Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Tranh: Họa sĩ Bút Chì - Đỗ Hữu Chí.


Đừng lấy luận điệu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ra để chửi 1 tác phẩm trí tuệ của người khác nếu như mình còn không biết tiếng Việt nó trong sáng ở chỗ nào.

______________________

Báo Người Lao Động là cái báo mạnh mồm nhất trong việc chê cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" của họa sĩ Thành Phong với 2 bài báo toàn chê. Báo Tuổi trẻ với 3 bài báo, một bài vừa nửa khen nửa chê, vừa mở đường cho dư luận, một bài phân tích (có xu hướng khen) của 2 nhà ngôn ngữ học, một bài nói về việc cuốn sách bị thu hồi. Báo Thanh niên tôi không thấy bài nào. Ngoài ra còn rất nhiều các trang thông tin nhỏ lẻ khác cũng đưa tin.

Tôi chưa thấy một chuyên gia có bằng cấp (nghĩa là có học vấn và có tư cách để phát ngôn) chê cuốn sách này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với cái mạng internet rộng khắp, giờ đây bất cứ một tên cha căng chú kiết nào có máy vi tính nối mạng đều có thể lên facebook, lên các diễn đàn online mà phán như thánh. Rồi các tờ báo kiểu như NLĐ tha hồ mà lượm lặt những cái chê vớ vẩn đó để viết thành 1 bài báo. Trong 1 bài viết ngắn ngủn, chủ yếu là trích tranh vẽ cũng như trích lời của cuốn sách và lời của các "chuyên gia" trên mạng về cuốn sách, "nhà báo" Hàn Đông đã có thể kéo 1 cái tít rất kêu "Sát thủ đầu mưng mủ": Sách đại tào lao. Tôi hoàn toàn không hiểu bạn "nhà báo" này có suy nghĩ tí nào về cái tít của mình không, một khi chưa phân tích kĩ càng cũng như chưa tìm hiểu rõ nguồn cơn (ít nhất nếu bạn "nhà báo" ấy có tìm hiểu rồi cũng nên ghi ra trên mặt báo chứ) mà đã gắn cho cuốn sách ấy ba chữ đại tào lao nặng nề. Viết báo vài chữ, trích tranh và lời người khác từa lưa, đến tôi cũng có thể viết báo gửi cho NLĐ.

Tới bài báo thứ hai, NLĐ cũng chả khác. Cái bạn Y.Anh nào đó, phóng viên báo Người Lao Động, cũng trích dẫn lời của ông Vũ Hoàng Giang, phó Giám đốc Nhã Nam trả lời phỏng vấn trên trang của VTC. Bạn phóng viên này cũng chỉ trích dẫn vài câu của ông Giang, rồi bắt bẻ những câu đấy, bảo rằng ông đổ dầu vào lửa với lại xuyên tạc tục ngữ VN, rồi được dịp tiếp tục tha hồ đấm vào mặt cuốn sách bằng những từ kiểu như "nhảm nhí", "méo mó", "mất đi sự trong sáng của tiếng Việt", "đi ngược lại với truyền thống đạo lý" này nọ. Tôi cảm thấy thật là chán báo NLĐ.

Tôi sẽ không nói về chuyện giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở đây. Chuyện đó có vẻ như tôi chả hiểu gì cả nhưng ai nói nghe cũng đúng quá. Tôi chả hiểu gì cả vì tiếng Việt mượn hàng đống từ vựng của tiếng Hán, rồi tiếng Pháp, rồi sau này là tiếng Anh, chưa kể nhiều tiếng khác. Rồi chính vì mượn hàng đống từ tiếng Hán như thế mà hàng đống người Việt đã, đang và sẽ dùng sai rất nhiều từ không phải là của mình, nhiều từ dùng sai đã thành từ dùng đúng. Hàng đống từ (may mà) còn được dùng đúng (nghĩa là nghĩa của từ đó không khác biệt lắm so với từ gốc trong ngôn ngữ gốc), vẫn đang bị hàng đống người dùng sai (mà không biết). Nói chuyện đó vào đây sẽ là 1 kiểu ngụy biện "cá trích đỏ" (red herring - nói lảng sang 1 chuyện chả hề liên quan để lái chủ đề tranh luận đi).

