Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Mới hay kìa nước nọ hư không

Trên mạng, đọc được một bài viết về thơ Nguyễn Trãi của thầy Nhật Chiêu. Chép lại để lưu trữ.
Thiên nga Winchester

______________________

Nguyễn Trãi: Mới hay kìa nước nọ hư không


Nhật Chiêu (Tạp chí Văn hóa Phật giáo)

Khi tiễn một nhà sư về núi, Nguyễn Trãi có nói: “Gặp dịp rồi tôi cũng vào cửa thiền” (Lãm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền). Gặp dịp? tâm Ức Trai đã vào thiền từ lâu. Tâm đó đã vào thiền từ lâu với mây trắng, với bóng trăng, với hương quê, với bông bụt…

Cái tâm đó nhẹ như mây trắng. Nhẹ đến nỗi không biết mây và người ai là có tâm (Nhân dữ bạch vân thùy hữu tâm?). Và trong con mắt của Ức Trai, cuộc đời trôi nổi tựa như mây (Nhân trung phù thế tống phù vân).

Thơ Nguyễn Trãi (cả Quốc âm thi tập và Ức Trai thi tập) là thơ thiền. Tâm ấy với mây trắng là một, là nhất sắc - hay nói theo tiếng Việt của Nguyễn Trãi: Hai ấy cùng xem một thức cùng.

Trong Quốc âm thi tập có bài thơ bát cú “Thuỷ thiên nhất sắc”, nó có thể thu nhỏ lại thành một tứ tuyệt rất nhẹ, rất lặng lẽ như sau:
Trời nghi ngút, nước mênh mông,
Hai ấy cùng xem một thức cùng.
Lẻ có chim bay cùng cá nhảy,
Mới hay kìa nước nọ hư không.

Bài thơ hiện lên giữa cõi tục như một cảnh giới nghi ngút và mênh mông. Ở đấy, không có gì có thể ràng buộc. Ở đấy không có gì có thể hèn mọn.

Trời như bay lên, bốc lên, nâng cao không ngừng. Như gọi mọi vật đi lên. Và đi lên một cách nhẹ nhàng, nghi ngút. Đi như khói và đi như hương.

Ta đi trong trời nghi ngút và bầu trời nghi ngút ấy đi trong ta. Bầu trời nghi ngút ấy tỏa lên sau lưng Nguyễn Trãi, cứ tỏa lên không ngừng sau bóng dáng bao la của ông.

Và nước. Nước như dàn trải, như mở rộng không gian mãi mãi, như tuôn dòng thời gian mãi mãi. Như gọi mọi vật tan vào nhau, hòa vào nhau trong thế giới tề vật của Trang Chu.

Như vậy, cái nghi ngút và mênh mông đang gọi ta. Gọi một sự trở về. Hãy sẵn sàng cho một cuộc tiêu dao trong nghi ngút và trong mênh mông.

Nhưng cái nghi ngút của trời và cái mênh mông của nước có khác nhau chăng?

Trời và nước: hai ấy, hai đằng ấy, hai hiện tượng… hai cái dường như đối lập.

Nhưng trong cái nhìn bất nhị, chúng là một thức, một vẻ, một sắc. Chỉ là một. Hay nói như Tô Đông Pha: thuỷ như thiên (Vọng hồ lâu túy thư).

Mà Ức Trai thì yêu Đông Pha cư sĩ. Đến nỗi có lần bảo rằng: “Pha lão tằng vân ngã diệc vân” (Ông Đông Pha từng nói thế, ta cũng nói thế).

Ức Trai và Đông Pha đều bị triều đình ghét bỏ. Cả hai đều quá mênh mông trong cái vườn bé tí gọi là thượng uyển, cái ao tù gọi là quan trường.

Mênh mông của trời và nước pha lẫn trong một màu xanh, đã đành là đi vào trong thơ xưa nay như là “nhất sắc”.
Vương Bột: Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc.
Trương Nhược Hư: Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần.

Nhưng ở Nguyễn Trãi, cái nhất sắc này được đẩy xa hơn, sâu hơn, vào trong tâm thiền. Nơi đó dường như tâm người, tâm chim và tâm cá hoà nhau trong nhất sắc, trong một thức trong một hư không. Có thể gọi đó là “tâm mây trắng” (bạch vân tâm) như lời thơ Vương Duy:
Dữ quân thanh nhãn khách,
Cộng hữu bạch vân tâm.
(Với bạn xanh màu mắt, Cùng chung mây trắng tâm).

Ai là bạn của Ức Trai? Ấy là chim, ấy là cá. Hay nói đúng hơn, ông thấy mình hóa thân vào chim, hóa thân vào cá. Như Trang chu thấy mình hóa thân vào bướm trong một giấc mộng nào.

Lẻ có chim bay cùng cá nhảy
Chỉ có những cánh chim bay giữa trời xanh nghi ngút kia. Chỉ có những con cá nhảy giữa nước biếc mênh mông kia…

Và ta muốn rằng cả ta nữa. Ta cũng bay nhảy trong cái nghi ngút mênh mông ấy. Cái nghi ngút ấy nâng ta lên và cái mênh mông ấy cuộn ta vào bao lớp sóng của tiêu dao.

Đưa ta vào “đạo tự nhiên”. Trong một bài thơ khác, Ức Trai nói: “Diều bay cá nhảy đạo tự nhiên”.

Ta là tự nhiên. Bay nhảy tự nhiên.

Chỉ như thế, như chim và như cá, ta mới tách khỏi trung tâm là ta, mới tách khỏi không gian nhỏ hẹp được tạo ra chung quanh cái trung tâm đó. Khi ấy thì:
Mới hay kìa nước nọ hư không.

Mới hay rằng nước là ta, hư không là ta. Ta sống trong nước và là nước. Ta sống trong hư không và là hư không.

Sống trong tự nhiên, vô tâm vô niệm. Như chim và cá. Như mây trắng. Thế nên Ức Trai mới tự hỏi:
Nhân dữ bạch vân thùy hữu tâm?
Ta và mây trắng ai có tâm đây? Dường như không có tâm, không có trung tâm là tự ngã. Sống trong tự nhiên là vô ngã, để mà tiêu dao với nước, với hư không.

+++

Nhìn lên không. Mây trắng đang bay. Đọc thơ của người, thấy mây như có hình bóng Ức Trai. Và hư không như vang vọng câu hỏi: Mây trắng và ta ai có tâm?

Mỗi lần đọc thơ Ức Trai, như muốn làm mây trắng để mà:
Mới hay kìa nước nọ hư không.

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Mạn thuật 4
Nguyễn Trãi



Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay,
Trong thế giới phút chim bay.
Non cao non thấp mây thuộc,
Cây cứng cây mềm gió hay.
Nước mấy trăm thu còn vậy,
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn* nay.
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết,
Bui* một lòng người cực hiểm thay.



______________
Nhẫn: cho đến
Bui: chỉ


(Hình: trên Flick - rất xin lỗi vì không biết tên tác giả - So sorry for no information about the author's name)

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Thời gian và sự tha thứ


Tim đang trên đường đi tìm Công Chúa. Cô bị một con quái vật hung ác khủng khiếp bắt cóc.

Chuyện này xảy ra vì Tim đã gây nên một điều lầm lỗi.

Không chỉ một lần. Anh đã làm nhiều điều sai lầm trong suốt thời gian từng ấy năm họ bên nhau. Ký ức về mối quan hệ của họ đã trở nên rối tung lên, bị xáo trộn hoàn toàn, nhưng vẫn còn một điều rõ ràng: Công Chúa đã dứt khoát ngoảnh mặt đi, bím tóc cô quất vào người anh với vẻ khinh bỉ.

Anh biết cô đã cố tha thứ cho anh, nhưng ai có thể ngoảnh mặt cho qua một lời dối trá tội lỗi, y như một cái đâm sau lưng? Đó thực là một loại lỗi lầm làm thay đổi mối quan hệ theo một cách vô phương cứu chữa, ngay cả khi chúng ta đã học được từ lỗi lầm và sẽ không bao giờ lặp lại. Đôi mắt Công chúa hẹp dần. Cô trở nên xa xăm hơn.

Thế giới của ta, với cái luật nhân quả của nó, đã dạy ta hà tiện với sự tha thứ. Quá sẵn sàng để tha thứ, ta có thể bị tổn thương nặng nề. Nhưng nếu ta học được từ lầm lỗi và từ đó trở nên tốt hơn, phải chăng ta nên được tưởng thưởng, hơn là bị trừng trị vì lầm lỗi ta gây nên?

Sẽ thế nào nếu thế giới của ta hoạt động theo một cách khác? Sẽ thế nào nếu ta có thể nói với cô: "Những điều anh vừa nói chỉ là lỡ lời, anh không hề có ý đó," và cô sẽ nói: "Được rồi, em hiểu mà," và cô sẽ không ngoảnh mặt đi và cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục như thể ta chưa hề nói cái điều không nên nói ấy? Ta có thể bỏ đi mọi thương tổn mà vẫn trở nên thông tuệ hơn nhờ học được kinh nghiệm từ lỗi lầm.

Tim và Công Chúa lang thang trong khu vườn của lâu đài, cười đùa với nhau, đặt tên cho những con chim đủ màu. Lỗi lầm của họ đều được giấu kín, nhét sâu giữa những nếp gấp của thời gian, an toàn nằm im trong đó.

Jonathan Blow




_______________


Đoạn trích trên dịch từ câu chuyện trong thế giới thứ hai game Braid. Đúng là một game đầy siêu thực và triết học.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Khúc ca nàng Solveig

"Cháu như mặt trời, như một ngọn gió êm và như một buổi sáng tươi mát. Một bông hoa trắng vừa nở rộ trong tim cháu, phủ trọn toàn bộ cơ thể và tâm hồn cháu hương ngát mùa xuân." 

