấy chung quanh, và những chiếc xuồng của chúng ta nữa, nhỏ làm sao, những khuôn mặt bạn bè ta mới xa lạ làm sao, tiếng kêu la của họ mới yếu ớt làm sao. Ta nghe một tiếng động ở gần mình: Nàng Vhd Vhd đã tìm ra chiếc đàn harp của nàng và đang mân mê nó, rồi kéo một tiếng tơ nghe não nùng như tiếng khóc. 

Một tháng dài bắt đầu. Trăng chầm chậm dịch chuyển quanh quả Đất. Chúng ta không còn nhìn thấy bờ biển quen thuộc của mình nữa, mà giờ là những dặm dài đại dương xa xôi, sâu thẳm như vực và những hoang mạc đầy những đá vụn lấp lánh, những lục địa phủ băng, những rừng rậm oằn mình dưới bầy bò sát, những rặng núi bị dòng sông chảy siết xẻ ngang, những thành thị lầy lội, những nghĩa địa đầy mộ đá, và những đế chế xây bằng đất sét và bùn. Khoảng cách vời vợi phủ một màu đơn điệu lên tất cả mọi thứ: cảnh tượng xa lạ khiến mọi hình ảnh đều xa lạ; tất cả đều trông như nhau, những đàn voi và những đàn châu chấu chạy khắp các bình nguyên, mênh mông, dày đặc, và rậm rạp một cách đều tăm tắp, y hệt như nhau.

Ta phải nên vui mới đúng: giờ thì như ta hằng mơ, ta đã được ở một mình bên nàng, ở thật gần theo đúng cái kiểu cậu em Điếc thân thiết với Trăng khiến ta luôn ghen tị, và nàng Vhd Vhd giờ là của riêng ta, những ngày những đêm ròng một tháng trời trôi qua không gì gián đoạn, vỏ Trăng nuôi sống chúng ta bằng thứ sữa Trăng có cái vị chua chua mà ta ăn đã quen, chúng ta ngước mắt nhìn lên, nhìn lên cái hành tinh mà chúng ta đã sinh ra, chúng ta đã được trông thấy tất cả mọi miền đất, được nhìn hết những phong cảnh chưa một người Trái Đất nào được chứng kiến qua, nếu không thì chúng ta cũng đã ngắm những vì sao xa hơn Trăng, to như quả mọng, làm bằng ánh sáng, lơ lửng trên cành cong của bầu trời, tất cả mọi thứ đều vượt quá những hy vọng, những mơ tưởng hão huyền nhất của ta ngày trước, thế nhưng, thế nhưng, hoàn cảnh này, đối với ta giờ đây thực chẳng khác nào một cuộc đày ải, một hình phạt tha hương.

Ta chỉ nghĩ về Trái Đất. Chính Trái Đất đã khiến chúng ta trở thành chúng ta như ngày hôm nay; ở trên này, cách Trái Đất vời vợi, cứ như mọi thứ đổi khác, ta không còn là ta, nàng cũng không còn là nàng. Ta chỉ mong mỏi vô cùng được trở về Trái Đất, và ta run rẩy mỗi khi nghĩ tới việc phải rời ra nó mãi mãi. Giấc mơ tình yêu của ta đã thỏa mãn ngay cái khoảnh khắc chúng ta ôm lấy nhau ở giữa Đất và Trăng; bị tách rời khỏi đất, ta giờ chỉ còn biết tới nỗi nhớ nhà quặn thắt lấy tim, nỗi nhớ man mác về cái nơi chốn, cái bắt đầu, cái kết thúc không còn nữa.

Đây là những điều ta cảm thấy. Còn nàng? Khi ta tự hỏi mình điều đó, nỗi sợ như xé ta rách làm đôi. Bởi vì nếu nàng cũng chỉ nghĩ về Trái Đất, đó là một điềm tốt với ta, nó cho thấy nàng cuối cùng cũng đã hiểu ta, nhưng cũng có thể tất cả mọi thứ đều là công cốc, vì những nỗi nhớ của nàng đều vẫn và chỉ hướng về cậu em Điếc. Thay vì thế, nàng chẳng cảm thấy gì cả. Nàng chẳng bao giờ ngước mắt nhìn lên hành tinh cũ, nàng cứ thơ thẩn, trông tái nhợt, loanh quanh những vùng đất trống, lầm bầm những bài ca buồn, và gảy chiếc đàn của mình, như thể muốn tạm thời (ta nghĩ thế) hoàn toàn làm quen với tình cảnh lúc này của mình. Thế có phải là ta đã thắng tình địch của mình không? Không; ta đã thua: một thất bại vô vọng. Vì nàng đã nhận ra rằng cậu em ta chỉ yêu mỗi Trăng, điều duy nhất nàng muốn bây giờ là trở thành Trăng, được hòa làm một với Trăng, với thứ tình yêu kỳ lạ của cậu em ta.

Khi Trăng đã đi trọn một vòng quanh Trái Đất, chúng ta lại trở về ở trên Mỏm đá Kẽm. Ta bần thần nhận ra khung cảnh quen thuộc: chưa bao giờ, dù trong những mường tượng tăm tối nhất, ta có thể hình dung ra cảnh mình đứng nhìn về Mỏm đá ở một khoảng cách vời vợi thế này. Giữa biển khơi lầy lội như vũng bùn, các bạn ta vẫn đang cố gắng, nhưng lần này không dùng thang nữa. Từ dưới xuồng mọc lên một rừng những cây gậy dài, mỗi người đều vung lên một cây, cây nào cũng có gắn móc ở đầu, có lẽ nhằm mục đích vớt vát chút sữa Trăng cuối cùng, cũng như cố giúp bọn ta trèo xuống. Nhưng rồi, mọi người mau chóng nhận ra rằng không có cây gậy nào đủ dài để với tới Trăng, và thể là họ bỏ cuộc, những cây gậy ngắn ngủn nực cười, nổi lềnh bềnh trên mặt biển; trong cơn bối rối, vài chiếc xuồng mất cân bằng, lật nhào xuống nước. Thế mà, lại ngay lúc đó, từ một xuồng khác, một chiếc gậy dài hơn, gắn lại từ những chiếc gậy ngắn mới đây thôi vẫn còn lềnh bềnh trên sóng nước, bắt đầu huơ về phía Trăng. Chiếc gậy hẳn phải làm bằng tre, nhiều gây tre nhỏ, nhiều lắm, gắn lại vào nhau, thế nên để đưa nó lên cao, họ phải nâng thật châm, vì gậy tre mỏng manh như vậy, chỉ cần lỡ tay là nó sẽ gãy ngay. Họ cũng phải nâng gậy thật cẩn thận, nếu không muốn làm lật thuyền.

