Mây và sóng

Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say.

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Forget me

Forget me
Forget me
Oh, forget me.

For I have slept on those flowers
growing on trees.
For I have counted the sheep
Running in meadow.
For I have caught the birds
Singing by the window.

Forget me
Forget me,
Oh forget me.

Since you may never forgive me.

So leave me
So leave me
Leave me now as I am flying on the sky,
Leave me now as I still have not known.
I am elegant, beautiful and yet vulnerable.
So just leave me
When I have not come.

When I have not come
Tell my friends I will just pass by
Tell my cat I will feed him later
Tell my Espeon he did not know anything
Tell my Umbreon he had better cry.
And tell yourselves to leave me now.

Since you may never forgive me, again.

Forget me
Forget me
Oh, my friends, forget me

As I will forget you all.

_________________________


Mê tấm ảnh này của chị Bò.

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Umbreon

Khi trời tối, tới lượt Umbreon bước xuống từ tán cây. Nó hỏi tôi ngay lập tức. "Espeon đã nói những gì dưới ánh mặt trời?".

Tôi lắc đầu. Chẳng nói gì. Có lẽ Umbreon cũng biết thế đã là đủ.

Umbreon bước đi dưới trăng. Nó hấp thụ ánh trăng như thể đó là nguồn năng lượng, như thể Espeon hấp thụ ánh sáng mặt trời. Những vòng tròn màu vàng trên người nó sáng rực rỡ. Đôi mắt nó mở to và đỏ rực. Toàn bộ cơ thể Umbreon như phát ra một linh khí thần thánh.

Tôi thấy Umbreon như một vị thần. Nó như Anubis vừa bước ra từ màn đêm, từ những bức tranh tường cổ vẽ trên Kim tự tháp.

Umbreon đã biến mất. Nó thoắt ẩn thoắt hiện. Nó không biết những gì Espeon biết. Nó ngự trị trong bóng đêm. Espeon biết cả sáng lẫn tối. Espeon biết mọi thứ. Umbreon chỉ đơn giản là không biết. Nó nhìn qua màn đêm.

"Ta sẽ nói những gì trong màn đêm mông lung?"

_________________

Trong màn đêm, mọi thứ đều êm đềm và tĩnh lặng.
Màn đêm cất giấu trong những ngõ ngách của nó nhiều thứ, nhiều thứ quý báu, nhiều điều bí mật.
Nhưng nó không nói ra.

Vì thế, Umbreon không biết gì cả, nhưng nó biết trong màn đêm có gì. Đó chính là điều Espeon không biết. Gió cũng không biết, chim cũng không biết, cá cũng không biết, Vaporeon không biết, Flareon không biết, Jolteon không biết, Leafeon và Glaceon cũng không biết. Cheshire không biết.

Hình như tôi biết.
_________________

Umbreon cuối cùng cũng không nói. Nó biết trong bóng đêm, im lặng là điều tuyệt vời và đẹp đẽ nhất.

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Espeon

Rồi cũng một ngày, Espeon bước xuống khỏi tán cây. Nó đi lòng vòng quanh khu đất trống. Gió mơn man nhè nhẹ những sợi lông màu hoa cà.

Tôi sẽ nhìn thấy Espeon đi giữa những khóm tử đinh hương tím rực. Espeon biết tôi đang nhìn, nó còn biết tôi sẽ nhìn. Nó biết cả khi nào tôi sẽ thôi không nhìn nó. Nó biết hết.

Cái đuôi chạc cây của nó biết hết.

Espeon không nói gì. Nó chỉ nhìn về phía mặt trời. Mặt trời cho nó nguồn năng lượng. Hệt như mặt trời từng cho tôi nguồn năng lượng.

Tôi lẩm nhẩm hát những chữ trong vô thức: "Nekomata, Nekomata..."

Tôi thấy tôi như nằm im giữa quả đồi. Espeon ngồi cạnh bên. Nó đang liếm bộ lông chứa đầy năng lượng. Nó đang liếm linh hồn của nó. Tôi đang nằm im, linh hồn của tôi không động cựa.

"Con gái tôi đương thì
lang thang làm vu nữ(1) 
trên bờ biển Tago
nàng đọc kinh trên cát..." 
(trong Ryojin Hisho(2))

Giá cứ nằm ngửa
Để thấy ánh dương
Mộng trường mộng trường
Xuân đông thu hạ.

Một hôm, Espeon đã nói: "Thế đã đủ chưa?". Nó nói với cành cây, với ngọn cỏ, với cơn gió, với Umbreon đang phiêu diêu nơi nào đó, với con mèo Cheshire có nụ cười nhe răng vẫn còn hiện hữu sau khi cơ thể nó biến mất, hay là Espeon đang nói với tôi? Tôi chỉ im lặng. 

Tôi không biết. Umbreon không biết. Cheshire không biết. Cá không biết. Chim không biết. Espeon là người hỏi, lại càng không biết.

"Tôi đi đây
Nhưng nếu em đợi
Như cây thông gầy
Đứng trên đỉnh núi
Tôi lại về ngay."
(Yukihira - Hyakunin Isshu)

Tôi chỉ tiếp tục lẩm nhẩm
-Nekomata. Nekomata.



_________________
Chú thích:
(1) Vu nữ: Miko
(2) Ryojin Hisho: "Thầm nhặt bụi trần" -  Tuyển tập thơ thời kỳ Heian, do Thiên hoàng Go-Shirakawa biên soạn. 

Thơ dùng bản dịch của Nhật Chiêu.
Nguồn ảnh: http://www.flickr.com/photos/lilly_photos/5231505806/sizes/l/

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Dưới tán cây nguyệt quế




Lẽ nào em chẳng từng là cỏ hoa ngoài đồng
(Pyotr Ilyich Tchaikovsky - Я ЛИ В ПОЛЕ ДА НЕ ТРАВУШКА БЫЛА…  chùm 7 bài hát năm 1880, Op.47) 
Dưới tán cây nguyệt quế
Tôi ngồi và đợi.

Những dòng sông trôi qua
Những nỗi buồn mênh mông bát ngát.
Những hoàng hôn rực tà
Những bình minh bàng bạc.

Những đụn cát
Gió thổi bay tứ tung.

Cây nguyệt quế mọc trên mặt trăng
Tôi ngồi dưới đất bằng
Chờ đợi
Chờ đợi
Chờ đợi.

Những tháng ngày chưa tới
Những vũ điệu chưa qua
Những bài ca chưa hát
Những ai oán chưa tan
Những thời gian chưa chết.

Đàn bò đi qua và chúng bảo
Hãy đi theo chúng tôi
Chúng tôi sẽ đưa anh lên đỉnh đồi
Chạm tay vào những mơ ước
Sẽ công kênh anh trên lưng
Như những người vĩ đại.

Đàn chim bay qua và chúng bảo
Hãy buộc dây vào chân chúng tôi
Chúng tôi sẽ cho anh nương nhờ đôi cánh
Mà bay lên tận mặt trăng
Như Hoàng tử bé.