Paustovsky đã để cho Grieg nói những lời như thế với cô bé Dagni 18 tuổi trong trí tưởng tượng của mình, khi ông viết nên bản nhạc dành cho riêng cô trong truyện ngắn "Lẵng quả thông".

_____________________

Nghe nhạc Grieg tôi cảm thấy núi, thấy rừng, thấy cây cỏ, thiên nhiên, thấy mặt trời, và đặc biệt, tôi thấy được cái không khí lạnh ngắt, tươi mát của trời đất nơi ông ở, nhà soạn nhạc người viết nên những tác phẩm nhằm "xây nên những ngôi nhà cho dân tôi ở". Như lần tôi nghe "Morning mood" (Tâm trạng buổi sáng).

Mỗi lần nghe Grieg là một lần bất ngờ. Bất ngờ lần này là "Khúc ca nàng Solveig" trong tổ khúc Peer Gynt.


Có lẽ đông qua, rồi xuân cũng sẽ qua,
Và cả hè cũng trôi, không chừng một năm trọn
Nhưng anh rồi cũng sẽ về, điều đó em biết chắc
Một khi em đã hứa, em vẫn sẽ chờ đợi mà
Cầu thượng đế cho anh sức mạnh, dù anh có đi tận phương nào
Cầu thượng đế cho anh vui sướng, khi anh đến đứng dưới chân người
Em vẫn sẽ chờ đợi anh đến đây lần nữa
Và anh yêu, nếu anh đang đợi em trên cao kia, chúng ta rồi sẽ gặp lại nhau.









____________________

Ngày trước cô Lê Dung cũng đã từng hát bản dịch lời Việt của ca khúc này.



_____________________

"Cháu là hạnh phúc. Cháu là ánh lấp lánh của bình minh".
 Paustovsky






Các câu trích trong "Lẵng quả thông":
Đoạn ở trên là dịch theo bản tiếng Anh trên http://russiapastandpresent.blogspot.com/2011/06/konstantin-paustovsky-basket-of-fir.html.
Đoạn ở dưới là bản dịch của dịch giả Kim Ân.

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Điều còn sót lại

Điều duy nhất còn sót lại khi tôi bay đi
Đó là niềm tin của tôi ở lại.


Những trở ngại vẫn lửng lơ ở đó
Và những thất bại vẫn ở lưng chừng trời
Khi tôi bay đi trong một chiều gió
Tôi cất niềm tin của mình ở lại một nơi
Nơi mà tôi nghĩ sẽ phủ xanh đầy cỏ
Vào một ngày gần bạn sẽ đến dạo chơi
Mây sẽ cao và mặt trời sẽ đỏ
Rồi nắng sẽ tan và nước sẽ rơi
Rồi bóng câu sẽ phi qua cửa sổ
Nhưng niềm tin của tôi không mục rữa rã rời.

Vào một ngày gần bạn sẽ lại dạo chơi
Hãy hít thật sâu mùi cỏ vừa mọc
Hãy lắng nghe rằng nước đang bốc hơi
Hãy cúi nhìn những giọt sương đang khóc
Vì niềm tin của tôi lại vừa ra đời.

Tôi không ở đây, nơi niềm tin tôi ở
Tôi gửi niềm tin ở lại cho cuộc đời
Cho bố mẹ, cho gia đình, cho đất nước
Cho con mèo ban sáng, cho thành phố tối trời
Và niềm tin tôi giấu nơi cỏ mọc
Tôi để giành cho bạn của tôi.

Ta đã đến, đã thấy, đã chinh phục
Caesar
Và sẽ về trong nắng mới tinh khôi.




____________
Hình: Oải hương ở Winchester.

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Trải nghiệm triết học (2) : Ghi chép về Milgram

Trách nhiệm bắt đầu từ trong mơ
William Butler Yeats






Sách của Kolak (2006) chép lại một đoạn về "Sự tuân lệnh người cầm quyền" của nhà tâm lý học Stanley Milgram của đại học Yale, trích trong cuốn sách cùng tên của ông xuất bản năm 1974 ở New York. Trong đoạn trích, Milgram miêu tả thí nghiệm nổi tiếng của mình mà Kolak gọi là "thí nghiệm gây chấn động nhất và quan trọng nhất từng được thực hiện về hành vi loài người" (tr.22). 

Thí nghiệm của Milgram nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi một người bình thường liệu sẽ có thể tuân theo mệnh lệnh mà tra tấn hoặc thảm sát những người vô tội khác đến mức độ nào, đặc biệt thí nghiệm hướng tới trường hợp của Adolf Eichmann và trường hợp những lính Mỹ tham gia cuộc thảm sát Mỹ Lai năm 1968.

I. Về Eichmann: Eichmann là trung tá của SS Đức Quốc xã, là người chịu trách nhiệm chính về việc bắt bớ và thủ tiêu người Do Thái. Eichmann phải quan tâm tới việc làm sao để thủ tiêu được nhiều người Do Thái một cách hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất. Sau chiến tranh, Eichmann giả mạo giấy tờ để trốn, thoát được phiên tòa Nuremberg nhưng cuối cùng cũng bị bắt và đưa ra xét xử ở Israel. Trong suốt cuộc xét xử, Eichmann một mực khăng khăng mình chỉ làm đúng theo mệnh lệnh cấp trên.

II. Về Cuộc Thảm sát Mỹ Lai: Trong thời kì diễn ra Tổng khởi nghĩa Mậu Thân, Quân đội Mỹ được lệnh càn quét và giết tất cả du kích cũng như binh lính Việt Cộng và "những người khả nghi" ở vùng thôn Mỹ Lai, Quảng Ngãi. Rốt cuộc đã diễn ra một cuộc thảm sát và tra tấn quy mô, nạn nhân gần như tất cả là người già, phụ nữ và trẻ em. Đến cuối buổi sáng thì tin mới đến tai thượng cấp và lệnh ngừng bắn được đưa ra. Kết quả là 504 dân thường thiệt mạng. Phía Lục quân Hoa Kỳ cố gắng che giấu nhưng cuối cùng vẫn bị lộ ra thông tin về cuộc thảm sát. Phiên tòa được tiến hành nhưng chỉ có duy nhất thiếu tá Calley bị kết án, mặc dù cũng một mực bào chữa mình chỉ làm theo mệnh lệnh cấp trên

III. Thí nghiệm Milgram:
- Khái niệm: Một người được đưa vào phòng thí nghiệm tâm lý và được bảo phải làm một chuỗi hành động ngày càng xung khắc với lương tâm. Vấn đề đặt ra ở đây là người đó sẽ tiếp tục tiến thành thí nghiệm đến mức độ nào trước khi từ chối không làm nữa.
- Tiến hành: 
  • Có 2 người được đưa vào phòng thí nghiệm ban đầu được nói là để làm thí nghiệm về trí nhớ và việc học tập. Một người sẽ đóng vai "giáo viên" và một người vai "sinh viên". Người "sinh viên" sẽ ngồi trong một căn phòng, tay chân giữ chặt để tránh cử động lung tung và một điện cực được gắn vào hông. Anh ta được bảo phải học một danh sách các cặp từ, nếu mắc lỗi anh ta sẽ bị phạt bằng một dòng điện ngày càng mạnh dần (từ 15 volt tới 450 volt, mỗi lần tăng 15 volt).
  • Người "giáo viên" sau khi chứng kiến người "sinh viên" bị buộc vào ghế sẽ được đưa sang một gian phòng khác để giám sát việc học của "sinh viên". Mỗi lần "sinh viên" trả lời đúng, "giáo viên" sẽ chuyển sang cặp từ khác, mỗi lần trả lời sai, "giáo viên" sẽ phải nhấn nút để phạt "sinh viên".
  • "Sinh viên" là các diễn viên, họ thực ra không phải chịu bất kì một dòng điện nào cả, chỉ việc đóng giả các mức độ bị điện giật. "Giáo viên" là đối tượng chính của thí nghiệm.
  • Mỗi khi "giáo viên" chần chừ không đưa ra quyết định phạt "sinh viên", người giám sát thí nghiệm sẽ ra lệnh cho anh ta tiếp tục tiến hành thí nghiệm: (lần 1: Xin hãy tiếp tục; lần 2: Thí nghiệm đòi hỏi anh phải tiếp tục; lần 3: Anh phải tiếp tục, điều đó thực sự rất cần thiết; lần 4: Anh không có lựa chọn nào, anh phải tiếp tục). Sau 4 lần ra lệnh, nếu "giáo viên" tiếp tục từ chối, thí nghiệm ngừng lại.
- Kết quả: Mặc dù nhiều "giáo viên" phải đối mặt với sự căng thẳng tột độ, mặc dù nhiều người phản đối người giám sát thí nghiệm, nhưng một phần lớn đáng kể họ tiếp tục tiến hành thí nghiệm cho tới cú giật điện cuối cùng. Rất nhiều người tiếp tục tuân theo lệnh của người giám sát thí nghiệm dẫu cho "nạn nhân" có cầu khẩn nài xin ngừng lại tới đâu.