Lập tức, bọn ta nhận ra rằng đầu gậy lần này sẽ chạm vào Mặt Trăng, rồi thấy nó sượt qua bề mặt, ấn vào nền đất Trăng đầy vảy, ngừng một chút, rồi đẩy nhẹ, không phải, đẩy mạnh thì đúng hơn, làm cho gậy nảy ra, rồi bật trở lại đập vào đúng điểm đó, rồi lại nảy trở ra. Rồi ta nhận ra, cả hai ta - vợ Thuyền trưởng và ta - đều nhận ra, đó chính là chú em ta, không thể là ai khác, đang chơi đùa lần cuối cùng với Trăng của mình, bằng cách dùng gậy cù Trăng, như thể chú vẫn thường đùa với nàng. Và bọn ta nhận ra rằng chú em ta không hề có một chủ đích nào cả, mấy người có thể nói rằng chú ấy đang cố giúp đẩy Trăng ra xa, cố cho Trăng thấy được quỹ đạo rộng hơn của nàng. Chính là kiểu chú ấy chứ không lẫn vào đâu được, chú hoàn toàn không hề có bất kỳ mong muốn nào đi ngược lại ý thích của Trăng, hành trình và số phận của Trăng, nếu Trăng muốn trôi ra xa, thì chú sẽ vui lòng giúp Trăng đạt ý nguyện, hệt như, cho tới mới đây, chú vẫn hạnh phúc ở cùng Trăng gần bên mình.

Nàng Vhd Vhd sẽ làm gì, khi chứng kiến tất cả cảnh này? Chính lúc này, nàng lại chứng tỏ rằng tình yêu của mình với cậu Điếc là một lời thề nguyện bất khả bội, hoàn toàn không phải là thứ tình cảm nhẹ dạ nhất thời. Nếu chú em ta hết lòng hết dạ với Trăng cách xa thăm thẳm, thì nàng cũng sẽ một mực nguyện ở trên Trăng thăm thẳm cách xa. Ta nhận ra điều này, khi không thấy nàng bước tới đầu gậy tre, mà chỉ xoay chiếc đàn harp về phía Trái Đất, cao cao trên trời, buông vài tiếng tơ. Ta nói ta thấy nàng, nhưng thật ra bóng dàng nàng chỉ sượt bên góc mắt ta mà thôi, vì ngay khi gậy chạm vào Trăng, ta đã buông hết tốc lực chay tới, bám ngay lấy nó, và giờ đây, nhanh như con rắn bò, ta đang trèo theo từ mấu tre, tay chân thoăn thoắt tiến về phía trước, ta thấy nhẹ bẫng trong phần không gian loãng giữa hai thiên thể, ta được cái sức mạnh tự nhiên điều khiển, sai khiến ta phải trở về Trái Đất, ta hiểu rõ, ta nhận ra cái ý định ban đầu đã mang ta lên Trăng, nhận ra cái kết cục không hay ho gì của nó; và cuối cùng, nỗ lực của ta cũng khiến ta trèo tới được điểm mà ta không còn cần phải cố gắng gì nữa, lực hút từ Trái đất khiến ta chỉ cần để mình tự trượt, đầu chúi xuống, cho tới khi chiếc gậy gãy ra làm nhiều mảnh, còn ta thì rơi xuống biển, giữa những chiếc xuồng.

Ta đã trở về trong ngọt ngào, đã tìm lại được nhà của mình, nhưng tâm trí ta vẫn ngập tràn nuối tiếc vì đã đánh mất người con gái ta yêu, và khi muốn tìm nàng, ta lại nhìn về phía Trăng, giờ đây hoàn toàn ngoài tầm với. Ta thấy nàng. Nàng vẫn ở lại nơi ta đánh mất nàng. Nàng ngồi trên một bờ biển ngay trên đầu ta, và nàng im lặng. Nàng tiệp cùng màu với Trăng; nàng nâng chiếc đàn harp, rải vài hợp âm chậm. Ta vẫn nhìn ra được dáng hình bờ ngực nàng, cánh tay nàng, đùi nàng, hệt như trong trí nhớ. Tới giờ ta ta vẫn còn nhớ, tới tận bây giờ, khi mà Trăng đã trở thành cái hình tròn bẹp, xa xăm trên bầu trời, và ta vẫn tìm kiếm nàng như vậy mỗi khi mảnh trăng đầu tiên hiện ra. Trăng càng già, ta càng thấy nàng rõ nét hơn, thấy nàng hay thấy bất kể thứ gì của nàng, nhưng chỉ nàng mà thôi, trong hàng trăm, hàng ngàn viễn tượng, chính nàng người ta làm Trăng trở thành Trăng, chính nàng, mỗi khi tròn, lại khiến bầy chó hú gào thâu đêm, và có cả ta cùng nhập cuộc.

[Hết]

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Hãy quên mình đi

Tôi viết cái ở dưới vào ngày 31 tháng 12, ngày cuối cùng của năm 2010. Bản gốc tôi viết là bằng tiếng Anh, ở chỗ này. Thời kỳ đó là lúc tôi bị chìm vào một cái mặc cảm tội lỗi bàng bạc và mờ ảo không rõ nguyên nhân, kèm với cái nỗi bức bối của cái kỳ thi sắp diễn ra. Nhờ ghi chép lại trên cái blog này mà về sau tôi vẫn còn nhớ được mình đã trải qua những gì. Ngoài cái cảm giác mơ hồ rằng mình làm điều gì đó sai, tôi còn có cái cảm giác mình đang im lặng và nắm giữ một bí mật, rồi lại còn kiểu như trẩu tre, nghĩ rằng mình rất oách, rất xịn (Đây là hương và đây là hoa). Rồi tôi bắt đầu viết về Umbreon và Espeon (cái sê ri đó đây), xem như là hai cái biểu tượng cho suy nghĩ của mình. Espeon là con pokémon mèo mặt trời (Eevee tiến hóa max friendship buổi sáng), Umbreon là con pokémon mèo bóng đêm (Eevee tiến hóa max friendship buổi tối). Espeon hệ siêu linh và là ánh sáng nên nó tượng trưng cho rất cả những gì phô trương, những gì chói rạng, những gì tinh túy và đẹp đẽ nhất của tôi. Umbreon là bóng tối, nó tượng trưng cho đêm đen im lặng, nhưng tràn đầy năng lượng, và chứa đựng tất cả những gì bí mật tôi chứa bên trong mình, có khi nhầy nhụa, nhưng cũng có cái còn đẹp hơn những gì phô ra.



____________________

(Eng ver.)

Hãy quên mình đi
Hãy quên mình đi
Xin hãy quên mình đi

Vì mình nằm ngủ đè lên bông hoa
Mọc trên ngọn cây
Vì mình ngồi đếm đàn cừu
Chạy ngoài đồng cỏ
Vì mình bắt mất con chim
Hót bên cửa sổ

Hãy quên mình đi
Hãy quên mình đi
Xin hãy quên mình đi

Bằng không mọi người sẽ mãi chẳng tha thứ cho những gì mình đã làm.

Hãy rời mình đi
Hãy rời mình đi
Xin hãy rời bỏ mình đi
Hãy xa mình ngay, khi mình còn bay trên không
Hãy xa mình ngay, khi mình còn chưa biết
Mình đẹp đẽ, mình tinh khiết, nhưng mình dễ vỡ
Thế nên xin hãy rời mình ngay
Khi mình còn chưa tới

Khi mình còn chưa tới
Xin hãy bảo bạn mình, rằng mình sẽ ghé ngang qua
Xin hãy bảo mèo mình, rằng mình sẽ cho nó ăn sau
Xin hãy bảo Espeon, rằng thật ra nó không biết gì cả
Xin hãy bảo Umbreon, rằng nó nên khóc đi thì hơn
Và xin hãy tự bảo với người, rằng hãy rời mình ngay.