Tôi trả lời đàn bò:
Không
"Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say"
Để tôi ngồi yên đêm nay
Khi muôn vàn tinh tú chiếu rọi
Để tôi bình yên đêm nay
Khi nỗi buồn đang dâng tràn tới.

Tôi trả lời đàn chim:
Không
Tôi sẽ không đến những nơi kỳ lạ
Mà bỏ quên đóa hoa của mình
Ở đây người ta đang giết chóc
Triều Tiên vừa nã pháo Hàn Quốc
Khí nhà kính còn tràn ngập bầu trời
Bay với các người
Đóa hoa của tôi sẽ héo úa
Đóa hoa của tôi sẽ tàn lụi trong đau buồn
Và hỡi đàn chim thiên di
Với thân xác nặng nề, tôi chẳng thể trở về
Để một lần nhìn lại đóa hoa của mình.
 Lẽ nào em chẳng từng là nhánh lúa mạch giữa đồng
(Tchaikovsky)
Dưới tán cây nguyệt quế
Tôi sẽ ngủ
Và ánh trăng chiếu rọi cho đến cội rễ
Người Trung Quốc không phải ngẫu nhiên đã đặt cho loài cây này cái tên như vậy.


Những người yêu nhau đến với nhau trên từng làn gió
Những bông hoa thì cứ hát
Còn tôi thì cứ đợi.

Trăng thì cứ lên.

________________

-Anh ơi anh ơi anh ơi.
-Anh đây anh đây anh đây.
-Đi đâu đi đâu đi đâu?
-Về nhà về nhà về nhà.
-Làm gì làm gì làm gì?
-Ngồi chờ ngồi chờ ngồi chờ?

-Em ơi em ơi em ơi.
-Em đây em đây em đây.
-Đi đâu đi đâu đi đâu?
-Lên trên lên trên lên trên.
_______________

"Hôm nay vẫn chưa phải là hôm qua hả ba?"

(Yotsuba)



(Tranh của Klimt, phải chăng là Apollo đang hôn Daphne và cô đang hóa thành cây nguyệt quế?)

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Những gì tôi biết


Những người yêu nhau
Hát cùng nhau những điệu nhạc.

Những người yêu nhau
Đến với nhau trên từng cơn gió.

Những gì tôi thấy
Chỉ là qua màn sương.

Ai đem hòn đá chắn con đường tôi đi.

Rầm rì rầm rì
Những ngọn cỏ hát
Chúng tôi bên nhau
Hoa rơi xao xác
Nỗi buồn man mác
Ai rắc lên trời
Ai thổi những luồng hơi lạnh
Vào đôi mắt cay trong những ngày nổi gió.

Em đi qua bên đó
Qua bên kia màn sương
Qua bên kia quả đồi màu đỏ
Có thấy bên kia đường
Những con gà trống gáy.
Những gì tôi thấy
Những gì tôi nghe
Những gì tôi hiểu
Chỉ là những con gà
Đang đồng loạt gáy.

_____________

Tôi biết có nhiều điều vô vọng
Giá như tôi thức dậy sớm hơn.

Người tuyệt diệu
Người đẹp như giấc mơ
Nhưng người mỏng manh như màn sương sớm
Những ngọn cỏ hát những khúc bi ca
Những ngọn cỏ khát những vinh quang lóng lánh

_________________
"Thanh thanh tử khâm,
Du du ngã tâm.
Đãn vị quân cố,
Trầm ngâm chí kim."
Đoản ca hành (Tào Tháo)
_________________
Tôi biết có nhiều điều vô vọng
Như là những bài ca
Vang lên chẳng để ai hát.

Những nỗi buồn
Những niềm vui
Những gì tôi hát
Những gì tôi cười
Những gì tôi được biết
Ngọt ngào như bản nhạc Concerto Lương Chúc.

Anh đến đây làm gì?
Trèo lên những nóc nhà cao
Ngắm hoàng hôn đỏ rực
Sao không ở nhà mà ngủ
Mà tận hưởng những vì sao bên kia đường?

Vì tôi biết nhiều điều
Nhiều điều vô vọng
Như là sự chờ đợi
Và niềm hy vọng.



_________________
Về trận thua hôm qua của Arsenal trước Tottenham và nhiều thứ nữa.

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Review: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ





"Cuốn đó viết rất kỳ lạ."
[Lời bạn Giang nói với bạn Danh khi mình đang làm bài lượng giác]

____________________

"Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" là một cuốn truyện có nội dung kỳ lạ được viết bằng một văn phong kỳ lạ của Nguyễn Ngọc Thuần. Chị Bò từng nói rằng chị Bò thích đọc những cuốn hoặc là nặng uỳnh uỵch như Haruki Murakami hoặc là nhẹ tâng tâng như Nguyễn Ngọc Thuần. Lối viết của Nguyễn Ngọc Thuần cứ nhè nhẹ, lâng lâng như một giấc mơ (nhắc tới đây bỗng nhớ ra tôi chưa đọc "Một thiên nằm mộng" của Nguyễn Ngọc Thuần).

Tôi đọc "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" bằng bản in của lần xuất bản đầu tiên, bản in năm tôi học lớp 4, in sau lần trao giải "Cuộc thi văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước" mà Nguyễn Ngọc Thuần đạt giải A. Nhưng hồi lớp 4 tôi chỉ khoái đọc cuốn "Người khổng lồ núi Bạc" của Trần Thùy Mai vì cái văn phong hoành tráng (theo suy nghĩ của tôi hồi đó, bây giờ thì mất tiêu cuốn đó rồi). Tới năm lớp 7 tôi mới lật sách Nguyễn Ngọc Thuần mà đọc. Rồi bây giờ, 6 năm sau lại lôi ra đọc lần nữa.

Sáu năm là khoảng thời gian đủ dài để tôi có những suy nghĩ và nhìn nhận khác khi đọc quyển sách. Sáu năm đủ để sau khi đọc lại lần hai, tôi quyết định xếp cuốn sách này vào hàng "Những quyển sách hay nhất từng đọc" của mình.

Lần nào cũng vậy, lúc bắt đầu đọc tôi đều có một cảm nghĩ rằng Nguyễn Ngọc Thuần đang viết một dạng hồi ký về tuổi thơ mình, đọc tiểu sử của tác giả, thấy quê ở Bình Thuận, nên đầu óc tôi luôn cố gắng một cách vô thức gắn những cảnh vật trong sách với những gì mình có thể hình dung được về miền đất đầy cát và nắng đó. Dĩ nhiên là càng đọc, tôi càng nhận ra mình sai lầm, chẳng có chút hơi hướng nào của hồi ký, những hình ảnh trong sách cũng chẳng dính dáng gì với không gian mà tôi đang cố tìm cách gắn kết.

Bởi vì Nguyễn Ngọc Thuần đã xây dựng nên những hình tượng quá phổ quát. Đó là đúc kết của tôi sau khi đọc hơn nửa quyển sách mỏng.