IV. Milgram giải thích
- Milgram cho rằng có một sự khác biệt lớn giữa hoàn cảnh của những người tiến hành thí nghiệm với những sĩ quan và người lính trong chiến tranh thực sự; và người giám sát thí nghiệm cũng có rất ít quyền lực đối với người "giáo viên" nếu so với quyền lực của một vị tướng trong chiến tranh. "Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng tôi cho rằng việc quan sát kỹ lưỡng sự tuân lệnh trong trường hợp đơn giản này là cần thiết nhằm mục đích có được thêm những hiểu biết và rút ra được kết luận chung để áp dụng cho nhiều trường hợp khác nữa".
- Milgram nhắc tới ý kiến của Hannah Arendt về việc những người khởi tố Eichmann cho rằng Eichmann là một con quái vật tàn ác là sai một cách cơ bản, rằng Eichmann chỉ là một sĩ quan bàn giấy ngồi ở bàn làm việc của mình và làm công việc mình được giao. "Sau khi chứng kiến hàng trăm người bình thường cam chịu tuân lệnh trong thí nghiệm của mình, tôi phải kết luận rằng quan niệm của Arendt về sự tầm thường của cái ác đã tiến đến rất gần chân lý hơn người ta dám tưởng tượng".
- Những điều khiến đối tượng tiếp tục tuân theo mệnh lệnh:
     1. Những nhân tố níu kéo đối tượng: lời hứa ban đầu sẽ tiến hành thí nghiệm, ngại rút lui, sợ tỏ ra bất lịch sự nếu từ chối tiến hành.
     2. Sự điều chỉnh tâm lý của đối tượng:
(i) Một cơ chế điều chỉnh là xu hướng tập trung vào khía cạnh kỹ thuật hẹp của thí nghiệm mà mất đi tầm nhìn rộng hơn về hậu quả của thí nghiệm.
(ii) Cơ chế điều chỉnh thường thấy nhất là sự điều chỉnh suy nghĩ sao cho đối tượng nhìn thấy trách nhiệm không thuộc về hành động của mình. Anh ta rũ bỏ trách nhiệm từ phía mình mà chuyển sang cho người giám sát thí nghiệm. Anh ta xem mình không phải là một người thực hiện hành động liên quan đến vấn đề đạo đức mà chỉ là một phương tiện của một quyền lực bên ngoài. Hầu hết đối tượng sau thí nghiệm đều trả lời: "Nếu là tôi quyết định, tôi đã chẳng làm như thế. Tôi chỉ làm những gì tôi được bảo phải làm". Đó cũng là câu trả lời được nghe nhiều nhất ở phiên tòa Nuremberg. 
      3. Đặt ra mục đích cao thượng cho hành động của mình. Phần lớn đối tượng trong thí nghiệm đặt mình vào trong văn cảnh lớn hơn, rằng điều họ làm có ích cho cộng đồng - họ đang tham gia tìm cầu chân lý khoa học. Điều này giống với tâm lý dân Đức khi được tuyên truyền suốt cả một thập kỷ về việc chấp nhận một sự diệt chủng Do Thái, cũng như giống tâm lý lính Mỹ trong chiến tranh VN. 

V. Biến thể của thí nghiệm
Đối tượng lần này không được yêu cầu kích hoạt hình phạt nữa, mà chỉ nhấn nút ra lệnh cho một đối tượng khác thực hiện hình phạt. Trong trường hợp này 37 trên 40 người ở New Haven tiến hành thí nghiệm cho tới mức cao nhất. Như dự đoán, các đối tượng đều cho rằng trách nhiệm không thuộc về họ nữa mà thuộc về người nhấn nút thực hiện hình phạt. Điều này cho thấy "về mặt tâm lý, rất dễ dàng để chối bỏ trách nhiệm nếu mỗi người chỉ là một nút thắt trong cái dây chuyền tội ác". "Ngay cả Eichmann cũng sẽ phát ốm nếu chứng kiến những trại tập trung, nhưng để thực hiện việc giết chóc hàng loạt, ông chỉ cần ngồi ở bàn làm việc và lật giấy" (Milgram, 1974). 


Milgram biên, "Hình thái của xã hội và cách xã hội phát triển góp phần rất lớn vào việc này", rằng "Từ khi có sự phân chia lao động của loài người, mọi thứ đã thay đổi. Việc đập nhỏ tổ chức xã hội ra theo cách mọi người lo một công việc hạn hẹp và chuyên môn của mình khiến cho chất lượng công việc và cuộc sống con người mất đi một phần nào đó. Một người không được nhìn thấy toàn cảnh công việc, do đó không thể hành động mà không có một chỉ dẫn toàn diện nào. Anh dựa dẫm hoàn toàn vào người cầm quyền nhưng chính làm như thế, anh đã xa rời khỏi chính hành động của mình".


__________________________


Ngoài phần đầu cùng 2 phần Eichmann và thảm sát Mỹ Lai, phần còn lại chủ yếu là ghi chép từ đoạn trích nguyên tác của Milgram trong sách Trải nghiệm triết học của Kolak và Martin.

Phim về thí nghiệm của BBC trên Youtube.

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Tranh: Họa sĩ Bút Chì - Đỗ Hữu Chí.


Đừng lấy luận điệu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ra để chửi 1 tác phẩm trí tuệ của người khác nếu như mình còn không biết tiếng Việt nó trong sáng ở chỗ nào.

______________________

Báo Người Lao Động là cái báo mạnh mồm nhất trong việc chê cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" của họa sĩ Thành Phong với 2 bài báo toàn chê. Báo Tuổi trẻ với 3 bài báo, một bài vừa nửa khen nửa chê, vừa mở đường cho dư luận, một bài phân tích (có xu hướng khen) của 2 nhà ngôn ngữ học, một bài nói về việc cuốn sách bị thu hồi. Báo Thanh niên tôi không thấy bài nào. Ngoài ra còn rất nhiều các trang thông tin nhỏ lẻ khác cũng đưa tin.

Tôi chưa thấy một chuyên gia có bằng cấp (nghĩa là có học vấn và có tư cách để phát ngôn) chê cuốn sách này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với cái mạng internet rộng khắp, giờ đây bất cứ một tên cha căng chú kiết nào có máy vi tính nối mạng đều có thể lên facebook, lên các diễn đàn online mà phán như thánh. Rồi các tờ báo kiểu như NLĐ tha hồ mà lượm lặt những cái chê vớ vẩn đó để viết thành 1 bài báo. Trong 1 bài viết ngắn ngủn, chủ yếu là trích tranh vẽ cũng như trích lời của cuốn sách và lời của các "chuyên gia" trên mạng về cuốn sách, "nhà báo" Hàn Đông đã có thể kéo 1 cái tít rất kêu "Sát thủ đầu mưng mủ": Sách đại tào lao. Tôi hoàn toàn không hiểu bạn "nhà báo" này có suy nghĩ tí nào về cái tít của mình không, một khi chưa phân tích kĩ càng cũng như chưa tìm hiểu rõ nguồn cơn (ít nhất nếu bạn "nhà báo" ấy có tìm hiểu rồi cũng nên ghi ra trên mặt báo chứ) mà đã gắn cho cuốn sách ấy ba chữ đại tào lao nặng nề. Viết báo vài chữ, trích tranh và lời người khác từa lưa, đến tôi cũng có thể viết báo gửi cho NLĐ.

Tới bài báo thứ hai, NLĐ cũng chả khác. Cái bạn Y.Anh nào đó, phóng viên báo Người Lao Động, cũng trích dẫn lời của ông Vũ Hoàng Giang, phó Giám đốc Nhã Nam trả lời phỏng vấn trên trang của VTC. Bạn phóng viên này cũng chỉ trích dẫn vài câu của ông Giang, rồi bắt bẻ những câu đấy, bảo rằng ông đổ dầu vào lửa với lại xuyên tạc tục ngữ VN, rồi được dịp tiếp tục tha hồ đấm vào mặt cuốn sách bằng những từ kiểu như "nhảm nhí", "méo mó", "mất đi sự trong sáng của tiếng Việt", "đi ngược lại với truyền thống đạo lý" này nọ. Tôi cảm thấy thật là chán báo NLĐ.

Tôi sẽ không nói về chuyện giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở đây. Chuyện đó có vẻ như tôi chả hiểu gì cả nhưng ai nói nghe cũng đúng quá. Tôi chả hiểu gì cả vì tiếng Việt mượn hàng đống từ vựng của tiếng Hán, rồi tiếng Pháp, rồi sau này là tiếng Anh, chưa kể nhiều tiếng khác. Rồi chính vì mượn hàng đống từ tiếng Hán như thế mà hàng đống người Việt đã, đang và sẽ dùng sai rất nhiều từ không phải là của mình, nhiều từ dùng sai đã thành từ dùng đúng. Hàng đống từ (may mà) còn được dùng đúng (nghĩa là nghĩa của từ đó không khác biệt lắm so với từ gốc trong ngôn ngữ gốc), vẫn đang bị hàng đống người dùng sai (mà không biết). Nói chuyện đó vào đây sẽ là 1 kiểu ngụy biện "cá trích đỏ" (red herring - nói lảng sang 1 chuyện chả hề liên quan để lái chủ đề tranh luận đi).

Báo chí giờ đây đã là một thế lực trong việc dẫn đường dư luận. Có những vấn đề về lối nghĩ, lối ứng xử, đạo đức, ... của cả 1 thế hệ sẽ được báo chí dẫn đường. Báo chí vì thế cũng cần có những người chỉ lối, là những chuyên gia và nhà khoa học, những học giả có kinh nghiệm, có thẩm quyền lên tiếng về các vấn đề lớn, kết hợp với tiếng nói của dư luận để định hướng cho cả một thế hệ những người trẻ đọc báo. Báo chí cần những người biết làm báo cũng như có ý thức đàng hoàng về việc làm của mình.

Tôi chỉ muốn nói ngôn ngữ là thứ luôn vận động, không cho nó vận động thì nó sẽ chết. Các ngôn ngữ chết (Latin, Sankrit (là tiếng Phạn ấy)) là những ngôn ngữ chỉ có thể dùng để các dân tộc khác nhau truyền bá thông tin với nhau, bởi lẽ từ vựng và ngữ pháp của những ngôn ngữ đó đóng kín rồi, không thêm vào, không bớt ra nữa.