Báo chí giờ đây đã là một thế lực trong việc dẫn đường dư luận. Có những vấn đề về lối nghĩ, lối ứng xử, đạo đức, ... của cả 1 thế hệ sẽ được báo chí dẫn đường. Báo chí vì thế cũng cần có những người chỉ lối, là những chuyên gia và nhà khoa học, những học giả có kinh nghiệm, có thẩm quyền lên tiếng về các vấn đề lớn, kết hợp với tiếng nói của dư luận để định hướng cho cả một thế hệ những người trẻ đọc báo. Báo chí cần những người biết làm báo cũng như có ý thức đàng hoàng về việc làm của mình.

Tôi chỉ muốn nói ngôn ngữ là thứ luôn vận động, không cho nó vận động thì nó sẽ chết. Các ngôn ngữ chết (Latin, Sankrit (là tiếng Phạn ấy)) là những ngôn ngữ chỉ có thể dùng để các dân tộc khác nhau truyền bá thông tin với nhau, bởi lẽ từ vựng và ngữ pháp của những ngôn ngữ đó đóng kín rồi, không thêm vào, không bớt ra nữa.

Một ngôn ngữ sống là một ngôn ngữ khỏe mạnh và dồi dào sinh lực trong việc tiếp thu những cái mới. Một dân tộc muốn phát triển mạnh mẽ về học thuật là một dân tộc có một thứ ngôn ngữ sống lành mạnh, nghĩa là một ngôn ngữ sinh sản dồi dào nhưng đủ đề kháng để lọc bỏ những u nhọt, cũng như đủ tự tin để vượt qua sự bảo thủ để mà tiếp thu. Tiếng Nhật là một ngôn ngữ như thế, 200 năm trước người Nhật đã mang từ vựng khoa học từ các ngôn ngữ Tây phương mà phiên âm thẳng vào ngôn ngữ của họ, khác với chúng ta phiên âm từ tiếng Hán, rồi hãy nhìn xem họ đã trở thành 1 cường quốc như thế nào.

Tôi thật sự chán vì quyết định thu hồi này. Tác phẩm của Thành Phong - một họa sĩ trẻ, từng nhận được giải thưởng quốc tế, được biết đến với nhiều tranh biếm họa xuất sắc - khó có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật hay văn học hay gì gì đấy mà những người nào đấy cho rằng phải như thế mới xứng đáng in thành sách, nhưng chắc hẳn không phải là 1 quyển sách rẻ tiền. Khi mà những quyển truyện ma vẫn có chỗ đứng trong các nhà sách nhỏ, khi mà những truyện cười dân gian đọc chả có gì mắc cười vẫn được Tuổi trẻ Cười đăng hàng tháng, khi mà truyện Trạng Quỳnh chơi xỏ Chúa Trịnh, sứ Tàu với nhiều câu lắm khi tục tĩu được in đi in lại hàng trăm ngàn lần (vốn là những mẩu chuyện nhỏ thể hiện cái bản tính trân quý những trò láu cá, khôn lỏi của người Việt mình) vẫn được phát hành, thì việc thu hồi quyển sách của Thành Phong thực sự là điều không hề công bằng. Việc liên hệ những câu nói vui đã được chọn lọc của giới trẻ (bằng chứng là không có câu nào quá tục tĩu được đưa vào sách) với những hình ảnh nhiều khi tạo nên những liên tưởng mới lạ, gây ra tiếng cười cho người đọc có thể được gọi bằng từ nào ngoài từ "sáng tạo". Quyển sách đúng là một tác phẩm lao động trí tuệ của Thành Phong. Sáng tạo là 1 vốn quý mà không phải người trẻ nào cũng có được, giờ đây bị vùi dập bởi một đám người mang đạo đức (có thể giả, có thể thật), nhưng chẳng hề ngồi xem xét kỹ càng mọi việc, chẳng buồn dùng đến trí tưởng tượng của mình mà cứ lao đầu vào dùng đạo đức (của mình) để phán xét. Thế có tức không?