Truyện của Nguyễn Ngọc Thuần dễ khiến ta có cảm giác bối cảnh truyện có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, ở một vùng quê nào đó, hoặc Bắc, hoặc Trung, hoặc Nam, hoặc ở ngay một vùng ngoại ô. Chẳng hề có một dấu mốc, một đặc điểm nào rõ nét để nhận ra nơi chốn mà tác giả đề cập.

Còn những nhân vật, vẫn là những cái tên đậm chất Việt Nam, những thằng Tí, những cô giáo Hà, những ông Tư, những chú Hùng..., vẫn những đặc điểm cố hữu: cô giáo Hà thì mặc áo dài, đi guốc, chú Hùng nông dân thì ngày ngày ra ruộng... nhưng Nguyễn Ngọc Thuần muốn xây dựng cho nhân vật mình có một thế giới ngôn ngữ riêng. Hoàn toàn tôi không nhận ra được các nhân vật là người miền nào, chẳng Nam, chẳng Bắc, chẳng Trung, hệt như cái miền đất mà họ ở. Ngôn ngữ của họ cũng khác lạ so với ngôn ngữ nói hàng ngày, hình như là một sự chủ ý của Nguyễn Ngọc Thuần. Thoát khỏi sự kìm kẹp của văn hóa ngôn ngữ địa phương là một điều không phải dễ thấy trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Nếu dịch tác phẩm này ra tiếng Anh, có lẽ không quá khó để người đọc ngoại quốc có thể hiểu và cảm được.

Cuốn sách càng đọc về sau càng kỳ lạ, khi mà văn phong Nguyễn Ngọc Thuần bắt đầu lâng lâng và mộng mị. Những khung cảnh mới bắt đầu xuất hiện: một ngôi nhà thờ nhỏ, có những masơ mặc áo trắng tinh và thường vang lên tiếng đàn piano hòa vào tiếng hát, một góc nhỏ của ngôi chợ với hai ông cháu ăn xin và con dế chết của thằng nhóc, một đoàn sơn đông mãi võ đầy bí ẩn đến dựng rạp trong chợ. Chú bé "tôi" - thú vị là chú có tên Trí Dũng - đã "mở cửa sổ", nhắm đôi mắt, để nhìn bằng một con mắt khác, "con mắt thần", nghĩa là chú đang tập tành nhìn thế giới bằng một tâm thức nguyên sơ, một tâm hồn trong sáng. Chú lần lượt tiếp xúc với những "mùi hương" lạ, những khái niệm mới mẻ đi cùng với những không gian mới mẻ mà chú tiếp xúc. Đó là tình yêu, điều bí mật, là sự sẻ chia, là xúc cảm nghệ thuật, là mặc cảm tội lỗi, là nỗi sợ hãi, ... và điều lớn lao nhất mà chú sẽ phải tiếp cận: cái chết.

Phong cách mộng mị của Nguyễn Ngọc Thuần được pha trộn từ những (1) trang văn nhẹ nhàng, trong trẻo như một tiếng hát vang lên giữa trời mưa, là những lời giản dị người cha dạy chú bé, những điều "bố tôi vẫn nói", là những câu bông đùa vui vui giữa chú Hùng và chú bé và (2) cùng những đoạn cực kỳ tâm linh và kỳ lạ càng về cuối càng xuất hiện với tần suất nhiều (đó là lý do tôi nói truyện càng về sau càng kỳ lạ), là những lời hát của chú bé trong nhà thờ về "Người mẹ vĩnh cửu", là con dế chết, là chi tiết về ông lang vườn, cũng như là câu chuyện về những con ngựa mang những kỵ sĩ áo giáp bay đêm qua núi đồi.
____________________
Bố nói giấc ngủ của đứa bé đẹp hơn một cánh đồng. Đêm, bố thức để được nhìn thấy tôi ngủ – cánh đồng của bố.
_________________________
Bố tôi vẫn nói phần thưởng cho người làm vườn là hoa quả.
_________________________
Hãy tưởng tượng một con chim trong lồng, bố nói vậy. Tôi bảo lông nó màu đỏ, cánh nó màu xanh, nó hay háu ăn và mắt thì sáng quắc. Bố nói, chỉ có chim thần mới vậy.
_________________________

Truyện này của Nguyễn Ngọc Thuần đem lại cho tôi một nỗi hoang mang thú vị.
____________________

Bố tôi vẫn nói, khi nhìn theo một bóng người mà ta không thể quên được, chúng ta sẽ thấy "nỗi nhớ" của mình.




_____________________

P/S: truyện này làm mình nghĩ đến cụm từ "Sơn đông mãi võ", không biết nguồn gốc là từ đâu ra. Với lại nhớ tới hồi bé, hồi tôi 4, 5 tuổi, lúc đường Nguyễn Thái Sơn còn chưa bự như hiện nay (nhưng kẹt xe ít hơn hiện nay), ở góc Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão là một cái khu đất trống, lâu lâu hay có những người sơn đông mãi võ ra đó biểu diễn và bán thuốc. Mấy lần được người lớn chở ngang qua đó, tôi có được đứng hóng vô xem. Bây giờ thì chuyện này dường như thành dĩ vãng.



Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (2)

Buổi tối, tôi trèo lên cây vú sữa nghe dế gáy. Những con dế trong vườn nhà tôi luôn được ăn cỏ tươi. Tôi nhìn những vì sao xa và chọn một ngôi sao sáng nhất rồi đặt cho nó một cái tên. Tôi nói với bố:
- Mình có thể đặt cho ngôi sao một cái tên như người được không bố?
Bố gật đầu:
- Được chứ! Nó cũng như con người vậy, chỉ khác là ban ngày đi ngủ thôi.
Tôi đặt tên nó là Lê Văn Tí, tên thằng Tí bạn tôi.
Bố tôi cười khanh khách bảo:
- Chắc ngôi sao đó đẹp lắm!
Có một đêm tôi không tìm thấy ngôi sao của mình. Ngồi trên cây vú sữa lục tìm trong những đám mấy cho đến lúc tóc ướt đẫm. Tôi nói với bố, có những ngôi sao ban đêm vẫn đi ngủ. Khi ngủ nó nhắm mắt lại và thế là chúng ta không nhìn thấy nữa, cũng có thể nó đang nhìn về hướng khác.


[Nguyễn Ngọc Thuần]

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương. Bạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì. Bạn hiểu bây giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì. Từng tiếng bước chân trong vườn, bạn biết chính xác người có bước chân đó cách xa bạn bao nhiêu mét. Bạn còn biết tiếng chân đó là của ai, bố hay mẹ. Bạn sẽ giả vờ hỏi:
- Ai đó? Có phải là người khách lạ không?
- Không. Tôi là khách quen! - Người đó trả lời.
Bạn sẽ nói:
- Khách quen sao tui không biết vậy cà? Tui nghe bước chân lạ lắm.
- Đó là tại vì tui đang hồi hộp. Tui thấy khu vườn nở nhiều hoa quá.
- Hoa hồng và hoa mào gà phải không?
- Ôi! Sao anh biết hay quá vậy?
Bạn sẽ nói to lên:
- Tại vì tôi có con mắt thần.
- Con mắt thần nằm ở đâu vậy?
- Nằm ở mũi tui.