Một ngôn ngữ sống là một ngôn ngữ khỏe mạnh và dồi dào sinh lực trong việc tiếp thu những cái mới. Một dân tộc muốn phát triển mạnh mẽ về học thuật là một dân tộc có một thứ ngôn ngữ sống lành mạnh, nghĩa là một ngôn ngữ sinh sản dồi dào nhưng đủ đề kháng để lọc bỏ những u nhọt, cũng như đủ tự tin để vượt qua sự bảo thủ để mà tiếp thu. Tiếng Nhật là một ngôn ngữ như thế, 200 năm trước người Nhật đã mang từ vựng khoa học từ các ngôn ngữ Tây phương mà phiên âm thẳng vào ngôn ngữ của họ, khác với chúng ta phiên âm từ tiếng Hán, rồi hãy nhìn xem họ đã trở thành 1 cường quốc như thế nào.

Tôi thật sự chán vì quyết định thu hồi này. Tác phẩm của Thành Phong - một họa sĩ trẻ, từng nhận được giải thưởng quốc tế, được biết đến với nhiều tranh biếm họa xuất sắc - khó có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật hay văn học hay gì gì đấy mà những người nào đấy cho rằng phải như thế mới xứng đáng in thành sách, nhưng chắc hẳn không phải là 1 quyển sách rẻ tiền. Khi mà những quyển truyện ma vẫn có chỗ đứng trong các nhà sách nhỏ, khi mà những truyện cười dân gian đọc chả có gì mắc cười vẫn được Tuổi trẻ Cười đăng hàng tháng, khi mà truyện Trạng Quỳnh chơi xỏ Chúa Trịnh, sứ Tàu với nhiều câu lắm khi tục tĩu được in đi in lại hàng trăm ngàn lần (vốn là những mẩu chuyện nhỏ thể hiện cái bản tính trân quý những trò láu cá, khôn lỏi của người Việt mình) vẫn được phát hành, thì việc thu hồi quyển sách của Thành Phong thực sự là điều không hề công bằng. Việc liên hệ những câu nói vui đã được chọn lọc của giới trẻ (bằng chứng là không có câu nào quá tục tĩu được đưa vào sách) với những hình ảnh nhiều khi tạo nên những liên tưởng mới lạ, gây ra tiếng cười cho người đọc có thể được gọi bằng từ nào ngoài từ "sáng tạo". Quyển sách đúng là một tác phẩm lao động trí tuệ của Thành Phong. Sáng tạo là 1 vốn quý mà không phải người trẻ nào cũng có được, giờ đây bị vùi dập bởi một đám người mang đạo đức (có thể giả, có thể thật), nhưng chẳng hề ngồi xem xét kỹ càng mọi việc, chẳng buồn dùng đến trí tưởng tượng của mình mà cứ lao đầu vào dùng đạo đức (của mình) để phán xét. Thế có tức không?

___________________


Đầu óc hẹp hòi triệt tiêu trí tưởng tượng. Không khoan nhượng, lý thuyết tách rời khỏi thực tế, ngôn từ sáo rỗng, lý tưởng vay mượn, hệ thống cứng nhắc. Đó chính là những cái làm mình thực sự kinh hãi.

(Kafka bên bờ biển - Haruki Murakami - Dương Tường dịch)
___________________


Ôi, chán như con gián.

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Trải nghiệm triết học (1)

CÓ CẢ MỘT ĐẠI DƯƠNG ĐÓNG BĂNG BÊN TRONG CHÚNG TA. Triết học là một lưỡi rìu.

Mọi thứ bạn tin đều đáng ngờ. Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi một cách thật sâu sắc về mọi thứ chưa? Sự chấp nhận một niềm tin, mà không chút mảy may phê phán gợn lên trong bạn, được truyền cho bạn từ cha mẹ bạn, từ thầy cô giáo bạn, từ các chính trị gia và các lãnh tụ tôn giáo, đó là một điều nguy hiểm. Nhiều niềm tin chỉ đơn giản là một sự ngộ nhận. Một vài trong số đó lại là những lời lừa dối, được tạo dựng nhằm mục đích điều khiển bạn. Ngay cả khi những điều được truyền đạt đó là đúng, chúng cũng không phải là chân lý của bạn. Chấp nhận một điều mà không hề thắc mắc gì, điều đó biến bạn thành một con rối, một con người thứ cấp.

Niềm tin có thể truyền đạt lại. Kiến thức cũng có lẽ có thể truyền đạt lại. Nhưng sự minh triết không bao giờ có thể truyền đạt. Mục tiêu của triết học là đạt lấy sự minh triết. Mọi cố gắng nhằm truyền đạt triết học đều không mang tính triết học*.

Minh triết đòi hỏi phải biết thắc mắc những điều đáng thắc mắc, nghi ngờ những điều đáng ngờ. Vì chưng mọi thứ đều đáng thắc mắc và đáng ngờ, minh triết đòi hỏi phải thắc mắc và nghi ngờ mọi thứ. Đó chính là triết học: nghệ thuật nghi ngờ mọi thứ.

(Phần Một: Bắt đầu vào triết học)

Daniel Kolak và Raymond Martin (2006) Trải nghiệm triết học (The Experience of Philosophy) 6th edition. New York, Oxford: Oxford University Press.

____________________

*: Trying to hand down philosophy is unphilosophical

____________________

Đây là quyển sách đầu tiên tôi mượn về từ thư viện.

Nguyên bản tiếng Anh của lời mở đầu phần một là một đoạn văn ngắn rất gợi hứng. Mục tiêu của đoạn văn hướng tới đó là kêu gọi mọi người hãy biết thắc mắc. Chữ "question" và "questionable", tôi dịch bằng cả 2 từ: đáng ngờ và đáng thắc mắc. Xét về mặt cảm quan cá nhân, tôi thấy nếu chỉ chuyển nghĩa bằng 1 từ tiếng Việt, nó không mang lại đầy đủ ý nghĩa cho mục tiêu của triết học.

Tôi chợt nhớ về "Thế giới của Sophie", quyển sách triết học đầu tiên tôi đọc trong đời, năm tôi 13 tuổi. Nhà triết học Alberto luôn nói với Sophie rằng, trẻ con là những triết gia bẩm sinh, vì chúng luôn thắc mắc, các triết gia thực thụ là những người vẫn còn giữ được niềm hân hoan thơ trẻ và tươi mới đó vì họ luôn nhìn thế giới quanh mình bằng một con mắt lạ lẫm và luôn đặt câu hỏi. Hầu hết, khi người ta lớn lên, chúng ta đều tự ngộ nhận rằng mình biết đủ rồi và tự cho mình cái quyền tỏ ra quen thuộc với thế giới này. Hệt như một chú học trò giỏi toán tỏ vẻ khinh người trước một thầy giáo già đã học toán, làm toán và dạy toán hơn 30 năm; chúng ta cũng y như vậy. Chúng ta sống trên đời vài chục năm thế mà đã tự cho rằng mình biết hết vạn sự ở cái thế giới già cỗi này, thông tuệ hết mọi phức tạp tinh vi của cái xã hội đã hình thành hàng chục ngàn năm nay. Bằng cách đó, chúng ta tự tước đi của mình cái quyền ngạc nhiên về thế giới.

Nhiều nhà nghiên cứu đã viết rằng về bản chất, dân tộc Việt Nam là một dân tộc ít có tư duy triết học. Giáo sư Trần Đình Sử một lần phân tích câu chuyện dân gian Thầy bói xem voi (bấm vào link để xem) đã nhận xét tâm thức dân tộc Việt thiếu một tầm triết lý, nếu so sánh với các dân tộc lớn Trung Hoa, Ấn Độ... Tôi đã từng quan sát trong số các bạn bè mình, tôi cũng thấy nhiều khi có một sự thiếu nghiêm túc khi đề cập đến các khái niệm hình thành nên tư duy về bản chất của mọi thứ trong cuộc sống quanh ta.

Các bạn tôi giờ đây hầu hết đều đang học năm thứ nhất đại học. Ở Việt Nam, các bạn sẽ phải cày bừa để vượt qua được cái môn gọi là chủ nghĩa Mác - Lênin. Có trường gọi đó là học triết học, có trường gọi là học chính trị. Về phần mình, tôi nghĩ đó không phải là một môn triết học. Đừng tưởng ở các nước tư bản phương Tây, Các Mác không được đánh giá cao. Mác được đại học Cambridge bình chọn là nhà tư tưởng đứng đầu của thiên niên kỉ, làm thay đổi bộ mặt của xã hội cũng như nhận thức của nhân loại về lao động. Thư viện trường tôi đang học có cả một tủ các tác phẩm của Mác và Ăng-ghen. Dạy sinh viên về tư tưởng của những người vĩ đại đặt nền móng cho lý tưởng mà đất nước đang theo đuổi là một việc làm không có gì sai trái, thế nhưng làm sao có thể gọi đó là một môn triết học cho được khi mà sinh viên thậm chí còn không có ý muốn tìm hiểu gì về bản chất các mối quan hệ sản xuất là như thế nào.

Tôi nhận thấy ngay từ việc nhảy thẳng vào Mác mà dạy, bắt đầu từ những năm đầu cấp 3 trong môn GDCD mà không cho thấy một quá trình phát triển tư duy của nhân loại đã là một thất bại to lớn của cách dạy triết học (mặc dù là sơ cấp) ở nước ta. Tôi không hề biết sinh viên chuyên ngành triết học sẽ học như thế nào, nhưng một đất nước mạnh phải là một đất nước hiểu mình đang làm gì, và sinh viên, kể cả kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, nhà kinh tế, chưa kể nhà lãnh đạo, những cái đầu tương lai của đất nước, cần phải ít nhất có một hiểu biết nhất định về triết học, vì triết học không chỉ là một môn học về nhân loại đã tư duy những gì và như thế nào mà còn là một môn học dạy người ta phải biết tư duy những gì và như thế nào.Việc tước bỏ những Plato, Aristotle, Kant, hay tất cả những người trước Mác và sau Mác khỏi kiến thức của đại đa số học sinh sinh viên chính là một cách làm thui chột bản năng tò mò và thắc mắc, chẳng khác nào việc tước đi tinh thần triết học khỏi những bộ óc tương lai này.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Freshers' coming

Tôi đứng giặt tất trên tầng hai nhìn xuống từng đoàn xe hơi chạy vào Wessex Lane, thấy từng gia đình người Anh, cha, mẹ, tay xách, nách mang nào chăn gối, nào va li túi xách cho những đứa con vừa trưởng thành, đang bước vào cuộc sống mới của mình, cuộc sống gọi là "college". Rõ ràng ở nơi nào cũng thế, phương Tây hay phương Đông, cũng sẽ tới lúc những đấng sinh thành phải thả tay mình ra, để cho những đứa con lông cánh đã đủ vững có thể bay cao.

