Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Chùa nơi đâu một tiếng chuông rơi



Tôi tìm thấy clip giới thiệu về bài Tây Hồ hoài cổ của Nguyễn Công Trứ do ca nương Nguyễn Kiều Anh hát. Nhân tiện chép về để sau này dễ tìm.


Tôi thích bốn câu:


Mà cỏ hoa man mác dấu thương đài
Để khách rượu làng thơ ngơ ngẩn
Hương tiêu Nam quốc mỹ nhân tận
Oán nhập Đông phong phương thảo đa.

Dấu thương đài là dấu rêu xanh. Thương (滄) là xanh, Đài (苔) là rêu.
Còn hai câu chữ Hán ở dưới, theo Bách độ Bách khoa (Baidu Baike) của TQ (http://baike.baidu.com/view/621509.htm?fromTaglist) thì là trong bài thơ Kinh Dạng đế hành cung, của Lưu Thương đời Đường, nghĩa là:

Hương tàn mỹ nhân Nam quốc hết
Giận vào gió Đông nhiều cỏ thơm.


Nhân tiện chép nguyên bài thơ Đường kia ra (bản chép là chữ giản thể theo trang Baidu của TQ), vì tôi thấy cũng không quá khó hiểu.



Thử địa tằng kinh thúy liễn qua,
Phù vân lưu thủy cánh như hà?
Hương tiêu Nam quốc mỹ nhân tận
Oán nhập Đông phong phương thảo đa.
Tàn liễu cung tiền không lộ diệp
Tịch dương xuyên thượng hạo yên ba
Hành nhân diêu khởi Quảng Lăng tứ
Cổ độ nguyệt minh vấn trạo ca.

Dịch:

Tựa đề: Qua hành cung của Dạng đế

Đất này từng thấy thúy liễn (xe vua, green chariot) qua

Mây trôi nước chảy rốt cuộc như thế nào?
Hương tàn mỹ nhân Nam quốc hết
Giận vào gió Đông cỏ thơm nhiều.

Liễu tàn trước cung không một lá ướt sương
Tịch dương trên sông mênh mông khói sóng.
Người đi thức dậy nhớ Quảng Lăng
Đò cũ trăng sáng nghe bài hát chèo thuyền.



Cuối cùng, xin kết thúc bằng 4 câu của Nguyễn Công Trứ trong bài ca trù:
Bóng kỳ đài giăng mặt nước như in, 
Tàn thảo thụ lum xum toà cổ sát.
Chiếc cô vụ, mảnh lạc hà bát ngát
Hỏi năm nao vũ quán điếu đài. 

Cổ sát là cái chùa cũ. Sát là từ Hán mượn từ tiếng Phạn, theo từ điển Thiều Chửu là cái cột trước cửa cái chùa để đánh dấu "đây là nhà chùa".


Cô vụ (hay cô phụ): con cò lẻ. Lạc hà: ráng chiều. Để ý tiếng Việt của Nguyễn Công Trứ rất hay: "chiếc cò lẻ" và "mảnh ráng chiều".

Vũ quán: quán múa, điếu đài: đài câu.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Cơ mà đằng trước, cơ mà đằng sau

Dạo 7, 8 năm gần đây tôi thấy người ta phát triển cái lối nói dùng chữ cơ mà thay cho chữ nhưng mà. Cái lối này xuất hiện đủ chỗ từ truyện ngắn của thầy Nhật Chiêu cho tới lên trên báo mạng, rồi lan ra cả mấy cái status facebook. Tôi luôn cảm thấy cái cách dùng này có chi không đúng đắn, nên không bao giờ dùng cả. Ở đây tôi sẽ thử phân tích chút xem sao.

Chữ cơ mà vốn được dùng tương tự chữ kia mà. Khi đó nó nằm ở cuối câu. Người ta có thể bảo rằng cụm này mang hàm ý nhấn mạnh điều vừa được nói tới.

Ví dụ: - Con không ăn bánh mì nữa đâu. Con vừa ăn cơm rồi cơ (kia) mà.

Tôi ngồi nghiệm một lúc thì thấy ngoài cách lý giải lớt phớt hời hợt trên, chính xác mà nói, cụm này mang hàm ý trả lời cho câu hỏi tự đặt ra "Vì sao tôi nói cái ý vừa nói?"

Lấy cái ví dụ trên, lời phát biểu trên có thể hiểu là mang hàm ý như sau: Con không ăn bánh mì nữa đâu, vì sao con nói như vậy, đó là vì con vừa ăn cơm rồi.

Lấy thêm ví dụ số hai: - Trời hôm nay đẹp nhỉ! Tối qua còn mới mưa cơ mà.
Câu này mang hàm ý: Trời hôm nay đẹp nhỉ! Vì sao tôi phải thốt lên như vậy, vì tối qua còn mới mưa, thế mà hôm nay đã đẹp thế này rồi.

Lấy ví dụ số ba nữa cho tăng độ tin cậy: - Ê, bỏ cái ví đó xuống! Của tao cơ mà!
Lại như cách phân tích cũ, câu này hàm ý: Ê, bỏ cái ví đó xuống. Vì sao tao phải hét lên như vậy, vì cái ví đó của tao [không phải của mày].

Khái quát lên sẽ như vầy:
[Phát biểu A]. [Phát biểu B] cơ mà.
= Tôi nói A. Vì sao tôi lại nói A, vì B. 
Đấy, cách dùng cơ mà tôi vốn biết là như thế.

Khi chế biến nó lại tương đương nghĩa với nhưng mà, người ta vứt chữ cơ mà lên đầu câu hoặc nhét vào giữa hai vế, và xài y chang nhưng mà. Tôi lấy vài ví dụ:
Vd4: Một đêm luyện hết đống season 8 của How I Met Your Mother hôm rày bỏ giữa chừng. Quá đã. Cơ mà vợ Ted sao xấu thế :(    ----  status facebook của Le Minh Dao.
Vd5: Hôm nay đi chơi thật đã. Mệt cơ mà vui.
Đại để là như thế. Tuy nhiên, xét kĩ một chút thì có thể thấy được cách dùng cơ mà này có sắc thái khác với nhưng mà. Nó thể hiện phần nào sự ngập ngừng của người nói. Chỉ thế thôi, tôi chưa thấy được chỗ nào khác nữa.

Tôi không biết gốc gác của sự phát triển lối nói này. Có thể nó là một phương ngữ của một vùng nào đó, đột ngột phát triển thành một lối nói thông dụng được các bạn trẻ (và vài bạn già) dùng. Có thể bất chợt nó nảy ra từ một cộng đồng, một cá nhân nào đó, rồi nhiều người khác nhắm mắt nói theo. Tôi không và không muốn phản đối tiến trình phát triển của ngôn ngữ. Nhưng tôi thấy chúng ta nên có một cái nhìn phê phán hơn, để ý hơn trong lời nói của mình. Chúng ta có thể tôn vinh những thứ sáng tạo, nhưng đừng a dua và làm theo những cách nói sai của một vài cộng đồng nào đó.