[Nguyễn Ngọc Thuần]

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Những gì vĩ đại




Ngồi nhìn ra cánh đồng
Và ngươi sẽ thấy những đàn chim nhè nhẹ vút lên
Gió gào tên ngươi trên những tầng mây trắng
Và ngươi sẽ bay.

Ta sẽ thấy ngươi vung vẩy những chiếc lông vũ
Qua những vì sao
Ta sẽ thấy ngươi bay cao
Ta sẽ thấy ngươi trên ánh trăng vàng.

Ta sẽ hôn ngươi
Hôn những tia nắng mà ngươi rọi xuống
Vì những điều vĩ đại
Vì những điều khôn lường
Những gì ngươi làm
Ta không đo đếm được.

Ngươi sẽ làm những điều to tát
Vĩ đại như những gì ngươi tỏ ra
Ta sẽ ngồi vui sướng và mỉm cười
Vì những gì vĩ đại đã toát ra từ thân thể ngươi từ lâu
Ta đã biết
Đã soi chiếu xuống tấm thân tầm thường và phàm tục của ta
Ngươi đã trỗi dậy
Và làm ta trỗi dậy.

________________

Người ngợi khen ta những điều mà ta không dám ngờ tới
Những điều cao cả và lớn lao.

Thân ta nhỏ nhoi và chỉ nương nhờ làn gió để bay cao
Vậy mà người khen ta bằng những lời hết mực.

Ta bước lên những định kiến
Người yêu ta như ta cũng yêu người
Người xây đắp nên những con đường
Những con đường mà ta đang đi để hướng đến những điều vĩ đại
Ta muốn nói với người ngàn lần
Hãy để ta cúi xuống hôn lên chính con đường người đã dọn cho ta đi
Vì chưng những hạt bụi cũng là đáng quý vô ngần.

Người yêu kính!
Này đây là thịt ta
Này đây là máu ta
Những gì phải hiến sẽ hiến
Những gì phải đổ sẽ đổ
Những gì vĩ đại sẽ được dựng nên
Những gì lớn lao sẽ trường tồn.

Vì chưng thế giới này đã trở thành như vậy.

___________________

Hãy đến bên những đền thờ
Như trong những giấc mơ của ta
Ta đã đến và vẽ lên trên những tảng đá xung quanh những dấu hiệu lạ
Và sẽ đến những gì phải đến.

Mặt trời rọi xuống trên những vũng nước
Ta sẽ đi trên những con đường mới mẻ
Bằng bàn chân trần
Để thấy được, để cảm được, để nhận ra thánh thần đang tràn ngập
Trong từng hạt bụi lạo xạo dưới chân ta.

Ngươi sẽ cùng ta
Đi trong niềm hân hoan vô bờ
Trên con đường đến những đền thờ
Với đầy âm thanh lạ và những màu sắc lạ.

Những gì vĩ đại
Sẽ tỏa sáng trên cao.

_________________

Nghe bản này cũng hay ho. Âm thanh tốt hơn. Nhưng không có hình ảnh.


Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Ghi chép vụn của một ngày

Không khó để nhìn thấy một ông già mù ngồi bên vệ đường chỗ ngã tư Ba Tháng Hai - Nguyễn Tri Phương bán bánh. Nhất là khi bạn ngồi trên xe bus trên con đường từ trường về nhà (xe số 59 hay số 7). Bằng chứng là không chỉ mình để ý mà cả bạn Thủy (hình như) cũng từng nhìn thấy, con Bạch thì không biết chắc, vì nó ít nhìn ra ngoài.

Mình đã mấy lần có ý định mua cho ông vài cái bánh, nhưng vì sự bất tiện khi ngồi trên xe bus nên cũng chưa bao giờ mua cả. Bây giờ có những ngày đi xe máy xen kẽ với những ngày xe bus, thì lại chẳng đi đường đó nữa.

_________________

Ông cụ già vừa được lên tivi, HTV9, mục "Tình yêu cuộc sống". Mình chỉ tình cờ xem được tối nay khi đi học về.

_________________

Nhiều khi thấy mà chán mình quá. Mới hít tí bụi từ cái Cuộc Kẹt Xe Vĩ Đại trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mà đã lo chết sớm.

_________________

Chưa bao giờ mình ghét cái thành phố này như vậy. Thiệt là đầy bụi bặm.

_________________

Nằm im thật im nghe Tuấn Ngọc hát "Đôi mắt người Sơn Tây" bằng một chất giọng nam tính số một quả là một trải nghiệm tao nhã.

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

The end of August


Chờ mãi mới đến cuối tháng Tám để viết bài này.

Nhạc Yanni.

________________
Đây là một trò chơi mới. Dưới đây là một bản tạm gọi là diễn dịch nhạc của Yanni theo ý của mình. Mình ghi lại từng câu văn ứng với từng câu nhạc, có đánh dấu theo thời gian đàng hoàng để mọi người tiện theo dõi. Những câu văn này là sản phẩm của những ý tưởng nảy ra trong đầu óc của mình khi nghe từng câu nhạc.

Theo dõi như thế nào? : Chỉ cần đọc từ từ, chậm rãi từng câu, từng câu, cùng lúc với nghe nhạc. Chỉ cần đọc thật chậm thôi là theo kịp nhịp nhạc. Có cỡ 1, 2 chỗ hơi nhanh một tí, có lẽ khi nghe mọi người sẽ nhận ra.

________________

(piano)
(0:00)
Cuối tháng Tám.
Chiếc thuyền buồm trắng nhè nhẹ lướt.
Biển Địa Trung Hải không gợn một con sóng.
Gió êm đềm như nhung.

(0:15)
Cuối tháng Tám.
Mèo nằm dài trên hiên.
Những ngôi nhà trắng muốt đón những làn hơi nước sực nồng mùi muối.

(0:28)
Cuối tháng Tám.
Tình yêu tôi bay tới
Trên đôi cánh nhẹ như nắng
Và thơm mùi olive.

(0:35)
Cuối tháng Tám.
Tôi nói gì để ngợi ca
Những mùa hè rực rỡ.
Những đàn chim nhè nhẹ bay qua.
Và cây bách vẫn đứng lặng nhìn ra biển.
Để cho những rung động vi tế của thinh không nhập vào từng tế bào.
Rồi nắng lên trên những tán cây cao.
Nắng nhẹ xuyên qua tầng mây mỏng.

(0:50)
Cuối tháng Tám.
Tôi bơ vơ giữa thời gian.
Không gian chỉ có gió và gió.
Lạo xạo với những viên cuội xanh, tôi đi trên những ngón chân.
Cho đến khi ra tới bờ biển.

(1:04)
Gió cuốn đến quanh tôi.
Gió choàng quanh người tôi như những sợi chỉ.
Rồi gió bện thành một tấm áo.
Tôi hát lên cho gió nghe những lời vu vơ.
Cho đến khi một người con gái đến.
Rồi lay tôi dậy.