Rõ ràng ở nơi nào cũng thế, tôi cũng thấy những cái ôm chặt lúc chia tay. Rõ ràng ở nơi nào cũng thế, tôi cũng cảm nhận được những tình cảm khó nói nên lời, chỉ hiện rõ lên khuôn mặt của các bậc mẹ cha khi rời xa con mình.

Tuy thế, đối với những đứa con phương Tây này, những đứa mới lần đầu xa nhà này, tôi đều thấy chúng có vẻ gì đó khá trưởng thành. Chúng có vẻ tự hào lắm vì được bước vào cuộc sống tự lập.

______________________

Trong mấy ngày sinh viên bản xứ chưa đến, kí túc xá yên ắng và buồn tẻ. Đêm nay, đêm đầu tiên sinh viên đến đông đủ, Wessex Lane bỗng ồn ào lạ thường. Đã 10 giờ đêm rồi mà bọn nó vẫn bật nhạc nhảy múa.

Quán bar đã mở. Nhạc đã xập xình. Tôi không biết đó là của sinh viên cũ hay là những "người lớn nhỏ tuổi" vừa xa cha mẹ bước vào không gian đại học nữa.

______________________

May mà 10 giờ rưỡi nhạc đã tắt rồi.

Ở một kí túc xá đại học, nhất là phương Tây, chuyện đó cũng bình thường thôi. Vui mà. Ở Việt Nam cũng nhạc nhẽo ầm ĩ thế.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Một hành trình dài phía trước

Buổi tối trước ngày đi Olivine, Umbreon nói với tôi. Nó nói một cách hăng say và quyết liệt. Tôi chưa từng thấy Umbreon như thế bao giờ.

Nó nói về những điều nó tin tưởng, về những thứ nó cần phải làm, về những điều nó căm ghét.

Bóng tối bao phủ lấy nó như một vầng hào quang. Nó ở trong bóng tối mà còn sáng hơn những kẻ lò dò ngoài ánh mặt trời.

Tôi ở trong bóng tối nhưng tôi không làm trò bá đạo. Umbreon nói như thế.

Tôi sẽ đi trên con đường mà tôi cho là đúng. Sẽ có những thứ cố kéo tôi ra khỏi con đường ấy. Nhưng vì tôi ở trong bóng tối, chúng sẽ khó lòng mà kéo được tôi.

Những con hẻm ngập tràn bóng tối ùa đến, hết đợt này đến đợt khác, như những ân điển dào dạt, những luồng khí ào ạt cuốn đi những hạt bụi lửng lơ. Ánh trăng sẽ lu mờ vì chưng những vệt sáng trên người Umbreon đang rực rỡ trong bóng tối.

Thôi thì chúng ta sẽ đi, Umbreon ạ. Chúng ta sẽ đi cùng nhau.

Bởi vì phía trước sẽ là một hành trình dài.



Sáng hôm sau, Espeon nói: Chúng ta sẽ tới Olivine đầu tiên.

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Chúng ta không có gì phải ganh tị với thế giới


[...]Mục tiêu của Kim Nhật Thành không đơn giản chỉ nhằm xây dựng một đất nước mới; ông muốn xây dựng nên một dân tộc tốt hơn, định hình lại bản chất nhân dân.Vì mục đích đó, ông dựng nên một học thuyết, juche, chủ thể. Học thuyết juche dựa trên quan điểm của Marx và Lenin về đấu tranh giữa chủ đất và nông dân nghèo, giữa người giàu và người nghèo. Học thuyết đơn giản tuyên bố rằng chính con người, không phải một vị Chúa nào, mới là người quyết định số phận của chính họ. Nhưng Kim Nhật Thành gạt bỏ mọi giáo điều của chủ nghĩa Cộng sản truyền thống về thế giới đại đồng. Ông là một người Triều Tiên dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Ông nói với nhân dân Triều Tiên rằng họ là một dân tộc đặc biệt - gần như là một dân tộc được lựa chọn - và rằng họ không cần phải dựa dẫm vào những người láng giềng hùng mạnh nào nữa, Trung Quốc, Nhật hay Nga. Nam Triều Tiên là một nỗi ô nhục vì họ đang dựa dẫm vào người Mỹ. "Thực hành chủ nghĩa juche, nói ngắn gọn, nghĩa là trở thành chủ thể của cuộc cách mạng và tái thiết đất nước của chính mình. Điều này nghĩa là gắn chặt với một tư thế độc lập, bác bỏ mọi sự phụ thuộc vào các nước khác, sử dụng chính khối óc của mình, tin vào chính sức mạnh của mình, thể hiện một tinh thần tự chủ cách mạng," ông đã trình bày chi tiết như thế trong nhiều luận thuyết của mình. Thật sự những phát ngôn trên đúng là rất có sức quyến rũ đối với một dân tộc đầy kiêu hãnh nhưng bị ngoại bang chà đạp lên phẩm giá của họ đã hàng trăm năm nay.

Ngay khi nắm quyền, Kim Nhật Thành đã dùng những tư tưởng từ thời còn là một người kháng chiến chống Nhật này để đưa lên thành một công cụ điều khiển xã hội. Ông nói với người Bắc Hàn rằng sức mạnh của họ, của loài người được tạo ra khi cộng gộp tất cả ý chí cá nhân thành chí ý của tập thể. Tập thể dù muốn hay không cũng không thể làm theo bất kì điều gì nhân dân muốn thông qua một quy trình dân chủ. Nhân dân phải tuân theo một lãnh tụ tuyệt đối và tối cao vô điều kiện. Lãnh tụ vĩ đại ấy, dĩ nhiên không ai khác ngoài Kim Nhật Thành.

Và như thế vẫn còn chưa đủ, Kim Nhật Thành muốn có cả tình yêu thương. Những bức tranh tường với màu sắc sống động vẽ ông vây quanh bởi các thiếu nhi má hồng nhìn lên ông với lòng kính ngưỡng còn ông thì nhìn xuống các em với nụ cười rộng và trắng tinh. Đồ chơi và xe đạp tràn ngập trong khung cảnh đằng sau các bức họa - Kim Nhật Thành không muốn làm Joseph Stalin; ông muốn làm ông già Noel. Đôi má lúm đồng tiền làm cho hình ảnh của ông hiện lên dễ thương hơn so với các nhà độc tài khác. Ông đã được xem như một người cha, trong một ngữ cảnh đầy tính chất Khổng giáo đòi hỏi sự kính trọng và tình yêu. Ông muốn được người người nhà nhà Triều Tiên yêu mến như máu thịt của họ. Thứ chủ nghĩa Cộng sản Nho giáo này có nhiều nét tương đồng với văn hóa đế quốc của Nhật Bản, nơi mà hoàng đế là mặt trời để cho mọi thứ đều phải cúi đầu, hơn là những điều được Karl Marx hình dung về một xã hội Cộng sản.

Những nhà độc tài đều giống nhau ở một mức độ nào đó. Từ Liên Xô của Stalin tới Trung Quốc của Mao, từ Ceauşescu của Romania tới Saddam Hussein của Iraq, các chế độ này đều có những thứ giống nhau: đều có những bức tượng lù lù ở mọi quảng trường thành phố, đều có các bức chân dung treo ở mọi phòng ban, đều có đồng hồ đeo tay in hình lãnh tụ trên mặt số. Nhưng Kim Nhật Thành đã đưa sự sùng bái cá nhân lên một tầm cao hơn. Điều khiến ông khác biệt so với những nhà độc tài khác nằm ở tài giữ vững sức mạnh của lòng tin. Kim Nhật Thành hiễu rõ quyền lực của tôn giáo. Cậu của ông từng là một giáo sĩ Kháng cách trong những năm trước khi chủ nghĩa Cộng sản lên nắm quyền, khi mà Bình Nhưỡng còn là một cộng đồng đạo Cơ Đốc lớn, từng được mệnh danh là "Jerusalem của phương Đông". Khi lên nắm quyền, Kim Nhật Thành đã đóng cửa nhà thờ, cấm Kinh Thánh, trục xuất các tín đồ về các miền quê và sử dụng các hình ảnh cũng như tín điều Cơ Đốc cho việc quảng bá bản thân.

Các phát thanh viên nói về Kim Nhật Thành hay Kim Chính Nhật không ngừng nghỉ, y như những nhà truyền đạo Ngũ Tuần (1 nhánh của đạo Tin Lành). Báo chí Bắc Triều Tiên viết về những câu chuyện rất mực siêu nhiên. Bão tố ầm ầm trên biển bỗng dưng yên ả khi thủy thủ đang bám víu lấy con tàu chìm hát lên bài ca ca ngợi chủ tịch Kim Nhật Thành. Khi chủ tịch Kim Nhật Thành đi vào vùng phi quân sự bán đảo Triều Tiên, một làn sương kì ảo đã bao quanh lấy ông nhằm bảo vệ ông khỏi những tay súng bắn tỉa đang ẩn nấp của Nam Hàn. Ông có thể làm cây nở hoa và làm tuyết tan chảy. Nếu Kim Nhật Thành là Chúa cha, thì Kim Chính Nhật là Chúa con. Như Chúa Giê-su, sự ra đời của Kim Chính Nhật đã được báo trước bằng những ngôi sao trên trời và có kèm sự xuất hiện của một cầu vồng đôi rực rỡ. Một con chim én đã xà xuống từ trời để hát vang trong ngày sinh nhật của "vị đại tướng sẽ thống lĩnh thế giới".