Bằng không mọi người sẽ mãi chẳng tha thứ cho những gì mình đã làm.

Hãy quên mình đi
Hãy quên mình đi
Mọi người ơi, xin hãy quên mình đi

Vì mình rồi sẽ quên mọi người thôi.

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Câu chuyện nhiệt độ hay là Boltzmann và cái bêta

Vào khoảng thế kỷ 17, để phục vụ cho khoa học, người ta bắt đầu xây dựng các thang nhiệt độ. Bắt đầu là ông Newton. Newton dùng dầu lanh (linseed oil) làm "nhiệt kế", đo sự giãn nở thể tích của dầu lanh ở các độ nóng lạnh khác nhau (lúc này chưa có cái thứ gọi là "nhiệt độ". Newton dùng 2 mốc chuẩn, mốc đầu tiên là "nhiệt độ" nước đá đang tan, rồi ông gán cho cái này giá trị bằng không, mốc thứ hai là "nhiệt độ" cơ thể người bình thường, rồi trong cơn cuồng số 12 của dân Anh quốc (tàn tích từ thời La Mã, 12 inch = 1 foot, 12 cái gì đó = 1 dozen, 12 dozen = 1 gross, 12 pence = 1 shilling), Newton gán cho nó giá trị 12 luôn. Rồi Newton cũng chua thêm 1 mốc phụ nữa, là "nhiệt độ" của nước sôi, rồi gán cho nó tiếp một giá trị cũng tâm linh không kém, số 33. Về cơ bản, thang nhiệt độ của Newton hoàn thành.

hình 1. Scala graduum caloris - Thang nhiệt độ của Newton, tiếng Latin, đọc không được nhưng nhìn cho vui

Khoảng chừng chục năm sau, ở Đức, một ông nhà khoa học khác tên là ông Fahrenheit cũng ngồi mày mò chế lại thang nhiệt độ của Newton. Tình hình thời bấy giờ, khoa học thực nghiệm đang loi ngoi đầu chui ra khỏi nhà thờ dưới ánh chói chang của thời Khai sáng, bắt đầu rũ bớt lập luận siêu hình loằng ngoằng nọ kia để bắt đầu viết công thức tính toán. Nói đơn giản là vì có tính toán số siếc này kia nên người ta muốn né số âm càng xa càng tốt. Fahrenheit cho rằng nhiệt độ của nước đá tan thật ra mà nói cũng chưa đủ độ lạnh, vẫn còn hơi cao, thế nên ông này mới mày mò trong phòng thí nghiệm, pha trộn đủ mọi hỗn hợp để kiếm ra một cái gì lạnh thiệt lạnh. Cuối cùng Fahrenheit trộn được một hỗn hợp gồm đá, nước và NH4Cl lại theo tỉ lệ 1:1:1 để được một hỗn hợp lạnh hơn nước đá tan, pha nhiều lần đo đi đo lại vẫn ra cùng nhiệt độ. Ông gán cho cái nhiệt độ mới này trị số bằng 0. Rồi tiếp tục theo phong trào, ông tiếp tục lôi nhiệt độ cơ thể ra làm cái mốc chuẩn thứ hai, và để cho nó tiện hơn, cho nó số 100. Ta được thang Fahrenheit.

Lại chục năm sau nữa, có một ông nhà khoa học nữa tên là Celsius ở nước Thụy Điển lại dựa theo thang của Newton làm thêm một cái thang nữa. Thang Fahrenheit có cái tiến bộ hơn Newton, nhưng cũng lại ăn theo cái dở, đó là do cái mốc chuẩn - thân nhiệt của con người - là cái thứ rất không đáng tin cậy, không phải ai thân nhiệt cũng giống nhau. Thế nhưng cái mốc lấy nhiệt độ sôi và đông đặc của nước thì lại khá tin cậy, vì hai cái nhiệt độ này tuy phụ thuộc vào áp suất khí ở nơi đo, nhưng nhìn chung, áp suất trong các phòng thí nghiệm là gần như nhau, có lệch tí thì cũng không gây lệch nhiệt độ quá nhiều. Thế là như chúng ta đều biết, thang Celsius ra đời, ban đầu thì nhiệt độ sôi của nước được lấy làm mốc dưới (là 0 độ C), còn nước đá sẽ tan ở 100 độ C, nhưng sau đó Celsius đổi lại cho nhiệt độ tan ở dưới còn nhiệt độ sôi trèo lên trên.

Như chúng ta cũng đã biết, về sau khi nhiệt động học cần đưa nhiệt độ vào để tính, thang Kelvin được đẻ ra thêm. Thang Kelvin thực tế chỉ là thang Celsius được đem đặt lệch sang một tí chừng 273 độ, sao cho 0 K trùng với độ lạnh tuyệt đối mà theo lý thuyết nhiệt động thì các phân tử sẽ ngừng rung và không thể nào lạnh hơn được nữa.

Hiện nay cả thế giới đều dùng độ C và độ K. Theo wiki thì còn đúng 5 nước vẫn vớ vẩn đi dùng độ F đó là các nước Bahamas, Belize, đảo Cayman, Palau và nước Mỹ. Việc dùng độ C hay độ F là thói quen hình thành từ nhỏ. Xài độ C từ nhỏ, nên tui rất bực mình vì tui không thể hình dung được nóng lạnh như thế nào mỗi khi coi báo chí hay sách vở mà xài độ F thay cho độ C. Thế nhưng, thực tế mà nói thì những người quen dùng độ F cũng có cái lý do của họ, đó là vì độ F thật ra là một thang đo rất thích hợp để nói chuyện thời tiết ở các nước vùng ôn đới, khi mà nhiệt độ từ mùa đông tới mùa hè chạy từ 0 độ F tới 100 độ F. Khi thời tiết được phát biểu trên thang Fahrenheit, mọi người có thể dễ dàng hình dung được trời đang nóng hay lạnh thế nào, 0 độ nghĩa là đang có tuyết đầy đường, 40 độ là se se, 80 độ là ấm áp dễ chịu, 100 độ là nóng chảy mỡ, còn nướng bánh mì thì nướng ở 400 độ (là khoảng 200 độ C). Còn ngoài việc này thì độ F hoàn toàn vớ vẩn, và trẻ con khi làm quen với độ F từ nhỏ, khi lớn lên học khoa học, lại phải mất công ngồi đổi đổi sang độ C, độ K để tính toán.


hình 2. hem comment

Tui đọc sách nhiệt động hóa lý Peter Atkins, thấy ổng đưa ra một ý kiến rất hay. Atkins là một ông giáo sư hóa học trường Ox, chuyên viết sách giáo khoa hóa lý ai cũng đọc, và chuyên đi tranh luận Chúa có tồn tại không (ổng toàn nói "Không"), cặp bài trùng với Richard Dawkins (tuy nhiên quan điểm còn dữ dội hơn Dawkins). Trước khi nói về ý kiến rất hay của Atkins, chúng ta cùng nói một tí về nhiệt động học.