____________________

(violin, piano)
(1:26)
Tôi muốn nói với em những điều đẹp nhất.
Rằng em đẹp như những ngày cuối tháng Tám.
Mùa Hạ trôi qua trong giấc mơ còn mùa Thu đang tới trên đôi cánh nhẹ như nắng.
(1:41)Rằng em mỉm cười như làn nước Địa Trung Hải trong vắt và không một cơn sóng dợn ngang.

(1:48)
Nhưng tôi đuổi theo những giấc mơ và chẳng bao giờ bắt được.
Những mùa tôi mất khi tôi đi qua những vùng trời không thực.
Tôi hát nên những khúc ca
Khi những mùa lần lượt trôi qua.
Khi những ngày buông xuống, tôi đứng thâu trọn vào người.
Và mặt trời những ngày cuối tháng Tám chiếu rọi những tia nắng nhẹ xuống.
__________________

(piano)
(2:17)
Cuối tháng Tám.
Tôi mơ thấy mình ngồi trên một bờ đá có một cây nguyệt quế to.
Tình yêu tôi bay đến. Rồi tình yêu tôi bay đi.
Để lại những dư vị nhẹ nhàng.
Như những bọt sóng nhẹ lăn tăn trên bờ đá cuội.

(2:37)
Cuối tháng Tám.
Thời gian êm đềm.
Như món cá sốt kem bày trên một bàn ăn phủ tấm vải trắng.
Dao nĩa và một ly rượu vang mời gọi một người vừa từ biển trở về.

Cuối tháng Tám.
Lòng tôi yên bình.

__________________

(2:53)
Tôi thẫn thờ phát hiện ra mình đang ngồi bên bờ biển.
Gió vẫn nhẹ nhàng đưa đẩy mùi olive tươi từ xa xăm tới.
Tôi nằm xuống và chợt cảm thấy lười nhác như những đợt sóng Địa Trung Hải.

(3:08)
Em mặc một chiếc váy màu xanh trứng chim
Đội một chiếc mũ cỏ.
Nắng nhè nhẹ xuyên qua để lại những đốm nhỏ trên chiếc váy.
Tôi biết nói gì hơn khi những ngày tháng Tám qua trong yên lặng.
Tôi vẫn không nói gì cho tới khi tháng Tám lụi tàn.

(3:28)
Tôi hát nên những khúc ca
Khi những mùa lần lượt trôi qua.
Cho tới khi lời hát của tôi trở nên lạc điệu
Tôi nhận ra đã đến những ngày cuối tháng Tám.

_______________________
(3:43)
Cô gái đã đánh thức tôi dậy khi tia nắng đầu Thu rọi xuống mặt biển.
Hoàng hôn mùa Hạ đã tắt từ lâu.
(3:57)
Cô hái cho tôi những bông hoa cúc nhỏ mọc ven bụi rậm.
Rồi mỉm cười thật tươi.
Trong cơn uể oải tôi chỉ muốn biến thành Địa Trung Hải.
(4:10)
Tôi đã nói với cô
Rằng những ngày cuối tháng Tám thật dễ chịu.
(4:17)Rằng tôi muốn nằm ngủ như những con mèo ở Athens.
Trong những phút giây cuối cùng của mùa Hạ.

(4:25)
Cuối tháng Tám.
Tôi được nhận một nụ cười trong lành nhất mùa Thu.

(4:35)
Trong lành và thơm mùi olive.



__________________

Quỳnh: Sao ở quán cafe người ta lại không để những bài hay như vầy chứ?

Hình Greek Salad và Feta cheese của chị Bò đi Hy Lạp, hình trớt quớt không liên quan.

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Những gì lụn bại


Ai đó chạy theo tôi qua con đường sỏi đá vắt qua những cánh đồng
Và vòng qua những cồn cát
Dẫn tới bờ biển.

Gió thổi những cây dù đâm chệch choạc lên bầu trời xanh
Nghiêng nghiêng một trưa nắng
Tôi đứng bên hàng dương
Lắng nghe tiếng sóng.

Nhưng khi tôi nói
Sóng chẳng nghe gì cả.

Những gì lụn bại
Tôi thả hết lên trời
Cho nó bay lên những nỗi buồn
Và chui vào bụng những con cừu mây
Và tiêu hóa sạch trơn trong đó
Và mọi thứ trở thành những nỗi buồn
Hay là trở thành niềm vui.

Những gì chìm sâu dưới biển
Cứ để chìm dưới đó
Chẳng có ai để moi lên
Cũng chẳng ai khiến các người phải moi lên.

Gió đột ngột thổi mạnh
Cây dù nhỏ màu đỏ tôi đang cầm trên tay
Bị giằng ra một cách thô bạo
Và mắt tôi cố níu lấy những hình ảnh cuối cùng của nó trước khi nó chìm như dĩ vãng vào chân trời đang ngả màu olive.

Tôi cố nói
Nhưng sóng át lời tôi
Và thời gian trôi nhanh vùn vụt
Những con số méo mó hiện lên
Và tôi đứng sững trong cơn im lặng cũng bị biến dạng.

Ai đó đuổi theo tôi
Theo sau ngay sát lưng tôi
Và nói những điều không thật
Nhưng những gì đã mất
Thì cũng đã mất rồi
Những gì còn lại
Đang bốc hơi
Và thành những đám mây nhỏ.

Và ước gì tôi ngồi xuống được để mà khóc.

Nhưng tôi đang bồng bềnh giữa biển
Chẳng có chỗ nào để ngồi
Cũng chẳng có chỗ để đứng
Chỉ có nước
Phủ lấy toàn thân tôi
Và nâng tôi lên trên mặt biển rộng.


___________________

Đi thi TOEFL và về trong nhục nhã.

___________________

Making waves - Rob Gonsalves.

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Ai đó và quả chuông gió


Ai đó nói với em về những ngày xa xôi
Khi em treo những chiếc chuông gió lên đầu hồi của ngôi nhà nhỏ
Nghĩa là em đã treo những giấc mơ của mình lên
Và để cho đung đưa theo gió.

Ai đó nói với em về những buổi chiều đỏ
Khi mặt trời chiếu xiên góc vào cửa sổ
Những chiếc chuông gió khe khẽ rung lên lanh canh
Và đung đưa phản chiếu những tia nắng long lanh.

Ai đó nói với em về những buổi sáng mát lành
Khi em tỉnh dậy và nhìn qua cửa sổ
Thấy chim hót và con mèo đang hóng gió
Em có thấy luôn giấc mơ mình đang theo quả chuông nhỏ đung đưa.

Ai đó nói với em về cái nóng buổi trưa
Bỗng bất chợt một ngọn gió lùa mát rượi
Và tiếng chuông hay là tiếng giấc mơ đang vẫy gọi
Hãy đến đây cô gái nhỏ trong lành.

Ai đó nói với em về những giấc mơ xanh
Khi em ngủ trong một mùa hạ trắng
Những con ong vẫn bận rộn ngoài nắng
Những con mèo vẫn nằm dài dưới hiên.

