Quá khứ có quan niệm bằng các di vật và lịch sử, bằng ký ức trong tâm hồn. Nhưng quá khứ không bất biến và tồn tại đơn giản như cái gì đã qua không thể thay đổi. Trái lại, quá khứ cũng ít nhất được hiểu dưới ba góc độ: quá khứ đã chết, quá khứ thay đổi và quá khứ tiếp tục. Quá khứ đã chết là những gì có thật từng tồn tại nhưng ta không biết về nó nữa, và ngay cả những hiện vật khảo cổ không còn hữu dụng trừ khi là tư liệu lịch sử. Có nhiều vấn đề ta hiểu về quá khứ theo cách của con người hiện nay và lòng sở dục không khách quan đã làm sai lệch quá khứ, cho nên quá khứ ấy sẽ thay đổi khi ta ngày càng hiểu đúng về nó hơn. Phần khác của quá khứ ấy vẫn tồn tại và được sử dụng, như tấm áo của người cha, người con vẫn mặc, tượng Phật cổ xưa vẫn trong ngôi chùa mới cho các tín đồ ngày nay, hội lễ dân ca vẫn được trình diễn theo tinh thần truyền thống và cả những tập tục cố hữu.
(Thay lời cuối sách. Quá khứ đã chết, quá khứ thay đổi và quá khứ tiếp tục - Văn minh vật chất của người Việt - Phan Cẩm Thượng)
TRÍCH MẤY ĐOẠN HAY TRONG SÁCH ÔNG THƯỢNG HEHE.
Từ thời Lý Trần hắt về quá khứ còn rất ít mối liên hệ với chúng ta[...] Đó là một quá khứ đã chết không có cách gì phục sinh được. Ngay cả khi sự hiểu biết đã rất tường tận thì đó vẫn là một cuộc sống không lặp lại và không hiểu được. Điều này cũng giống như thời của các Pharaon và Kim Tự tháp với người Ai Cập hiện nay, họ cũng không phải là người của vương quốc Ai Cập cổ đại nữa. Cũng giống như người Hy Lạp hiện tại không hẳn là người Hy Lạp cổ đại xây Parthenon kéo dài cho đến bây giờ. Nền văn minh này đã chồng lên nền văn minh kia trên cùng một mảnh đất. Nhưng nếu nói người Trung Hoa bây giờ là con cháu của Khổng Tử và Tần Thủy Hoàng xưa thì không có gì sai. Như vậy giữa hiện vật và tâm hồn không phải lúc nào cũng có mối liên hệ. Tâm hồn chúng ta không có sợi dây nào nối với trống đồng, thì văn minh Đông Sơn chẳng có ấy ý nghĩa gì với ta. Những quá khứ đã thực sự chết, thực sự trở về đất, hoặc nó chỉ có ý nghĩa với thời của nó, mà không có ý định dành cho con người bây giờ.
(Thay lời cuối sách. Quá khứ đã chết, quá khứ thay đổi và quá khứ tiếp tục - Văn minh vật chất của người Việt - Phan Cẩm Thượng)
Con thuyền - Mái đình, hay cả ngôi đình cũng là một con thuyền - chính là biểu tượng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước[...] Con thuyền vẫn đi theo họ, vẫn là biểu tượng của người ở làng, như nỗi hoài vọng về một quá khứ hoành tráng đã lui vào dĩ vãng.
(CHƯƠNG 5: NGHỆ THUẬT VÀ HÀNH VI. Công nghệ kiến trúc - Văn minh vật chất của người Việt - Phan Cẩm Thượng)
Buổi tối chúng ta đi ngủ, buổi sáng chúng ta thức dậy và đi làm, một trăm năm sống trên trần gian nếu cứ thế cuộc đời con người thật nhàm chán không có gì đáng nói. Nếu so với tuổi của trời đất, thì trăm năm của đời người chỉ là cái chớp mắt. May thay và không may thay, cuộc đời của mỗi cá nhân thường không mấy khi suôn sẻ. Không mấy ai tự nhận mình là người hạnh phúc. Và chính sự không suôn sẻ trong đời người phá đi cái nhàm chán mà ai nấy cũng vậy thôi. Người Việt sống trên dải đất nắng lắm mưa nhiều, sông và rừng đều nhiều sản vật, so với dân xứ tuyết và dân xa mạc, quả là có nhiều may mắn. Thế nhưng dải đất này chiến tranh liên miên. Nơi qua lại của nhiều nền văn hóa. Nơi các nhà nước phong kiến rất nhược tiểu và luộm thuộm trong nền hành chính của mình. Nên người Việt cũng thật đa sự, đa tình, vừa thực tế vừa ảo tưởng trong suốt hành trình của mình. Ý thức dân tộc thì rất mạnh mẽ, nhưng ý thức cá nhân thì rất nhợt nhạt.
(Chương Một: Những mặt cắt lịch sử - Văn minh vật chất của người Việt - Phan Cẩm Thượng)