Chúng ta có thể cười cợt vì những trò tuyên truyền quá lố và sự cả tin của người dân Bắc Triều Tiên, nhưng hãy nghĩ rằng họ được truyền đạo như thế từ khi còn ẵm ngửa, suốt mười bốn tiếng đồng hồ một ngày trong nhà trẻ của các xí nghiệp; nghĩ rằng trong suốt năm mươi năm, mọi bài hát, phim, báo chí, panô quảng cáo đều được thiết kế để thánh hóa Kim Nhật Thành; nghĩ rằng đất nước đó đã bị đóng cửa kín mít khỏi mọi thứ gây nên bất cứ một nỗi nghi hoặc nào về tính thần thánh của chủ tịch Kim. Ai có thể chống lại điều đó?



Năm 1972, kỉ niệm 60 năm ngày thành lập, một cột mốc quan trọng của Triều Tiên, Đảng Lao Động phát hành huy hiệu Kim Nhật Thành. Trước đó rất lâu, toàn bộ nhân dân được yêu cầu phải đeo trên ngực trái, bên trên trái tim. Trong nhà bà Song, cũng như nhà nhiều người khác, một bức chân dung chủ tịch Kim Nhật Thành đóng khung được treo trên bức tường trống trơn. Người dân không được phép treo bất kì thứ gì khác lên bức tường đó, kể cả ảnh của người thân họ hàng. Chủ tịch Kim Nhật Thành là gia đình của bạn - ít nhất cho tới thập niên 80, khi chân dung Kim Chính Nhật, thư kí Đảng Lao Động, được treo cùng với người cha. Sau cùng thì thêm một bức chân dung thứ ba, gồm cả người cha lẫn người con. Báo chí Bắc Triều Tiên thích đăng những truyện kể nhân dân về các công dân anh hùng đã hy sinh thân mình đưa bức chân dung khỏi ngọn lửa hay khỏi dòng nước lũ. Đảng Lao Động phân phát chân dung miễn phí, kèm theo một mảnh vải trắng đặt trong một cái hộp bên dưới. Mảnh vải chỉ được dùng để lau chùi bức chân dung. Điều này đặc biệt quan trọng trong mùa mưa, khi nấm mốc có thể chui xuống bên dưới mặt kính. Khoảng một lần mỗi tháng, thanh tra của Bộ Chuẩn mực Công cộng sẽ ghé vào từng nhà để kiểm tra các bức chân dung.
[...]

(Nothing to envy - Barbara Demick - chương 3: Những người tin tưởng)

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Giản dị như bài ca.


“The Ants Dream!” by Rakesh Rock


Bài 16 - tập Người làm vườn (The Gardener) - Rabindranath Tagore

Tay chặt trong tay và mắt dõi tìm trong mắt: như thế, lần đầu tiên tim ta nhận thấy nhau. Trong một đêm tháng ba ánh trăng rực rỡ, ngọt ngào trong không gian thứ chất thơm của làn da và mái tóc, cây sáo của tôi bỏ quên nằm trên đất và vòng hoa em kết vẫn còn dang dở. 


Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca. 


Mắt tôi đắm say trong tấm khăn của em màu vàng nghệ thắm. 
Vòng hoa nhài em kết làm tim tôi rộn rã như một lời ngợi ca. 
Đó là trò chơi cho đi rồi lại giữ lại, hé mở rồi lại đậy che; có cả nụ cười mỉm lẫn nỗi thẹn thùng, và cả cơn tranh giành dớ dẩn vui say. 


Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca. 


Không một bí ẩn bên ngoài hiện tại, không một cố gắng đạt điều bất khả, không một bóng tối bao trùm nét quyến rũ, không phải dò dẫm đi trong sâu thẳm đêm đen. 


Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca. 


Chúng ta không để du ngôn lạc lối nơi lặng im vĩnh hằng; không với tay tới hư không nơi vô vọng. 
Cho và nhận thế là đã đủ. 
Chúng ta không vắt kiệt niềm hoan lạc thành chất rượu khổ đau. 


Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca.

______________
Bài này tui dịch lần đầu là ngày 1/9 năm 2008, là đúng 3 năm trước. Tự nhiên thấy có người search google bài này rồi vào blog tui, làm tui chợt nhớ, xem lại thì đúng đã hơn 3 năm trôi qua từ hồi tui mày mò dịch thơ Tagore.

Bản dịch lần này đã có chỉnh sửa. "Tình yêu của chúng ta" đổi thành "Tình yêu giữa chúng ta", phải có lý do gì đó thì Tagore mới viết "The love between you and me" chứ không viết "The love of yours and mine" hay là "The love of ours", hay đại loại vậy. Cũng có chỉnh sửa thêm một số từ.
______________

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Chỉ có một điều mãi mãi xanh tươi

Bạn ạ, mọi lý thuyết đều màu xám,
Chỉ có cây đời là mãi xanh tươi.
(Faust - Goethe)

Mephistopheles đã nói với Faust như thế.



Nói thật, sau khi xem The tree of life (Cây đời) của Terrence Malick, được Cành Cọ Vàng ở Cannes 2011, tui không hiểu mấy. Còn mệt nữa. Nhưng từ đó mới nghiệm kĩ thêm được cái lẽ, khi xem phim, thưởng tranh hay đọc sách, đừng tự hỏi mình rằng mình có hiểu không, mình có thực sự hiểu hay không. Cái xu hướng hiện giờ của giới văn nghệ sĩ là viết (vẽ, quay,...) sao cho khán giả khó hiểu nhất có thế, với thủ pháp đa nghĩa hóa, mù mờ hóa, biểu tượng hóa, siêu thực hóa và nhiều thứ xyz hóa khác mà các bạn trẻ trên mạng (hiểu rộng biết nhiều) dùng một thuật ngữ rất chung chung hóa là "tỏ ra nguy hiểm".

Chính từ việc tồn tại nhiều tác phẩm nghệ thuật bây giờ khó hiểu như vậy, phải chăng nên đặt ra một cách tiếp cận nghệ thuật khác: tự hỏi rằng mình có học được gì không, có trải nghiệm được cảm giác hay tri thức nào không. Đối với tôi, khi xem Cây đời, thì câu trả lời là có. Mặc dầu cái việc nhận ra rằng mình đang xem hồi kí của ông đạo diễn khiến tui phần nào không khoái cho lắm, nhưng mà nhạc và phần hình ảnh thực sự làm tui mê tít.

Nghe những nốt nhạc mở đầu từ giao hưởng Má Vlast (Tổ quốc tôi) của Smetana khiến tui sửng sốt. Sáng nay vừa nói chuyện với Cường Quốc về Smetana và Dvorak, về Má Vlast thì chiều nay, thiệt là bất ngờ, lại được nghe trong Cây đời. Vậy thôi, bất ngờ làm nên sự mê tít đầu tiên.

Tiếp theo, bản làm tui mê nhứt chính là bản Lacrimosa trong Requiem for My friend (Bản cầu hồn cho bạn của tôi) của Zbigniew Preisner. Requiem là thể loại nhạc chơi trong thánh lễ cầu hồn trong Công giáo. Lacrimosa trong tiếng Latin bắt nguồn từ Lacrima là giọt nước mắt, Lacrimosa là việc khóc, danh từ giống cái, Lacrimosa là một chương trong thể loại Requiem, từ Mozart, Belioz, Verdi tới nhiều nhà soạn nhạc khác đều có Lacrimosa trong Requiem của mình. Lacrimosa của Preisner theo đúng truyền thống, hát những ca từ Latin theo đúng bài ca trong lễ cầu hồn, nhưng chữ Lacrimosa được lặp đi lặp lại, cho tới tận cao trào. Thực sự nếu đứng trong một lễ cầu hồn, nghe đi nghe lại câu "Khóc đí! Khóc đi!" dộng vào tai như vậy, hẳn tui sẽ khóc thật, nhưng ngồi trong rạp chiếu phim, lúc đó lại chẳng hiểu Lacrimosa là gì, thậm chí còn không biết cái từ mà cái bà đang hát đọc như thế nào, thì tui không thể khóc được, nhưng mà âm nhạc và cái từ lặp đi lặp lại đó, cùng với hình ảnh rộng làm tui rất choáng ngợp. Chỉ một điều tui hơi băn khoăn, tại sao Lacrimosa lại là nhạc nền cho đoạn phim nói về sự hình thành vũ trụ? Nhạc nền cho cảnh thiên thạch rơi xuống trái đất, tiêu diệt khủng long thì còn dễ hiểu, chứ nhạc nền trên hình ảnh các tinh vân, những lò luyện sao, nơi tạo ra các nguyên tố nặng cho vũ trụ thì quả là khó nhằn. Chúng ta nhìn vào, như lời sách Job trích ở đầu phim, nhìn vào thời khắc Người tạo ra Trái đất, "khi những ngôi sao mai hòa ca, và tất cả con của Chúa Trời cùng hét lên trong niềm vui sướng", chúng ta khóc gì ở đây? Khóc trong niềm vui sướng? Hay khóc trong nỗi luyến tiếc, tự nghiệm lại câu hỏi mà Chúa trời đã hỏi ông Job, "Ngươi đã ở đâu lúc ta tạo ra Trái đất?".