Quả chuông gió khổng lồ
Treo giữa mặt hồ trong
Ai đó đang cùng em chèo một chiếc xuồng
Vớt những con cá vàng đang bơi lượn
Và những quả dưa chuột mọng nước đang ngâm dưới hồ.

Quả chuông gió khổng lồ
Đung đưa đung đưa
Và những giấc mơ
Bắt đầu cất cao tiếng hát.

_______________
Hình chụp ở Lễ Hội Mừng Xuân 2010.


Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Yume Juya

Cách đây nửa tháng, blogger Đông A giới thiệu bộ phim "Mười đêm mộng" (2006) làm theo nguyên tác "Mười đêm mộng" (夢十夜 - Yume Juya) của Soseki Natsume. Mình lân la hỏi han thì cũng được ai đó cho cái link download phim.

Truyện đầu tiên của Soseki mình đọc chính là "Mười đêm mộng" (bản An Nhiên dịch, sẽ dùng để trích dẫn phía sau). Mặc dù tác phẩm làm cho mình biết đến Soseki lại là "Tôi là con mèo" (吾輩は猫である*- Wagahai wa neko dearu) nhưng mình chưa đọc cuốn này bao giờ. Một lần ra Tràng Tiền Hà Nội, phân vân giữa hai cuốn "Tôi là con mèo" và "Truyện Genji" (Genji Monogatari), mình chọn cuốn Genji vì nó rẻ hơn.

Bộ phim làm năm 2006 (theo số ghi trên imdb, nhưng theo wikipedia thì chiếu năm 2007), gần tròn 100 năm (chính xác hơn một tí là khoảng 99 năm) ngày viết Yume Juya (từ 25/7 - 5/8/1908). Blogger Đông A không biết phát hiện ra hay đọc đâu đó một cách lý giải con số 100 này rất hay.

___________________

Tôi hỏi khi nào em lại đến.
-Mặt trời chắc chắn mọc rồi lại lặn. Rồi lại mọc, rồi lại lặn đi. Trong khoảng thời gian mặt trời đỏ đi từ Đông sang Tây, rơi từ Đông sang Tây, anh có chờ được chăng?
Tôi im lặng gật đầu. Nàng như thoát ra khỏi sự tĩnh lặng, nói bằng giọng mạnh mẹ hơn.
-Hãy chờ em một trăm năm.
-...
-Một trăm năm. Hãy ngồi bên mộ em và chờ nhé. Em sẽ đến gặp anh.

(Đêm thứ nhất)

___________________

Bộ phim mở đầu bằng một cuộc trò chuyện của Soseki và một cô gái (có lẽ là cô hầu). Cô gái hỏi về những giấc mơ trong "Mười đêm mộng" của ông, hỏi rằng khi nào nó sẽ được giải đáp. Soseki đáp: chắc một trăm năm nữa. Cô gái: Vậy thì có lẽ em phải tái sinh để chứng kiến việc đó. Soseki chỉ cười nhún vai.

Bộ phim là một chuỗi mười phim nhỏ sau phần mở đầu và cuối cùng là một phần kết thúc. Mười đạo diễn đảm nhiệm mười giấc mơ nhỏ cùng một đạo diễn làm phần mở đầu và kết thúc.

Mười câu chuyện của Soseki là mười câu chuyện siêu thực. Đã là siêu thực thì không thể hiểu được một cách trọn vẹn. Chính vì không thể hiểu được như vậy nên không phải giấc mơ nào cũng để lại ấn tượng. Mình chỉ cảm thấy những giấc mơ số một, ba, bốn, bảy, chín là nằm trong tầm với của mình. (lý giải theo lý thuyết dụng điển của Ngô Tự Lập là những giấc mơ đó như thế nào đó đã có chung một trường nhận thức với ký ức mình, sẽ bàn tới ở bài khác).

Ngôn ngữ của phim thể nào cũng phải khác truyện. Mười giấc mơ được mười đạo diễn khác nhau đảm nhiệm là mười phong cách điện ảnh hoàn toàn khác biệt. Giấc mơ của Soseki thường khá ngắn gọn và hàm súc. Vì thế để chuyển đổi cho trở thành một bộ phim bằng ngôn ngữ điện ảnh, các đạo diễn thường phải mở rộng các tình tiết ra một chút, khiến nhiều giấc mơ khác ít nhiều so với nguyên tác.

Thêm một điều đáng chú ý nữa, nguyên tác là do chính tác giả viết, nên nhiều khi Soseki không muốn bộc lộ hay chỉ bộc lộ gián tiếp những sự kiện của cuộc đời mình, ngay cả khi viết về những giấc mơ. Trong khi đó, những giấc mơ được chuyển đổi thành phim của các đạo diễn khác lại thể hiện khá nhiều khía cạnh của cuộc đời Soseki.
___________________

Giấc mơ thứ nhất được chỉnh sửa nhiều về ánh sáng. Bố cục gói gọn trong một căn nhà nhỏ, dường như là nhà trọ. Cách bài trí phong cảnh ngôi nhà khá đặc biệt khiến nhiều góc quay làm mình hay liên tưởng tới một cái sân khấu, cụ thể hơn là kịch Kobuki hay kịch Noh (nếu là Noh thì còn thiếu cái phông nền nữa thôi). Căn nhà có một chiếc đồng hồ đặc biệt, dường như là dấu chỉ cho thời gian, một chiếc furin (phong linh - chuông gió) như là những điều dễ bị một cơn gió rung động và một cánh cửa mở ra một khung cảnh đặc sệt chất mộng mị: một chiếc đu quay quay chầm chậm kọt kẹt theo thời gian.


Giấc mơ này có khung cảnh trái hẳn với liên tưởng của mình khi đọc. Mình hình dung ra một khung cảnh thoáng đãng hơn, thiên nhiên hơn, cụ thể là một khung cảnh ngoài trời, với vầng dương lướt trên đầu người đàn ông và người phụ nữ đang chết, chứ không phải một khung cảnh tù túng như vậy.

____________________

Phim về giấc mơ thứ ba bị lạm dụng quá nhiều hiệu ứng của phim kinh dị châu Á, điều này khiến mình không thích. Phim kinh dị (gọi toẹt là phim ma) của Nhật và Hàn hay dùng những hình ảnh ghê rợn làm người xem giật mình (ít thôi) và thấy ớn (là chủ yếu). Điều này khác với phim kinh dị của Hollywood, thường dùng hiệu ứng âm nhạc hay tạo không khí bằng việc xây dựng cốt truyện để chủ yếu làm người xem giật mình và ấn tượng chứ không để lại cảm giác ơn ớn cho người xem.

Về giấc mơ thứ ba trong nguyên tác của Soseki: đây là một giấc mơ về tội lỗi ám ảnh. Nó thật sự ám ảnh, với sự khắc họa rõ nét của tác giả đối với bóng tối và sự trĩu nặng.

Giấc mơ thứ ba cho độc giả thêm vài thông tin về những người con của Soseki.