___________________


Đầu óc hẹp hòi triệt tiêu trí tưởng tượng. Không khoan nhượng, lý thuyết tách rời khỏi thực tế, ngôn từ sáo rỗng, lý tưởng vay mượn, hệ thống cứng nhắc. Đó chính là những cái làm mình thực sự kinh hãi.

(Kafka bên bờ biển - Haruki Murakami - Dương Tường dịch)
___________________


Ôi, chán như con gián.

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Trải nghiệm triết học (1)

CÓ CẢ MỘT ĐẠI DƯƠNG ĐÓNG BĂNG BÊN TRONG CHÚNG TA. Triết học là một lưỡi rìu.

Mọi thứ bạn tin đều đáng ngờ. Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi một cách thật sâu sắc về mọi thứ chưa? Sự chấp nhận một niềm tin, mà không chút mảy may phê phán gợn lên trong bạn, được truyền cho bạn từ cha mẹ bạn, từ thầy cô giáo bạn, từ các chính trị gia và các lãnh tụ tôn giáo, đó là một điều nguy hiểm. Nhiều niềm tin chỉ đơn giản là một sự ngộ nhận. Một vài trong số đó lại là những lời lừa dối, được tạo dựng nhằm mục đích điều khiển bạn. Ngay cả khi những điều được truyền đạt đó là đúng, chúng cũng không phải là chân lý của bạn. Chấp nhận một điều mà không hề thắc mắc gì, điều đó biến bạn thành một con rối, một con người thứ cấp.

Niềm tin có thể truyền đạt lại. Kiến thức cũng có lẽ có thể truyền đạt lại. Nhưng sự minh triết không bao giờ có thể truyền đạt. Mục tiêu của triết học là đạt lấy sự minh triết. Mọi cố gắng nhằm truyền đạt triết học đều không mang tính triết học*.

Minh triết đòi hỏi phải biết thắc mắc những điều đáng thắc mắc, nghi ngờ những điều đáng ngờ. Vì chưng mọi thứ đều đáng thắc mắc và đáng ngờ, minh triết đòi hỏi phải thắc mắc và nghi ngờ mọi thứ. Đó chính là triết học: nghệ thuật nghi ngờ mọi thứ.

(Phần Một: Bắt đầu vào triết học)

Daniel Kolak và Raymond Martin (2006) Trải nghiệm triết học (The Experience of Philosophy) 6th edition. New York, Oxford: Oxford University Press.

____________________

*: Trying to hand down philosophy is unphilosophical

____________________

Đây là quyển sách đầu tiên tôi mượn về từ thư viện.

Nguyên bản tiếng Anh của lời mở đầu phần một là một đoạn văn ngắn rất gợi hứng. Mục tiêu của đoạn văn hướng tới đó là kêu gọi mọi người hãy biết thắc mắc. Chữ "question" và "questionable", tôi dịch bằng cả 2 từ: đáng ngờ và đáng thắc mắc. Xét về mặt cảm quan cá nhân, tôi thấy nếu chỉ chuyển nghĩa bằng 1 từ tiếng Việt, nó không mang lại đầy đủ ý nghĩa cho mục tiêu của triết học.