Nhiệt động học ra đời vào thời kỳ cách mạng công nghiệp. Nhiệt động học cổ điển chơi với các loại máy hơi nước, piston này kia rất chán phèo. Mãi sau khi các lý thuyết vật lý về nguyên tử, phân tử này nọ được thiết lập vững chắc, người ta mới bắt đầu gắn nhiệt động học của ba cái máy bự ơi là bự vào các cái phân tử tí hon. Rồi người ta đẻ ra cái môn gọi là nhiệt động học thống kê (statistical thermodynamics), Thống kê ở đây nghĩa là trong cái môn này chúng ta không có đi xét nét hành trạng của từng phân tử một như thế nào mà chúng ta nhìn vào tổng thể cái hệ gồm hằng hà sa số phân tử và tính toán để nhìn tổng quát xem một đống phân tử đó sẽ hành xử ra sao.

Trong một cái hệ, lấy ví dụ một nồi nước lèo là một cái hệ, ở đây cho đơn giản chỉ xét các phân tử nước thôi. Các phân tử sẽ có những nấc năng lượng nhất định, giống như một cái tủ sách có rất nhiều kệ từ thấp cho tới cao. Ở một nhiệt độ nhất định thì lượng sách ở các kệ là gần như cố định. Nhiệt độ thấp, thì các kệ sách ở dưới có nhiều sách nhất, còn các kệ sách tít ở trên gần như không có cuốn nào (giống như không đủ sức để quăng sách lên cao). Còn khi nhiệt độ tăng lên, các kệ sách trên cao bắt đầu có nhiều sách hơn, nhiệt độ càng cao thì lượng sách ở các kệ từ thấp lên cao bắt đầu dần dân cân bằng.

hình 3. Quăng sách lên kệ, nhiệt độ cao dần từ trái qua phải

Người ta có thể tính được tỉ lệ số phân tử ở từng nấc năng lượng (hay số lượng sách ở từng kệ) so với số phân tử ở nấc số không, bằng một phương trình rất dễ thương, gọi là phương trình phân phối Boltzmann (do ông Boltzmann nghĩ ra đầu tiên và sau đó được ông Gibbs phát triển lên đàng hoàng hơn tí). Chúng ta chỉ cần biết năng lương E của nấc cần tính và dùng thêm 1 hệ số nữa gọi là hệ số β (đừng sợ khi nhìn thấy chữ Hy Lạp, không có gì đáng sợ cả):

Công thức lũy thừa âm của số e cũng không có gì đáng sợ luôn, nó chỉ mang nghĩa là năng lượng E càng lớn thì tỉ số này càng bé (nghĩa là càng ít phân tử ở nấc này), và sự giảm này là giảm theo hàm mũ, nghĩa là rất nhanh.

Vậy cái bêta kia ở đâu chui ra? Cái bêta đó dính dáng tới nhiệt độ của hệ như chúng ta đã nói lúc nãy (vụ quăng sách cao quăng sách thấp). Bêta tỉ lệ nghịch với nhiệt độ T tính theo thang Kelvin, và được nhân với một cái hằng số gọi là hằng số Boltzmann (người ta đặt tên cho nó là kB).
Tới đây, Atkins đưa ra một nhận định rất là hay. Bêta và nhiệt độ T có thể chuyển qua chuyển lại rất dễ dàng bằng cách nhân chia với hằng số Boltzmann kB, chứng tỏ hai cái đại lượng này không khác gì nhau cả. Xét về mặt lý thuyết thì rõ ràng bêta hoàn toàn có thể dùng để chỉ độ nóng lạnh thay cho nhiệt độ T. Atkins cho rằng nếu dùng bêta làm đại lượng để đo nhiệt độ thì còn tự nhiên hơn rất nhiều so với dùng đủ thứ thang Newton, Fahrenheit, Celsius này kia chế ra. Bêta ở đây mang đơn vị là Joule mũ trừ 1. Việc nền khoa học của chúng ta đẻ ra những cái thang nhiệt độ trước, khiến nó ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen khó bỏ, giờ đây làm cho ta phải cho thêm vào cái công thức trên một hằng số Boltzmann dư thừa. Dĩ nhiên là con người làm sao có thể bỏ cái nhiệt độ kiểu độ C độ K quen thuộc mà xoay qua dùng một cái đại lượng bêta xa lạ với cái đơn vị Joule mũ trừ 1 từ trên trời rớt xuống, khi mà nước sẽ đóng băng ở 2.65 × 10^20 J^(−1) và sôi ở 1.94 × 10^20 J^(−1). Có mỗi cái vụ dẹp hẳn độ F đi mà còn không làm được nữa mà.


Hết. hehe





Thư mục:
1. Pinder, E., http://www.ericpinder.com/html/fahrenheit.html, truy cập 06/09/2014
2. Grigull, U., 1984, Wärme- und Stoffübertragung 18, pp 195-199.
3. Scala Graduum Caloris. Calorum Descriptiones & Figna Phil Trans R Soc 1700 22: 824-829.
4. Atkins, P., 2010, Laws of Thermodynamics: A very short introduction, OUP:Oxford.
5. (Hình quăng sách lên kệ): http://en.wikiversity.org/wiki/Spectroscopy/Molecular_energy_levels#mediaviewer/File:Population_of_energy_states.png


Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Luca Turin và giới khoa học Xô Viết

Đọc các sách vở về hóa hương, nước hoa, về khứu giác, nhất là các sách xuất bản khoảng năm 2000 trở đi, cuốn nào không nhắc tới Luca Turin hay cái lý thuyết rung động mùi hương của Turin, thì cuốn đó thiếu sót khá lớn.

Tôi biết tới Turin vào năm đầu tiên tôi đến cái đất nước này, trong những ngày lùng sục thư viện, và kể từ khi tôi bắt đầu dịch cuốn "The secret of scent" của Turin. Và tôi mê từ con người ông Turin cho tới ngôn ngữ của ổng, cái hài của ổng, cho tới cái lý thuyết về mùi hương độc đáo và tuyệt vời của ổng. Năm ngoái, tôi từng làm một bài thuyết trình PowerPoint khi đi phỏng vấn thực tập ở Syngenta về lý thuyết rung động mùi hương của Turin, nhưng tôi không được nhận.