Bản Lacrimosa và hình ảnh trong The Tree of Life (tuy nhiên hình nền đằng sau không theo thứ tự trong phim, người up đoạn phim này lên youtube đã chỉnh lại một tí để tránh bị dính bản quyền này nọ). Xem tham khảo.

Chuyện tui thấy khó hiểu nhất trong những cảnh phim khó hiểu, đầy tính trừu tượng của Malick đó là cảnh 2 con khủng long bên bờ suối. Nói ra vậy nghe chừng có vẻ thơ mộng đối với bạn nào chưa xem phim, nhưng mà thiệt ra cảnh này hổng có gì hết, một con khủng long đang nằm, một con khác bỗng dưng đâu ra chạy lại, đạp lên đầu con này, ngó ngó, chừng 30 giây, rồi bỏ chạy đi. Tui thiết nghĩ hồi kí của ông đạo diễn nầy phải chăng dính dáng gì tới khủng long hay trong một phút nhất thời, quay qua nói với thằng Nguyên ngồi bên cạnh, chắc lát nữa người ta vô xin lỗi vì chiếu lộn phim Công viên kỷ Jura. Hay là phải chăng ông đạo diễn, cựu triết gia đang chơi trò siêu thực? Tui hổng biết được. Đoạn này vậy mà cũng tới một phút mấy.

Nội dung phim thì thôi, tui không nói lại, vì mấy bạn nào tò mò thì tốt nhất nên coi phim, mặc dù không hiểu, nhưng cũng sẽ ít nhất biết được phim này kể cái chuyện gì, đại loại là chuyện một gia đình, có thằng con, ở với ba với má, xung đột, này kia, sau này ông con già, nhớ lại hồi nhỏ. Tui kể vậy thôi, báo trước là tui đã tầm thường hóa nội dung bộ phim đi rồi đó, mấy bạn tò mò hơn nữa thì nên lên Tuổi Trẻ đọc bài review của Phan Xinê hay lên www.phanxineblog.com đọc.

Siêu thực trong phim lên tới đỉnh điểm ở đoạn cuối, khi ông kép chánh, sau khi nhớ lại no nê, được ông đạo diễn cho bước ra bãi biển trắng phau, gặp lại chính mình hồi nhỏ, gặp lại ba, lại má, lại hai đứa em, rồi nhiều thước phim tâm linh khác diễn ra. Tui chợt thoáng nghĩ đến cảnh kết thúc, ông này bước ra giữa thành phố đầy nhà chọc trời, gặp lại con khủng long đã (vô cớ?) xuất hiện ở đoạn đầu, rồi hết phim; nhưng thiệt may, hổng có cái cảnh nhảm nhí đó.

Phim kết thúc (theo như tui nhớ, vì lúc đó mệt rồi, siêu thực nhiều quá cũng mệt) bằng cảnh một cánh đồng hoa hướng dương vàng rực, rồi nhè nhẹ chuyển qua cảnh một ngôi nhà gỗ, nằm trên cánh đồng hoa poppy như trong tranh Monet ấy. Rồi từ từ đen thui.

Trong phim, khi Jack, đứa con, được sinh ra, có một cảnh quay rất đẹp: người cha (Brad Pitt) đã cuối xuống chụm hai tay đỡ lấy bàn chân con mình, hệt như đang vun một cái cây. Rồi người cha đã trồng một cái cây trước sân nhà, người mẹ đã nói, "Con sẽ trưởng thành nhanh hơn cái cây này cao lớn".

Cuộc đời một chàng trai, sinh ra trong tình thương, lớn lên trong tình thương, nhưng rồi dần đánh mất sự ngây thơ vì sự khắc nghiệt của người cha, thương yêu con nhưng muốn con thành một người đàn ông mạnh mẽ: "hứa với cha là con đừng giống cha", chàng trai hỏi mẹ, "Làm sao con có lại được sự ngây thơ như hai đứa em", dồn nén mình trong phức cảm Oedipus, trong sự thù ghét người cha ở tuổi dậy thì, chứng kiến nỗi đau khổ của mẹ trước nỗi đau mất đi người em thứ hai, mắc kẹt trong những lời mặc cả với một đấng tối cao vô hình, Người đã ở đâu, chúng con là gì với Người, Người có đang nhìn con không, sao Người lại để một thằng bé chết, rồi từ từ nhận ra mình trở nên giống cha quá. 

Vì chưng mọi lý thuyết đều là màu xám, quỷ sứ đã nói vậy, hãy nhìn vào Cây đời bằng con mắt thuần khiết, cảm nhận bằng hình ảnh và âm nhạc, dõi theo câu chuyện, để thấy rằng, chỉ có một điều mãi mãi xanh tươi.

À Démain.


"But I tried, didn't I? Goddamnit, at least I did that!"

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Lời tiên tri của giọt sương hay là sách mới này

CÁ DU

Hai con cá du bơi lội dưới sông Hào, nhìn thấy hai người đứng trên cầu.
- Hai người đứng trên ấy đang buồn.
- Đằng ấy không phải là người, sao biết được người buồn?
- Đằng ấy không phải tớ, sao biết tớ không biết? Tớ bơi giữa sông Hào mà biết thôi.
Nhanh như cắt, một con chim lao xuống nước đớp gọn hai con cá du.
Cuộc tranh luận đương nhiên là chấm dứt.

(Nhật Chiêu - Lời tiên tri của giọt sương - Truyện nhỏ (9))

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Freedom is not free at all

Trưa nay tôi xem lại 300.



Đúng là sau khi ngồi đọc lịch sử, có một nền tảng nào đó, ít nhất là về các cuộc chiến giữa Ba Tư và Hy Lạp, thì xem phim 300 quả là thích thú hơn nhiều. Lần xem thứ nhất là năm lớp 9 và cả một lần xem lại một đoạn ngắn trong giờ lịch sử năm lớp 10 khi học về Hy Lạp cổ đại, tôi không có nhiều kiến thức lắm về thời kì thịnh vượng này của người Ba Tư khi họ kéo đi đánh Hy Lạp.

Việc đầu tiên tôi cần làm trước khi xem lại phim 300 là xác định rõ ràng rằng tôi sẽ xem phim giải trí chứ không phải xem Discovery. 300 làm theo truyện tranh của Frank Miller chứ không phải theo sách của Herodotus, do đó, nếu xét về tính chính xác theo sử liệu thì 300 chả có bao nhiêu. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Frank Miller bịa ra một cái chuyện trên trời nào đó để vẽ truyện tranh cũng như để cho Zack Snyder làm phim, kịch bản của 300 dựa trên các sự kiện đã làm nên lịch sử. Các chi tiết đều rút trích từ sách vở, từ binh đoàn lính bất tử của Xerxes, cơn bão ở Hellespont làm chậm bước tiến của quân Ba Tư, chuyện binh đoàn quân Ba Tư khi bắn tên có thể che kín mặt trời, vân vân, cho tới các sự kiện lớn như trận chiến ở Thermopylae (trong phim dịch ra tiếng Anh luôn là Hot gates - Cổng Nóng - sính tiếng Hán có thể kêu là Nhiệt Môn), lễ hội Carneia ở Spartan khiến Leonidas không thể dẫn quân đội của mình ra trận, lẫn lần xâm lược Hy Lạp trước đó của cha Xerxes là Darius đại đế - người đã mở rộng biên giới Ba Tư ra rộng đến sông Danube lẫn Ấn Độ nhưng không thể chiếm được các thành bang Hy Lạp, cuộc xâm lược của Darius tuy không được thể hiện trên phim nhưng được hoàng hậu Gorgo nhắc lại trước hội đồng Sparta.

Xét về tính giải trí, nghĩa là hoành tráng, kỹ xảo đã mắt, đồ họa đẹp, cốt truyện hay, câu nào câu nấy các nhân vật nói ra cứ như danh ngôn (về khoản này hơi thua Troy một tí), thì phim này không có gì để chê. Tuy nhiên, xét về nội dung thì rõ ràng 300 là một cái phim bêu riếu nền văn hóa Ba Tư, hèn gì phim này bị Iran lẫn đủ nhà phê bình văn hóa cho lên thớt ngay từ khi ra mắt. Frank Miller khắc họa một vị vua vĩ đại của đế quốc Ba Tư hùng mạnh như một tên đồng tính, khuyên móc đầy mặt, quân đội Ba Tư thì toàn quái vật với quái nhân, bầy đoàn trong cung cấm của Xerxes cũng chả lành mạnh cho lắm. Trận chiến Hy Lạp - Ba Tư thời đó được coi như là trận chiến long trời lở đất giữa hai thế lực phương Đông và phương Tây (thời đó bản đồ thế giới của các nước Địa Trung Hải trong tay các sử gia phương Tây chưa mở rộng đến bên kia Hy Mã Lạp Sơn). Khắc họa Ba Tư - phương Đông - như một con quái vật - phe ác, còn Hy Lạp - phương Tây - như những anh hùng - phe thiện, đúng là một thứ địa phương chủ nghĩa, nhằm ca ngợi lòng ái quốc, yêu tự do, ắt sẽ bị các nhà bảo thủ lên án kịch liệt, như thế mới công bằng với các thể loại văn hóa tuyên truyền mà phương Tây gán cho Liên Xô hay TQ trước đây.

Nhưng thôi, nói là nói vậy, một khi bạn đã xác định rằng bạn cần xem một thứ phim để giải trí và ôn lại lịch sử một tí (một tí thôi, vì chả có gì nhiều nhặn về lịch sử ở đây cả) chứ không phải xem phim Discovery để biết diễn biến trận đánh Thermopylae thực sự nó ra sao, quân Sparta bận đồ màu gì, hay chỉ mặc mỗi cái sịp đen và quấn áo choàng đỏ như trong phim, hay quân Ba Tư thiệt ra có mấy con tê giác, quái nhân này kia không, Xerxes có cạo đầu, cũng mặc mỗi cái sịp vàng hay là một ông vua đạo mạo có râu dài ngồi trên ngai bệ vệ (theo tài liệu thì Xerxes lúc này còn trẻ lắm, khoảng ba mấy tuổi), nếu mục đích của bạn chỉ là như vậy, cộng thêm bạn chả phải là người Iran hay Iraq, thì thiết nghĩ, xem phim này vui là chính, chứ ba cái chiện cao siêu, thiện ác này nọ, quan tâm làm gì.