___________________

Giấc mơ thứ tư được khắc họa khá dễ thương và có nhiều hình ảnh đậm chất siêu thực. Khi mình nói đậm chất siêu thực nghĩa là nó được tạo ra cùng kiểu với những bức tranh siêu thực như của Dalí.

Giấc mơ này khá là khác so với nguyên tác. Ở nguyên tác, Soseki chỉ nói về người cha. Ông mơ thấy cha ông vừa uống rượu vừa đi ra bờ sông vừa thổi sáo vừa ve vẩy một chiếc khăn vàng. Ông vừa đi vừa dắt theo một bầy trẻ, vừa nói sẽ biến chiếc khăn thành con rắn. Rồi cứ thế ông đi xuống sông. Soseki nghĩ rằng ông sẽ biến chiếc khăn thành con rắn thật, vẫn đứng chờ bên bãi sậy. Nhưng đứng hoài vẫn không thấy cha quay lên.

Còn trong phim có vẻ như đạo diễn muốn nói về tuổi thơ của Soseki. Ông sinh ra là một đứa con không mong muốn, được cho đi làm con nuôi, và có lẽ hay bị ốm yếu quặt quẹo như trong phim. Phim ngắn về giấc mơ thứ tư thể hiện một Soseki thanh niên trở về một thị trấn nhỏ, hiu hắt, có lẽ nằm ở quá khứ, để tìm kiếm những kí ức của mình về những người bạn lúc nhỏ. Dường như đó là một kí ức về một tai nạn. Cô bạn gái mặc đầm đỏ đã tặng cho Soseki chiếc vỏ ốc khi ông đuổi theo đến tận bờ biển. Nhưng vì Soseki không nghe được tiếng bên trong chiếc vỏ ốc nên ông không thể đi theo cô và các bạn. Họ từ từ đi xuống biển theo tiếng hát và tiếng sáo của một người đàn ông (người nói sẽ biến chiếc khăn thành con rắn) rồi biến mất.

Mình rất thích khung cảnh bên bờ biển. Một bờ biển đậm màu cam, với những chiếc cánh quạt khổng lồ nằm bên bờ biển xoay chầm chậm. Soseki quỳ nhìn về phía biển, rồi một chiếc máy bay lao ầm xuống.


___________________

Giấc mơ thứ sáu được khắc họa khá hay và ấn tượng. Đó là một sự kết hợp giữa trào phúng Nhật, nhạc pop và phim cổ điển, trong khi nguyên tác của Soseki sặc mùi nghiêm túc và truyền thống.

Có thể nói giấc mơ thứ sáu ám chỉ một niềm cảm hứng cao độ thông qua việc miêu tả Unkei (một nhà sư, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng ở Todaiji - Đông Đại Tự) sáng tạo ra tác phẩm điêu khắc của mình.

___________________

Trong nguyên tác, mình không thích nhất là giấc mơ thứ tám. Vì mình chẳng hiểu gì cả. Giấc mơ thứ tám có lẽ là giấc mơ khó dựng phim nhất. Phim về giấc mơ thứ tám cũng vậy, nhiều chi tiết mình không hiểu được.

___________________

Còn trong phim, giấc mơ mình không thích nhất là giấc mơ thứ mười. Theo cảm quan của mình, nó được dựng một cách nhảm nhí và rẻ tiền quá.

Nhưng đó là cảm giác của mình. Tốt hơn hết vẫn là không nên chê bai một sản phẩm trí tuệ của người khác một cách thậm tệ quá.

___________________

Những cảnh cuối của bộ phim trở lại với cô gái ở đầu phim. Cảnh vật bây giờ không phải là thời Minh Trị nữa mà là Tokyo hiện đại. Cô gái mặc một chiếc váy, quấn khăn choàng cổ, cầm cuốn sách (Yume Juya), đứng giữa phố, trời tuyết rơi nhẹ.

"-Một trăm năm ... đã đến rồi ư? ... Hay là lại phải chờ thêm một trăm năm nữa?"

___________________

Lúc này tôi mới bắt đầu nhận ra một trăm năm đã đến rồi.

(Đêm thứ nhất)

___________________
*: ghi tiếng Nhật lòe bịp thiên hạ thôi chứ cóc biết chữ tiếng Nhật nào ngoài chữ A () và chữ No (の).

Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

All the things left


Those fingers

or a gentle breeze
Those blades of grass
or the waving flowers
Those ballads
or those dance moves
started from the dying dawn
till the golden dusk.

Softly I dropped
resembling a flock of sparrow
gathering morning dew on a green meadow.

Too long too long
was the road.

All the things mysterious
I keep in my mind.
All the things left
Still are faraway.

In the dreams,
have there been so many nonsenses.
In those dreams which are perished when the new day is dawning,
has there been so much madness,
have there been so many bombastic speeches,
have there been beams of light twinkling here and there.

- What are you doing here, in this sparkling Paris?
- I am chasing these yellow butterflies.
- Didn't you go so far to this Paris for chasing stuff?
Why not trying some delicious baguette on the hill of Monmartre?
- No. I don't want to become like those Greek columns,
those solid columns supporting the weighty roofs.
Why don't pick those succulent ripe oranges
hanging down from above?

All the things left
Are not these glistenning oranges?

Please come you back when the winds have filled up the sky,
when the clouds have all melted like chocolate heating tenderly on fire.
Organic compounds are combusted.
All things are the rising smoke.
Ashes are not the things left?

I know after the storm
All the things left
Are all silence.


______________

chữ after cuối cùng đọc là ạp-tớ nghe sẽ giống thơ lục bát hơn. :D

tranh Here Comes the Flood - Rob Gonsalves.

Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

Những gì còn lại


Những ngón tay
Hay là làn gió
Những ngọn cỏ
Hay là những đóa hoa
Những bài ca
Hay là những vũ khúc
Cất lên từ lúc
Bình minh sắp tàn
Hoàng hôn nắng vàng
Tôi rơi nhè nhẹ
Như bầy chim sẻ
Ghé tìm sương mai
Con đường quá dài
Ai đi ai đi ai đi
Cho hết.

Những gì huyền bí
Nằm ở trong đầu
Những gì còn lại
Ở tít mai sau.

Có những người nói những điều vô nghĩa trong những giấc mơ
Những giấc mơ khi sắp bắt đầu úa tàn lúc ngày sắp đến
Có những điều quay cuồng
Có những lời hoành tráng
Có những ánh sáng lóe lên ở đây và ở kia.

Này người kia
Ngươi làm gì ở Paris
Tôi đuổi theo những cánh bướm vàng
Sao đến Paris mà lại đuổi bướm
Mà không ăn những chiếc baguette ngon lành ở khu Montmartre?
Không tôi không muốn trở thành như những chiếc cột Hy Lạp kia
Những chiếc cột cứng đơ
Chẳng làm gì ngoài việc chống đỡ những mái vòm nặng trĩu
Sao chẳng hái những quả cam chín mọng
Thòng xuống từ trên mái nhà kia?

Những gì còn lại
Phải chăng là những quả cam vàng?