Từ khi sinh học bắt đầu nhìn được phân tử, và người ta bắt đầu sử dụng hình dạng của phân tử để giải thích đủ thứ cơ chế sinh lý, từ enzyme tiêu hóa trong ruột cho tới kháng thể bạch cầu vân vân, các nhà sinh lý học bắt đầu mê mẩn với cái suy nghĩ theo thuyết khóa-chìa khóa, và tới khi đụng vào khứu giác, chúng ta lại vẫn tiếp tục nghĩ theo lối đó, phải có các thụ thể có hình dạng thích hợp để các phân tử mùi lắp vào y chang như lắp lego. Nhưng rồi chúng ta kẹt luôn ở đó, làm sao giải thích được cơ chế nào mà cơ thể con người có thể có hàng trăm ngàn cái ổ khóa để cho mũi chúng ta có thể phân biệt được cả trăm ngàn mùi hương một cách tức thì, trong khi cả trăm ngàn kháng thể do bạch cầu tạo ra ghép khớp vào từng loại kháng nguyên mầm bệnh cũng phải tốn thời gian vài ngày theo kiểu thử sai. Rồi nếu hình dạng một phân tử mùi quyết định mùi hương của nó, thì làm sao giải thích được có đủ thứ phân tử hình dạng na ná nhau lại có mùi hoàn toàn khác biệt, trong khi một đống phân tử khác hình dạng hoàn toàn khác biệt lại có mùi na ná nhau (ví dụ: các phân tử mùi xạ có thể chia được làm 4 nhóm có hình dạng rất khác nhau: xạ nitro, xạ vòng lớn, xạ đa vòng và xạ vòng no - xem hình).


Lý thuyết rung động mùi hương của Turin sử dụng các dao động của các liên kết phân tử, xem mũi con người như một cái máy phổ hồng ngoại IR, thứ mà các sinh viên hóa học được học cách đọc - nhìn vào phổ IR ngoằn ngoèo đoán được phân tử gồm các nhóm chức nào - ngay từ năm một. Cái mũi chúng ta đọc từng phân tử, từng mũi phổ. Vì thế, các phân tử có phổ tương tự nhau sẽ có mùi tương tự nhau. Lý thuyết này vốn dĩ không phải của Turin nghĩ ra, nó được đưa ra từ năm 1928, sau đó bị bỏ xó vì không ai tin, sau này có được vực dậy vài lần, nhưng dù có bằng chứng về mùi, nhưng nó vẫn gặp một số phản ví dụ, và quan trọng là vẫn chưa ai tìm ra được cơ chế làm sao mũi có thể là một cái máy phổ. Mãi cho tới khi người ta tìm ra thụ thể bắt cặp protein-G (Nobel 2004 cho Linda Buck và Richard Axel), rồi Turin dùng hiệu ứng đường hầm điện tử để giải thích thì lý thuyết này mới sống dậy thật sự.

(Tạm ngừng phần này ở đây, dĩ nhiên tôi sẽ còn viết nhiều về Turin)
______________________________

Bài này tôi vốn không muốn đi sâu vào cái lý thuyết hay ho của Turin mà muốn giới thiệu về một cuốn sách siêu hay của Chandler Burr viết về Luca Turin và mùi hương (theo tôi thấy còn hay hơn cuốn sách của Luca Turin tự viết về lý thuyết của mình). Cuốn sách siêu hay này có một đoạn hay kinh điển mà Luca Turin kể về giới khoa học thời kỳ Xô Viết, mà tôi đã dịch ở dưới:



~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
ÔNG HOÀNG CỦA MÙI HƯƠNG
tác giả: Chandler Burr 

[...] Dưới con mắt của Turin, nước Nga đã luôn là đầu tàu nơi cư ngụ của hàng loạt những nhà phù thủy khoa học lập dị. Hồi xưa ông từng đọc tạp chí Biofizika bằng phiên bản tiếng Anh gọi là Soviet Biophysics (tạp chí Vật lý sinh học Xô Viết), vốn là tờ tạp chí đầy những thứ hay ho lạ lùng - những thứ "nếu mà đúng, thì rất hay ho", theo lời ông nói.

[...] Turin tới làm ở Matxcơva 5 lần ở 5 thời điểm khác nhau, nghiên cứu đủ thứ gì ông thích. Ngành sinh học của Nga bây giờ, ông nói một cách luyến tiếc, đã gần như bị xóa sổ. "Không tài trợ, không thiết bị, toàn là tuyệt vọng, toàn là xuất cảnh. Những người giỏi nhất trốn hết qua Mỹ với Israel." Ông nhún vai, thở dài cho một thời đã qua. Thứ mà ông đặc biệt thích là sách khoa học, mua chỉ vài xu Anh đúng theo nghĩa đen (*giá hiện giờ 1 xu Anh = 350 VND) ở mấy cửa hiệu Xô Viết teo tóp. Ông sẽ đi thẳng tới Dom Knigi (Nhà Sách) ở Prospekt Kalinina (Đại lộ Kalinina), tầng tám phía bên phải, ở đó sẽ có hàng chồng sách mỗi chồng gần 2 mét, sách về vật lý lượng tử, về sinh lý, về điện hóa, về luyện kim, đủ thứ. Mặt ông sáng lên. "Có một cuốn rất hay kêu là Cứng hơn cả kim cương, nói về mấy thứ ngọc có đốp thêm nitơ vào. Tôi thích cuốn đó." Ông cười sung sướng, rồi mím môi, nhìn trầm ngâm. "Những người viết ra mấy cuốn sách đó toàn là những người mang giầy sờn rách rẻ tiền, mặc áo vải polyester bẩn. Đống sách tôi gom được sau mỗi chuyến đó, nặng phải bằng một con bê con. Nhìn vào đống sách đó, tôi nghĩ "làm sao mình tha được đống này về nhà, thôi mai mình quay lại", thế nhưng hôm sau quay lại thì nguyên đám đó đã biến mất. Biến mất mãi mãi. Ở đó sẽ không còn gì luôn. Thế nên khi mình tìm được, thì phải cố mà tha ra tới quầy tính tiền, người ta sẽ gói sách lại bằng một cái giấy gói lạ lùng nhất, đẹp nhất với một cái dây cũng rất lạ - ở Liên bang Xô Viết thì cái gì cũng lạ hết - rồi mình vác nó ra taxi, rồi vác ra bưu điện, rồi gửi máy bay về nhà. Tôi đã mua nhiều sách tới mức mang không nổi, năm mươi kí lô sách, cả chồng cả tháp những cuốn sách vĩ đại, ác liệt, tuyệt vời đó.

"Rồi còn những nhà khoa học Xô Viết thì cũng hay ếu (fucking) chịu được. Tôi nhớ có một lão người Anh rất ngựa, có lần đứng thuyết trình ở Mátxcơva vào một ngày hè khá oi. Lão này mặc một bộ vét vải lanh màu thuốc lá, đội một cái nón vành panama, trông rất là thực dân. Thính giả của lão này là 25 nhà khoa học Liên Xô trông vô cùng nhếch nhác, mặc áo xống rách rưới, tồi tàn, tệ hại, nhìn thấy tưởng như mấy người này ăn xin trên đường phố. Lão kia thì vừa thuyết trình vừa tỏ vẻ kẻ cả, chiếu cố kiểu dân Anh, rồi tới phần hỏi-đáp, 25 nhà khoa học Liên Xô này đã quay chín lão người Anh luôn. 25 nhà khoa học đó, họ trông như dân vô gia cư thì sao, có vấn đề gì không? Vấn đề là họ hoàn toàn không tào lao. Khoa học đối với họ không phải là một cái "nghề", không phải là để diện áo choàng tiến sỹ đi qua đi lại, không phải màu mè hoa lá, nó là khoa học thuần túy, nó là cái câu hỏi Thế này là thế nào? Làm sao chúng ta giải quyết được cái này? Ôi trời ơi. Họ sống trong những khu ký túc tối tăm của Đại học Quốc gia Matxcơva, vốn là một cái trường đại học dành riêng cho khoa học, cái tòa nhà (lại fucking) vĩ đại ở trên đỉnh đồi. Hồi tôi đến đó lần cuối, họ fax hỏi tôi: "Ông muốn có học hàm gì?", tôi fax trả lời: "Đại Công tước (Grand Duke)". Họ fax ngược lại: "Đại Công tước hiện tại có người đang dùng, gợi ý nên dùng Giáo sư thỉnh giảng (visiting professor)".