Tôi chợt nhớ về "Thế giới của Sophie", quyển sách triết học đầu tiên tôi đọc trong đời, năm tôi 13 tuổi. Nhà triết học Alberto luôn nói với Sophie rằng, trẻ con là những triết gia bẩm sinh, vì chúng luôn thắc mắc, các triết gia thực thụ là những người vẫn còn giữ được niềm hân hoan thơ trẻ và tươi mới đó vì họ luôn nhìn thế giới quanh mình bằng một con mắt lạ lẫm và luôn đặt câu hỏi. Hầu hết, khi người ta lớn lên, chúng ta đều tự ngộ nhận rằng mình biết đủ rồi và tự cho mình cái quyền tỏ ra quen thuộc với thế giới này. Hệt như một chú học trò giỏi toán tỏ vẻ khinh người trước một thầy giáo già đã học toán, làm toán và dạy toán hơn 30 năm; chúng ta cũng y như vậy. Chúng ta sống trên đời vài chục năm thế mà đã tự cho rằng mình biết hết vạn sự ở cái thế giới già cỗi này, thông tuệ hết mọi phức tạp tinh vi của cái xã hội đã hình thành hàng chục ngàn năm nay. Bằng cách đó, chúng ta tự tước đi của mình cái quyền ngạc nhiên về thế giới.

Nhiều nhà nghiên cứu đã viết rằng về bản chất, dân tộc Việt Nam là một dân tộc ít có tư duy triết học. Giáo sư Trần Đình Sử một lần phân tích câu chuyện dân gian Thầy bói xem voi (bấm vào link để xem) đã nhận xét tâm thức dân tộc Việt thiếu một tầm triết lý, nếu so sánh với các dân tộc lớn Trung Hoa, Ấn Độ... Tôi đã từng quan sát trong số các bạn bè mình, tôi cũng thấy nhiều khi có một sự thiếu nghiêm túc khi đề cập đến các khái niệm hình thành nên tư duy về bản chất của mọi thứ trong cuộc sống quanh ta.

Các bạn tôi giờ đây hầu hết đều đang học năm thứ nhất đại học. Ở Việt Nam, các bạn sẽ phải cày bừa để vượt qua được cái môn gọi là chủ nghĩa Mác - Lênin. Có trường gọi đó là học triết học, có trường gọi là học chính trị. Về phần mình, tôi nghĩ đó không phải là một môn triết học. Đừng tưởng ở các nước tư bản phương Tây, Các Mác không được đánh giá cao. Mác được đại học Cambridge bình chọn là nhà tư tưởng đứng đầu của thiên niên kỉ, làm thay đổi bộ mặt của xã hội cũng như nhận thức của nhân loại về lao động. Thư viện trường tôi đang học có cả một tủ các tác phẩm của Mác và Ăng-ghen. Dạy sinh viên về tư tưởng của những người vĩ đại đặt nền móng cho lý tưởng mà đất nước đang theo đuổi là một việc làm không có gì sai trái, thế nhưng làm sao có thể gọi đó là một môn triết học cho được khi mà sinh viên thậm chí còn không có ý muốn tìm hiểu gì về bản chất các mối quan hệ sản xuất là như thế nào.

Tôi nhận thấy ngay từ việc nhảy thẳng vào Mác mà dạy, bắt đầu từ những năm đầu cấp 3 trong môn GDCD mà không cho thấy một quá trình phát triển tư duy của nhân loại đã là một thất bại to lớn của cách dạy triết học (mặc dù là sơ cấp) ở nước ta. Tôi không hề biết sinh viên chuyên ngành triết học sẽ học như thế nào, nhưng một đất nước mạnh phải là một đất nước hiểu mình đang làm gì, và sinh viên, kể cả kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, nhà kinh tế, chưa kể nhà lãnh đạo, những cái đầu tương lai của đất nước, cần phải ít nhất có một hiểu biết nhất định về triết học, vì triết học không chỉ là một môn học về nhân loại đã tư duy những gì và như thế nào mà còn là một môn học dạy người ta phải biết tư duy những gì và như thế nào.Việc tước bỏ những Plato, Aristotle, Kant, hay tất cả những người trước Mác và sau Mác khỏi kiến thức của đại đa số học sinh sinh viên chính là một cách làm thui chột bản năng tò mò và thắc mắc, chẳng khác nào việc tước đi tinh thần triết học khỏi những bộ óc tương lai này.