Hãy trở về khi trời nổi gió
Khi những đám mây bắt đầu tan ra như sôcôla đun trên lửa nhỏ
Những chất hữu cơ bắt đầu bốc cháy
Còn lại gì ngoài những đợt khói bay lên?
Tro tàn?

Một khi cơn bão đi qua
Những gì còn lại
Chỉ là lặng im.


________________
Tranh Bedtime Aviation - Rob Gonsalves.

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Những gì huyền bí


Những gì huyền bí
Như một chiếc ô
Tỏa ra trong gió
Giữa ruộng bắp ngô
Ai ngồi dưới tán
Cây bắp khổng lồ
Hát vang điệu khúc
Như ngàn sóng xô
Hay tôi ngồi nghĩ
Phải chăng tình cờ
Về nơi ầm ĩ
Giữa đời nhấp nhô.

Những gì huyền bí
Tôi cất trong đầu
Như chim đập cánh
Bay đâu về đâu?

Tìm ra một thứ
Như một cuộc chơi
Giữa đường đứng lại
Ngồi nghỉ xả hơi.

Hai tay ta nắm
Điều huyền bí kia
Như tay ta nắm
Lấy một phép chia
Chia ra hai nửa
Nhị nguyên? Nhất nguyên?
Yêu Ly rút kiếm
Cắm phập vào tim.

________________

Yêu Ly : thích khách nước Ngô thời Xuân Thu.

Công tử Quang (con vua Ngô Chư Phàn) giết vua Ngô vương Liêu (con Dư Muội, Dư Muội là em của Chư Phàn), lên ngôi lấy hiệu Hạp Lư (có sự giúp đỡ của Ngũ Tử Tư). Con Liêu là công tử Khánh Kỵ trốn sang nước khác, chiêu nạp kẻ hào kiệt, kết liên với lân quốc đợi thời cơ về Ngô báo thù. Hạp Lư nghe tin lo ăn không biết ngon, nằm không được yên, nghe tiếng Yêu Ly yêu hùng bèn nghĩ kế dùng Yêu Ly để giết Khánh Kỵ.
Để Khánh Kỵ tin, vua Ngô bèn dùng khổ nhục kế khép Yêu Ly vào tội rồi chặt mất tay phải, giết chết cả vợ con. Yêu Ly gặp Khánh Kỵ, xin chiêu nạp để cùng báo thù vua Ngô. Khánh Kỵ tin dùng và kết làm tâm phúc.
Đến khi Khánh Kỵ đưa binh sĩ và thuyền bè xuôi dòng sông tiến đánh Ngô. Khánh Kỵ cùng ngồi chung thuyền với Yêu Ly, Yêu Ly nhằm lúc gió thổi mạnh cầm giáo đâm suốt bụng Khánh Kỵ. Kỵ xách ngược Yêu Ly lên dìm đầu xuống nước 3 lần rồi lại để lên trên đầu gối, cúi nhìn rồi cười mà bảo rằng: "Thiên hạ còn có dũng sĩ dám cả gan đâm ta !". Quân sĩ bèn xúm lại đâm Yêu Ly, Khánh Kỵ gạt đi mà bảo rằng: "Người này là dũng sĩ! Chớ nên trong một ngày mà để chết 2 dũng sĩ của thiên hạ. Đừng giết hắn làm gì, nên tha cho hắn về Ngô để tỏ lòng trung của hắn."
Sau đó, Yêu tự cho là mình bất nhân, bất nghĩa, bất trí: "Vì đạo thờ vua mà giết cả vợ con, thế là bất nhân; vì vua mới mà giết con vua cũ, thế là bất nghĩa; nên việc cho người mà đến nỗi tàn hại cả thân thể, cả vợ con, thế là bất trí. Đã phạm ba điều ấy, còn mặt nũi nào mà đứng trên cõi đời nữa!" nên tự sát chết.

[wikipedia]

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

Những sai biệt so với Địa Trung Hải và những suy nghiệm về nơi để tìm thời gian đã mất



Bầy cừu vàng
Chẳng con nào trắng
Gặm cỏ trên cánh đồng hoang.
Đàn bò màu rượu vang
Nhởn nhơ trên bờ cỏ cát.
Những ruộng nho
Trải dài tít tắp
Những quả nho xanh
Trĩu trên những giàn không cao.

Những người Chăm
Mặc chiếc áo dài lấm bụi
Dắt những con trâu đen.
Những đàn dê
Tai màu trắng
Gặm tất cả những gì vớ được.
Những con cò trắng nhỏ xíu
Chẳng to như hồng hạc
Khẽ đáp xuống ruộng lúa dài.

Những vườn thanh long trĩu quả
Dưới cái nắng chang chang
Đất khô cằn cỗi
Gió biển từng đợt trong lành
Ai sẽ hái những quả thanh long cho vào giỏ?

Ta mang gì trên lưng sau đợt đi bộ dài trên bờ biển đêm?
Từ những cơn sóng có tiếng nói với ta:
Hãy trút bỏ quần áo
Như những cơn gió Tây Nam ào ào thổi
Không có thời gian mà chờ
Không có thứ gì để mất
Không có thứ gì để được
Chẳng phải ngại ngần
Hãy biến thành làn gió.



Khi tôi nằm xuống đất
Vạn sự lặng im
Khi tôi dỏng tai lên
Có thứ gì chuyển động
Như là những linh hồn cây cối
Như là những ngày và đêm vùn vụt trôi qua
Như là nước Chiêm Thành xưa cũ.

Khi tôi trút bỏ quần áo
Có tiếng lao xao gì đó trên trời
Khi tôi chẳng còn gì cả
Cơn gió như hóa thành tôi.

Tội lỗi thành những làn hơi và bay lên trời
Ngày vui như những cánh chim trắng cuốn theo những làn gió
Nghĩa là cuốn theo tôi.

Làm gì có những cây olive to
Làm gì có thức vang thơm ngát.

Những quả thanh long đỏ hồng
Thành những ngọn đèn soi sáng
Io son divino! Io son l'oblio!
Io sono il dio che sovra il mondo
Umberto Giordano

Thời gian trôi đi vùn vụt
Này đây da thịt của ta
Này đây linh hồn của ta
Thân thể ta là cái Đẹp
Linh hồn của ta là nguồn suối
Ai gieo vào đầu ngươi ý nghĩ ta không đẹp như nhành hoa kia
Như ngọn gió kia
Như dòng nước kia
Như tiếng chim đang hót váng ngoài xa xa?


Cát sỏi khô cằn
Da thịt ta đầy bụi đất
Ai đã mang ta đến đây?
Ai sẽ rời bỏ ta đi?
Ai ta sẽ bỏ lại trong quên lãng?

Thời gian chẳng có để mà mất
Ta bay cao
Như chưa bao giờ được bay
Dòng suối chảy như chưa bao giờ được chảy
Còn da thịt ta phát ra ánh hào quang.

Chẳng có gì để che giấu
Vì chưng sống là một diễm phúc
Vì chưng biết rằng mình không thấp kém hơn một đóa hoa là một hiểu biết tuyệt vời.

_____

Ảnh chụp ở Ninh Thuận.