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Né xuống đó má [tựa chôm của Cao Huân]

Năm nay tui không chơi PES (tui chơi FIFA) nhưng mà PES2014 có cho cái bài Nessun dorma vô làm nhạc nền. Bài này không phải lần đầu tiên được gắn với đá banh, vì theo trên mạng người ta nói hồi World Cup Italia '90, đài BBC bên Anh quốc đã từng dùng làm nhạc nền trước mỗi trận đấu rồi.

Nessun dorma nghĩa là Không ai được ngủ (Nessun là dạng nói tắt không có nguyên âm cuối của từ nessuno (không ai) trong tiếng Ý, dorma là thể mệnh lệnh ngôi ba số ít của dormire (ngủ)). Nếu mà bài này phát mùa World Cup ở VN, chắc thiệt là hợp, nhưng có vấn đề là không nhiều người biết tiếng Ý, mà chắc cũng chẳng bao nhiêu người hiểu được cái thâm ý sâu xa đó hehe. Thật ra, đây là một aria của Puccini nằm trong tuồng opera Turandot. Đây là bài do chàng hoàng tử Calaf hát đoạn đầu cảnh cuối của vở. Tuồng này bối cảnh ở Peking, thời Mông Cổ, kể về công chúa Turandot trái tính trái nết, tàn nhẫn lạnh lùng này kia, nhưng được cái xinh, nên có nhiều người tới cầu hôn. Ai tới cầu hôn sẽ phải trả lời 3 câu đố, nếu trả lời được thì sẽ được cưới, không thì sẽ bị chặt đầu. Chàng hoàng tử Calaf này do yêu cô công chúa (mới vừa dòm thấy yêu luôn, đúng là tuồng cải lương) nên quyết định cầu hôn luôn và trả lời đúng hết 3 câu đố. Nhưng không chúa lật kèo và không chịu cưới. Calaf mới thỏa hiệp bằng cách cho công chúa 1 đêm để đoán được tên của mình (tên của Calaf) là gì. Nếu công chúa đoán được thì Calaf sẽ chịu chết, còn không thì công chúa phải cưới Calaf.

Công chúa vì vậy mới bắt tất cả mọi người trong cung cùng thức với mình (Không ai được ngủ) để cùng tìm tên của Calaf. Nếu tới bình minh không tìm ra được tên Calaf, tất cả người hầu sẽ bị xử tử.



Tui sẽ dịch bài hát ở dưới. Tui dịch (có kèm bình luận) từ cả nguyên gốc tiếng Ý và bản dịch tiếng Anh (dĩ nhiên là tui không biết tiếng Ý, nhưng ngồi tra từ điển và ngữ pháp trên google không phải là chuyện quá khó).



Nessun dorma! Nessun dorma! 
Không ai được ngủ! Không ai được ngủ!

Tu pure, o Principessa, nella tua fredda stanza, guardi le stelle che tremano d'amore, e di speranza!
Cả nàng cũng thế, Công Chúa điện hạ, trong phòng riêng lạnh lẽo của nàng, ngắm nhìn tinh tú trên trời run lên vì tình yêu, và cả vì hy vọng!

Ma il mio mistero è chiuso in me; il nome mio nessun saprà! No, No! Sulla tua bocca lo dirò quando la luce splenderà!
Nhưng còn bí mật của ta thì được ta cất giấu; tên ta sẽ không ai được biết! Không, không! (Chỉ tới) khi ánh ngày chiếu rạng, trên môi nàng, ta sẽ nói ra (tên ta).

Ed il mio bacio scioglierà il silenzio che ti fa mia!
Và nụ hôn của ta sẽ làm tan biến cái tịch tĩnh đó, khiến nàng trở thành của ta!

Chorus: Il nome suo nessun saprà, E noi dovrem, ahimè, morir, morir!
Dàn đồng ca những người hầu phía sau: Tên của chàng sẽ không ai biết, Và chúng ta sẽ phải, than ôi, sẽ phải chết thôi!

Dilegua, o notte! Tramontate, stelle! Tramontate, stelle! All'alba vincerò! Vincerò! Vincerò!
Đây là câu cuối, hoành tráng nhứt: Tan biến đi, hỡi đêm tối! Lặn đi, lặn đi, này sao trời kia! Tới bình minh, ta sẽ chiến thắng! Ta sẽ chiến thắng! Ta sẽ chiến thắng!


Bỏ qua nội dung nhảm nhí của vở tuồng cũng như bi kịch hôn nhân diễn ra sau đó (cưới người muốn giết mình về xong làm gì? - mặc dù khúc cuối công chúa Turandot có vẻ giả bộ yêu hoàng tử), thì chúng ta cùng thấy được tài năng viết aria rất hay của Puccini và sự khôn lanh của Konami khi cho bài này vô làm nhạc nền PES2014. Chơi game đá banh mà cứ ta sẽ chiến thắng, ta sẽ chiến thắng, chẳng phải hào hứng lắm ru?

Mời mọi người cùng nghe Pavarotti hát (bản trong PES2014 chắc chắn không phải giọng Pavarotti, nghe là biết luôn):

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Akai Kutsu 赤い靴





Giày đỏ - Akai kutsu
Sáng tác: lời thơ Ujō Noguchi, nhạc Nagayo Motōri.
Trình bày: Yuki Saori và Yasuda Sachiko


赤い靴 はいてた 女の子
Akai kutsu haiteta onna no ko
Cô bé mang giày đỏ
異人さんに つれられて 行っちゃった
Ijin-san ni tsurerarete ittyatta 
được một người ngoại quốc đưa đi


横浜の 埠頭から 船に乗って
Yokohama no hatoba kara funeninotte 
Trên con tàu từ cảng Yokohama
異人さんに つれられて 行っちゃった
Ijin-san ni tsurerarete ittyatta
cô bé được một người ngoại quốc đưa đi


今では 青い目に なっちゃって
Imade wa aoi me ni nattyatte
Giờ đây mắt cô chắc đã xanh biếc
異人さんの お国に いるんだろう 
Ijin-san no okuni ni irundarou
(khi) sống trên đất nước của người ngoại quốc


赤い靴 見るたび 考える
Akai kutsu mirutabi kangaeru
Mỗi lần (mỗi độ) trông thấy giày đỏ, tôi lại nghĩ về em
異人さんに 逢(あ)うたび 考える
Ijin-san ni autabi kangaeru
Mỗi độ gặp người ngoại quốc là tôi lại nghĩ về cô bé mang giày đỏ.