___________________

Sau khi đến Abydus, Xerxes muốn tổng duyệt binh. Người ta chuẩn bị riêng cho ngài một chỗ ngồi bằng đá cẩm thạch trắng trên sườn đồi... Ngài ngồi đó và nhìn xuống bờ biển, ngắm đạo quân cùng chiến hạm, rồi trước cảnh tượng ấy, ngài muốn xem cuộc đua chiến thuyền. Khi cuộc đua kết thúc, đức vua hân hoan hài lòng về chiến hạm cũng như về cuộc đua. 


Nhưng khi nhìn thấy cả Hellespont được các chuyến thuyền phủ kín, cả bờ biển và bình nguyên Abydus đầy ngập quân lính, Xerxes tự gọi mình là một người hạnh phúc, rồi sau đó bật khóc.
Thế là Artabanus, người bác của đức vua (người đã từng khuyên nhà vua không nên dẫn quân tấn công Hy Lạp*),  khi nghe nhà vua bật khóc, đã đến bên và nói: "Thua đức vua, ngài vừa nói rằng ngài hạnh phúc, mà bây giờ ngài lại khóc. Ngài thay đổi tâm trạng thật đột ngột. Đức vua đáp: "Phải, nỗi buồn xâm chiếm ta khi ta nghĩ rằng toàn bộ cuộc sống của con người mới ngắn ngủi làm sao, vì trong số người đông đúc kia sau một trăm năm sẽ không ai còn lại trên đời!".


quyển 7, tựa Polymnia, Sử kí, Herodotus
dựa theo bản dịch của Nguyễn Thái Linh trong Du hành cùng Herodotus của Ryszard Kapuscinski và bản tiếng Anh History of Herodotus của George Rawlinson.
_____________________

Tựa đề là câu nói của hoàng hậu Gorgo. Tự do hoàn toàn không miễn phí. Tự do phải trả bằng máu.

Khi xem lại, tôi nhận ra ở cuối phim, chiến binh Sparta duy nhất còn sống trở về là Dilios (David Wenham đóng - anh này đóng Faramir trong Chúa nhẫn nè) nhằm tiếp tục dẫn dắt quân đội Sparta đánh trận Plantaea với Ba Tư, đã nói một câu chính là 2 câu thơ nổi tiếng khắc trên mộ chí của các chiến binh Sparta:

Go tell the Spartans, passerby:
That here, by Spartan law, we lie.

*: Ban đầu, Artabanus khuyên Xerxes không nên đánh Hy Lạp, Xerxes cũng nghe theo, nhưng sau đó, mỗi khi đi ngủ, nhà vua lại nằm mơ thấy một con ma đe dọa và bắt ngài phải đánh Hy Lạp. Khi Xerxes yêu cầu Artabanus thử thế chỗ của ngài, ông này cũng nằm mơ thấy con ma đó. Thế là cuối cùng, định mệnh bắt buộc Xerxes phải đánh Hy Lạp.

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Phải em sao

[Cao Huân]

Đúng, tiêu đề hoàn toàn vô nghĩa, nhưng ghép những chữ cái đầu lại sẽ thành 1 cụm từ đã quá đỗi quen thuộc : PES.

PES là một nghệ thuật, người chơi PES là một nghệ sĩ. Câu nói ấy hoàn toàn không chút sáo rỗng, nếu biết rằng bấm L2+analog R sang phải thì cầu thủ sẽ đi cua, đè L2 mà ấn analog R thì cầu thủ sẽ dít banh qua người đối phương, còn dại dột bấm 1 lúc analog L+R thì từ nghệ sĩ bạn sẽ biến thành kịch sĩ sân cỏ (Không tin thử đi rồi biết).

Chơi PES, nghĩa là ta đang tham gia vào một sân khấu hoành tráng (thường thì) kéo dài từ 10-15' với 22 nghệ sĩ trên sân, 20 trong số đó sẽ thể hiện đươc chính mình thông qua người chơi. Khi gamepad được cầm lên thì cũng là lúc giây phút phấn khích tột đỉnh sắp bắt đầu. Những tiếng la ó cứ thế vang lên như một khúc ca trầm bổng, những ly trà đá vơi dần sau những màn uống nước ăn mừng, mà thường là không kéo dài lâu vì trọng tài PES thổi việt vị rất lạ.

Vài dòng viết lách chỉ để nhớ về 1 thời oanh liệt mà không thể thiếu vai trò lãnh đạo của tiệm PES đối diện trường...

Phải, chính tiệm PES ấy, nơi mà những chàng trai Hôi cười Hóa 08-11 đã tìm thấy lý do hàng ngày đến trường của mình, nơi làm họ xao động những lúc 7h45 sáng thứ 5 vì không biết nên ở lại lớp sinh hoạt CN với thầy Tân Hoàng hay tranh thủ qua làm 1 ván (vì thường là thầy không hay sinh hoạt lắm), nơi mà những câu nói bất hủ được xướng lên như "Chuyền khó... cho mày lên trình" hay "Đỏ hả, vậy chuồi Robben trước cho tao" cũng như "Không sao, đội mình thẻ đỏ cho nó bước ngoặt, 1 hồi mình thắng chắc", nơi ẩn chứa một thế giới ảo mà thủ môn Wojciech Tomasz Szczęsny cao đến 220cm... Đối với mỗi người, quán PES có 1 ý nghĩa khác nhau, sẽ không bao giờ viết sao cho đủ.

Tự hỏi: Biết bao giờ mới được mặc lại bộ đồng phục, chạy ào từ lầu 2 xuống, băng qua đường, dừng lại trước xe bánh mì+xôi ( nay đã thêm bánh ướt và bánh Malaysia) dặn cho con nhiều thịt đừng lấy ruốc khô, lững thững bước vào chốn thiên đường trong con hẻm nhỏ yên lặng đây?

Đấy là lúc nên tiếc nuối chứ nhỉ?

Singapore, 20h35 - 22/7/11. Một ngày mưa và đêm nồng ẩm.

P.S.: Chị PES có fb nhớ add em. Thương nhớ nhiều.

(from Facebook của Cao Huân)

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Những câu chuyện

(don't know whose picture this is, but found it here)

Ninetales kể cho tôi nghe câu chuyện về sự hình thành. Đầu tiên, từ hư vô và hỗn độn, một quả trứng hình thành, nở ra Arceus. Arceus tạo ra Dialga, Palkia và Giratina. Arceus trao cho chúng quyền năng điều khiển thời gian, không gian và vật chất-phản vật chất. Giratina sống trong một thế giới gọi là thế giới méo mó, nó tồn tại song song với thế giới này, nhưng về bản chất cùng là một. Ở đó thời gian ngưng đọng và không gian bị gãy vụn.

Tôi ngạc nhiên, chưa ai kể cho tôi điều này cả. Espeon cũng chưa kể bao giờ.

Espeon biết, cái gì nó cũng biết, Ninetales nói vậy, nhưng Espeon chỉ kể những gì nó cho là cần thiết nhất trong một thời khắc nhất định.

___________________

Ninetales cũng kể cho tôi một câu chuyện khác. Chuyện về Groudon và Kyogre. Về trận chiến của hai kẻ tạo nên đất liền và đại dương trên hành tinh này. Rayquaza xuất hiện và chế ngự trận chiến ra sao.

Tôi bảo, Espeon đã kể cho tôi về Groudon, Kyogre và Rayquaza rồi, nhưng nó chỉ nói về những hoa văn kì lạ trên người của chúng.

Espeon biết, cái gì nó cũng biết, Nintales nói vậy, nhưng Espeon chỉ kể những gì nó thích và nó biết là cậu thích trong một thời khắc nhất định.

___________________

Ninetales, Ninetales, ngươi có chín cái đuôi hay chín câu chuyện?

___________________

Một hôm, Espeon nói với tôi, hãy đến Olivine mà dạo chơi một chuyến.

Nhưng những con hẻm sẽ dẫn tới đâu, tôi hỏi.

Umbreon sẽ ở đó. Cậu biết đấy, nó không lừa gạt ai.

Tôi sẽ tìm thấy Umbreon ở đâu?

Ở cuối con hẻm, nơi tiếp giáp bầu trời, mặt đất và đại dương.

Ở đó có Groudon, Kyogre và Rayquaza không?

Nếu may mắn, cậu sẽ tìm thấy?

Cậu phải biết chứ?

Ừ, nhưng tôi sẽ không nói.

___________________

Dù gì thì cũng cứ lên đường.

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

It's been a while

Khúc điền dã thời thơ ấu (The Childhood Idyll) - William Bouguereau

A journey, after all, neither begins in the instant we set out, nor ends when we have reached our door step once again. 
(Ryszard Kapuscinski: Travel with Herodotus)



It has been a while
Sky has been changed
Men have been gone
Life has been tore
More tales have been told.


Then we will meet
Maybe at that same place
Smelling that same scent
Singing that same song;
Or maybe not
Since we are changed
I am no longer that kid
You grow up to be a lovely one
We have been growing apart
So differing from the songs we sang. 


It has been a while
For us, oh, my childhood!
Alas, the road is still ahead,
Which we might walk on alone.


It has been a while
Days and days and nights and nights
All flew over the cuckoo's nest
And we will meet again at last
Another tale will again be told.





_____________

For a friend of my childhood. For the time we meet again after an 8-year time.