___________________________


Có hai truyện ngắn Đô rê mon nói về nỗi hoài niệm gây ấn tượng đối với tôi là truyện "Cô bé mang giày đỏ" và truyện "Cô gái giống hoa bách hợp". Truyện hoa bách hợp thì là câu chuyện về bố của Nôbita, nói về việc ký ức là một lời nói xạo hoa mỹ, truyện này không liên quan ở đây, ngứa miệng nói ra chơi thôi, hehe. 


Truyện "Cô bé mang giày đỏ" là ký ức của Nôbita về cô bạn tuổi thơ mang đôi giày đỏ, rồi một ngày cô bé đột ngột cùng gia đình đi sang Mỹ định cư, Nôbita không còn gặp lại nữa. Tình hình có vẻ giống trong lời bài hát.


Bản của Yuki Saori và Yasuda Sachiko hát ở trên là một bản rất giàu cảm xúc. Mỗi một khổ thơ đều có hai nhân vật: cô bé đi giày đỏ và người ngoại quốc được gọi bằng Ijin-san. Ijin (dị-nhân = người lạ, người khác; dĩ nhiên ở đây không nói tới mấy vụ X-men em của ngày hôm qua) là từ cổ trong tiếng Nhật từ khoảng cuối thời Mạc phủ tới thời Minh Trị dùng để chỉ người ngoại quốc. Trong bản của Yuki Saori và Yasuda Sachiko này, mỗi khổ thơ, tôi nghe được hai dòng cảm xúc đi song song nhau. Dòng thứ nhất ở câu đầu, khi nói về cô bé mang giày đỏ - là một cảm xúc nuối tiếc và nhớ thương. Dòng thứ hai ở câu sau, đặc biệt nhấn mạnh ở ba chữ I-jin-san đầu mỗi câu, dường mang ý trách móc cái ông I-jin-san tại sao lại mang cô bé giày đỏ đi mất.


Bài hát này được sáng tác năm 1922, trước khi thế chiến 2 nổ ra. 

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Samidare

   五月雨  や    蠶        煩ふ     桑   の   畑
Samidare ya kaiko wazurau kuwa no hata
-- Bashô --

Tháng năm mưa dầm
Con tằm bệnh
Nương dâu
-- Bashô -- 





Sa-midare là tên riêng để chỉ những cơn mưa vào tháng Sa (tháng Sa-tsuki, từ tsuki nghĩa là trăng-tháng rồi), vốn là tháng thứ năm trong âm lịch cũ của Nhật Bản (sau Minh Trị thì dẹp lịch âm). Samidare vì vậy là quý ngữ trong haiku để chỉ mùa đầu mùa hè.

Mưa Samidare là mưa đầu mùa hè, là những cơn mưa dài, và dai dẳng. Khi chuyển ngữ thơ haiku có samidare (Bashô có một đống các bài khác bắt đầu bằng samidare), các sách tiếng Anh thường dịch là "constant rain" - mưa dầm, hay "first summer rain" - mưa đầu hạ, ...

Ở Việt Nam, mùa mưa kéo dài từ khoảng tháng 5 tới tháng 10 âm lịch. Nhưng chúng ta không có cái tên đặc biệt nào cho mưa đầu mùa hạ (đầu mùa mưa) như samidare. Dĩ nhiên tôi có thể bắt chước bản dịch tiếng Anh và dịch là "Mưa dầm đầu hạ", thay vì "Tháng năm mưa dầm", như thế có vẻ cũng hay hơn:

Mưa dầm đầu hạ
Con tằm bệnh
Nương dâu
--Bashô--


Ở Việt Nam, có mưa đầu tháng Bảy gọi là mưa Ngâu, gắn với truyền thuyết đêm Thất tịch (7/7 âm lịch), Ngưu lang - Chức nữ gặp nhau khóc lóc trên trời làm mưa rớt xuống. Đó là tên riêng duy nhất dành cho mưa trong tiếng Việt mà tôi nhớ được ở thời điểm này. Nếu đi hỏi nông dân, chắc họ rành hơn tôi. Ở Nhật thì lễ Thất tịch Tanabata (bây giờ diễn ra vào đêm 7/7 Dương lịch) không có mưa nhiều (đọc trên mạng thấy người ta thường cầu cho không mưa vào đêm này), chắc thế nên không thấy có tên riêng hay quý ngữ cho mưa vào dịp này.


Tôi nghĩ linh tinh, thế là dùng chữ mưa ngâu để dịch, dùng như vậy hóa ra lại là hay nhất, nhưng nó làm lệch bản gốc mất.

Tháng bảy mưa ngâu
Con tằm bệnh
Nương dâu
--(dựa theo) Bashô --


___________________________

Ngoài ra còn một chữ nữa, đó là chữ hat畑. Ai học kanji theo cuốn Basic Kanji Book chắc đều gặp chữ này ngay mấy bài đầu. Chữ này là kokuji (quốc tự), nghĩa là chữ cho người Nhật chế ra chứ không được người Hán xài, do đó không có âm Hán (dĩ nhiên cũng không có âm Hán Việt). 

Chữ hata vốn là chữ điền 田 có thêm bộ Hỏa. Người Tàu nửa trên sông Dương Tử trồng lúa mì, nửa dưới trồng lúa nước, dùng chữ điền để chỉ cả ruộng lúa mì lẫn ruộng lúa nước. Người Nhật trồng lúa nước, nên chữ điền 田 nó mang nghĩa khá ướt (kiểu chữ ruộng trong tiếng Việt). Khi thêm bộ hỏa vào, chữ hata 畑 mang nghĩa khô hơn, và để chỉ nơi trồng cây trái khô, không ngập nước. Tương tự trong tiếng Việt có chữ đồng hoặc chữ nương, hoặc chữ rẫy mang nghĩa khá khô ráo hơn chữ ruộng, mặc dầu người ta vẫn kêu đồng lúa nhưng chữ đồng trong này nó chỉ khoảng không gian nhiều hơn là chỉ vật thể.

Và cũng giống tiếng Việt có các từ ghép ruộng đồng, ruộng nương, ruộng rẫy (có từ này nha, google đê) tiếng Nhật cũng có từ ghép 田畑, đọc là tahata, tahatake, hoặc đọc chữ điền bằng âm Hán denbata.

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Furusato



ふるさと や 寄る も 障る も 茨の花
小林 一茶

Furusato ya yoru mo sawaru mo ibara no hana
Kobayashi Issa

Sáng nay chị Bò tag mình vô một bức hình chị Bò chụp một khu vườn đẹp, kèm với một bài thơ haiku của Issa do ông Thái Bá Tân dịch.

Tôi chạm nhẹ nhàng
vào mọi cái
Thế mà luôn bị
gai châm.

Thú thật là mình rất thích cái phong điệu của bài haiku này. Nhưng mình ngờ là ông Thái Bá Tân dịch từ bài gốc ở trên của Issa mà mình tìm được trên mạng. Nếu là vậy thực thì bản dịch trên dịch rất tầm bậy tầm bạ. Mà cũng không phải chuyện bất ngờ vì thơ haiku ông Thái Bá Tân dịch trước giờ đã rất tầm bậy rồi.

Một vài chữ:
ふるさと (furusato) hay được viết bằng kanji với hai chữ cố hương hoặc cố lý, tùy vào bản mình tìm được trên mạng.
や (ya) theo Jisho.org là từ đệm ngắt quãng hay dùng trong hài cú, liên ca,...
茨の花 (ibara no hana) (bụi) hoa gai, nhiều trang tiếng Nhật có chú thích ibara là bara (hoa hồng).

Và mình dịch là
Quê cũ về đây
mấy bụi hoa gai
cũng xòe chắn lối

Mình thích cả hai bản. Bản nghi là bị chế ở trên cũng rất hay, nhưng nói thật nó không hợp kiểu haiku lắm. 

Nói thêm, bài này từ tập Thất phiên Nhật ký của Issa.

Hình là con đường mòn trên đồi trong chuyến đi với chú Olivier năm 2012, ở gần Dorset, người trong hình là chú Olivier. Cũng đã hai năm rồi, không gặp lại chú Olivier nữa.

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Tempest



Có một bận tôi thấy người ta gặt lúa trên đồng. Từ đằng phía Nam cơn bão đang chuyển đến. Tôi nhắm mắt lại và thấy Umbreon nói khẽ: hãy gặt cho sớm để còn về tránh bão. Tôi hỏi, nhưng tôi có gặt gì đâu. Tôi chỉ đang đứng trên triền cỏ, phóng mắt nhìn về phía cơn bão. Những người nông dân vẫn từ tốn gặt lúa, một người ngước lên nhìn tôi và hô váng: Này, hãy xuống đây gặt phụ chúng tôi.

Tôi tần ngần một hồi rồi cởi dép và xắn quần bắt đầu lội xuống ruộng. Vừa đặt chân xuống, người nông dân ban nãy quay người lại và bảo ý ông ấy là hãy sang phụ bên ruộng lúa mì, bên đấy đang thiếu người. Tôi quay người lại thì thấy đằng sau mình là một ruộng lúa mì vàng rực. Cảnh tượng gì thế này, tôi hỏi bâng quơ, làm thế nào mà cạnh bên ruộng lúa nước lại có ruộng lúa mì. Espeon khẽ đáp, thôi thì cứ xuống mà phụ họ gặt thôi.

- Phải gặt mau lên, kẻo trời mưa mất - ai đó nói.

Tôi đứng giữa ruộng lúa mì khô, chân quần vẫn xắn cao. Có người tới đưa cho tôi một lưỡi liềm. Tôi phải làm gì đây?

- Cứ vung lên mà gặt - Espeon thở nhẹ - rồi xếp các cuống rạ theo hàng. Hãy làm liền tay.

Trong lúc cúi người gặt những thân ra trĩu vàng bông lúa, đầu tôi chợt chạy những câu thơ của Tagore:

Tôi chạy như con xạ hươu trong bóng tối rừng cây, say vui vì hương thơm ngào ngạt của chính mình. Đêm nay là đêm giữa mùa Xuân; gió này là gió từ phương Nam thổi lại.

Tagore cất lên những lời như kia một trăm năm trước, vào một ngày nắng đẹp, một ngày tối trời hay một ngày im lìm trước cơn bão chuyển?

Tôi cứ thế mà gặt, lưng xoay ngược với hướng cơn bão. Tôi nhớ lần trước, cũng một lần có bão, tôi đi trên con đường vắng, tay cầm một bọc cá. Gió thổi ào ào, gió thốc vào mặt. Tôi nghe tiếng những con cá ư ử hát trong tiếng gió rít. Lũ cá hát những bài hát có giai điệu rất ngân rất vang, nhưng rất nhẹ. Những rung động thanh âm đọng lại vi tế trên vành tai tôi, lùa vào trong trí não. Đó là cơn bão lần trước, cơn bão gắn liền với bài hát của lũ cá.

Còn cơn bão này, nó vẫn đang ở sau lưng. Khi bão tới, tôi sẽ chạy chăng? Chạy như con hươu xạ chăng, chạy vui say trong mùi xạ hương ngút ngàn của mình chăng? Hay tốt hơn tôi nên đứng yên mà hát bài ca của lũ cá? Này thì nước cứ rơi, này thì gió cứ lên, này thì thời gian cứ trôi. Ùm ùm ùm ùm. Tinh a linh a tinh.

Tôi nhìn thấy Espeon bên cạnh. Trời càng lúc càng chuyển tối. Tôi nghe tiếng Espeon thì thầm trong đầu, hỏi tôi có nhớ căn phòng tối có cửa sổ không, căn phòng ở giữa những điều thuần khiết. Tôi bảo tôi vẫn nhớ chứ, nhưng tại sao lại hỏi tôi về chuyện đó lúc này. Espeon thở nhẹ, vì hãy tưởng tượng mình trở lại vào căn phòng tối, điều sẽ rất có ích cho tôi lúc này.

Tôi gặt thêm vài cuống rạ nữa, rồi quay sang nói với Espeon, tưởng chừng như đây là lúc thích hợp nhất để nói với nó điều này: Này Espeon ơi, tôi bị mất khả năng diễn đạt rồi. Tôi không biết cách nói những điều phức tạp nữa. Hiện giờ tôi chỉ còn diễn tả cho người khác được những điều giản đơn mà thôi.

Thế thì đừng nói nữa. Cứ đứng vào bóng tối mà im lặng thôi. Như là Umbreon vậy.

Dứt lời, tôi chợt thấy mình như bị hút vào cơn bão. Bão đến rồi chăng? Nhưng đã gặt xong đâu.

Tôi nghe mọi thanh âm nhỏ dần. Tiếng những người nông dân. Tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi, tiếng thời gian vút qua ngọn cây. Tôi chợt nghe mình ngân nga lời ca của lũ cá:

Bão cuốn qua đây
bão dữ bão dữ 
quét sạch đất này 
quét sạch thân này
Mới ngày nào may may cùng gió hạ
Ngỡ ra rằng trời trong thì gió cả
Ngoảnh mặt đi thì bão đã cấp kỳ
Vung tay luống nghĩ chi chi
Nghìn nghìn tơ sợi
Trùng trùng mây khói
...

Rồi Tagore chen lời lũ cá:

Tôi nhớ một ngày khi còn thơ ấu đi thả thuyền giấy trong lạch nước. Ngày đó tháng bảy mưa sụt sùi; chỉ có một mình, song tôi sung sướng với trò chơi. Tôi thả chiếc thuyền giấy bồng bềnh trên lạch nước.
Bỗng dưng, mây phong ba kéo kín bầu trời; gió thổi mạnh từng cơn rồi mưa đổ ào như thác lũ. Nhiều lằn nước đục ngầu tràn tới làm suối dâng cao và nhận chìm con thuyền tôi thả.
Chua xót, tôi thầm nghĩ phong ba đến với ý định tàn ác chống lại và chỉ nhằm huỷ diệt hạnh phúc của riêng tôi.

Trong lặng im ồ ạt ào đến ở ngay khoảnh khắc tiếng thơ dứt lời, tôi ngửi thấy hương xạ.

Con hươu vẫn còn chạy trong đêm đen chăng?



________________
Hai bài của Tagore trong The Gardener, Đỗ Khánh Hoan dịch.